Phẩm chất Thanh niên xung phong trong trường ca “Con đường nước mắt” của Trịnh Ngọc Dự

Đăng lúc: 07-11-2024 1:25 Chiều - Đã xem: 332 lượt xem In bài viết

Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam 22/12/1944-22/12/2024

 

Lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, đã được các văn, nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết để phản ánh qua tác phẩm của mình. Và kỹ sư cầu đường, nhà thơ Trịnh Ngọc Dự[1] (ảnh dưới), hội viên Hội Nhà văn Thanh Hóa không phải là ngoại lệ.

Đọc “Trịnh Ngọc Dự thơ và trường ca tuyển chọn”[2] (ảnh dưới) người viết bài này nhận thấy phẩm chất và hình ảnh TNXP được ông đề cập hầu hết trong các bài thơ, đặc biệt trong trường ca Con đường nước mắt[3] gồm 7 khúc (7 chương), ông dành trọn để viết về TNXP. Mở đầu trường ca, ông ghi: “Kính tặng Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, Ban Xây dựng 67 anh hùng”.

Ông bộc bạch: “Có không ít người làm thơ xuất thân từ những ngành kỹ thuật khác nhau. Tôi không coi mình là có cơ duyên khi dấn thân vào con đường này, nhưng nghề nghiệp là vậy! Chính đội ngũ cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải cùng lớp lớp thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…đã tiến dần vào miền Trung – tới những con đường giáp mặt trận, đã cho tôi tình yêu thương, ý chí và những câu thơ…

Người làm giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ có nhiệm vụ mở đường, làm các công trình vượt sông, suối và nuôi giữ con đường cho người và xe ra mặt trận. Bao nhiêu gian khổ, bom đạn, hiểm nguy nơi rừng thiêng nước độc: “sức người mài mòn năm tháng và máu đỏ thấm trên từng cây số”. Các thế hệ thanh niên xung phong đã hiến trọn tuổi xuân: “con gái ôm nhau cười khanh khách, thèm bàn tay níu lại chút xuân thì…” Ở đây tôi đã làm thơ ghi lại đời mình và đồng nghiệp…”

Người viết xin bày tỏ những cảm nhận qua trường ca “Con đường nước mắt”.

Ở thập kỷ 60 của thế kỷ trước, thế hệ thanh niên Việt Nam không thể ngồi yên khi đất nước bị chiến tranh tàn phá. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ và Đoàn thanh niên, họ tạm gác ước mơ vào đại học, sẵn sàng xung phong tình nguyện lên đường chống Mỹ. Trong tâm khảm họ còn mang theo: Hương cốm mùa thu chị chọn từ những bông nếp sẫm hạt/mùa vàng cơm thơm, vại dưa và nồi cá thơm mùi lá nghệ/lời mẹ kể về cha những đợt dân công mạn ngược Điện Biên…, Chúng tôi đi từ đồng bằng sông Hồng, sông Chu, sông Mã, sông Lam, sông Gianh, Nhật Lệ …đang chờ. Một không khí sôi động, háo hức: Chúng tôi đi từ buổi nhập ngũ cả làng như ngày hội. Với lòng khát khao được lên đường chiến đấu, nhiều người đã: Đứa chưa đủ cân thì “độn” thêm cân/đứa chưa đủ tuổi, xin thêm ngày thêm tháng”. Mọi người hăm hở khi nhận quân trang, quân dụng: Màu cỏ úa là màu quân phục “Ba sẵn sàng”[4]/chiếc ba lô là hành trang vào tuyến lửa/giọt nước mắt mẹ mừng thành nỗi nhớ lúc ra đi” (Khúc I: Ra đi).

          Họ bắt đầu cuộc hành quân với những bỡ ngỡ và thử thách: Thấy biển trập trùng và núi dâng cao/đêm hành quân bàn chân phồng rộp/Ngày máy bay Mỹ rượt trên đầu/ qua trung du những vùng đồi nắng gắt/những con đường bụi đỏ bazan/đất Quảng Bình bom cày đạn xới/ vùng “cán xoong” là đích chúng tôi nhằm”. Những nhiệm vụ được xác định, những gian nan nếm trải: Nơi chúng tôi là muôn ngả đường rừng/dốc phải hạ cho đoàn quân vượt dốc/đường phải thông, xe kịp tới chiến trường!  Khẩu hiệu trong tim“Mặt đường là trận địa”/Cuốc xẻng, đục choòng vũ khí chúng tôi mang/Tiếng mìn nổ là niềm vui phá đá/Phát súng chỉ thiên là hiệu lệnh cứu đường (Khúc I: Ra đi). Rồi: Sức trẻ mài mòn năm tháng/ Và máu đỏ thấm trên từng cây số/Nâng xác bạn trên tay mới hiểu rõ nơi này/Bữa cơm chiều lưng xoong bỏ dở/Bát đũa bạn cầm thừa lại chiều nay. Biết bao thử thách đến với anh chị em: Trời mưa dầm, chúng quăng bom tọa độ/Trời nắng nung, từ bốn hướng bổ nhào/ Ngăn đoàn xe, bom từ trường chúng rải/ Bất thình lình bom nổ chậm đinh tai. Họ còn đối mặt với các khó khăn: Thèm một cọng rau ở giữa rừng già/ Rau dớn, rau tàu bay cũng hết…/Áo quần đâu cho lại với bụi đường/ Một tuần lễ hong chưa khô tay áo/ Một chiếc khăn tiểu đội dùng chung…/ Sốt rét rừng mỗi người mỗi bận/ Da tái, mắt mờ, tóc rụng, môi thâm/Tuổi thanh xuân mòn mỏi giữa rừng già/ Con gái ôm nhau cười khanh khách/ Thèm bàn tay níu lại chút xuân thì (Khúc II: Rừng ơi).

          Thơ đặc tả những con người quyết sống để con đường không thể chết: bốn bảy ngày đêm là trận chiến/ cơm và vội giữa hai loạt bom/ áo không kịp thay, xẻng cuốc bên mình/ khói đen đặc, khói vàng, khói trắng/tiếng bom gần thình thịch trên lưng. Và thơ khiến người đọc thấy một cảnh huống trần đời mà cũng thật phi thường: Mỗi lần lên đường, một lần truy điệu sống/ Có nơi đâu con người được dự truy điệu mình. Vì sự sống của con đường, các chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh:

“Bỗng đất trời đổ sụp

từng loạt bom rung chuyển đồi Cha Quang[5]

cả dãy đồi bao lần chúng đánh

ụp xuống đại đội làm đường

cuốc xẻng vùi sâu trong đất

khói chưa tan, đất trời mù mịt

không còn nghe tiếng người

trăng rỏ máu xuống mặt đường”.

(Khúc III: Khúc tráng ca đồi Cha Quang).

Dù bom đạn của quân thù có ác liệt đến mấy cũng không khuất phục được ý chí kiên cường của TNXP:

“Chúng tôi mở vào sâu trong tuyến

bom Mỹ càng dày, lửa đạn ác liệt hơn

dọc con đường đâu cũng là trọng điểm

máy bay gầm rú ngày đêm

Con đường này: đường Hai Mươi Quyết Thắng[6]!

Lứa tuổi hai mươi bạt núi san đồi

Xuyên dãy đá vôi, nối Đông Tây một dải

Cho người đi xẻ dọc Trường Sơn”

Ngoài ý chí kiên cường, dũng cảm, những TNXP còn rất thông minh, sáng tạo:

“Cuộc đối đầu giữa không lực Hoa Kỳ

với ý chí và lòng quả cảm

mảnh mai cô gái Hà Nam

Nguyễn Thị Liệu, người phá bom nổ chậm[7]

Một cây dao rựa, một gói thuốc nổ

đào đất ốp vào bụng trái bom

dây cháy chậm không thể dài hơn

bộc phá nổ và bom cũng nổ

Tám trăm trái bom “bốc” khỏi lòng đường

cứ thế mà qua cung đường “cửa tử”

qua cua chữ A, qua ngầm thác đổ

qua dốc sương mù, qua đèo chênh vênh…”

(KHÚC IV: Con đường tuổi hai mươi”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về đường Hai mươi Quyết thắng như sau:

“Đường 20 – Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên” (ảnh).

Nói đến phẩm chất TNXP không thể không nói đến tinh thần lạc quan, niềm tin sắt đá vào chiến thắng của dân tộc. Trong lúc gian khổ, ác liệt họ vẫn nhớ về quê hương: “Chúng nó đánh…chắc đâu đã trúng/trúng rồi, chắc chết được đâu!”. Và:

Ở ngoài ấy giờ làm gì hở mẹ!

Lúa đã lên xanh, ngô đã trổ cờ?

Đến bao giờ rơm vàng đầy ngõ

Bữa cơm thơm mùa gặt mọi nhà

 

Thêm cái tết con chưa về được

Trăng có còn sáng ở bờ ao

Cây nhãn sau vườn, cây na trước ngõ

Bên góc sân rực rỡ hoa đào!

 

Con ở đây nghe tiếng bom đạn rít

Tiếng tàu bay mãi rồi thành quen

Chỉ nỗi nhớ cứ ngấm vào da thịt

Trong tâm can là bóng mẹ sớm hôm.

(Khúc II: Rừng ơi)

Những con đường sẽ gặp nhau qua Sê Pôn, Đường Chín

Mọi con đường đều dẫn tới tiền phương

Bao đôi lứa tình yêu không hẹn

Lại gặp nhau rạng rỡ phía con đường

(Khúc V: Mọi con đường đều hướng tới tiền phương).

Bạn ta mất chắc giờ yên dạ/ Ông bà đã nhận con dâu, cháu nội/ Trong nỗi đau bỗng gặp niềm vui! … /Cho ta tựa vào con đường đất đỏ/ Làm hành trang bước tiếp giữa cuộc đời/Ta hỏi đất, đất ứa ra giọt nước/ Nước mắt con đường-hạt máu tuổi hai mươi. (Khúc VII: Vĩ thanh).

Trường ca “Con đường nước mắt” của Nhà thơ Trịnh Ngọc Dự như một bộ phim quay chậm phản ánh về phẩm chất dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Những phẩm chất đó đã làm rạng rỡ truyền thống hào hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam anh hùng trong gần 75 năm qua.

Để kết thúc bài viết này, người viết xin được mạn phép nhắc lại lời Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức trướng ghi câu nói cùng chữ ký của Đại tướng gửi tặng Hội Cựu TNXP Việt Nam ngày 18/12/2009: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”.

 Lê Văn Huấn

 


[1] Trịnh Ngọc Dự, 1944, hội viên Hội Nhà văn Thanh Hóa, kỹ sư cầu đường, nguyên cán bộ kỹ thuật Đội cầu 10 Anh hùng, Ban xây dựng 67, Bộ Giao thông vận tải.

[2] Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam 2020.

[3] Giải thưởng trong cuộc thi do Bộ GTVT và Hội NVVN, ban đầu có tên là Nước mắt con đường.

[4] Thanh niên xung phong trong phong trào Ba sẵn sàng: “Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến” do Trung ương đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động, thường gọi tắt là Thanh niên “Ba sẵn sàng”.

[5] Đồi Cha Quang (Km21, Đường 12A) địa thế hiểm trở. Máy bay Mỹ đánh phá suốt 47 ngày đêm. Trận bom ác liệt lúc 22 giờ ngày 3/7/1966 vùi lấp 7 TNXP Đại đội 759. Do nhiệm vụ phải quyết định vừa san đường thông tuyến vừa tìm kiếm xác đồng đội.7 liệt sĩ đều quê huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình gồm 2 nữ, 5 nam. Ngày 11/7/1966 tìm được thi thể 6 người. Năm năm sau: năm 1971, khi xe ủi dốc làm đường tìm thấy hài cốt liệt sĩ thứ 7 là Trần Xuân Trường, bên cạnh chiếc đèn pin và bi đông nước khắc tên anh.

[6] Đường Hai Mươi Quyết Thắng từ Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm là con đường phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây trường Sơn, thông xe ngày 31/5/1966.

[7] Nguyễn Thị Liệu (Nguyễn Thị Vân Liệu) Đội TNXP tỉnh Hà Nam: quê thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, có sáng kiến bới đất dưới quả bom nổ chậm đặt mìn phá bom. Chị và đồng đội đã phá được 790 quả. Chị hi sinh ngày 27/5/1968 khi mới 23 tuổi. Ngày 10/4/2001 được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.