Phát huy sức trẻ – nhân tố làm nên chiến thắng

Đăng lúc: 29-03-2020 9:28 Chiều - Đã xem: 112 lượt xem In bài viết

 PV: Đồng chí cho biết về nội dung và ý nghĩa của phong trào BA SẴN SÀNG, NĂM XUNG PHONG trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngay sau khi đế quốc Mỹ gây ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”; ngày 9 tháng 8 năm 1964 có 26 vạn đoàn viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội xuống đường phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa, leo thang ra Miền Bắc nướcta.

Lúc bấy giờ, tinh thần kháng chiến của nhân dân ta lên rất cao. Đoàn thanh niên Lao động phát động phong trào 3 sẵn sàng: “Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ Quốc cần; phong trào đã nhanh chóng lan tỏa ra các tỉnh, thành phố.

Chỉ sau 1 tháng, có hơn 4 vạn thanh niên đăng ký rèn luyện, với tinh thần “ Vai trăm cân, chân ngàn dặm”; trong đó, phần đông TN đã viết tâm thư tình nguyện, nhiều đồng chí viết bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ.

PV: Thế còn phong trào 5 xung phong diễn ra như thế nào? Thưa đồng chí!

Tôi xin nói tiếp, diễn biến sau đó không lâu. Cục diện trên chiến trường miền Nam đã thay đổi. Tháng 3/1965, lần đầu tiên Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam diễn ra tại khu căn cứ Tây Ninh, Đại hội  long trọng tuyên bố phát động phong trào 5 xung phong: Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội. Và, Tổng đội TNXP giải phong miền Nam, các Đội TNXP các địa phương liên tiếp được thành lập.

Bấy giờ chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhưng dưới lá cờ chánh nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trên 5 triệu lượt nam nữ thanh niên 2 miền Nam Bắc đã tham gia hai phong trào đó. Nói chuyện với thanh niên nhân sinh nhật Đoàn 26/3/1966 Bác Hồ kính yêu khẳng định: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bác rất tự hào, sung sướng và thấy mình như trẻ lại, thấy tương lai dân tộc cùng chắc chắn vẻ vang”.

PV: Ý nghĩa của những trải nghiệm lịch sử thời chiến tranh cho công cuộc xây dưng bảo vệ đất nước hôm nay, nhất là đại dịch virus CORONA là một thách thức?

Ngày hôm nay trong tôi vẫn âm vang lời dạy của Bác Hồ; khi nhìn thấy khí thế sôi nổi của TN, Bác nói: “…Bác thấy tương lai dân tộc vô cùng chắc chắn và vẻ vang.” Mấy hôm nay thế giới luôn nhắc tới mô hình mẫu của Việt Nam. Đó là đại dịch virus CORONA rất nguy hiểm nhưng bước đầu ta làm rất tốt; Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp rất quyết liệt; cả dân tộc ta tuyệt đối đặt niềm tin vào chủ trương đó. Theo yêu cầu Thủ tướng 6,3 triệu đoàn viên và hàng chục triệu thanh niên hãy sẵn sàng, xung phong. Nhiều đồng chí đang ở tuyến đầu chống dịch. Qua đây, chúng ta thấy nhiều ý nghĩa:

Chiến tranh, đại dịch hay sự cố thiên tai, cái nào cũng rất gian nan và thiệt hại. Trong thời khắc này ai cũng biết: Sự sống của con người là quý nhất, nhưng sống như thế nào để cho gia đình tự hào, cho dân tộc trường tồn, cho thế giới an bình, đó là bài học cách làm người trong hoàn cảnh chống chọi đại dịch; thời bình thế này cũng như có chiến tranh.

Biết bao bác sĩ, cán bộ ngành y, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và những người đứng đầu ngọn sóng đại dịch, vài tháng qua, đêm cũng như ngày đã đem hết sức mình cứu lấy sự sống của từng người dân; và bất kể người đó trong nước hay ngoại quốc. Qua đó, thấy tinh thần dân tộc Việt được phát huy, không kém gì thời 3 sẵn sàng, 5 xung phong, chúng ta từng trải nghiệm.

Tôi thiết nghĩ, với đại dịch là tinh thần chiến đấu. Sức mạnh chiến đấu là ở toàn dân đoàn kết và kỷ luật, ai ai cũng phải làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm. Giờ phút này giá trị nhân văn dân tộc càng nhân lên, càng hun đúc, mà thanh niên chính là thế hệ sẵn sàng kế tục trung thành và xuất sắc. Thế hệ trẻ hãy vì hạnh phúc gia đình, vì lợi ích cộng đồng, vì tiến bộ xã hội mà rèn luyện và cống hiến trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Những thói hư, tật xấu, cướp giật, tham ô, lãng phí hay cách sống thờ ơ, ích kỷ, vun vén cá nhân, coi thường nhân mạng đều bị xã hội lên án. Trong mọi cuộc đời, bao giờ phẩm giá, đạo đức con người vẫn là cao thượng nhất.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Những tháng ngày qua, bao công sức và tiền của đã ủng hộ chống đại dịch. Người phía sau hậu phương hay người ở tiền tuyến đều phải thi đua vượt qua thánh thức. Thế kỷ 20, đồng bào hai miền Nam Bắc, mất 30 năm làm nên kỳ tích dành Độc lập – Tự do; ngày nay trước đại dịch lịch sử, tinh thần dân tộc một lần nữa thử thách. Chúng ta rất chủ động và rất may mắn chưa mất một người nào; trên thế giới có trên 27 ngàn người đã ra đi. Đến đây, tôi xin phép nói rằng: Tinh thần yêu nước năm xưa là “sẵn sàng”, là “xung phong”, là “tình nguyện”, đến nay và mãi mãi sức trẻ vẫn là nhân tố làm nên chiến thắng!