SỐNG TÍCH CỰC – BÍ QUYẾT GIỮ BỘ NÃO TINH TƯỜNG MINH MẪN ĐẾN TUỔI BÁCH NIÊN

Đăng lúc: 24-08-2021 2:37 Chiều - Đã xem: 153 lượt xem In bài viết

 

Sau khi bài báo “Lạc quan yêu đời, hướng về lý tưởng cách mạng cao đẹp là bí quyết sống khỏe, sống lâu, sống hạnh phúc” đăng trên Tạp chí Người Cao tuổi số tháng 10/2017, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến tâm đắc bày tỏ lòng quý phục phương châm sống của cố Đại lão Nguyễn Văn Trân ( (1916 – 2018) khi đã trên trăm tuổi mà vẫn “Thương người như thể thương thân” và còn ra sức “giúp được nhiều người có niềm vui thì mới coi là tuổi già hạnh phúc”. Cũng từ “Tuổi càng cao, tấm gương càng sáng” đó, nhiều người muốn biết bí quyết nào để giữ cho bộ não tinh tường, minh mẫn, sáng suốt khi về già, chúng tôi đã sưu tầm, học hỏi được một số điều vừa vô cùng rộng lớn mà cũng vô cùng thiết thân cho những người đã “Quyết chí ắt thành công” theo lời Bác Hồ dạy.

Các nhà khoa học đã xác định não người có khoảng 100 tỷ tế bào trong khoảng 30.000 tỷ tế bào của cơ thể. Càng về già khối lượng tế bào càng giảm, các neuron này giảm khối lượng và kích thước, sẽ làm mất đi sự uyển chuyển về tâm lý, giảm sự thích nghi, sự quan tâm đến cái mới, giảm trí tuệ. Theo G. Mule cho biết: Não người trung bình lúc 20 – 25 tuổi nặng khoảng 1.400g, 50 tuổi còn 1.350 – 1.250g, đến 85 tuổi còn 1.180 g – 1.060g. Vì thế, người già thường bị lú lẫn, trí tuệ thiếu minh mẫn. Các nghiên cứu về não đồ cho thấy: Càng già thì càng giảm biên độ và tần số nhịp sống. Tuy nhiên, trí nhớ tuổi già có giảm nhưng không phải là quy luật. Theo các nhà khoa học, tốc độ suy giảm trí tuệ tỷ lệ nghịch với thông số trí tuệ khởi đầu. Ở những người thông minh có trí tuệ mẫn tiệp đến tuổi già, chẳng những trí tuệ không bị giảm sút mà đôi khi còn tăng lên. Ở những người học vấn uyên thâm, trí tuệ rất bền vững theo tuổi tác, sự suy giảm hoạt động trí óc khó nhận thấy khi tuổi đã rất cao.

Nhà sinh học Nhật Bản Yacusino, qua nghiên cứu não người bằng siêu âm, khẳng định: “Bộ óc tuân theo luật sinh học, chính nó là cơ quan làm việc nhiều nhất, nhưng lại già đi ít nhất và chậm nhất”. Còn theo các nhà tâm lý học: những năng lực tinh thần, đặc biệt là trí nhớ giảm sút nhiều bởi thiếu sự kích thích hơn là tuổi tác. Do đó, muốn cho bộ não chậm già đi, phải tăng cường hoạt động thần kinh trí óc, vận động thường xuyên hơn những hoạt động vui thích, bổ ích bởi ngừng hoạt động sẽ ngừng sự kích thích, tạo nên sự lú lẫn. Bà Mopnique Lepoincine, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lão hóa não ở Pháp khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về Lão hóa não ở Chicago (Mỹ) rằng: “Người già não sống tích cực, lạc quan yêu đời thì có thể làm chậm quá trình lão hóa não”. Cho nên trong hoạt động trí óc phải chú ý hoạt động tư duy, tức là tạo một khí hậu cảm xúc tối ưu (Climal emotional optima) giúp cho con người sống vui tươi, thoải mái.

Nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristot đã nói: “Cơ thể và tâm hồn hòa nhập thành một thể thống nhất”. Đúng như vậy, không thể có một cơ thể lành mạnh, sảng khoái, khi tâm hồn u uất, bệnh hoạn, lo âu, thất vọng, day dứt, căng thẳng thần kinh liên tục.

Còn phương ngôn Nga: “Điều chủ yếu mà sức khỏe thể chất phụ thuộc vào đó là sức khỏe tinh thần”. Cho nên mối quan hệ tinh thần – cơ thể là nguyên lý cơ bản của y học phương Đông. Kinh Vệ-đà[i] giải thích rằng: “Cơ thể là hiện thân của ý thức”. Cho nên sống tích cực không tự nhiên đến với mọi người mà phải đấu tranh giành lấy nó. Đó là những hoạt động tự giác và tích cực của con người như hoạt động thần kinh, hoạt động dinh dưỡng, hoạt động về thể lực, hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí phù hợp.

Đặc biệt, những phát hiện mới về khả năng tăng trưởng của não gần đây cho rằng, càng được sử dụng não bộ nhiều chừng nào, não càng tăng trưởng chừng ấy. Vì não càng làm việc, thì các tế bào não (neuron) càng phân nhánh sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Sự tách nhánh này tạo nên hàng triệu mối liên lạc (synape) khác giữa các neuron. Khả năng tự thay đổi của não đem hy vọng mới trong việc ngăn ngừa và chữa trị các bệnh về não như liệt não, các chấn thương ở não và đẩy lùi bệnh Alzheimer… vì càng hoạt động, não càng phát triển thặng dư neuron để thay thế các neuron đã hư hỏng do bệnh tật. Do đó, nhiều người tuổi cao vẫn sáng suốt theo tuổi tác, như cụ Mbah Ghôt sống ở vùng Sragan, tỉnh Trung Java Indonesia, cụ sinh tháng 12/1870, theo The independent cụ vẫn sáng suốt đến khi mất, ngày 30/4/2017, thọ 147 tuổi.

Tóm lại, phải coi việc sống lâu, sống khỏe, sống có ích vừa là vấn đề khoa học, vừa là vấn đề nghệ thuật sống, để cho những ai thật sự yêu cuộc sống, thật sự không muốn già nua, nhất là già nua trí tuệ thì phải “Sống tích cực”, quyết tránh xa lối sống tiêu cực, chỉ ham ăn chơi mà lười vận động, nhất là vận động trí tuệ, mới đạt được thành công trong việc chống lão hóa não sớm, để đạt đến hạnh phúc: “Dưỡng Lão hồi Xuân”. Đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp hiện nay, vấn đề “sống tích cực” trở nên cực kỳ quan trọng. Mỗi người cần ra sức thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tăng cường vận động cơ thể, vận động tinh thần, trí tuệ, vận động tại chỗ, tại nhà. Kết hợp xoa bóp, vỗ bấm với thở dài, hít sâu để thu nhận năng lượng sạch, đẩy lùi năng lượng xấu độc. Ăn uống điều độ, đủ chất, chỉ dung thực phẩm lành, sạch, an toàn, tránh xa nghiện ngập, nhậu nhẹt sa đà. Đừng quên thường xuyên đọc sách báo, theo dõi thời sự, nghe ca nhạc, đọc thơ, làm thơ tạo không khí vui cửa vui nhà và vui cùng con cháu. Cuối cùng là thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch, thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguyễn Anh Liên

Cố vấn Viện Nghiên cứu ứng dụng dưỡng sinh tâm thể Việt Nam

 

 

 


[i] Kinh Vệ-đà, hay Phệ-đà (tiếng Phạn: वेद; tiếng Anh: Veda) xem như là cỗi gốc của giới Bà La Môn và là suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Véda có nghĩa là “tri thức”. Trong kinh có những bản tụng ca để ca ngợi các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông… Phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ. bài cổ nhất có từ thế kỷ 15 trước Công nguyên và những bài gần nhất cũng khoảng thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.