Quảng Ngãi, tỉnh đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945

Đăng lúc: 16-08-2021 1:45 Chiều - Đã xem: 303 lượt xem In bài viết

Ngày 13/8/1945, ngay khi vừa nhận được tin phát xít Nhật bại trận và đầu hàng Đồng Minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách và gồm có Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn và giao cho Trần Huy Liệu khởi thảo bản Quân lệnh số 1:

Hỡi quân, dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13/8/1945, phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục. Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban khởi nghĩa đã thành lập. Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến! Hỡi nhân dân toàn quốc! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta![1]

Ảnh internet  

Ngay từ đầu năm 1943, bằng những hoạt động tích cực, sáng suốt của Chi bộ Đảng Ba Tơ (với danh nghĩa Ủy ban vận động cách mạng) phong trào đấu tranh ở Quảng Ngãi có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ sở Đảng, cơ sở Việt Minh được xây dựng và củng cố, chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa. Với tinh thần nhạy bén và chủ động tiến công, ngay sau khi nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định chớp thời cơ khởi nghĩa ở Ba Tơ. Ba Tơ là một Châu miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây thực dân Pháp xây dựng một đồn Sơn phòng và một trại giam tù chính trị. Chiều 11/3/1945 tổ chức Đảng tại địa phương do các đồng chí Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt trực tiếp lãnh đạo đã vạch ra chủ trương và kế hoạch tổ chức cướp đồn Ba Tơ và phát động quần chúng vùng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Vào 3 giờ chiều 11/3/1945, ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn trước sân đồn Ba Tơ hiệu triệu quần chúng khởi nghĩa. Để cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi, ngay chiều và tối 11/3, ta huy động quần chúng tích cực đẵn cây, lật đá để ngăn đường từ Mộ Đức đến Eo Đá Chát, không cho quân Nhật kéo lên tiếp viện. Vừa tổ chức biểu tình thị uy, kết hợp với võ trang chiến đấu, đúng 9 giờ 30 phút tối 11/3/1945 ta chiếm xong đồn Ba Tơ, thu 20 khẩu súng, 15 thùng đạn.

Ngày 12/3, Ban Chỉ huy khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng Ba Tơ, kêu gọi nhân dân tham gia vào các Hội Cứu quốc.

Ngày 14/3, Đội Du kích Ba Tơ chính thức được thành lập gồm 28 chiến sĩ, trang bị 24 khẩu súng. Đây là đội võ trang thoát ly đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, chỉ huy ở miền Trung Trung Bộ. Đầu tháng 5/1945 Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cử các đồng chí Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy và từ đó Đội Du kích Ba Tơ trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của cao trào kháng Nhật, cứu nước ở miền Trung Trung Bộ.

Ngày 14/3/1945, gần 100 lính Nhật và lính khố xanh từ Mộ Đức kéo lên Ba Tơ. Lực lượng cách mạng tạm thời rút khỏi Ba Tơ tập trung về ở Hang Én, và chuyển hoạt động về vùng giáp ranh giữa miền Thượng du và miền xuôi, tiếp tục xây dựng, củng cố trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào khởi nghĩa vũ trang Quảng Ngãi. Cuối tháng 7/1945, lực lượng tự vệ vũ trang ở Quảng Ngãi đã có trên 2000 người và 6 trung đội du kích tinh nhuệ, hầu hết đều là thanh niên của hai Chiến khu Vĩnh Sơn và Núi Lớn.

Ngay 12 giờ đêm ngày 12/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa theo phương án: Huy động lực lượng vũ trang tiến công cướp đồn địch, sau đó tập trung về gần Quốc lộ 1 và xung quanh thị xã. Lực lượng quần chúng do các đội vũ trang đi đầu tiến hành các cuộc biểu tình, tuần hành, làm chủ nông thôn, tiến hành giành chính quyền toàn tỉnh. Cũng trong đêm 12/8, các đội du kích rời chiến khu chiếm các đồn phía Tây đường Quốc lộ, rồi tập trung lực lượng chuẩn bị giành chính quyền tại thị xã. Trong ngày 13 và 14, các đồn phía Bắc Quốc lộ 1 như đồn Di Lăng, Sơn Hà lần lượt bị hạ. Quân khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ thị xã từ ngày 14/8/1945. Đồng thời, trong những ngày này khắp các vùng nông thôn liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình võ trang làm cho toàn bộ chính quyền bù nhìn ở Quảng Ngãi hầu như tê liệt hoặc bị lật đổ.

Ngày 23/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi được thành lập trịnh trọng ra mắt trước hàng chục vạn quần chúng nhân dân. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân Cách mạng, đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cùng nhân dân cả nước sôi sục hào khí đấu tranh ra sức xây dựng, củng cố và quyết tâm bảo vệ chính quyền Cách mạng; vừa hừng hực không khí thi đua ái quốc, vùng lên xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mới vừa giải phóng.

Nguyễn Anh Liên

Cựu Liên lạc cho Việt Minh và Du kích Ba Tơ

 trong cách mạng tháng 8/1945 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi

 

 


[1] Trong hồi ký của mình, Trần Huy liệu viết: “Đêm 13/8/1945, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và rĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy bản “Quân lệnh số 1” lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động” .