Phụ nữ Việt Nam xứng đáng tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”

Đăng lúc: 19-10-2022 1:20 Chiều - Đã xem: 196 lượt xem In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2
ngày 31/5/1956 tại Thủ đô Hà Nội (Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam).

Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy phụ nữ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, họ còn là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Chính vì có vai trò quan trọng trong xã hội, ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc xây dựng và phát triển tổ chức của những người phụ nữ Việt Nam. Đảng chỉ rõ: “Nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì cách mạng mới chỉ là một nửa”.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản diễn ra từ ngày 6/1/1930 – 8/2/1930, đã quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng. Ngay sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (14 – 31/10/1930) cũng đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đồng thời đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội.

Tháng 8/1937, trước yêu cầu mới của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp. Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội Phụ nữ Dân chủ.

Ngày 16/6/1941, kế tục truyền thống của các tổ chức phụ nữ tiền thân, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc ra đời với mục đích: Đoàn kết hết thảy các tầng lớp phụ nữ yêu nước gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp ra khỏi Đông Dương, giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Từ đó chứng tỏ phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược. Trước tình hình đó, ngày 29/5/1946, Đảng chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) nhằm tập hợp rộng rãi, đông đảo quần chúng yêu nước để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” lúc đó.

Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội. Các đoàn phụ nữ đại diện các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, trí thức, tư sản dân tộc, công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, nữ sinh, dân quân tự vệ… ở các địa phương về tụ họp, chứng kiến, chào mừng sự ra đời tổ chức của giới phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (Nguồn: Báo Nhân dân).

Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong tư duy của Đảng về lãnh đạo công tác vận động phụ nữ. Thực tế đã chứng minh việc vận động quần chúng nói chung và vận động phụ nữ nói riêng, hữu hiệu nhất là thu hút họ vào tổ chức.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thứ 2, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào như: phụ nữ học cày bừa; phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”; mua công phiếu kháng chiến; “Diệt giặc dốt”; “diệt giặc đói”: “Đời sống mới”; tham gia Hội mẹ chiến sĩ…

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Chị em đã ngày đêm vượt suối, băng ngàn, làm mọi công việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược, tải thương, thổi cơm, đưa nước cho bộ đội, làm hầm, chữa cầu đường… Có thể nói, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Dưới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhằm mục đích tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Cùng với đó, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt ra đời, với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tổ chức Hội phụ nữ hai miền Nam Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Ở miền Bắc, vào tháng 3/1961, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt…

Tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “3 đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Tại miền Nam, Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam (3/1965) cũng phát động phong trào thi đua “5 tốt” với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt… Với phong trào “5 tốt”, hàng triệu hội viên phụ nữ giải phóng được tôi luyện trong phong trào đấu tranh với 3 mũi giáp công linh hoạt, được tổ chức chặt chẽ ở ba vùng chiến lược (nông thôn, đô thị, miền núi). Trên khắp miền Nam, phụ nữ giải phóng luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên một “Đội quân tóc dài” hùng hậu, nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam. 

Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, Chính phủ, Bác Hồ tặng phụ nữ miền Nam
(Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM).

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng cũng đã đề ra nhiều chủ trương về công tác phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nghị quyết 04-NQ/ TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị “Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Trên cơ sở của Nghị quyết 04, ngày 29/9/1993, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 28/CT-TW, giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ, đổi mới nội dung, tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tình hình mới.

Hơn 10 năm sau, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007, của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã bổ sung trách nhiệm “nòng cốt” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác vận động phụ nữ. Theo đó, vai trò đại diện của các cấp Hội ngày càng được coi trọng, phát huy theo hướng “thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo đảm cho các cấp Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội; đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội”. Tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương chính sách liên quan đến phụ nữ. Tổ chức tập hợp, động viên đông đảo các tầng lớp phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và có liên quan đến phụ nữ. Mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ trên nguyên tắc tự nguyện…

Trong những năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định, quy chế về giám sát, phản biện xã hội; về việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội. Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (7/3/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích to lớn của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Hoan nghênh và ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới…”[1].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày một lớn mạnh không ngừng. Hội đã đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp; tập trung tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội; tăng cường vận động xã hội, tích cực hội nhập quốc tế; chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội vận động hội viên, phụ nữ trong cả nước thực hiện các phong trào thi đua như: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”; “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có những đề xuất tham mưu chính sách, phát động nhiều phong trào góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và xây dựng đất nước.

Trải qua lịch sử 91 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Tổ chức Hội được củng cố và phát triển, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết, phấn đấu nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hội cũng phát huy vai trò, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, tích cực tham gia các cơ chế đa phương.

92 mùa Thu đi qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình, với nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu sắc và các chương trình, đề án có hiệu quả, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, hướng dẫn phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp phấn đấu giữ gìn và tiếp tục rèn luyện phẩm chất “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Theo hcmcpv.org.vn


[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phụ nữ có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài phát biểu tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội. ngày 7/3/2017.