Trong ký ức của mấy chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), cán bộ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và hàng triệu bộ đội, cán bộ, TNXP, thanh niên Ba sẵn sàng miền Bắc “đi B” chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước, ai ai cũng chất chứa tầng tầng, lớp lớp những kỷ niệm khó phai. Trong đó, tôi có một kỷ niệm sâu đậm thường ùa về mỗi khi nghe các cháu nội, cháu ngoại say mê đọc, học lịch sử. Đó là sông Bến Hải nỗi đau chia cắt và cầu Hiền Lương nối liền hai miền Bắc Nam.
Cụm di tích lịch sử Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
Ảnh: Internet
Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở miền Trung và mọi miền đất nước, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng (1954 – 1975) thì dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng, được cả nước và thế giới quan tâm đến. Nhiều người đã đến đây và nhiều người khác mong đến để được thấy tận mắt “chứng tích lịch sử” đã gần hai mươi năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước; nơi đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà; nơi một thời làm lay động lương tri loài người và là kỷ niệm không bao giờ quên của hàng chục triệu đồng bào “Đêm Nam ngày Bắc – Đêm Bắc ngày Nam” giai đoạn1954 – 1975.
Con sông lịch sử này có tên khai sinh là Minh Lương, dài gần 100 km, nơi rộng nhất 200m, bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông để ra Biển Đông tại Cửa Tùng, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Núi Động Chân có nguồn nước thiên nhiên bốn mùa trong xanh. Tương truyền ngày xưa tiên nữ thường hay đến tắm và đùa giỡn. Một hôm đang tắm thì chợt một đám đàn ông trần tục đứng nhìn trộm, các tiên nữ xấu hổ vội quay về trời và giao cho Thần Núi thi hành phạt đối với người trần gian: Bất cứ người nào qua đây cũng buộc phải mang gông vào cổ để không được nhìn ngang, nhìn ngửa, ai không mang gông thì sẽ bị Thần Núi vật chết. Từ đây còn là đầu nguồn sông Sê Băng Hiên chảy sang Lào mà đồng bào Vân Kiều gọi là “Dòng nước chảy ngược”.
Tác giả bài viết – cựu cán bộ Trung ương Đoàn, cựu TNXP Khu 5
và vợ – nữ TNXP Thủ đô Nguyễn Thị Vân trước ngày “đi B”, “mười năm chồng ngày Nam đêm Bắc, vợ ngày Bắc đên Nam”.
Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua (chữ “Húy” đồng ngĩa với “Kỵ” tức là kiêng kỵ). Do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải. Sông Bến Hải chảy xuôi được 80 km thì gặp sông Sa Lung từ hướng Tây Bắc chảy vào, thành ngã ba sông, ngày nay đứng ở cầu Hiền Lương nhìn về phía Tây thấy rất rõ. Hợp lưu cả hai con sông này chảy qua làng Minh Lương (nằm ở bờ Bắc).
Từ sau ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), con sông này được cả thế giới biết đến. Theo Hiệp định, đất nước Việt Nam tạm chia thành hai miền Bắc – Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Sông Bến Hải là đường biên chia cắt trong thời gian 2 năm chờ cuộc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, được quy định vào tháng 7 năm 1956. Cũng theo Hiệp định, vùng phi quân sự (Demilitaire Zone DMZ) được thiết lập dọc hai bờ sông Bến Hải mỗi bên cách bờ sông 5 km… Đường giới hạn vùng phi quân sự có cắm hệ thống cột mốc bằng gỗ sơn trắng, trên gắn biển với hai hàng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp:
Giới tuyến quân sự tạm thời
Ligue de dẻ cramation militaire pfovisoire
Tại khu vực này, hai bên không được bố trí quân đội mà chỉ có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ an ninh vùng giới tuyến. Nhưng sự thật lịch sử đã không diễn ra như vậy. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, đối đầu với miền Bắc, đi ngược lại nguyện vọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo kéo dài suốt 21 năm. Từ chỗ giới tuyến quân sự tạm thời, sông Bến Hải đã trở thành nỗi đau chia cắt của dân tộc, của nhân dân đôi bờ vốn xưa nay là máu thịt: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Biết bao chuyện cảm động và thương tâm đã diễn ra hai bên bờ sông giới tuyến. Có một em bé được cứu sang bờ Bắc cứ mỗi lần nhớ mẹ bị kẹt lại ở bờ Nam, em lại ra bờ sông cất tiếng gọi “Mạ ơi!”. Người mẹ nghe con gọi đau lòng xé ruột, nhưng chỉ đứng bờ Nam nhìn qua hai hàng nước mắt, không dám lên tiếng trả lời. Chỉ cách nhau có gang tấc mà hàng chục năm trời đồng bào hai bên bờ sông không được gặp nhau, không được gọi nhau. Bà con bờ Nam muốn nhắn tin với người thân ở bờ Bắc phải dùng ám hiệu: Đầu vấn khăn tang và hai tay úp vào mặt là báo tin có người chết; hai cánh tay quặt ra phía sau là dấu hiệu có người bị bắt, giơ nắm tay dứ dứ lên trời là tượng trưng cho một cuộc đấu tranh chống địch vừa xảy ra… Người ta kể rằng một đám tang tại vùng giới tuyến lại có đến “4 đoàn” người đưa tiễn: Khi có người qua đời nhân dân bên bờ này đưa người quá cố đi dọc bờ sông nhưng lại phía bên kia sông. Và “hai đoàn” khác nữa chính là hình bóng của hai đoàn người được in dưới dòng sông. Biết bao nhiêu người vợ, người chồng trong cảnh “chồng Bắc, vợ Nam” phải khốn đốn vì bị sự o ép, kẻ thù tung những nguồn tin thất thiệt… Có nhiều người không chịu nổi cảnh “chim lồng cá chậu”, sự kìm kẹp, áp bức của Mỹ – VNCH đã liều mình bơi sang bờ Bắc; như ngày 20/5/1967, bà con các làng, xã ven sông: Xuân Mỹ, Bạch Lộc, Trung Sơn… không chịu vào sống trong ấp tập trung của địch, đã lợi dụng lúc pháo của ta bắn vào trại lính, ùa chạy ra sông, lội sang bờ Bắc. Tại các bến đò dọc sông Bến Hải, nhân dân bờ Bắc hối hả dùng mọi phương tiện vượt sông chèo sang cứu người. Bọn địch báo hiệu cho pháo từ Dốc Miếu, từ Hạm đội 7 bắn tới tấp. Tại bến đò Tùng Luật, mặc dù thấy hiểm nguy, bà con Tùng Luật vẫn lao sang chở đồng bào bờ Nam, đặc biệt có em Trần Thắng, 13 tuổi đã dũng cảm vượt qua bom đạn nhiều lần để cứu đồng bào. Hành động dũng cảm, gan dạ của em đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Trong khi đó, tại xã Trung Sơn pháo địch dội trúng đã làm chết và bị thương 120 người! Một lần, tại cầu Hiền Lương, có một số anh em binh lính VNCH giác ngộ đã cho xe chạy thẳng qua cầu thì bị cảnh sát VNCH bắn thủng lốp, đành phải quay lại, bước chân vào tù.
Dẫu vậy, “Gươm nào chém được dòng Bến Hải[i]“. Với truyền thống đấu tranh anh dũng, ý chí cách mạng kiên cường, truyền thống đoàn kết, tình Bắc – Nam ruột thịt, nhân dân đôi bờ đã chịu đựng mọi hy sinh, mất mát, thử thách, bền bỉ chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, thống nhất đất nước, làm cho ảo mộng “Lấp sông Bến Hải để Bắc tiến” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai hoàn toàn sụp đổ vào năm 1972, khi 2/3 tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Rồi đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được ký, con sông Bến Hải đã có đủ hai bờ và cầu Hiền Lương được nối lại bằng cầu tạm chứng kiến lễ cưới đầu tiên được rước dâu qua cầu. Chú rể là Hoàng Nghi sống bên bờ Bắc và cô dâu là Hoàng Thị Hoa sống bên bờ Nam. Hai người yêu nhau trong những năm tháng cùng chung một chiến hào, thề hẹn đến ngày đất nước hết chiến tranh, ông sẽ dâng lễ rước bà về làm vợ. Hiện hai ông bà sống hạnh phúc ở lớp tuổi tám mươi cùng con cháu và bà con láng giềng hai bờ Nam – Bắc.
Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng
Ảnh: Internet
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại km 735 trên Quốc lộ IA, nối liền thôn Hiền Lương ở bờ Bắc với thôn Xuân Hòa ở bờ Nam, cách Cửa Tùng 10 km về phía Tây. Xưa kia đoạn sông rộng 100m này chỉ có bến phà. Đến năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động sức dân làm chiếc cầu bằng gỗ, cọc sắt, rộng 2m, trọng tải chỉ đủ cho khách bộ hành. Năm 1931, thực dân Pháp sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Cầu tồn tại được 2 năm thì bị du kích ta đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn các cuộc càn quét của địch. Tháng 5/1952, thực dân Pháp xây lại cầu mới. Cầu này tồn tại được 15 năm (1952 – 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập. Từ năm 1952 – 1954, để phục vụ chiến trường miền Nam, công binh ta đã bắc cầu phao dã chiến cách cầu cũ 20m về phía Tây. Đến năm 1974, ta cho xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho người đi bộ rộng 1,2m, cầu này mang trong mình ý nghĩa như chiếc cầu thống nhất đất nước. Thời trước, khi cầu Hiền Lương bị chia đôi, chính giữa cầu được vạch một đường kẻ ngang sơn trắng, rộng 1cm, làm ranh giới giữa hai miền Bắc – Nam. Thế vẫn chưa đủ, đối phương còn dùng màu sắc để chia cắt chiếc cầu. Thoạt đầu chúng dùng sơn màu xanh, sơn một nửa cầu phía Nam. Ta cũng dùng sơn xanh, sơn tiếp nửa cầu còn lại. Chúng lại chuyển sang sơn màu nâu, ta cũng sơn lại màu nâu thống nhất. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì ta cũng làm cho chúng rút cuộc phải chịu thua, để cho chiếc cầu mang một màu xanh thống nhất. Trong 13 năm trời (1954 – 1967) cây cầu Hiền Lương bắc qua sông không có ai được qua lại để thăm viếng người thân, xóm giềng. Chỉ có lực lượng cảnh sát hai bên mới được quyền bước qua cầu để làm nhiệm vụ trực ban. Hàng tháng, vào ngày chẵn, một tổ 3 người của ta mang sổ trực sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 người của đối phương lại sang bờ Bắc trao đổi công việc.
Cầu Hiền Lương là biểu tượng trực tiếp của sự chia cắt Bắc – Nam. Lẽ thường cầu làm chức năng nối liền, thông suốt mạch máu giao thông giữa hai nơi thì đằng này, chiếc cầu đã bị kẻ thù hòng dùng để cắt chia hai miền Nam – Bắc. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m, nằm về phía Tây cầu cũ. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy, một phương pháp làm cầu hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Cầu cũ làm từ năm 1974, được giữ lại để phục chế nguyên dạng cây cầu giai đoạn 1952 – 1967, làm tâm điểm cho Khu Du lịch DMZ – Đôi bờ Hiền Lương lịch sử.
Nguyễn Anh Liên
[i] Tố Hữu, “Ba mươi năm đời ta có Đảng” trong tập thơ Gió Lộng, 1961