Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ gặp mặt Ban liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong các tỉnh Việt Bắc

Đăng lúc: 04-08-2018 4:22 Chiều - Đã xem: 192 lượt xem In bài viết

Chiều 2/8/2018, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã gặp mặt Đoàn Ban liên lạc Hội Cựu TNXP các tỉnh Việt Bắc[i].

Tham dự cuộc gặp mặt có các 43 cựu TNXP tiêu biểu của các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và các đồng chí: Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim; các Phó Chủ tịch Cù Văn Phiên, Võ Văn Cận cùng các cán bộ cơ quan Trung ương Hội. Đại diện các cơ quan báo chí, thông tấn và truyền hình cũng đã có mặt.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP chiến khu Việt Bắc Nguyễn Anh Nhưỡng (ảnh trên) cho biết, ngay khi được thành lập, Hội và Ban liên lạc đã tích cực hoạt động, đạt được nhiều kết quả thiết thực, phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương, đề xuất và tham mưu cho UBND các địa phương giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến ở các tỉnh Việt Bắc.

Trong những năm qua, Ban liên lạc và Hội Cựu TNXP chiến khu Việt Bắc đã làm tốt phong trào hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”:

– Tuyên truyền, vận động, quyên góp xây mới được 963 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết trị giá 35,073 tỷ đồng, tặng hộ gia đình cựu TNXP nghèo;

– Phối hợp với các cấp, các ngành, giúp đỡ cho 1.026 hộ gia đình TNXP thoát nghèo bền vững.

– Tặng 770 sổ tiết kiệm với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng cho các hộ cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa; cựu TNXP nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

– Thăm hỏi, tặng quà trị giá 11,567 tỷ đồngcho 19.226 lượt cựu TNXP thuộc diện chính sách, hộ nghèo nhân ngày lễ, tết;

– Tuyên truyền, vận động cựu TNXP làm công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện được 2,561 tỷ đồng.

Hội Cựu TNXP các tỉnh Việt Bắc đã phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP Việt Nam, nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục con cháu và thế hệ trẻ tích cực tham gia hoạt động xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận phát động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương.

Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP chiến khu Việt Bắc đề nghị Nhà nước có cơ chế “ưu đãi đặc biệt” đối với Hội Cựu TNXP; sửa đổi và bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng để TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sớm được tặng thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang”.

Các ý kiến phát biểu đều nhất trí với báo cáo của đồng chí Nguyễn Anh Nhưỡng. Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên Lê Huy Lanh (ảnh trên) bày tỏ sự vui mừng được gặp lãnh đạo Quốc hội, coi đây là sự động viên rất lớn với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, băn khoăn về viêc trong thời gian qua chưa thấy Quốc hội bàn về việc sửa Luật Thi đua, khen thưởng để tặng Huy chương TNXP vẻ vang theo Thông báo của Ban Bí thư, mong trong các kỳ họp tới có bàn về việc này để thỏa lòng mong ước của các cựu TNXP vào cuối đời.

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang Nguyễn Mạnh Thùy (ảnh trên) phát biểu về chế độ đãi ngộ với cán bộ Hội, gần 20 năm qua ở huyện, xã không có thù lao, kinh phi hoạt động, cần có sớm cách tháo gỡ về chính sách với TNXP không còn hồ sơ gốc vì cựu TNXP tuổi đã cao, từ 70 đến 90; công tác tổ chức Hội: nếu có sát nhập cũng chỉ nên sát nhập với Hội Cựu Chiến binh, cần có tổ chức thống nhất, đồng bộ tổ chức hội từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim (ảnh trên) nhấn mạnh: Việt Bắc là nơi sinh ra Đội TNXP đầu tiên tại Núi Hồng, Đại Từ, Thái Nguyên. Đó là sáng kiến độc đáo, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có một lực lượng bên cạnh quân đội, làm nhiệm vụ chiến đấu để giarp phóng dân tộc. Và sau đó một năm, Bác đã đến thăm Liên phân đội TNXP 312 ở Nà Cù, Bạch Thông, Thái Nguyên và tặng 4 câu thơ: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên. Từ đó mà TNXP đã phát triển, tham gia các chiến dich Biên Giới, Điện Biên Phủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc với số lượng hơn 50 vạn. Trong đó có 6 ngàn đã được công nhận liệt sỹ, còn 384 đồng chí chưa có điều kiện để công nhận; 23 ngàn TNXP được công nhận là thương bình, còn gần 10 ngàn chưa được công nhận do còn vướng mắc về giấy tờ; 5.600 nữ cựu TNXP cô đơn, các cấp hội vẫn thường xuyên đến động viên, giúp đỡ. Chế độ chính sách cho cựu TNXP đã đảm bảo, những ai đủ điều kiện đều đã được hưởng. TNXP hưởng chế độ trợ cấp một lần từ 2,5 – 3,6 triệu; những người hoàn toàn không có nơi nương tựa được hường trợ cấp thường xuyên mỗi tháng 540 ngàn đồng cho đến khi chết; những người nhiễm chất độc da cam/ dioxin cũng được xem xét giải quyết theo chế độ. Tuy nhiên ở nơi này, nơi kia vẫn có kiến nghị do khi về những người đó không còn giấy tờ. Năm vừa qua Hội Cựu TNXP Việt Nam đã làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề ra giải pháp công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để xác minh và đã giải quyết được một số trường hợp. Vấn đề Huy chương TNXP vẻ vang đã được Ban Bí thư đồng ý, giao Đảng đoàn Chính phủ thực hiện để trình Quốc hội. Hội Cựu TNXP Việt Nam là một trong 28 hội đặc thù. Và nếu không đặc thù thì cũng là đặc biệt vì chỉ ra đời sau quân đội 6 năm, bác Giáp cũng đã nói: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất TNXP có phầm chất bộ đội Cụ Hồ”. Nếu có chăng việc sát nhập thì Hội Cựu TNXP là một bộ phận của Hội Cựu chiến binh, chứ không thể sát nhập với các tổ chức khác được, đặc biệt với lực lượng TNXP kháng chiến và bảo vệ biên giới. Việc đãi ngộ với cán bộ Hội và cấp kinh phí cho Hội Cựu TNXP hoạt động hiện nay ở các địa phương là không đồng đều. Đề nghị Phó Chủ tịch lưu tâm, đôn đốc, giám sát. Chủ tịch Vũ Trọng Kim cũng thông báo họat động về nguồn của Hội Cựu TNXP cả nước tại Tây Ninh hồi trung tuần tháng 7 đã tạo tiếng vang lớn, nhất là Hội nghị thực trạng và để xuất xây dựng, tôn tạo các địa danh, di tích lịch sử thanh niên xung phong.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (ảnh trên) hoan nghênh Ban liên lạc Cựu TNXP chiến khu Việt Bắc đã tổ chức cho các cựu TNXP tiêu biểu thăm Nhà Quốc hội. Đây là việc làm có ý nghĩa, thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với lực lượng cựu TNXP. Là người đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc, đồng chí Đỗ Bá Tỵ biết rõ TNXP là lực lượng quan trọng, có công lớn trong công cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng chục nghìn TNXP đã hy sinh và bị thương, không ít người bị phơi nhiễm chất độc da cam…

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận: Trưởng thành trong chiến đấu và lao động, ngày nay tuyệt đại đa số TNXP đã trở thành những người lao động giỏi, công dân tốt, các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành. Nhiều cựu TNXP tuy tuổi cao, sức khỏe hạn chế, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng đã phấn đấu vươn lên, nêu những tấm gương sáng trong cuộc sống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, đóng góp to lớn, quý báu của các thế hệ TNXP với cách mạng và đất nước. Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Ban liên lạc, đặc biệt là về chế độ, chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu và chuyển các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ. Những vấn đề đã rõ sẽ được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình Quốc hội xây dựng pháp luật, giám sát liên quan đến chính sách đối với người có công, trong đó có lực lượng TNXP.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Ban liên lạc cũng như Hội Cựu TNXP vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là cầu nối giữa các hội viên với chính quyền, các ban, ngành, cơ quan và đơn vị; hoạt động tích cực hơn nữa để phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, tiếp tục nêu gương sáng, vượt qua mọi khó khăn, là tấm gương để con cháu học tập và noi theo, góp phần tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu đẹp; chúc mọi người mạnh khỏe, thành đạt, chúc chuyến đi của Đoàn thành công./.

Một số hình ảnh khác:

Chủ tịch Vũ Trọng Kim trao tặng bộ sách “Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng” cho Đại tướng Đỗ Bá Tỵ

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ trao bức tranh Nhà Quốc hội cho Trưởng ban liên lạc Nguyễn Anh Nhưỡng

Tham quan Nhà Quốc hội

ĐST


[i] Việt Bắc là một vùng phía Bắc Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) bao trùm nhiều tỉnh ở Bắc Bộ. Ngày nay nó thường được hiểu là khu vực gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên hay còn được gọi tắt là Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái. Việt Bắc được gọi một cách văn hoa là Thủ đô kháng chiến, bởi đây là nơi trú đóng của đầu não Đảng Cộng sản Việt Nam thời trước khi khởi nghĩa năm 1945, và là nơi trú đóng của đầu não chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Nó cũng được gọi là Thủ đô gió ngàn, tên gọi này được bắt nguồn từ bài thơ Sáng tháng năm của nhà thơ Tố Hữu