Phát huy truyền thống anh hùng của Lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An (15/7/1950 – 15/7/2020)

Đăng lúc: 13-06-2020 4:19 Chiều - Đã xem: 52 lượt xem In bài viết

I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA LỰC LƯỢNG TNXP

1. Sự ra đời và trưởng thành của Lực lượng TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 – 1954)

Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, cách đây tròn 70 năm – ngày 15/7/1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đích thân chỉ đạo thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Lực lượng TNXP Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ 225 cán bộ, đội viên buổi đầu thành lập đó đã trở thành đội quân hùng hậu với hơn 65 vạn cán bộ, chiến sĩ  và đã lập nên nhiều kỳ tích, làm nên truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tượng đài Truyền thống Thanh niên Việt Nam tại núi Hồng, nơi thành lập đơn vị TNXP đầu tiên

 Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là trong chiến dịch Điện Biên phủ, cùng với gần 5 vạn cán bộ, đội viên TNXP của cả nước, hơn 6.000 cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã ngày đêm sát cánh cùng các đơn vị bộ đội công binh, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc ra sức làm đường, sửa đường đảm bảo giao thông, nhất là tại các trọng điểm các tuyến đường Yên Bái, Hòa Bình – Sơn La… và đường sông. TNXP vừa sửa đường, vừa vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược phục vụ bộ đội chiến đấu. Đặc biệt, TNXP Nghệ An được biên chế vào Đại đội 299 và Đại đội 294 thuộc Đội TNXP 40 của Trung ương phục vụ ở Đèo Pha Đin[i]. TNXP đã phối hợp với bộ đội khắc phục mọi khó khăn giao thông để ô tô vượt đèo vào trận địa chiến đấu. Và, cùng với các đơn vị khác, trong đó cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã phục vụ tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi[ii].  Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, TNXP và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến dịch Thượng Lào – Thu đông (1952 – 1953), Tỉnh ủy Nghệ An đã có Nghị quyết và giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn tổ chức huy động thanh niên vào TNXP. Ngày 20/10/1952 Đoàn TNXP chống Pháp Cù Chính Lan Nghệ An được thành lập với 5.800 cán bộ, đội viên được biên chế thành 9 đại đội. Địa bàn làm nhiệm vụ là Sầm Nưa[iii], Noong Hét[iv],  Phong Xa Lỳ[v] ở Thượng Lào và chiến trường Trung Lào. Lực lượng TNXP Nghệ An đã cùng với Tiểu đoàn 804 công binh thuộc Đoàn 304 xẻ núi, mở hàng trăm km đường giao thông và làm cầu, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, cõng cáng thương binh từ mặt trận ra nơi điều dưỡng an toàn. Trong điều kiện khó khăn gian khổ nhưng cán bộ, đội viên TNXP đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ[vi].

2. TNXP thời kỳ tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN ở miền Bắc (1955 – 1964).

Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, của Đảng, của Chính phủ và của Trung ương Đoàn, Lực lượng TNXP được tổ chức lại để chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Gần 10 vạn cán bộ, đội viên TNXP cả nước đã tình nguyện lên đường. Trong đó: 4.900 cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế đất nước. TNXP Nghệ An đã cùng với TNXP cả nước xây dựng hàng trăm công trình kinh tế – xã hội như: Làm tuyến đường từ thị xã Lai Châu – cửa khẩu Ma Lù Thàng; làm lại tuyến đường Mộc Châu, Pa Háng[vii]; Tuần Giáo – Điện Biên; khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội – Nam Định.

Trong kế hoạch Nhà nước 5 năm lần tứ nhất (1961 – 1965), miền Bắc tiến lên XHCN, 2.000 cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã tình nguyện lên đường đi xây dựng kinh tế vùng Phủ Quỳ – Nghĩa Đàn; xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa – Vinh, Cầu Giát – Thái Hòa dài gần 200km. Trong lao động hết sức khó khăn gian khổ nhưng cán bộ, đội viên đã khắc phục mọi khó khăn, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 3. TNXP thời kỳ phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975)

Trước yêu cầu thần tốc, cấp bách của cuộc kháng chiến, thực hiện lời hiệu triệu của Bác Hồ; Chỉ thị số 71/CT-TTg ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung toàn miền Bắc và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng, 29.300 cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã cùng với 28 vạn TNXP cả nước tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ.

Trong thời điểm này, do tình hình diễn biến phức tạp của cuộc kháng chiến và do đặc điểm của địa bàn Nghệ An là một tỉnh lớn của miền Bắc, nằm ở đầu khu IV, có vị trí chiến lược quan trọng của Quân khu IV, của cả nước, là “hậu phương trực tiếp của tiền tuyến…”; Nghệ An còn là một địa bàn có nhiều điểm vượt sông xung yếu (cầu Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm, phà Bến Thủy trên tuyến Quốc lộ 1A và Truông Bồn trên tuyến đường chiến lược 15A). Và, Nghệ An cũng là trạm trung chuyển lớn cho chiến trường B, C và các tỉnh bạn. Công tác giao thông vận tải trên địa bàn Nghệ An không những có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế, mà còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng. Vì vậy, Lực lượng TNXP Nghệ An được thành lập sớm hơn (vào ngày 27/5/1965) để phục vụ các trọng điểm quan trọng trong tỉnh, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; bổ sung lực lượng cho Ban 67 thuộc Bộ GTVT quản lý, phục vụ Đoàn 559 và đảm bảo giao thông ở nhiều tuyến đường Trường Sơn và đường ở nước bạn Lào.

Trong suốt 10 năm phục vụ kháng chiến, Lực lượng TNXP Nghệ An đã chốt giữ và đảm bảo giao thông thông suốt ở 52 tuyến đường với 2.210km tỉnh lộ; 100km quốc lộ; 200km quốc lộ, tỉnh lộ ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; hơn 200km tuyến đường sắt đoạn Thanh Hóa – Vinh – Đồng Hới (Quảng Bình); hơn 200km quốc lộ, tỉnh lộ ở nước Lào; 3.500km huyện lộ, 250km đường sông, đường biển, kênh nhà Lê[viii]. Trong đó, trên 60km đường sắt đi qua các ga: Hoàng Mai, Cầu Giát, Ga Si, cầu Diễn Thành, cầu Mỹ Lý, Cầu Cấm và tại phà Bến Thủy, dốc Bò Lăn, dốc Truông Dong, dốc Truông Bồn, Rú Trét, Rú Nguộc trên tuyến đường chiến lược 15A; là những trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất. Ngoài ra, Lực lượng TNXP Nghệ An đã mở hàng trăm km đường mới, đường xế, đường tránh, xây dựng và sửa chữa cầu, đập tràn phụ ở các bến phà; Đường 7, Đường 34, Đường 48, Đường 49… và cùng với lực lượng công binh rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm; nạo vét kênh đào nhà Lê đoạn Nghệ An – Thanh Hóa trong điều kiện địch đánh phá suốt ngày đêm, kịp thời phục vụ chuyển hàng vào Nam khi đường bộ bị địch đánh phá, phong tỏa.

Trong quá trình tham gia phục vụ kháng chiến, 568 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; trên 8 ngàn cán bộ, chiến sĩ bị thương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ có 7.300 cán bộ, chiến sĩ được chuyển sang các đơn vị bộ đội, công an, các ngành, các cơ quan của Đảng và Nhà nước; các nông lâm trường, xí nghiệp và được cử đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật trong và ngoài nước…Ở môi trường lĩnh vực công tác mới, các cán bộ, chiến sĩ đã tiếp tục phát huy tốt truyền thống của lực lượng TNXP, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để cống hiến và trưởng thành. Còn lại đa số TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

4. TNXP xây dựng kinh tế tỉnh Nghệ An từ năm 1986 đến nay

Nối tiếp truyền thống các thế hệ TNXP đi trước, Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An, từ Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế được thành lập năm 1986, đến nay đã có 10 Tổng đội, do Tỉnh đoàn Nghệ An quản lý chỉ đạo, với diện tích quản lý gần 40 ngàn ha đất, 1.400 hộ đội viên với 2.547 lao động. 10 Tổng đội TNXP đã và đang trở thành 10 mô hình kinh tế – xã hội tại vùng xung yếu miền Tây Nghệ An; đời sống, thu nhập, công tác giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao của đội viên ngày càng ổn định và phát triển; là hình mẫu và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc vùng cao. Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An vinh dự đã được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Hai, 04 Huân chương Lao động hạng Ba, 05 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và nhiều hình thức khen thưởng khác của Bộ ngành Trung ương; của cấp uỷ, chính quyền, các ngành địa phương.

5. Vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang và những phần thưởng cao quý

Với những cống hiến, hy sinh và những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN ở miền Bắc, Lực lượng TNXP Nghệ An vinh dự, tự hào đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng 121 Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân; được nhận 41 lá cờ thi đua và 4 lá cờ luân lưu của Bác Hồ tặng và Bác tặng cờ thi đua khá nhất cho Đội TNXP Cù Chính Lan phục vụ mặt trận Trung – Thượng Lào 1952 – 1953. Đại đội TNXP 333 tại Cầu Cấm vinh dự được Bác Hồ Tặng hoa và gửi Thư khen ngợi. Có 754 chiến sỹ thi đua, trong đó 253 dũng sỹ thắng Mỹ; 7 đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải tặng Danh hiệu “Dũng sỹ thắng Mỹ ngành Giao thông Vận tải”…

Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể: 14 cán bộ, chiến sĩ TNXP Đại đội 317 – Đội 65 (2008); Lực Lượng TNXP Nghệ An (2010); Đại đội TNXP 202 Nghệ An công tác tại tỉnh Quảng Bình; Đại đội TNXP 333 – Đội 67 tại Cầu Cấm; Đại đội TNXP 168 – Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn (2018) và đồng chí Hồ Thị Thu Hiền – nguyên Đại đội trưởng Đại đội TNXP 202 Nghệ An công tác tại tỉnh Quảng Bình (2009).

Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam trong suốt 70 năm qua, cùng với hơn 65 vạn cán bộ, chiến sĩ TNXP cả nước, hơn 4,8 vạn cán bộ, chiến sĩ TNXP tỉnh Nghệ An, trong đó: 11.800 cán bộ, chiến sĩ TNXP chống Pháp; 6.900 cán bộ, đội viên TNXP thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh xây dựng CNXH ở miền Bắc và 29.300 cán bộ, đội viên TNXP chống Mỹ cứu nước đã tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước với lòng quả cảm, quyết tâm và phát huy cao độ truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, của quê hương Xô Viết anh hùng, một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, sẵn sang cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Càng trong khó khăn gian khổ, càng thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương đồng chí, đồng đội, yêu nhân dân, yêu đất nước với lòng quả cảm, quyết tâm sắt đá và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” để “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Ở đâu chiến trường cần là TNXP có mặt”, “Ở đâu có giặc là TNXP xuất quân”, “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc” đã làm nên những kỳ tích trên các mặt trận; trên các tuyến đường, các trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất, góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam anh hùng; Lực lượng TNXP Nghệ An anh hùng.

Năm tháng qua đi, thời gian có thể xóa mờ vết thương chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ được niềm tự hào của dân tộc với một thế hệ anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Những địa danh lịch sử ghi đậm chiến công của lực Lượng TNXP trên các mặt trận, trên các nẻo đường của tổ quốc mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/1995), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định về truyền thống lịch sử, chiến công hào hùng của lực lượng TNXP trong các thời kỳ cách mạng:

“Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho thanh niên xung phong lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

* Phát biểu tại Đại hội Hội Cựu TNXP Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2019-2024, đ/c Trương Thị Mai, Uỷ viên BCT – Trưởng ban Dân vận TW nhấn mạnh:

“Với những đóng góp to lớn, lực lượng thanh niên xung phong xứng đáng là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào của Đảng, nhân dân mà còn mang lại sự khâm phục của thanh niên thế giới. Truyền thống vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong đã trở thành giá trị tinh thần to lớn động viên thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

II. KẾ TỤC VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TNXP TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

1. Chủ trương thành lập Ban Liên lạc TNXP và Hội Cựu TNXP.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Lực lượng TNXP, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ với vai trò nhân chứng lịch sử để giải quyết các chế độ chính sách đối với cựu TNXP theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ năm 1995 đã hình thành Ban Liên lạc cựu TNXP của tỉnh. Đến năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn có quyết định thành lập Ban Liên lạc cựu TNXP do một Phó Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Trưởng ban. Tháng 7/2005 Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh. 25 năm qua (1995 – 2020), mặc dù hoạt động của Ban Liên lạc Cựu TNXP và Hội Cựu TNXP các cấp trong điều kiện có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, Hội Cựu TNXP các cấp đã tạo ra được những phương thức hoạt động phù hợp, đạt được những thành quả quan trọng.

2. Công tác xây dựng tổ chức Hội.

Đến nay, toàn tỉnh có 20 Hội Cựu TNXP cấp huyện (huyện Kỳ Sơn không có cựu TNXP); 408 Hội xã, phường, thị trấn; 1.488 Chi hội thôn, xóm, bản với trên 23.000 cựu TNXP. Trong hoạt động, các cấp Hội đã chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội, nơi nào có cựu TNXP, nơi đó có hoạt động của Hội, nơi đó thật sự là chỗ dựa ấm áp, yêu thương đối với cựu TNXP. Hội đã chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ; tích cực hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”; phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo “đền ơn đáp nghĩa”; phong trào “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”…

Anh hùng Hồ Thị Thu Hiền trong một lần trả lời phòng vấn ở Hà Nội (2015)

3. Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động tham mưu, đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân

Tập thể 14 cán bộ, chiến sĩ TNXP Đại đội 317 – Đội 65 nhân dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2008); đồng chí Hồ Thị Thu Hiền nguyên Đại đội trưởng Đại đội TNXP 202 Nghệ An công tác tại tỉnh Quảng Bình nhân dịp Kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2009); Lực lượng TNXP Nghệ An nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2010); 03 Đại đội TNXP, gồm: Đại đội 202 Nghệ An công tác tại tỉnh Quảng Bình; Đại đội 333 – Đội 67 và Đại đội TNXP 168 – Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn nhân dịp Kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2018).

4. Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử trong công tác tham mưu, phối hợp thực hiện chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Trong 2 cuộc kháng chiến và thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh xây dựng CNXH ở miền Bắc, tỉnh Nghệ An có 48.000 cán bộ, chiến sĩ TNXP, trong đó có 568 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đến thời điểm hiện nay, có trên 23.000 cựu TNXP cư trú trên địa bàn tỉnh, trong đó TNXP ngoại tỉnh hơn 1.000 người; trên 8.000 người đã từ trần và trên 16.000 cựu TNXP Nghệ An cư trú ở địa bàn ngoại tỉnh.

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của lực lượng TNXP cả nước, kể từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 Quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu TNXP các cấp đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành, các cơ quan chức năng làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử để việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với cựu TNXP nhanh hơn, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ, vi phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

* Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – TB và XH, đến nay toàn tỉnh đã có 21.541 TNXP đã được giải quyết các chế độ, trong đó:

– TNXP hy sinh đã được công nhận liệt sĩ 555 người; TNXP bị thương đã được công nhận thương binh 6.067 người; TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần và chế độ trợ cấp thường xuyên 497 người; TNXP hoàn cảnh khó khăn đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần 14.422 người.

– Ngoài hưởng các chế độ chính sách trên, có 17.828 cựu TNXP được hưởng các chế độ như: 968 TNXP từ trần đã được hưởng chế độ mai táng phí; 247 gia đình cựu TNXP đã được giải quyết chế độ do bị nhiễm chất độc hóa học điôxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó 171 cựu TNXP và 76 trường hợp con đẻ của cựu TNXP; 16.613 TNXP đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

* Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh còn có trên 1.473 TNXP chưa được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước, trong đó:

13 TNXP hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ; 1.060 TNXP bị thương chưa được công nhận thương binh, trong đó: 303 hồ sơ thuộc đối tượng đề nghị giải quyết tồn đọng theo Quyết định 408/2017/QĐ-BLĐTBXH; 512 hồ sơ thuộc đối tượng đề nghị xem xét theo quy định Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP. Ngoài ra, còn có 245 hồ sơ đã được xác lập trước thời điểm 01/7/2003 theo quy định Thông tư số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TƯĐTNCSHCM, hiện các cựu TNXP đang lưu giữ; hơn 400 cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn chưa được giải quyết độ trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và một số trường hợp cựu TNXP chưa được hưởng chế độ mai táng phí và chế độ bị nhiễm chất độc dacam/điôxin.

5. Phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”

Hoạt động này đã làm sống lại những tình cảm thiêng liêng, thắm tình đồng đội trong mỗi cán bộ, hội viên bằng các hoạt động như: Thăm lại chiến trường xưa, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội” với tổng số trên 17 tỷ đồng, trong đó cho 1.181 hộ cựu TNXP vay để phát triển sản xuất, 204 hộ đã thoát nghèo; tổ chức thăm hỏi động viên cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc ốm đau, mừng thọ hội viên cao niên, phúng viếng hội viên qua đời, giúp nhau sửa chữa nhà dột nát, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp vốn để hội viên phát triển kinh tế thoát nghèo v.v…, đã đem lại nhiều kết quả rất có ý nghĩa.

 Đặc biệt, thời gian qua, được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, cơ quan, tập thể và cá nhân, trong đó: UBMTTQ tỉnh, Báo Nhân Dân, Báo Tiền phong, Tập đoàn Dầu khí, Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup, Công ty Điện lực Hải Phòng, Cienco 4, Cienco 5, Công đoàn Bộ GTVT, Đường sắt Việt Nam, Công ty sữa TH, Ngân hàng Nông nghiệp TPNT Trung ương và ở tỉnh; Ngân hàng Quân đội; Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã tài trợ và xây dựng 200 nhà tình nghĩa và sửa chữa nhiều nhà dột nát hư hỏng với số tiền 7 tỷ 120 triệu đồng; tặng 220 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 910 triệu đồng. Ngoài ra Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup còn trợ cấp cho 27 cựu TNXP không chồng không con mỗi tháng 500 ngàn đồng/tháng cho đến cuối đời; cấp 500 con bò giống cho cựu TNXP nghèo chăn nuôi với số tiền trên 9 tỷ đồng

  Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An tài trợ cho 2 mẹ liệt sĩ Truông Bồn mỗi tháng 500 ngàn đồng đến cuối đời; hàng năm, nhiều cơ quan thăm viếng, trao quà cho13 gia đình thân nhân liệt sỹ TNXP Truông Bồn

Và, hàng năm Hội Cựu TNXP tỉnh và Hội Cựu TNXP cấp huyện và cơ sở còn nhận được nhiều quà của các cơ quan, đơn vị, tập thể để xây dựng nhà tình nghĩa và tặng sổ tiết kiệm cho hội viên; trao quà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 800 triệu đồng…

6. Cuộc vận động “Cựu thanh niên xung phong nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 Hưởng ứng cuộc vận động do Trung ương Hội Cựu TNXP và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, các cấp Hội đã triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội.

Đến nay, toàn tỉnh có 250 hộ cựu TNXP xây dựng được mô hình kinh tế trang trại với hình thức kinh tế VAC, tổ chức chăn nuôi, trồng rừng bảo vệ rừng, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khác, hàng năm các mô hình thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Doanh nghiệp cựu TNXP tại phường quán Bàu, thành phố Vinh sản xuất phân bón ở hai cơ sở Vinh và Bình Dương thu hút hàng trăm lao động là con em cựu TNXP, thu nhập của doanh nghiệp 100 tỷ đồng/năm; Tổ hợp mây tre đan tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Hội Cựu TNXP xã Quỳnh giang, Quỳnh Lưu đã thu hút nhiều con em cựu TNXP và giúp 15 hộ hội viên cựu TNXP thoát nghèo.

Hội Cựu TNXP các xã: Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu; Kim Thành, Yên Thành; Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn; Yên Hợp, Quỳ hợp; Thanh Đức, Thanh Chương; Long Sơn, Anh Sơn; Hương Sơn, Tân Kỳ; Diễn Đoài, Diễn Châu và Hội Cựu TNXP; phường Trung Đô, thành phố Vinh,…gắn hoạt động với phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình và hội viên cựu TNXP không những thoát nghèo, mà đã làm giàu, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất. Điều đáng trân quý là các điển hình kinh tế của cựu TNXP đều bắt đầu từ nghị lực, tự lực cánh sinh, chắt chịu, chịu khó tạo nên sự phát triển từ nhỏ đến lớn để làm giàu một cách bền vững.

Gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhiều cơ sở Hội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt tại cộng đồng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng… Hàng trăm cựu TNXP là cán bộ phường, xã tham gia đại biểu HĐND, cán bộ cốt cán các đoàn thể, cán bộ chính quyền từ xóm trưởng, khối trưởng, tổ trưởng dân cư đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Trong hơn 25 năm qua (1995 – 2020), kể từ khi là Ban Liên lạc cựu TNXP đến Hội Cựu TNXP, các cấp Hội và hội viên đã có nhiều thành tích nổi bật, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Có 14 Hội cấp huyện, 5 Hội cấp xã nhận cờ đơn vị xuất sắc của Trung ương Hội; Bằng khen của UBND tỉnh. Hội Cựu TNXP tỉnh, từ năm 2007 đến nay liên tục được tặng cờ đơn vị xuất sắc của Trung ương Hội; năm 2003 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2015, Hội Cựu TNXP tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng III.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG TÂM GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG TNXP

  1. Xây dựng Hội vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng cán bộ hội, hội viên và nội dung sinh hoạt hội; chủ động phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề xuất xem xét công nhận phiên hiệu TNXP và tham gia thực hiện tốt công tác xác nhận các phiên hiệu đơn vị TNXP, công tác phát triển hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
  2. Kịp thời tham mưu đề xuất và phối hợp với các cấp, ngành liên quan, đơn vị chức năng gia giải quyết cơ bản chế độ, chính sách đối với TNXP.
  3. Đẩy mạnh cuộc vận động “Cựu thanh niên xung phong nêu gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” và phong trào “Vì Nghĩa tình đồng đội – mỗi hội viên làm nhiều việc tốt”.
  4. Nâng cao chất lượng công tác truyên truyền về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng và phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng của lực lượng TNXP đối với thế hệ trẻ.
  5. Phát huy truyền thống của Lực lượng TNXP và vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động kinh tế, xã hội góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu – nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước./.

  Mai Ất

Uỷ viên BCH TW Hội Cựu TNXP Việt Nam,

                                                                               Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

 

 


[i] Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi trên Quốc lộ 6 ở ranh giới xã Phổng Lái huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên. Đèo có độ dài 32 km. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km.

[ii] Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ.

[iii] Xamneua (còn viết là Xam Neua, Sam Neua, Sầm Nưa) là một thị xã của Lào, là tỉnh lỵ của tỉnh Huaphanh

[iv] Việt Nam gọi là “Noọng Hét”, là một muang (mường, huyện) thuộc tỉnh Xiengkhuang ở Bắc Lào, giáp với huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, Việt Nam

[v] Phôngsali (Tiếng Lào: ຜົ້ງສາລີ; phiên âm: Phông-xa-lì) là một tỉnh của Lào, nằm ở biên giới phía bắc của quốc gia. Tỉnh lị của tỉnh là thị xã Phôngsali. Phongsali nằm trên biên giới giữa Lào với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), và tỉnh Điện Biên của Việt nam

[vi] Đồng chí Chu Mạnh, nguyên là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An; nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, lúc đó là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện; đồng chí Dương Văn Dật lúc đó được phân công phụ trách Tổng kho ở Biên giới Việt – Lào. Sau khi đồng chí Chu Mạnh được điều động làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, đồng chí Dương Văn Dật được giao làm Chủ tịch tỉnh.

[vii] Cửa khẩu Lóng Sập hay cửa khẩu Pa Háng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất bản Pa Lá xã Lóng Sập huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La, Việt Nam. Cửa khẩu Lóng Sập thông thương với cửa khẩu Pahang ở huyện Samtay tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), Lào. Cửa khẩu Lóng Sập là điểm cuối của Quốc lộ 43.

[viii] Sông Nhà Lê (hay Kênh Nhà Lê) là một hệ thống sông cổ được đào từ thời Vua Lê Đại Hành để vận tải quân lương về phía nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà. Hệ thống sông này gồm nhiều sông được đào mới hoặc khơi vét từ các sông tự nhiên mà các triều đại phong kiến nhà Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Nguyễn và trong kháng chiến chống Mỹ đã sử dụng với mục đích giao thông, quân sự và phát triển nông nghiệp. Sông Nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và được coi là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh chống xâm lược của người Việt. Hiện nay còn ít nhất 5 sông mang tên sông Nhà Lê ở 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Các sông Nhà Lê này vẫn được nối thông thủy với nhau và với nhiều sông tự nhiên khác. Nhiều đoạn sông Nhà Lê hiện nay được công nhận là tuyến đường thủy quốc gia và Kênh Nhà Lê tại Nghệ An được xếp hạng di tích quốc gia.