Sự đời

Đăng lúc: 16-11-2020 2:28 Chiều - Đã xem: 34 lượt xem In bài viết

  Truyện ngắn

 

Ảnh internet  

Không biết hắn làm to đến chức nào. Chỉ biết, mỗi lần hắn đi công vụ, xe xịch đỗ, cái chân hắn vừa thò ra khỏi xe là có người khum xuống giơ hai tay đỡ hắn ra. Nhóm người lăng xăng chạy đến kẻ xách cặp, người che ô, theo sau bước đi bệ vệ của hắn. Để rồi khi làm việc xong, hắn bước lên xe, cái chân chưa về vị trí thì hai tay của anh văn phòng nhẹ nhàng đút cái phong bao vào túi hắn. Cánh cửa xe từ từ đóng: “Bai, hẹn gặp lại!”. Hắn đưa tay vẫy vẫy. Chiếc xe nhẹ lướt, để lại tiếng gió vù qua tai tay văn phòng.

 Hắn giàu sang qua việc đeo trang sức trên người, qua cách ăn mặc của hắn. Quần áo lúc nào cũng gọn gàng, chỉn chu chứ không phải như một số “sếp”, ăn mặc tuềnh toàng, đi đứng cứ thụt thò…kẻo sợ mang tiếng. Sang trọng với chiếc Camry bạc tỷ, khi nào cũng bóng loáng. Cứ mỗi lần hắn nhìn được cái hình người của hắn bên thành xe thì hắn mới hết lau chùi. Ngón tay bắp chuối to, mỗi lần gặp người quen hắn cứ xoay xoay chiếc nhẫn vàng gắn đá hồng ngọc to bự ở ngón tay. Cũng không phải như vậy là hắn khoe, nhưng vì hắn có. Mà thật, cái gì có thì cũng phải trưng ra cho mọi người cùng biết, chứ khư khư cất giấu ra vẽ liêm chính làm gì. Hắn giàu nhưng hắn cũng không phải hạng keo. Như cái dạo làng bị bị bão lụt, vợ chồng tôi giỏi lắm cũng chỉ ủng hộ được một ngày công, trừ vào lương tháng. Khi không lên lớp, phụ giúp lợp lại viên ngói, dựng mấy cây đổ dọc đường cho mấy nhà lân cận. Còn hắn, hắn đưa ca nô và đoàn cán bộ huyện đi thăm từng nhà. Nhà nào ngập ít, một thùng mì tôm; nhà nào ngập vừa dăm bảy cân gạo; nhà nào có hư hại, tiền triệu. Dân làng cảm phục hắn lắm. Hắn đi đâu cũng được ngưỡng mộ. Đến mùa thu hoạch dân làng đưa quà cáp đến tận nhà, để cảm ơn hắn qua đận hoạn nạn. Nào gạo mới đầy bao, ngan, vịt đầy chuồng, cá chất đầy tủ lạnh…cứ ùn ùn về nhà hắn như trận bão lụt năm nọ cuộn về.

Người cùng làng. Tôi và hắn sinh cùng tháng, cùng năm nhưng khác ngày. Có lẽ do cái khác ngày đó mà tạo hóa cho mỗi người một cái số? Bố mẹ hắn làm cán bộ Nhà nước, gạo mì hàng tháng đều có đủ. Thỉnh thoảng thấy hắn đi cửa hàng thực phẩm về là có lèo tèo mấy lạng thịt heo bám bạc nhạc xách về. Tối đến, tôi ra đứng bên hiên nhà ngấc mũi lên để thưởng thức cái mùi thịt rán, mùi rau muống xào tỏi bên nhà hắn bay sang, rồi quay vô nuốt nước bọt cái ực.

Cái ngày tôi và hắn cùng học cấp hai, sáng hắn đưa bánh mì rán, phần ăn sáng đi theo; còn tôi bọc trong lá chuối khô mấy củ khoai. Thế là hắn đổi cho tôi. Tôi sướng rân người vì được hít hà mùi thơm của bánh rán, rồi bẻ từng tí đưa vào mồm từ từ thưởng thức cái bùi ngọt của mì, cái thơm ngậy của mỡ. Còn hắn, ăn ngon lành mấy củ khoai luộc đã nguội ngắt của tôi. Hắn khen ngon, hắn thèm. Những hôm đụng phải củ khoai hà, hắn nhăn mặt chửi đổng rồi vứt cả bọc khoai. Thế nào trưa về hắn cũng mua mấy que kem lót dạ. Tôi cũng được hắn chia phần. Buổi tối đám trẻ con chúng tôi sau khi ôn bài xong, rồi rủ nhau đi chơi. Tiếng là đi chơi, nhưng hắn rủ tôi đi trộm bưởi làng bên. Tôi sợ không dám đi. Hắn nói: “Mày hèn thế! Bố tao bảo thằng nào mà hèn thì lớn lên chẳng làm ăn gì được”. Hắn to nhỏ với tôi: “Bưởi làng bên không biết sao nó ngon ngọt đến lạ lùng”. Tôi nhụt lòng nghe hắn. Hai đứa trộm hai quả to tướng đưa xuống hầm trú ẩn hợp tác xã để ăn. Lâu rồi cũng bị phát hiện. Chủ nhà bắt được đánh đòn một trận nhớ đời.

Học chưa xong cấp 3, hắn làm đơn xin đi bộ đội. Cả nhà hắn sụt sùi, sợ hắn bỏ mạng nơi sa trường. Hắn nói: “Quyết rồi, không ngăn nữa. Vả lại đi bộ đội mới có cơ hội “đỏ ngực” được”. Mấy tháng, chưa xong huấn luyện, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cả nhà hắn mừng chảy nước mắt. Hắn đi học sĩ quan. Chưa có cơ hội đỏ ngực, hắn bị thương khi chiến tranh biên giới xảy ra, hưởng chế độ thương binh, hắn xuất ngũ rồi được về huyện công tác.

 Tôi học sư phạm, ra trường được phân về dạy một trường ở tỉnh miền núi xa xăm. Thỉnh thoảng về tết, nghỉ hè tôi với hắn cũng gặp nhau đôi lần. Hết hạn nghĩa vụ miền núi, tôi được điều về quê công tác. Hôm nộp giấy tờ ở huyện, tôi gặp hắn. Khệnh khạng bởi cái bụng sắp sệ ra, hắn nói: “Mày thích về trường nào, nói một tiếng là mai có quyết định liền. Chỗ bạn bè tao giúp”. Không biết hắn làm cái chức gì mà oách thế! Có đúng như hắn nói không? Hắn nheo mắt nhìn khinh khỉnh. Rồi hắn dẫn tôi đi một vòng khắp các phòng, ban của huyện, miệng cứ huyên thuyên chuyện trên trời dưới đất. Tôi lẳng lặng đi theo. Hắn đưa tôi vào phòng làm việc của hắn và giới thiệu với mọi người. Tôi im lặng cúi chào.

Ít ngày sau, tôi có quyết định về dạy trường huyện.

Tôi gặp hắn. Không mời được bữa rượu cảm ơn, ngại quá, tôi chỉ cười trừ. Hắn nói: “Trả mày công học phí, ngày xưa cho tao xem bài kiểm tra!”

Ngày cuối tuần, nhà hắn xe máy chật sân. Thôi thì đủ các hãng xe, đủ các màu xanh xanh, đỏ đỏ chói cả mắt. Những ngày đó tôi không dám ra sân. Ngày còn bé, luôn được thưởng thức cái mùi tỏi xào rau muống nhà hắn, bây giờ thì được hưởng cái mùi bia, rượu ngoại bên nhà hắn bay sang. Rồi tiếng cụng li, tiếng zô zô điếc cả tai. Có những lúc cao hứng hắn kiễng chân bên bờ rào gọi với sang: “Làm li cho vui đê”. Những lúc như thế vợ tôi nói như xỉa bên tai: “Ra xem nhà người ta mà học tập chứ, mắc chi phải cu rú trong nhà ôm mấy chồng sách. Sĩ diện hão”. Những lúc như vậy tôi phải bịt tai, bịt miệng để khỏi nghe, khỏi bật ra những lời cộc cằn với vợ.

Một tối. Không hiểu cớ gì, hắn gọi tôi sang nhà chơi uống rượu. Không sang, tôi bận soạn bài, ngày mai có đoàn kiểm tra của Sở. Hắn xách chai rượu Hennessy VSEOYVAP nhãn hiệu Pháp và con mực nướng giòn sang. Hắn nói: “Cậu coi thường tớ quá! Mai có thanh tra à? Mai tớ nói cho cậu nghỉ giúp tớ một việc quan trọng, thế là được chứ gì”. Tôi nhìn hắn nghi ngờ: “Có việc gì thì nói đi, mà mình không muốn nhờ cậu can thiệp vào việc công tác”. Hắn bật nắp chai, rót hai li chìa sang cho tôi: “Uống đi! Xin mời”. Tôi bị viêm họng nên từ chối. Hắn cầm li ực một cái rồi nói gọn: “Không uống cũng không sao. Nhưng tớ nhờ cậu viết cho tớ một bản báo cáo …” Rồi hắn đưa tờ giấy với những nội dung, số liệu cần cho bài viết. Xem xong tôi lắc đầu không nhận lời. Hắn đứng dậy phủi quần, xách chai đứng dậy: “Bai!” Có vẻ bực lắm. Hắn về rồi tôi thấy mình như không phải lắm với hắn. Không phải làm cao mà tôi không viết cho hắn, bởi tôi bận với công việc của mình; bởi sự vô lí, một cán bộ huyện đi nhờ viết báo cáo. Vợ tôi trong buồng nói vọng ra: “Người ta là cán bộ to, là bạn hàng xóm, mình không giúp được thì cũng có lời cho phải. Người đâu mà cứng nhắc. Thế mà giáo viên dạy giỏi văn đấy. Không biết lấy một lời hoa mĩ cho người ta vừa lòng”. Tôi bực bội nói vọng vào: “Hắn làm cán bộ to, không viết được thì có cấp dưới, có văn phòng chứ! Mà sao cô đưa văn võ vào đây làm gì. Văn học cũng có vị trí của nó chứ!” Vợ tôi tiếp lời: “Rồi sẽ xem hậu quả cái vị trí văn với võ của anh”. Tôi nghe vợ nói vậy tự nhiên nghe ớn xương sống. Không biết rồi có việc gì xảy ra đây?

 Sáng, tôi đến trường. Ông Hiệu trưởng gọi vào phòng Giám hiệu, đưa cho tôi tờ giấy: “Sáng nay cho cậu nghỉ dạy, viết cái báo cáo. Số liệu có trong này”. Tôi nhìn tờ giấy. Đích thị là của hắn rồi, tôi lắc đầu ra vẻ từ chối. Ông Hiệu trưởng nói như ra lệnh: “Nhiệm vụ của nhà trường giao đấy”. Nói xong không cần xem tôi có phản ứng gì thêm, ông quay lưng. Tôi nghĩ ngợi mông lung, và ngồi vào bàn. Rồi bản báo cáo cũng đã hoàn thành. Qua một ngày, ông Hiệu trưởng gọi tôi vào: “Thế nào, đã viết bản báo cáo xong rồi đấy hử? Tốt!”

 Thật bất ngờ, tuần sau tôi có quyết định chuyển đến dạy ở trường bán công xa nhà gần hai chục cây số. Nguyên nhân rồi tôi cũng rõ. Trong bản báo cáo có đoạn tôi viết: “Tránh tình trạng dễ làm khó bỏ”. Khi hắn đọc đến đoạn “dễ làm khó bỏ”, mồ hôi hắn tứa ra, nhỏ xuống bản báo cáo, mấy cái dấu bay đi đâu mất. Hắn lúng túng một lát rồi đọc liều thành “dê làm khổ bò”. Cả hội nghị cười ầm lên. Hắn mất cả thể diện.

Nhìn tờ quyết định chuyển trường, vợ nhìn tôi bừng bừng: “Ông đã sáng mắt ra chưa? Tôi nói có sai đâu. Tại cái bệnh trêu ngươi mà ông đã làm khổ thân, khổ vợ con”.

Từ đó trở đi, hắn thôi không còn kiễng chân bên bờ rào gọi tôi sang uống rượu nữa. Rồi bỗng dưng hắn được chuyển về tỉnh làm việc. Nghe đâu các sếp dưới tỉnh khen hắn viết bản báo cáo hay, còn cái việc đọc báo cáo …chắc là hắn muốn hài hước nên mới đọc ra thế. Tôi bật cười. Nghĩ không ra nữa, nhưng dù sao mình cũng bị thua một bàn trong thấy.

Hắn xây nhà trên tỉnh to lắm. Xây chưa xong hắn tổ chức vào nhà mới. Những người được hắn mời đến toàn là “tai to, mặt lớn”. Tan tiệc, hắn than phiền: “Các anh thông cảm, thầy tướng số coi phải khánh thành để lấy ngày, lấy lộc chứ em cũng chưa muốn. Thiếu thốn quá nên nhà cứ dở dang, bừa bộn…Thông cảm, thông cảm”. Không biết thầy tướng số coi đúng hay hắn nói đúng. Tuần sau, xe ùn ùn chở về nhà hắn không biết bao nhiêu là cát, xi măng, sắt thép…Xong nhà rồi mà vật liệu dùng không hết, hắn bàn với vợ về xây nhà ở quê làm nơi thờ tự báo hiếu.

Dạo này trời mưa. Xe chở vật liệu về nhà hắn đường cứ gập ghềnh. Nước đọng vũng. Hắn về xã bàn việc “Xây dựng nông thôn mới”. Thế là mọi người bắt tay vào hoàn thành con đường đi qua nhà hắn. Nhà nước và Nhân dân cùng làm mà. Xã kêu gọi tài trợ. Nghe đâu danh sách tên hắn đầu tiên, đứng ra tài trợ năm mươi triệu. Công trình được giám sát, quản lí chặt nên chất lượng đảm bảo lắm. Chưa vào đến nhà tôi đã nghe vợ vọng ra: “Khiếp! Tiền đâu mà lắm thế. Đáng mặt anh hào. Cứ đâu phải như nhà mình ôm mãi ba quyển sách để uống nước lã”. Tôi không nói gì, đẩy chiếc xe mà lòng nghe nặng trịch. Năm mươi triệu! Bằng cả năm lương nhịn đói của anh giáo như tôi. Tiền đâu mà lắm thế nhỉ? Rồi truyền thanh huyện, xã đưa tin. Mọi người kháo nhau: “Không biết ông bà thân sinh, dòng họ nhà nó ở “dưới suối vàng” có nghe thấu? Chắc cũng nở mặt, nở mày với hắn lắm”. Nhà ở quê, hắn xây xong, cán bộ thôn, xã tổ chức đến báo đáp, đào cho hắn cái hồ cá có hòn non bộ trong vườn nhà của hắn. Nghe đâu non trăm triệu. Ít ra, con đường được hoàn thành cũng nhờ hắn duyệt kinh phí, ủng hộ tiền mà. Thật là một sự báo đáp cao như núi!

Từ khi có đường mới, tôi đi dạy về con chó cũng quên sủa vì nó không còn nghe tiếng rú ga ầm ầm để vào ngõ nữa, cũng đỡ bớt mấy đồng tiền xăng. Nhưng khi nhà hắn làm xong, nhà tôi như cái lều lạc lõng. Tầm nhìn che lấp và nhất là gió cũng biến tăm, biệt tích không đoái hoài đến. Than ôi! Đang yên, đang lành phải nghĩ đến việc sửa lại nhà, biết làm sao đây?

Đi dạy về, tôi thấy một đống gạch, xi măng, sắt thép… bên nhà hắn ùn ùn tấp sang nhà tôi. Thật chẳng ra sao cả, nhà đã chật mà còn đem vật liệu sang đây gửi. Tôi nghĩ thầm. Vừa bỏ mũ, vợ tôi đã chạy ra khoe: “Vật liệu bạn anh làm thừa, cho mượn để mình sửa nhà đấy”. “Rồi lấy đâu ra mà trả”. Tôi phùng mang, trợn mắt. Vợ tôi dịu giọng: “Khiếp! Sẽ có cách”. Rồi vợ tôi nói thầm vào tai tôi. Tôi nổi gân: “Sao! Em định bán rẻ lương tâm nghề nghiệp để đổi lấy những thứ này à. Đây là một cuộc đổi chác chứ đâu là vay mượn. Chỉ vì mấy thứ vật liệu đó mà em giúp cho con hắn đậu tốt nghiệp trong kỳ thi này sao?” Vợ tôi nổi đóa lên: “Vậy thì anh làm gì được thì làm đi. Thôi mặc kệ, nhiều người họ vẫn làm thế mà”. Tôi đành thất vọng, chịu lép, nhắm mắt làm ngơ.

Làm nhà xong, hắn thuê osin trẻ, xinh đẹp về chăm lo mọi việc. Nhưng không biết cô gái kia làm osin hay hắn. Cứ mỗi chiều cuối tuần hắn đi công tác rồi ghé về quê mang theo bao thứ: nào gà Đông Cảo, ngỗng Mán, rau Đà Lạt, nấm hương Lào Cai …Và rồi hắn lăn xả vào nhổ lông, mổ gà…xào nấu, osin chỉ việc ngồi hót chuyện khen hắn tháo vát, giỏi giang. Hắn a lô cho bọn “đàn anh, đàn em” đến đầy nhà. Rượu vào, bọn đàn em tha hồ nịnh, hắn nghe sướng cả tai: “Lần sau anh chỉ ới một tiếng là bọn em đến “ra tay” liền. Cớ chi anh nhúng vào ba cái vụ lặt vặt nầy”. Cao giọng, hắn bảo: “Các chú nay đừng đưa trắm, trê… lên thành phố nữa, rách việc. Chỉ cần cho vào hồ cá này, đến cuối tuần là tụi mình OK”.

 Hắn ở lại với osin. Không biết để osin phục vụ hắn hay hắn phục vụ osin. Sáng, đang còn uể oải, mắt nhắm mắt mở. Vợ hắn a lô đau bụng. Hắn lật đật mở mạng. Đây rồi. Đau bụng, ăn mật cá trắm…Hắn vội vàng ra chỗ bỏ rác tìm mật cá trắm. Vài ngày sau vợ hắn bị ngộ độc mật cá trắm và…qua đời. Xong tang vợ, hắn mở mạng tra xem tác dụng của mật cá trắm. Mở đúng cái trang hôm nọ, hắn đọc đi đọc lại: “Đau bụng ăn mật cá trắm…”. Hắn mở tiếp trang sau: “… thì tắc tử”. Đọc xong, trán hắn toát mồ hôi như tắm. “Trời! Sao mình ngu quá vậy”. Hắn kêu lên. Giờ ân hận cũng muộn rồi. Số vợ chết yểu chứ đâu do mình, hắn tự an ủi. Từ khi vợ hắn mất hắn ít về quê hơn, nghe đâu hương khói tuần, tháng cho vợ. Năm thì mười họa hắn ghé thăm osin rồi lên thành phố. Nhưng osin của hắn đâu tay vừa. Nũng nịu, vòi vĩnh thế nào cuối cùng hắn cũng đưa osin về thành phố để chăm sóc cho hắn. Ngôi nhà ở quê nhờ ông cậu họ trong coi.

Xả tang vợ xong, hắn nói với con, hắn muốn lấy vợ để có người trong coi nhà cửa, chăm sóc gia đình. Thằng con nói mát với bố: “Bố bận tâm việc lấy vợ làm gì. Không lấy mà bố đầy vợ ra đó thôi. Lấy vợ rồi bố đâu có điều kiện thoải mái mát xa”. Nghĩ cũng phải. Hắn thôi ý định cưới vợ. Cứ cho thân phận osin là osin kẻo thiên hạ người ta đặt điều. Lại được tiếng chung tình với vợ. Nhưng mỗi lần thấy thằng con nhìn say sưa vào bộ ngực osin, hay lấy tay đánh đét vào mông osin trước mặt hắn thì hắn muốn điên lên. Thằng con cứ thích thế mãi như thách thức với hắn. Một hôm hắn nói: “Lớn tướng rồi, lấy vợ đi thôi”. Thằng con nhìn chằm chằm vào bố: “Ông ghen à! Tôi cũng muốn lấy vợ chứ, nhưng bọn con gái chê tôi. Con cán bộ to không có nhà riêng, lấy vợ về ở chung với …bố chồng à”. Vậy là hắn mua một căn hộ cho thằng con trai. Như vừa nhổ được cái gai đang xăm xói vào osin của hắn, cũng là phân tán bớt tài sản “nhỏ nhoi”, tránh tiếng thiên hạ.

Công cuộc chống tham nhũng đang lan tỏa. Cái “lò” của công lý đã được đốt lên. Không biết bao quan chức to nhỏ lần lượt vào lò để ngồi bóc lịch và suy ngẫm! Nghĩ cũng lạ. Khi được “hưởng phúc” các sếp chẳng chia phần cho ai. Đến khi dính vào tội chúng nó chia nhau phần cho nhẹ tội. Cái lò công lý đang tìm đến với hắn. Nghe đâu mấy trăm tỉ đã chui tọt vào túi hắn. Nào là dự án, nào là công trình, nào là quà biếu, rồi phần trăm, chia chác lợi ích nhóm…chỗ nào cũng có bóng dáng của hắn. Không biết cái chữ ký của hắn có đăng kí với thần tài không mà mỗi chữ kí của hắn đều tuôn ra tiền tỉ, rồi tuôn về cái túi “mười hai gang” của hắn. Bây giờ, hắn đang run rẩy, lo sợ, đêm ngày mất ăn mất ngủ. Đêm nằm mắt thao láo, suy kế, tính mưu. Đến bên bàn thờ, hắn thắp nén nhang khấn vái vợ hắn giúp hắn qua đận này. Rồi bỗng dưng hắn ằng ặc như bóng ma, bật cười một mình trong đêm vắng.

Tin đồn hắn bị ung thư. Tin “dữ” loang xa như ngọn gió bay từ tỉnh đến thôn. Người chặc lưỡi tiếc cho số phận đang đà thăng tiến của hắn. Người kế cận hắn thì mừng thầm. Kẻ ghen ghét hắn thì cho là đáng. Nhưng đó không phải là tin đồn mà là tin thật. Cái giấy “báo tử” có dấu đỏ au của cơ quan y tế hẳn hoi. Các cấp thẩm quyền cứ soi qua, lật lại xem thật hay giả. Thật trăm phần. Các ban ngành trên, dưới tổ chức đi thăm hắn. Nhìn những khuôn mặt chiếu lệ của cấp dưới quyền đến thăm, hắn buồn lắm. Không phải hắn buồn vì căn bệnh ung thư mà hắn buồn vì sự trả ơn lạnh nhạt của cấp dưới. Dù sao, hắn đường đường vẫn đang là một cán bộ cấp tỉnh.

Hắn xin nghỉ việc về quê để dưỡng bệnh. Các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cũng phải “nuối tiếc”. Ai lại đi điều tra, truy tố người mắc bệnh hiểm nghèo bao giờ. Hắn không đưa osin về cùng. Nghe nói dạo này trên phố, kẻ trộm nhiều, bọn nghiện cạy cửa cũng lắm nên không sơ hở được. Mấy ngày đầu hắn ở lì trong nhà không xuất đầu lộ diện, sợ người đến thăm thì ít, người hiếu kì kiếm chuyện thì nhiều. Nhưng cũng chằng thấy ai động đến hắn. Hắn lại ra sân, chán chê lại ra bờ hồ ngồi câu cá. Không hiểu sao dạo trước cá nhiều thế, mới thả câu xuống là chúng tranh nhau mắc câu không biết bắt con nào. Vậy mà mới có mấy tháng cá đã đi đâu hết tong. Rồi hắn cũng nghĩ ra: “Dạo này có thằng đếch nào đến thả cá vào hồ nữa đâu”. Bực mình, hắn chửi đổng: “Một lũ ăn cháo đái bát. Lò không cháy được ông thì chúng mày coi chừng nhá!”

Tôi sang thăm hắn. Dù sao cũng láng giềng gần. Hắn lấy rượu mời. Tôi hỏi: “Cậu ung thư mà còn uống rượu được à?” Hắn nói: “Ung thư cái chó gì tớ. Mày cũng biết đấy, cái “lò” chống tham nhũng nó có chừa ai đâu. Thôi cứ làm một li cái đã”. Tôi cầm li rượu nhắm mắt ực một cái. Ly rượu ngoại giá bạc triệu sao mà thấy nhạt, đắng chát. Tôi nghĩ về sự lanh ma của hắn, nghĩ về sự đời. Không biết sự đời là cái gì và nó như thế nào? Không lí giải nỗi!

          Đã hơn tháng nay, osin của hắn, con hắn chẳng thấy lai vãng. Hắn buồn bực lắm. Hôm nay, hắn “vi hành” lên phố xem có động tĩnh gì không, rồi về nhà thăm osin một thể. Hắn không đi ô tô, không kêu tắc xi, đi xe máy cho êm chuyện, khỏi ai dòm ngó. Gần đến cổng nhà, hắn tắt máy dắt bộ. Cổng đóng, hắn bấm chuông. Một người đàn bà đứng tuổi ra mở cổng: “Ông hỏi ai?” Hắn trừng mắt: “Đây là nhà tôi, bà là ai mà dám hỏi tôi như vậy?” Nghe ồn ào, gã con trai chạm trổ long phượng đầy người chạy ra: “Cái gì! Ông là ai mà dám vào gây sự. Nhà này có chủ mới rồi nhé! Thôi đi đi kẻo tôi thả con ki ra nó vồ cho nát xương bây giờ”. Hắn chần chừ, không hiểu đầu đuôi ra sao, cứ xông vào nhà để hỏi cho ra nhẽ. Gã con trai trừng mắt nhìn hắn quát: “Có gì lên Công an phường mà hỏi nhé. Có đi không thì bảo”. Nói rồi gã con trai đưa nắm đấm lên. Hắn vừa bất ngờ vừa hoảng dắt xe quay ra đường. Lấy điện thoại gọi cho osin của hắn. Máy cứ tích tè, tè tè: “Thuê bao quý khách…” Hắn gọi cho con trai: “Số máy không có…”. Thế này là thế nào? Hắn tự hỏi một mình. Hắn lao xe đến nhà con trai. Cổng nhà khóa. Nhìn vào, băng giấy dán chéo hai cánh cửa lồ lộ trước mặt hắn. Hắn đang phân vân chưa biết hỏi ai. Đây rồi. Hắn ghé quán nước bên đường. Nghe bà cụ chủ quán nói, thằng con trai hắn bị công an bắt về tội sử dụng, tàng trữ ma túy. Chân tay hắn bủn rủn, chới với. Hắn chưa định thần, đi giật lùi ra đường. Một chiếc xe lao tới đâm sầm vào hắn. Hắn văng ra khoảng hai mét rồi rơi bịch xuống, ngất xỉu.

Mọi người xúm quanh vòng trong, vòng ngoài. Xe cảnh sát, xe cứu thương cũng kịp đến. Mấy nhân viên y tế đưa hắn lên xe. Chiếc xe hú còi lao đi về phía bệnh viện. Tiếng nói ồn ào chen lẫn tiếng bàn tán: “Không biết người ở đâu vậy, thấy cũng thương tâm”. Người thì nói: “Chắc nặng lắm”. Kẻ chặc lưỡi: “Không biết có sống nổi không”. Mỗi người một tiếng góp vào ồn ào.

Vòng người giải tán chỉ còn lại cảnh sát giao thông đang làm phận sự. Đèn đường bật sáng, xe, người qua lại như mắc cửi trên con phố, nhộn nhịp trở lại trong đêm.

           Quán Hàu, tháng 5 năm 2020

Nguyễn Đại Duẫn

Hội VHNT Quảng Bình