Phát biểu của luật sư Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, tại Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Cựu TNXP tỉnh Kon Tum

Đăng lúc: 14-07-2019 5:07 Chiều - Đã xem: 185 lượt xem In bài viết

 Ảnh: TT (baokontum.com.vn)

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, thưa các đồng chí, đồng đội thân mến!

   Hôm nay, tôi rất phấn khởi được về tham dự Đại hội cùng các đồng chí, đồng đội Hội Cựu TNXP tỉnh Kon Tum!

   Lời đầu tiên, thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, tôi xin gửi đến các đồng chí đại biểu cùng toàn thể các đồng chí, đồng đội lời chúc sức khỏe, có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Vui bởi tiếng chiêng, tiếng cồng, múa hát mừng những ngày lao động; Trời cho được mùa ở khắp các bản làng của bà con dân tộc Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Brâu, Rơ Măm cùng bà con người Kinh, hợp thành cộng đồng các dân tộc anh em chung sống đoàn kết, chan hòa, no ấm trên dải đất Tây Nguyên hùng vĩ này. Đồng thời, xin chúc mừng thành tích các cấp hội, toàn thể hội viên, cựu TNXP trong tỉnh nhà, đã phấn đấu giành được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua; đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất cao, đại hội này đã đưa ra và quyết nghị chương trình hành động một cách tích cực, hứa hẹn nhiệm kỳ tới chúng ta sẽ thu nhiều thắng lợi hơn nữa. Chúc Ban chấp hành các đồng chí vừa bầu ra chung một lòng đoàn kết vì nghĩa tình đồng đội, vì xã hội mà phấn đấu vươn lên!

   Thưa các đồng chí!

Tỉnh ta có tổng số 4.302 cựu TNXP, trong đó đã từ trần là 711 đồng chí, tôi hết sức xúc động vì trong báo cáo này, hôm nay nói rõ các đồng chí đã mất, đã hy sinh. Tôi nghĩ số lượng vẫn còn nữa vì nhiều đồng chí đã về các miền quê sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại đây. Hơn 6 tỷ 400 triệu đồng, hội ta đã huy động lo việc nghĩa tình đồng đội, đó là việc rất lớn; tôi nói là rất lớn vì ý nghĩa sâu xa của nó. Năm năm qua, với những phong trào, những công tác xã hội đã làm được, tôi cho rằng hội các đồng chí vẫn còn có rất nhiều người gương mẫu, xông pha, nhiệt tình trong điều kiện một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất khâm phục, kính trọng và chia vui cùng các đồng chí!

   Tuy nhiên, ở những nơi núi cao, những bản làng xa lắc mà tôi từng được đi, được đến có còn khổ lắm không? Tôi nghĩ, chắc điều kiện giao lưu gặp gỡ, chuyện trò được ít hơn, thời dĩ vãng – tuổi xuân phơi phới – ta đi mở đường qua rồi. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, đau thương vẫn còn chôn sâu trong lòng, chưa thể chia sẻ hết với nhau, có khi đành phải mang theo cho đến chỗ nằm của mình trên cái núi, cái rừng phía bên kia…Ngày đẹp trời nào đó các đồng chí sẽ ra đi, lá cờ truyền thống TNXP sẽ được trân trọng phủ lên chiếc quan tài. Phải không các đồng chí? Vì ai tôi cũng thấy già rồi, chống Mỹ nay tuổi đã già, chống Pháp càng già hơn. Còn bao nhiêu chính sách nữa chưa xong, chúng ta phải cố gắng làm cho anh chị em, không thì còn đâu nữa chứ!

   Thưa các đồng chí, đồng đội!

Nhân đây tôi nói rõ thêm cái điều chúng ta rất tự hào để các đồng chí quên bớt cái mệt nhọc mà sống vui, sống khỏe, sống có ích. Đó là sự ra đời của Lực lượng TNXP Việt Nam chúng ta, là điều hết sức đặc biệt. Vì sao đặc biệt? Vì tính quyết đoán, sáng tạo và độc đáo của Bác Hồ Chí Minh, quyết định điều này Bác rất tin tưởng vào thanh niên. Điều này thế giới cũng chưa từng có tiền lệ.

Các đồng chí ạ, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày càng ác liệt, Bác Hồ đã giao cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành lập ra Đội TNXP đầu tiên gồm 225 đội viên, sau này phát triển liên tục lên trên 60 vạn TNXP trong cả nước. Trước tình cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng chí Tố Hữu đã khắc họa lên hình ảnh: “Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn[i]” Các lực lượng TNXP đã cùng bộ đội, “chân sắt vai đồng”, bao nhiêu ngày đêm vượt núi băng rừng, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, sau đó là đế quốc Mỹ, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới…. Vì thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Chính nơi đây, từ trong làng quê, anh Đinh Núp[ii] bước ra bắn Pháp chảy máu, cũng với một tinh thần tự nguyện xung phong, nữ đồng chí Y Buôn, anh hùng A Xâu[iii] và còn biết bao thanh niên dũng cảm như thế trên mảnh đất thiêng liêng này.

Đồng chí Vũ Trọng Kim với các đại biểu nữ cựu TNXP của xã xa nhất
của huyện xa nhất: Đăkglei

 Thưa các đồng chí!

Hôm nay các đồng chí ngồi đây, là những người đã từng trải qua biết bao gian khổ, tôi cũng không thể nào biết hết được những ngày đêm đạn bom ác liệt, các đồng chí đã đi mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm … hay đánh giặc giỏi, lập công xuất sắc đến chừng nào, và khổ cực đến chừng nào? Có ai biết những cơn sốt rét rừng, đói rau, lạt muối, ốm đau, bệnh tật, bị thương không một viên thuốc; có ai biết và chia sẻ với TNXP những ngày tháng một mất, một còn với quân thù; còn các đồng chí nữ TNXP thì chao ôi – tôi xin dùng từ – khổ hết biết! Ai thấy được, ai đã khóc thương cho những người đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ để có được cuộc sống hôm nay? Đảng ta và nhân dân ta sáng suốt, kịp thời tôn vinh và khắc ghi công trạng cho những người con quả cảm. Còn những ai chưa biết, chưa tưởng tượng ra được, hãy nhìn lên tượng đài, những tấm bia khắc tên các Anh hùng liệt sĩ; hãy để cho những thương binh, cựu TNXPcòn sống sót kể lại cho mà nghe….Đau thương lắm, không chỉ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến mà cả dân tộc này đã phải ra mặt trận.

   Bản thân tôi đã cùng bước đi với các đồng chí. Ngày ấy, cha tôi bị địch bắn thẳng vào đầu, tôi đau đớn nhiều lắm và đã phải chọn con đường dấn thân, chịu đựng những tháng ngày gian lao như các đồng chí. Có thế, tôi mới hiểu Đảng và Nhà nước này đã sớm quan tâm, có nhiều chính sách để bù đắp phần nào cho các liệt sĩ, thương binh và cho người còn sống sót sau chiến tranh đầy máu và nước mắt. Nếu ai đó, ngồi đây, cầm cây bút duyệt những đồng tiền về chính sách cho TNXP thì hãy coi đó là những đồng tiền xương máu. Tiền trợ cấp 1 lần cho người TNXP hoàn thành nhiệm vụ trở về chỉ có 2 triệu rưỡi đến hơn 3 triệu đồng, như thế có nhiều không? 540 ngàn cho 01 tháng đối với người TNXP mất sức lao động, không còn nơi nương tựa, có nhiều không? 10 tháng lương tính theo mức cơ sở cho việc mai táng một đồng chí từ trần, có nhiều không? Không nhiều, thưa các đồng chí. Nhưng cái thời đất nước còn khó khăn, số lượng cựu TNXP lại đông, cả những người có công với nước được hưởng chính sách như vậy là quá lớn. Bây giờ, đất nước ta có điều kiện hơn trước, nếu không lo được cho họ thì lương tâm ai mà không bị cắn rứt (!)

    Các đồng chí đã biết, Hội chúng ta trong cả nước 5 năm qua đã huy động làm được hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, trao nhiều sổ tiết kiệm cho TNXP bằng công tác xã hội hóa. Công bằng mà nói, đó là việc không dễ dàng nhưng vì nghĩa tình đồng đội, là ăn quả nhớ người trồng cây… Đồng tiền cũng rất quý, nhưng có so sánh nào bằng khi vết thương trong lòng các chị, các anh vẫn còn đó! Thưa các đồng chí, cựu TNXP đâu có ai dám công thần; bây giờ vẫn còn chịu đựng, vẫn tìm cách mưu sinh, bươn chải trong cuộc sống đời thường.

Đồng chí Vũ Trọng Kim với chị Y Máy (70 tuổi), có 8 người con, một đại biểu tham dự Đại hội,
người dân tộc Ya-Rai trên ngọn núi Ngọc Linh nổi tiếng

   Thanh niên xung phong chúng ta đã tâm niệm – nay chúng ta vẫn tâm niệm – viết lên trên trán mình 2 chữ “nêu gương”. Thật vậy, với đồng đội, chúng ta đã cố gắng, như việc đi tìm hài cốt, giúp nhau mưu sinh, trang trải cho cuộc sống, đau khổ nhất là các đồng chí mắc di chứng, con đẻ ra cũng bị nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin; với xã hội, chúng ta gìn giữ tinh thần yêu nước, yêu đồng bào như xưa, chúng ta không được công thần, không hề kêu ca.

Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời được 15 tuổi, đã làm nên một việc lớn có nhiều ý nghĩa, đó là việc kết nối những tấm lòng đồng đội và phát huy những “Nhân chứng lịch sử”; tôi thiết nghĩ, không ai có thể dựng lên bức tường rào ngăn cách giữa chúng ta. Tại sao Hội cơ sở (xã, phường) không được thành lập, vậy liên hệ hội viên bằng cách nào? Ai ngăn cấm không thành lập hội 4 cấp, vì sao? Hội có một nơi sinh ra – Bác Hồ dựng lên ngọn cờ tập hợp những người trẻ tuổi cả nước tham gia công tác kháng chiến, kiến quốc – từ ngọn Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm xưa ấy. Hội chỉ có một nguồn gốc, tại sao chia ra nhiều thể loại, sinh nhiều cái điều lệ? Đó là cách quản lý nhà nước phải không, Bộ Chinh trị chỉ ra rồi, tôi xin đọc nguyên văn: “Nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận Điều lệ của Hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng”. Thế mà hôm nay đại hội chúng ta vẫn làm theo một cách khác. Một ngày gần đây, Bộ Chính trị sẽ tổng kết lại văn bản kết luận số 102 ngày 22/9/2014 về tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng; và còn bao nhiêu văn bản, nghị định của Chính phủ vẫn thực hiện nửa vời, hoặc không được thực hiện.

Thưa các đồng chí! Tại vì sao Hội ta là hội có tính chất đặc thù? bởi vì lực lượng TNXP đem xương máu ra, đem sức lực, tài năng gánh vác công việc đất nước. Dù sao đi nữa nó cũng rất đặc biệt. Đặc biệt là đặc thù. Bên cạnh bộ đội là ai, cùng chiến hào đánh giặc là TNXP. Vì thế, tôi xin nhắc lại một lần nữa, Bác Giáp đã ghi nhận rằng: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội vì trong phẩm chất của thanh niên xung phomg có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ năm nào cũng nhắc lại bằng văn bản cho các bộ ngành thực hiện rằng, ở trung ương có 28 hội đặc thù, thế mà không biết vì sao một số tỉnh, huyện có rồi lại cắt đi. Cắt thế có đau không các đồng chí? Tôi đã dành công tác phí ít ỏi để đến tận nơi, báo cáo các đồng chí lãnh đạo, quản lý địa phương đừng có cắt. Tôi nói rồi mà vẫn cứ cắt, có nơi lại sáp nhập hội ta với các hội khác, không có tính chất nào chung cả. Thế có tội nghiệp không các đồng chí! Trong lúc kẻ tham nhũng, tiêu cực gặm xương tủy của nhân dân thì phải đánh cho tới nơi, tới chốn, giành lại cái nó đã cướp để chia cho dân nghèo, người còn khổ.

    Thưa các đồng chí! Tại vì sao trong báo cáo các đồng chí nói rằng Hội ta không có 4 cấp, không có hệ thống. Nhầm lẫn quá rồi! Điều lệ đây – tôi cầm trên tay đây – đồng chí Bộ trưởng Nội vụ ký đây, bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nuóc là thừa ủy quyền của Chính phủ ký, ban hành ra văn bản quy phạm pháp luật, mà văn bản quy phạm pháp luật là gì, là cơ sở pháp lý chớ còn gì!

Tôi xin báo cáo cụ thể với các đồng chí, trong Điều lệ Hôi có ghi rõ, tại Khoản 1, Điều 2 quy định: “Hội Cựu TNXP Việt Nam là tổ chức xã hội tập hợp lục lượng thanh niên xung phong cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc…”; tại Khoản 1, Điều 4 nêu rõ: “Hội hoạt động trong phạm vi cả nước…trong lĩnh vực xã hội về cựu thanh niên xung phong…”; tại Khoản 2, Điều 8 đã nêu: “… Hội Cựu TNXP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; tại Khoản 1, Điều 12 nói rõ về cơ cấu tổ chức của Hội là: “Hội Cựu TNXP đươc thành lập ở Trung ương và địa phương: a) Ở Trung ương: Hội Cựu TNXP Việt Nam; b) Ở địa phương bao gồm: Hội Cựu TNXP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Cựu TNXP quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Cựu TNXP xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội Cựu TNXP ở địa phương).

    Và còn đây, văn bản kết luận số 102 của Bộ Chính trị, tôi đã dẫn trên đây, còn nói rằng: “2.6-Các Tỉnh ủy, Thành ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoạt động của các hội trong phạm vi địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Như vậy, công tác hội không chỉ riêng là công việc của chính quyền.

   Thưa các đồng chí, đồng đội thân mến! Trong báo cáo tại Đại hội hôm nay có nêu: “Được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo giúp đỡ tận tình chu đáo của cấp ủy, chính quyền và cơ quan ban ngành đoàn thể trong tỉnh, sự hướng dẫn kiểm tra sâu sát của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam. Đặc biệt là ngành Nội vụ, cơ quan chủ quản của hội, và tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã tạo moị điều kiện thuận lợi để tổ chức hội luôn được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả từ tỉnh đến xã – phường – thị trấn…”. Trên tinh thần đó, tôi xin phép thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội trân trọng cảm ơn các cấp lãnh đạo, quản lý của tỉnh nhà, đồng thời mong muốn rằng Hội chúng ta tới đây sẽ tiếp tục được sự quan tâm của quý cơ quan nhiều hơn nữa. Một lần nữa, tôi trân trọng chúc sức khỏe các đồng chí, chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin chân thành cảm ơn!

KonTum, ngày 12/7/2019

Một số hình ảnh khác:

 

 

 


[i] Trích trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu làm tháng 5/1954

[ii] Đinh Núp (1914 – 1999), còn có tên là Sar, là một nhân vật lịch sử Việt Nam, người dân tộc Ba Na; nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI (1976 – 1981). Đinh Núp được phong anh hùng và thường được gọi là Anh hùng Núp như là một danh hiệu vinh dự

[iii] Năm 1969, A Xâu (dân tộc Giẻ – triêng) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng  Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh sinh năm 1944 tại làng Lao Lu, xã Đăk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum