Các thầy giáo Thái Bình trong Trường học lớn Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 17-11-2022 8:22 Sáng - Đã xem: 304 lượt xem In bài viết

Thực hiện Chỉ thị số 71 ngày 21/7/1965 của Thủ tướng Chính phủ, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước được tổ chức và xây dựng trên cả 3 mặt: lao động sản xuất, chiến đấu và học tập. Để tạo điều kiện học tập văn hoá được thuận lợi, mỗi Đại đội TNXP có hai giáo viên chuyên trách (được UBND tỉnh cử đi), đơn vị lựa chọn thêm giáo viên kiêm nhiệm (có trình độ văn hóa tốt nghiệp cấp 2, 3 phổ thông).

Ngày đó, cùng hành quân với TNXP tỉnh Thái Bình ra tiền tuyến còn có các thầy cô giáo. Trên đường ra trận, ngoài tư trang của người chiến sỹ, các thầy cô còn mang theo tài liệu giảng dạy, phấn, mực, giấy viết; cũng trèo đèo, lội suối, băng rừng, ăn rau tàu bay, măng đắng thay cơm..

Trong điều kiện chiến tranh, ở những trọng điểm giặc Mỹ bắn phá ác liệt, luôn phải ưu tiên cho nhiệm vụ: “bám cầu, bám đường”, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt thì chương trình dạy và học văn hóa tưởng như không thể thực hiện được. Nhưng nhờ tinh thần ham học của TNXP, nhờ trách nhiệm cao cả của các thầy cô giáo nên việc học tập văn hóa của TNXP được thực hiện linh hoạt, sáng tạo để lại những dấu ấn, những kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò trong “Trường học lớn TNXP” của một thời “hoa lửa”.

Lớp học của thầy trò TNXP là trong hang núi, bên dòng suối cạn, dưới tán cây rừng Trường Sơn; thời gian dạy và học là bất kể đêm, ngày, sáng, trưa, chiều, tối; ban ngày “trực chiến” thì ban đêm dạy và học; bảng viết là thành xe, vách núi, một mảng giấy dầu, một nhịp cầu còn sót lại sau trận bom …; bàn học là bất kỳ vật dụng nào có: thùng hàng, ba lô…; ghế ngồi học dép cao su, sàn ngủ là cây rừng ghép lại.

Thời chiến tranh giấy bút thiếu thốn, học trò phải ghi bài hai hoặc ba lần trên cùng một trang giấy, một quyển vở (ghi bằng bút chì trước, bút mực sau). Ngoài thời gian dạy học các thầy, cô cũng thường xuyên có mặt trên hiện trường cùng TNXP phá đá, san lấp hố bom, bốc dỡ hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Bằng tâm hồn, trí tuệ, đạo đức sáng trong, mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm các thầy, cô luôn là chỗ dựa tinh thần cho Ban chỉ huy và đội viên TNXP, tìm kế để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vượt qua đời sống khó khăn, thiếu thốn của thời chiến các thầy, cô vẫn ngày đêm miệt mài đèn sách để có bài giảng hay, sinh động, thuyết phục, định hướng tương lai cho TNXP.

Nhờ tấm lòng và công sức của thầy cô, một khóa “Học trò -TNXP” thời chống Mỹ đã hoàn thành chương trình văn hóa cấp hai, ba phổ thông, được cử đi học, tốt nghiệp các trường trung học, đại học trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhiều người trở thành nhà giáo như: cô giáo Ngô Thị Loan, TNXP Đại đội 932 Đội 93; Nguyễn Thị Dần,TNXP Đại đội 933 Đội 93; Nguyễn Thị Nghiên, TNXP Đại đội 953 Đội 95…

Trong trang sử vàng truyền thống của Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình, có  chiến công của các thầy giáo – liệt sỹ TNXP: Lê Mậu Thưởng, Đại đội 895  Anh hùng LLVTND, hy sinh khi làm nhiệm vụ ở ga núi Gôi, tỉnh Nam Định; Nguyễn Ngọc Quyến, Đại đội 893, Đội 89 hy sinh tại núi Cánh Diều, tỉnh Ninh Bình; Nguyễn Ngọc Toản, Đại đội 931, Đội 93 hy sinh tại cầu Tào, tỉnh Nam Định…

Các cựu giáo viên – TNXP Thái Bình gặp mặt năm 2017

Kết thúc chiến tranh, các thầy, cô trở về với ‘’mái trường xưa’’, tiếp tục “sự nghiệp trồng người”. Do điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh đã có không ít thầy, cô lâm bệnh, mang thương tật lại tiếp tục đứng trên bục giảng. Bằng bản lĩnh của Nhà giáo – chiến sỹ được thử thách trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thầy, cô lại càng “, yêu người, yêu nghề bấy nhiêu…’’, gửi trọn niềm tin và trách nhiệm “Tất cả vì học sinh thân yêu”

Hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, nhiều thầy, cô đang an dưỡng tuổi già, vượt qua tuổi tác vẫn tâm huyết với công tác hội, là những “nhân chứng lịch sử” tiêu biểu, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu TNXP “gieo mầm lý tưởng cách mạng” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ . Tấm gương cống hiến và rèn luyện của các cựu Nhà giáo – Thanh niên xung phong Thái Bình mãi là những hình ảnh đẹp trong trang sử vẻ vang của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Đặng Văn Bộ

Chủ tịch Tỉnh hội Thái Bình