Sự ra đời của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung ở miền Bắc 1965-1975

Đăng lúc: 24-03-2020 11:12 Sáng - Đã xem: 245 lượt xem In bài viết

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ[i] được ký kết năm 1954. Nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm 2 miền và tổng tuyển cử 2 năm sau đó. Tranh thủ thời gian của Hiệp định, ở miền Bắc Đảng ta đã tập trung khôi phục kinh tế sau chiến tranh, củng cố chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phản bội lại Hiệp định Giơ ne-vơ. Chúng tiến hành lập ấp, thực hiện Luật 10-59[ii] đàn áp những người cộng sản.

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15, ra Nghị quyết[iii] tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân với 3 thứ quân để chống lại Đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội và tăng cường chi viện cho miền Nam, trở thành hậu phương lớn phục vụ cho miền Nam đánh Mỹ.

Nhân dân miền Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ phong trào Đồng khởi[iv], đến các cuộc đấu tranh chống Chiến tranh đặc biệt[v] và Chiến tranh cục bộ[vi] của Đế quốc Mỹ, đánh bại âm mưu tiến hành Chủ nghĩa thực dân hóa kiểu mới[vii] của Đế quốc Mỹ.

Bị thua đau ở miền Nam, Đế quốc Mỹ tính chuyện phải ngăn chặn chi viện của miền Bắc Việt Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chúng đã tiến hành cho máy bay đánh phá miền Bắc nhằm mục đích: ngăn chặn triệt để sự chi viện của đồng bào miền Bắc cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam; phá hoại thành quả 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm suy yếu tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng của miền Bắc, gây hoang mang, tâm lý lo sợ cho nhân dân cả nước.

Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ đã ngụy tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ[viii]”, cho máy bay đánh phá thị xã Hồng Gai tỉnh Quảng Ninh, Cửa Lò Nghệ An và 1 số tuyến đường chiến lược (đi B, đi C[ix]), mở đầu cho thời kỳ khiêu khích quân sự để thăm dò phản ứng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Tiếp theo đó từ ngày 8/2 đến tháng 3/1965, Mỹ đã tập trung nhiều máy bay phản lực ném bom đánh phá các tuyến đường từ vĩ tuyến 20[x] trở vào và đặc biệt tập trung các trọng điểm chính như Đèo Mụ Giạ[xi], Ba Na Phào (Đường 12A Quảng Bình), Mường Xén[xii]  và khu vực Thanh Khê (Quảng Bình), Cầu Phú (Hà Tĩnh) trên tuyến đường 1A.

Trong suốt tháng 2/1965, máy bay Mỹ đã tiếp tục đánh phá hàng loạt các cầu, phà trên Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa vào Vinh, phà Ghép, cầu Diễn Thành, Hoàng Mai, cầu Ràng, cầu Thực phẩm, đường goong Đức Thọ – Đò Vàng, cầu Rào, cầu Thanh Luyện, cầu La Khê, Thanh Đức. Tháng 3/1965, Đế quốc Mỹ đã tập trung các máy bay phản lực hiện đại, đánh phá ác liệt các trọng điểm cầu phà trên tuyến đường sắt Thanh Hóa, Nghệ An, Đường 1A, Đường 7, Đường 12A, Đường 8 Hà Tĩnh. Các trọng điểm Hàm Rồng, Đò Lèn (Thanh Hóa), đường goong Đức Thọ-Đò Vàng bi hỏng nặng. Tiếp tục chúng mở rộng đánh phá các ga Nam Định, Ninh bình, cầu Phủ Lý, Đoan Vỹ, Giãn Khuất trên tuyến đường 1A. Trên tuyến Tây Bắc chúng đánh các điểm Điện Biên Phủ, Tây Trang, Mộc Châu, Pa Háng, các đèo Sơn La, Chiềng Đông, Cơ La Vô (đường 6). Chúng đánh phá ác liệt tuyến đường sắt Hà Nội- Hữu Nghị quan tại các ga Kép, Đồng Đăng, Sông Hóa, cầu Mẹt (đường1A), cầu Lạng Sơn, cầu Gia Bảy (Thái Nguyên), cầu Vĩnh Tuy, cầu Bắc Kạn. Trên tuyến đường 5 (Hà Nội-Hải Phòng) địch tập trung đánh phá các cầu Phú Lương, Lai Vu, cầu Tư Chính, cầu Bo (đường 10), cầu Cầm (đường 18). Ngoài ra chúng đánh phá các cảng biển Bến Thủy, phong tỏa cảng biển bằng thủy lôi tại Hải Phòng, nhầm ngăn chặn sự chi viện của ta bằng đường biển. Thủ đoạn là tập trung đánh phá liên tục các trọng điểm giao thông trên các tuyến đường chiến lược nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Cảnh giác với các tình huống trên, từ tháng 3/1965 Trung ương Đảng đã chủ động đề ra các biện pháp đối phó. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11, Khóa III[xiii] từ 25-27/3/1965 đã ra Nghị quyết “Tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, ra sức tranh thủ thời cơ tập trung lực lượng cả nước giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại hiện nay đến một mức độ ác liệt gấp bội hoặc chuyển thành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên tinh thần của miền Bắc chi viện cho miền Nam.”

Ngày 17-7-1966, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên báo Nhân Dân số 4484 ngày 17-7-1966:  “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do…”

Sau Nghị quyết 11 của Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Hội đồng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hội đồng quốc phòng Quân Khu IV tổ chức hội nghị chuyên đề GTVT vào cuối tháng 5/1965 để kịp thời đối phó. Thành phần Hội nghị gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các tỉnh, các Ty, Sở GTVT của các địa phương thuộc Khu IV cũ, truyền đạt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và bàn các biện pháp thực hiện. Hội nghị đã nhất trí phải làm các đường vòng, đường tránh, làm thêm các đường mới, làm các phương tiện vượt sông, tổ chức lực lượng nhân dân làm công tác đảm bảo GTVT, tổ chức công tác phòng không, báo động trên các tuyến đường bằng các tín hiệu cấp báo.

Căn cứ Nghị quyết Trung ương, ngày 30/6/1965 Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 110 chỉ rõ “Công tác GTVT thời chiến là công tác trọng tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng GTVT là nòng cốt. Công tác đảm bảo GTVT phải là công tác trọng tâm, đột xuất, đảm bảo giao thông là công tác trọng tâm số 1. Nhiệm vụ chính trị và chiến lược cao nhất của nó là đưa hàng hóa lên phía trước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch chi viện cho tiền tuyến lớn trong bất cứ tình huống nào. Đồng thời còn phải phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho cách mạng Lào.”

Đ/c Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TƯ Đảng, đ/c Phan Trọng Tuệ – Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Đảng bộ ngành GTVT tại Đại hội Ba sẵn sàng của TN và TNXP đạt danh hiệu Dũng sĩ GTVT thắng Mỹ (19/5/1968) Ảnh: T.L

Từ 2 đến 8/7/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị cán bộ các địa phương để thống nhất chủ trương và biện pháp đối phó. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu và Chỉ thị “Do địch đánh phá, chúng ta đang gặp khó khăn về GTVT, những khó khăn như hiện nay hay hơn nữa không phải là không vượt qua được. Dù thế nào chúng ta cũng phải có đường sá, phải vận chuyển được hàng hóa. Đó là vấn đề sống chết, bí quyết thắng lợi trong cuộc chiến đấu có khi chỉ là một con đường. Do dự, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, cho nên phải tập trung toàn lực của Đảng bộ, của nhân dân trong mỗi địa phương để làm cho kỳ được.” Ngày 20/7/1965, trong lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.”

Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ, Chỉ thị của Bác, tháng 8/1965 Bộ GTVT đã mở hội nghị đại biểu Uỷ ban hành chính (UBHC), Trưởng ty, Giám đốc sở GTVT các địa phương, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Chính phủ, xác định nhiệm vụ chính trị cao nhất của ngành lúc này là phải đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Khẩu hiệu đề ra là: Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi. Muốn hoàn thành nhiệm vụ trên, Bộ GTVT xác định 6 biện pháp sau đây:

1/ Phải tập trung các trọng điểm, các cầu lớn, các bến phà, đoạn đường xung yếu qua đồng lầy, bên núi, bên vực, bên đèo.

2/ Phải đảm bảo tuyến đường cũ có nền, mặt đường tốt, phải làm các cầu tránh, cầu tạm, bến phà (2-3 cầu, 2-3 phà/1 bến).

3/ Phải nghiên cứu mọi biện pháp qua sông: Cầu tạm, cầu phao các loại, cầu cáp, phà cải tiến.

4/ Theo sát tình hình địch, sẵn sàng đối phó và nêu lên phương châm 4 trước: Dự kiến âm mưu địch đánh trước; có kỹ thuật đối phó trước; chuẩn bi trước về các mặt kế hoạch, vật tư, nhân lực; tranh thủ thi công trước.

5/ Dựa vào lực lượng nhân dân địa phương nhưng phải xây dựng lực lượng đơn vị mạnh, kịp thời ứng phó. Kể cả các đơn vị GTVT Trung ương và địa phương, tổ chức quân, dân, công binh.

6/ Phải có mưu trí, phân tán hỏa lực địch, bảo vệ mình, hết sức coi trọng công tác nghi trang, ngụy trang.

Về mặt tổ chức, Bộ đã quyết định tổ chức lại lực lượng, thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn ngành. Sau hội nghị, các tỉnh đều tổ chức thành lập Ban đảm bảo giao thông do một đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBHC tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Trưởng ty hay Giám đốc sở GTVT làm Phó Trưởng ban thường trực.

Từ tháng 6 đến tháng 12/1965, Đế quốc Mỹ liên tiếp tăng cường đánh phá ác liệt, tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Tháng 12/1965 Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết nhấn mạnh “Trong khi Đế quốc Mỹ tăng cường thêm quân vào miền Nam, tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược, chúng ta phải động viên sức người, sức của để tăng cường chi viện cho miền Nam. Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Suốt nửa cuối năm 1965, Đế quốc Mỹ đã tăng cường đánh phá liên tục, làm hầu hết các cầu, phà, đường sắt, đường bộ chiến lược trọng yếu đều bị hư hỏng nặng. Các trọng điểm xung yếu bị địch đánh di, đánh lại nhiều lần suốt đêm ngày. Nhiều đoạn đường đã bị băm nát, cắt đứt từng đoạn, việc vận tải bị ách tắc kéo dài hàng tháng, hàng tuần. Trước tình hình đó, các cấp ủy và chính quyền địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, huy động nhân dân dọc hai bên tuyến đường cùng lực lượng sẵn có của ngành GTVT, Công binh, ngày đêm lăn lộn trên mặt đường, san lấp hố bom, khắc phục hư hỏng để thông xe. Họ thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Họ phá cả chuồng lợn, chuồng bò, lấy cả phản nằm, cối xay, cối giã gạo, chặt tre, chặt cây trong vườn, thậm chí lấy cả hoành phi, câu đối làm roong đanh lát mặt đường cho xe vượt qua hố bom, vũng lầy, nền yếu để hướng ra tiền tuyến.

Mặc dù vậy, công tác đảm bảo giao thông vẫn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, nguy cơ nhiệm vụ chính trị không thể hoàn thành. Tàu, xe, hàng hóa ách tắc trên các tuyến đường ngày càng nhiều. Yêu cầu cấp thiết lúc nay là phải nhanh chóng tăng thêm lực lượng trẻ, khỏe, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ. Vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi, ai cũng thấy cần thiết phải tăng thêm lực lượng lao động, nhưng tăng như thế nào thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có 3 ý kiến chính: Tuyển công nhân tăng cường cho ngành; huy động nhân dân thực hiện như chiến dịch Điện Biên Phủ, hoặc thành lập lưc lượng TNXP phục vụ GTVT, chống Mỹ cứu nước tập trung. Nếu tuyển công nhân cho ngành, thì khâu tuyển dụng kéo dài sẽ không đáp ứng được số lượng và thời gian. Nếu huy động dân công có thời hạn theo nghĩa vụ thì có thể nhanh, đủ số lượng nhưng không đáp ứng được chất lượng. Hơn nữa việc đưa dân công vào bám trụ các trọng điểm ác liệt là hết sức khó khăn. Vậy chỉ còn một giải pháp có hiệu quả nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng là thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, phục vụ GTVT, như thời kỳ TNXP chống Pháp, nhưng lực lượng lớn hơn, thời gian phục vụ dài hơn, chế độ chính sách được quy định cụ thể hơn.

Trong khi đó phong trào chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dâng cao. Thanh niên miền Bắc có phong trào 3 sẵn sàng: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ Quốc cần . Ở miền Nam Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng lần thứ nhất, tháng 3/1965 thông qua Nghị quyết phát động phong trào 5 xung phong: Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; xung phong đi dân công và TNXP phục vụ tiền tuyến; xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Trong tình hình chống Mỹ cứu nước cấp bách và sôi nổi như vậy, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã thống nhất với Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, phục vụ GTVT,.

Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 71/CT-TTg về việc “Tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác GTVT”, giao cho Trung ương Đoàn tổ chức thành lập các Tổng đội, Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung phục vụ GTVT, làm nhiệm vụ đảm bảo GTVT trên các tuyến trọng yếu. Trung ương Đoàn là cơ quan Thường trực thống nhất với các Bộ GTVT, Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng… thực hiện nhiệm vụ trên. Trung ương Đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo TNXP Trung ương, do đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Trung ương Đoàn làm Trưởng ban, sau này là các đồng chí Tạ Quang Chiến, Lê Thị Sửu, Nguyễn Văn Qũy, Bùi Nguyên Tích lần lượt làm Trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (người đầu tiên bên phải)
và đ/c Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn TN GTVT (người thứ hai từ trái sang)
trong dịp đến thăm Đội TNXP 53 (Hà Tĩnh) Ảnh: T.L

Sau Chỉ thị 71 của Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, đợt tuyển TNXP đầu tiên là 52.000 người tại 12 tỉnh, cung cấp lực lượng cho Bộ GTVT (Tổng cục Đường sắt, Cục Công trình I, II), Đoàn 559[xiv] (Bộ Quốc phòng), các Ty GTVT các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Địch đánh phá ngày càng ác liệt và mở rộng ra các tỉnh phía Bắc. Việc tuyển quân từ cuối năm 1965, năm 1966 và cả năm 1967 thêm 23 đợt nữa và đã có 71.851 cán bộ, chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ trong nhiệm kỳ I. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cho các đơn vị trong ngành GTVT, Bộ Quốc phòng và các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào thì lực lượng TNXP còn được thành lập tại các địa phương như Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Nội, Hải Phòng và một số đơn vị trong các ngành lâm nghiệp thuộc các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình và Vĩnh Phú.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội và TNXP tại tuyến lửa Trường Sơn 
Ảnh: T.L

Ngày 30/8/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định thành lập Đảng bộ GTVT Trung ương, do đồng chí Phan Trọng Tuệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm Bí thư. Tiếp đó, ngày 18/11/1966, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ra Quyết định thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam, do đồng chí Hồ Sỹ Ngợi, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn làm Thư ký. Ngày 24/11/1966, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam cũng ra Quyết định thành lập Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Trung ương Đoàn trực tiếp làm Bí thư Đoàn GTVT Trung ương. Như vậy là chủ trương, biện pháp, quyết tâm tổ chức, chỉ đạo đã được quán triệt trong toàn ngành. Vấn đề còn lại là tăng cường lực lượng lao động trẻ, khỏe cả về số lượng và chât lượng để có đội quân chủ lực mạnh, đủ khả năng đối phó, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ (1965-1968), Đoàn Thanh niên đã thực hiện yêu cầu ở đâu Đế quốc Mỹ đánh phá, ở đó có TNXP. Đảng và Chính phủ yêu cầu bao nhiêu, TNXP sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, vì thế mạch máu giao thông luôn được giữ vững, vận tải thông suốt liên tục, kể cả khi địch đánh phá ác liệt nhất, đáp ứng được yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam. Do có lực lượng TNXP, cán bộ công nhân viên ngành GTVT, Công binh Đoàn 559 nên việc khắc phục giao thông, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường kịp thời, nhanh chóng theo tinh thần: “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta lại sửa ta đi và địch phá ta cứ đi”. Đồng thời còn làm mới, mở thêm được nhiều đường chiến lược, đường vòng, đường tránh trên đường Trường Sơn, làm cho địch không thể ngăn chặn nổi sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Sau này Mỹ đánh giá là họ thua trong cuộc chiến tranh ngăn chặn chính là ở điểm này.

Nhiệm kỳ I (1965-1968) hoàn thành, nhiệm kỳ II (1969-1971) trong 3 năm tuyển 27.770 TNXP cho Bộ quốc phòng và cho ngành GTVT và các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Từ ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn[xv] huy động một lực lượng lớn máy bay, tàu chiến đánh ồ ạt nhiều vùng đông dân từ Quảng Bình đến Lạng Sơn, gây cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai[xvi] đối với miền Bắc. Lần này tính chất và cường độ ác liệt hơn nhiều vì chúng quyết biến miền Bắc Việt Nam trở về “Thời kỳ đồ đá”. Chúng dùng nhiều loại máy bay hiện đại nhất như F111, B52 cùng những kỹ thuật tối tân bắn phá, ném  bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên …, phong tỏa đường biển, đường sông …để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. TNXP tiếp tục được huy động, chỉ tính 2 năm 1972, 1973 chúng ta đã 35 lần tuyển quân, gồm 41.970 người cho Quân đội (Đoàn 559 và Tổng cục Hậu cần), cho ngành GTVT và cho các địa phương miền Bắc và làm nhiệm vụ giúp Lào mở đường 217A. Lực lượng TNXP nhiệm kỳ III đã bổ sung cho 2 nhiệm kỳ I và II thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn 559, Ban Xây dựng 67, Ban Xây dựng 64 Bộ GTVT, các Ty, Sở GTVT giữ vững các vị trí trọng yếu, đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt đến thắng lợi cuối cùng. Đây là giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng TNXP đã phát huy cao nhất Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên tất cả thương vong, dũng cảm hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 12/1975, theo đề nghị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Đội TNXP cuối cùng được giải thể, kết thúc một giai đoạn lịch sử oanh liệt, vẻ vang của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung ở miền Bắc, góp phần rất lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Như vậy chỉ trong 10 năm (1965-1975) với 3 nhiệm kỳ TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, đã thành lập 3 Tổng đội cho các Ban XD 67, Ban XD 64 và Đoàn 559 với 170 đội và 40 đại đội độc lập, với 75 lần tuyển quân ở 24 tỉnh, thành phố, huy động 143.391 cán bộ, chiến sỹ TNXP phục vụ cho tiền tuyến để chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Các địa phương cũng đã thành lập lực lượng TNXP phục vụ địa phương mình. Số lượng TNXP cả Trung ương và địa phương lên tới 271.000 đồng chí./.

                                            NGÔ VĂN TUYẾN

 


[i] Hiệp định Genève 1954 (tiếng Việt: Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954) là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

[ii] Luật 10-59 là một đạo luật do chế độ Việt Nam Cộng hòa ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959, quy định việc tổ chức các Tòa án quân sự đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa Việt Nam Cộng Hòa. Luật không nêu cụ thể đối tượng mà bộ luật này nhắm đến, nhưng trên thực tế thì ai cũng hiểu là luật này nhắm vào là những Đảng viên Cộng sản, những cán bộ cách mạng từng kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh và những người dân ủng hộ Cổ máy sát thủ Máy chém từng được sử dụng làm công cụ hành quyết nhiều phạm nhân bị kết án theo luật này. Một số thông tin trên blog, mạng xã hội… cho rằng ông Hoàng Lê Kha là người duy nhất bị chế độ Việt Nam Cộng Hòa xử tử bằng máy chém, nhưng thực ra trường hợp ông Kha chỉ là một trong hàng ngàn người bị chém đầu trong thời kỳ này (để xem dẫn chứng về các vụ chặt đầu khác của Việt Nam Cộng hòa, xem bài Chém đầu công khai thời Việt Nam Cộng hòa). Theo sử gia John Guinane, chỉ tính riêng từ năm 1957 tới 1959, đã có hơn 2.000 người bị Việt Nam Cộng hòa hành quyết vì tội danh ủng hộ những người cộng sản, thường là bằng máy chém

[iii] Nghị quyết 15 chỉ rõ hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việi Nam một là,mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị cả miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam; hai là, mâu thuẫn giữa con đường Xã hội chủ nghĩa với con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai mâu thuẫn này mang tính chất khác nhau, song chúng quan hệ biện chứng với nhau và tác động mạnh mẽ lẫn nhau.

[iv] Đồng Khởi là phong trào do những thành viên Việt Minh ở lại miền Nam Việt Nam kêu gọi nhân dân nổi dậy đồng loạt chống lại Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Trước hết là những vùng nông thôn rộng lớn ở miền Nam Việt Nam và cả vùng núi Nam Trung bộ Việt Nam. Phong trào này diễn ra từ cuối năm 1959, đỉnh cao là năm 1960, nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở nông thôn của chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời kỳ Ngô Đình Diệm, dẫn đến một phần đáng kể của nông thôn miền Nam đã thành vùng do những người cộng sản kiểm soát, dẫn đến sự thành lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

[v] Staley-Taylor là tên một kế hoạch thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Kế hoạch này được công bố tháng 5 năm 1961, mang tên hai người soạn thảo là nhà kinh tế học Eugene Staley của Viện nghiên cứu Standford – đại học Stanford và Đại tướng Maxwell D. Taylor, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam. Theo tiến độ, kế hoạch được triển khai trong 4 năm (1961-1965). Nội dung của nó là “bình định Miền Nam Việt Nam” trong vòng 18 tháng, từ đó đảm bảo cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thế chủ động trên chiến trường Miền Nam.

[vi] Chiến tranh cục bộ là một chiến lược chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành trong giai đoạn 1965–1967 trong Chiến tranh Việt Nam. Nội dung cơ bản của chiến lược là dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt nhất trong cả cuộc chiến tranh.  Tên gọi Chiến tranh cục bộ xuất phát từ quan điểm đây là một dạng “chiến tranh hạn chế” trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt”. Quy mô của chiến tranh được đẩy lên rất cao (lượng bom đạn Hoa Kỳ sử dụng còn nhiều hơn Thế chiến thứ hai), nhưng vẫn mang tính chất “chống nổi dậy” (counter insurgency), phạm vi chiến tranh được giới hạn. Mục tiêu của Mỹ là sau khi tiêu diệt được Quân Giải phóng miền Nam, đánh gục ý chí chống Mỹ của đối phương, sẽ tiến hành thương lượng hòa bình để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra

[vii] Chủ nghĩa thực dân mới là thuật ngữ chỉ việc sử dụng chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia (thường là cựu thuộc địa của các cường quốc châu Âu ở châu Phi hoặc châu Á) thay vì kiểm soát trực tiếp quân sự hoặc chính trị.

[viii] Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự kiện được cho là hai cuộc tấn công của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công được cho là đã xảy ra vào các ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8 năm 1964 ở vịnh Bắc Bộ. Cuộc tấn công đầu được cả hai bên xác nhận, nhưng cuộc tấn công sau đã được khẳng định là không có thật mà chỉ là sự nhầm lẫn của sĩ quan hoa tiêu Hoa Kỳ, nhưng nó lại trở thành cái cớ để Hoa Kỳ mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Thực chất, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ được Hoa Kỳ dựng lên để có một cái cớ để ném bom miền Bắc Việt Nam. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cố tình dịch sai các tài liệu tình báo, đồng thời che giấu việc tàu chiến Mỹ đã xâm phạm lãnh hải để tổng thống Mỹ có cớ vận động quốc hội Mỹ ra nghị quyết ném bom miền Bắc Việt Nam.

[ix] Ban đầu (1961), trên chiến trường miền Nam chỉ gồm 2 mặt trận B1 với 1 quân khu và B2 với 5 quân khu. Trong suốt chiến tranh Việt Nam, tùy theo giai đoạn và hình thái chiến tranh, các mặt trân và các quân khu được điều chỉnh và thay đổi thường xuyên. Đến giữa năm 1966 đã phân thành 5 mặt trận (B) với 7 quân khu. Bên cạnh đó, một số mặt trận lâm thời trên các hướng quan trọng trong mỗi chiến cục hoặc chiến dịch như Mặt trận B.702 (Đường 9-Nam Lào năm 1971), Mặt trận C.702 (Cánh đồng chum – Xiêng Khoảng năm 1972).

[x] Theo số liệu đo đạc hiện đại của cục bản đồ thì Thanh Hóa nằm ở vĩ tuyến 19°18′ Bắc đến 20°40′ Bắc, kinh tuyến 104°22′ Đông đến 106°05′ Đông.

[xi] Đèo Mụ Giạ nằm trên Đường 12A, gần cửa khẩu Cha Lo, là địa giới tự nhiên của hai nước Việt Nam và Lào. Nơi đây có núi cao, rừng rậm nhiều khe suối.

[xii] Mường Xén là thị trấn huyện lỵ của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Đây cũng là thị trấn cuối cùng trên quốc lộ 7A cũng như bên bờ sông Cả.

[xiii] Hội nghị (đặc biệt) thảo luận về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

[xiv] Đoàn 559 được thành lập tháng 5/1959, là đoàn công binh và vận tải quân sự chiến lược phụ trách vận tải trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn hay là Binh đoàn 12

trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam

[xv] Richard Milhous Nixon (phiên âm tiếng Việt: Ri-chớt Min-hau Ních-xơn) (9 tháng 1 năm 1913 – 22 tháng 4 năm 1994) là tổng thống thứ 37 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu từ năm 1969, kết thúc khi ông từ chức vào năm 1974, khiến ông trở thành tổng thống duy nhất từ chức trong lịch sử Hoa Kỳ.

[xvi] Trong chiến tranh phá hoại lần 2, Mỹ đã sử dụng một lực lượng quân sự khổng lồ để đánh phá miền Bắc: 40% tổng số máy bay chiến thuật, 50% máy bay chiến lược (193 máy bay chiến lược B52, 1.400 máy bay chiến thuật), 65 tàu chiến, 7 tàu sân bay (trong tổng số 14 tàu sân bay).