Phát biểu của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đăng lúc: 05-11-2024 9:22 Chiều - Đã xem: 272 lượt xem In bài viết

Kính thưa Quốc hội!

  Ngay từ buổi sáng khai mạc kỳ họp, bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát đi từ trung tâm Ba Đình lịch sử, lan tỏa nhiệt huyết và niềm tin cho các đại biểu Quốc hội, đồng bào, chiến sĩ cả nước. Đồng chí nhấn mạnh: “Chuẩn bị ngay mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc”, “thực hiện ước nguyện Bác Hồ là sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 Những năm qua, sau đại dịch Covid 19 nước ta phục hồi kinh tế nhanh chóng. Tôi mong muốn Nhà nước hãy trao những tấm Huân chương đặc biệt  truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp tiên phong; vì họ đã và đang sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ và giá cả, chinh phục thị trường toàn cầu. Nhiều tập đoàn kinh tế đã vươn lên mạnh mẽ vượt qua “cơn gió ngược”, như Viettel, FPT, Vingroup, thép Hòa Phát, ngành viễn thông v.v…với hàng vạn doanh nhân tên tuổi, cùng với hàng triệu nông dân lao động sáng tạo, cho ra nhiều mặt hàng chất lượng, những thương hiệu OCOP, đưa thực phẩm Việt lên bếp ăn người ngoại quốc, góp phần cứu đói và an sinh cho bao nhiêu người, tạo nên những kỳ tích thời Đổi mới.

 Kính thưa Quốc hội!

 Năm quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ nêu ra trong Báo cáo thật sự đổi mới tư duy, soi rọi vào nhiều vấn đề thực tiễn thấy rõ bước đi chiến lược; nước ta có 77 triệu 930 nghìn người dùng Internet, nhiều người dõi theo, bình luận, ủng hộ và cổ vũ sự bứt phá dám nghĩ, dám làm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy tính tích cực, Chính phủ đã điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đầu tư công mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm và phát động thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội.

 Tôi nhất trí với Chính phủ về Mười một nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025; trong đó có nhiều tâm đắc, như là: Đột phá mạnh mẽ hơn về cơ chế, chính sách khai thông nguồn lực. Điểm nghẽn của điểm nghẽn là cơ chế chính sách, Quốc hội lập pháp phải tập trung việc gì để tháo gỡ, giữ vai trò mở đường; Chính phủ điều hành năng động, linh hoạt, kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo ra động lực tăng trưởng. Ở đây tôi thấy rằng: Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại là chủ trương phân cấp, phân quyền chưa có kết quả như mong muốn. Dẫn chứng là Nghị quyết 04/CP ban hành ngày 10/1/2022 nhưng chuyển biến chậm, khiến Chính phủ phải nhắc nhở bằng văn bản số 865/CP ngày 23/10 vừa qua. Đây là câu chuyện quyền lực nhà nước – ai đưa ra quyết định, quyết định cái gì, ai làm, ai chịu trách nhiệm? Trung ương hay địa phương, Chính phủ hay bộ, ngành? Hiện nay có khuynh hướng: không dám quyết, không dám làm, sợ sai, hoặc vừa làm vừa run vì chưa biết có bị hồi tố hay không (!) Ai cũng biết: quyết đáp không đúng lúc, dang dở công trình, chậm đưa vào sử dụng, tài sản tiền vàng kê biên để đó, lãng phí thời gian, nguồn lực là sự thất thoát không ít tiền của nhà nước và nhân dân.

 Điện lực là một thí dụ, cần phải giữ an ninh năng lượng, tránh tình trạng điện “chập chờn” như giữa năm 2023; lần này Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi một số điều, Quốc hội nên ủng hộ chủ trương thông qua luật rút gọn tại 1 kỳ họp, không nên do dự. Phân cấp, phân quyền mạnh cho Chính phủ, phát huy vai trò Bộ Công thương để chủ động cụ thể hóa 53 điều trong 130 điều luật. Thực hiện sơ đồ điện VIII là chủ trương xã hội hóa, không độc quyền. Rút kinh nghiệm cần tiết kiệm, tránh lãng phí vì đã đầu tư lớn cho điện nhưng không có hợp đồng sử dụng; “Mỗi hòn than, mẫu sắt, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”. Hơn lúc nào hết, điện rất cần thiết cho trước mắt và lâu dài, như Lê Nin từng nói: “Chủ nghĩa cộng sản là gì? là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”.

 Về thu Ngân sách: Đề nghị phải sửa lại Luật Ngân sách vì tỷ lệ thu ngân sách Trung ương có xu hướng giảm, đây là một mối nguy – khiến Chính phủ khó cân đối thu chi, thiếu nguồn lực đưa ra cú hích vào mục tiêu cần thiết. Tài nguyên nói chung, kể cả đất đai chỉ để địa phương một phần thu, còn nhất thiết Trung ương phải điều tiết ngân sách đúng mức, vì lợi ích chung của quốc gia.

 Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu chính sách mới về dân số, vì nước ta đang đứng trước 2 thách thức: một là “già hóa dân số”; hai là phải chủ động phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, vừa giữ vững đà tăng trưởng bền vững, vừa chuẩn bị lực lượng làm chủ “nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao” trong tương lai gần. (năm 2045 là mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.)

 Báo cáo Chính phủ nêu chủ trương chỉ tinh giản bộ máy hành chính ở cấp huyện và cấp xã, tôi thấy chưa được; chúng ta cần tiến hành tinh giản cả địa phương, trung ương, các ngành. Có đồng chí Bộ trưởng trao đổi với tôi rằng: “Bộ mình, nếu giảm 30 – 40% biên chế thì chẳng có hề hấn gì!” Thiết nghĩ, giảm biên chế là sẽ giảm bớt thủ tục hành chính nhiêu khê, giảm nhũng nhiễu, vì không “còn ai vẽ vời, cò kè xin cho, dụ khị bôi trơn”. Vả lại, giảm biên chế sẽ có điều kiện tăng lương cho cán bộ làm việc mẫn cán, chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn.

 Xin cảm ơn Quốc hội!

Hà Nội, ngày 04 /11/2024

Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định