Sửa luật Thanh niên: Phải tiếp cận từ thực tiễn, đừng chung chung

Đăng lúc: 19-11-2019 6:51 Chiều - Đã xem: 147 lượt xem In bài viết
Cho rằng luật Thanh niên ban hành đã hơn 10 năm, nay đang sửa nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống do các quy định chung chung, hô khẩu hiệu, các đại biểu Quốc hội đề nghị luật sửa đổi lần này phải tiếp cận từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với thanh niên.

Luật ban hành 10 năm chưa đi vào cuộc sống

Thảo luận tại tổ về luật Thanh niên (TN) sửa đổi, đại biểu (ĐB) Phạm Xuân Thăng, Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho hay là người từng gắn bó với phong trào TN, song ông phải thừa nhận, luật TN hiện hành đã ban hành hơn 10 năm và đang trình ra Quốc hội (QH) để sửa nhưng thực tế chưa đi vào cuộc sống được bao nhiêu. “Khi đó, chúng tôi cũng dày công tham gia nhưng cuối cùng luật không đi vào cuộc sống vì điều khoản chung chung, mang tính hô khẩu hiệu, không giao rõ trách nhiệm, không làm cũng không sao và đặc biệt là không có nguồn lực”, ông Thăng phân tích.
Dẫn quy định về chính sách đối với TN tài năng trong dự thảo luật TN sửa đổi, ông Thăng cho rằng “quy định rất chung chung” vì rất khó xác định được thế nào là TN có tài năng. “Bây giờ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học địa phương, trường dân lập thì có thực sự là tài năng không? Định nghĩa TN có tài năng là thế nào có khi cãi nhau còn mệt. Cho nên, chỗ này tôi thấy quá chung chung”, ông Thăng phân tích.
Một đề xuất khác trong dự thảo là quy định đối thoại với TN, trong đó quy định: “Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước mỗi năm một lần phải tổ chức đối thoại với TN”, theo ông Thăng là “không tưởng”, “thiếu thực tế” và “có đưa vào cũng không thực hiện được”. Theo ông Thăng, hiện nay, “chủ tịch xã, huyện đối thoại với TN cũng không giải quyết được vấn đề gì vì hoàn toàn không có nguồn lực, đối thoại xong chỉ để đấy thôi. Còn quy định thủ trưởng các cơ quan, đơn vị mỗi năm 1 lần phải đối thoại với dăm ba ông TN trong cơ quan thì cũng vô duyên”. Từ đó, ông Thăng đề nghị, quan điểm sửa luật lần này là phải đi từ những vấn đề thực tiễn đang và sẽ đặt ra với TN chứ không thể tiếp tục chung chung, hô khẩu hiệu và nếu như chưa thực sự chín muồi thì chưa thông qua luật để tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện.

ĐB Vũ Trọng Kim phát biểu thảo luận tại tổ

Ảnh: Ngọc Thắng
Cùng quan điểm, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng 8 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của TN trong dự thảo luật trình ra QH tại kỳ họp lần này thì tất cả đều trùng với các quy định đã có trong Hiến pháp 2013, bộ luật Lao động, luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo ông Kim, các nước không quy định theo kiểu quyền, nghĩa vụ như vậy mà quy định theo chiến lược, chương trình, “chiến lược nào, chương trình nào thì có chính sách đó”. ĐB tỉnh Hải Dương đề nghị, nếu đi theo hướng cụ thể quyền, nghĩa vụ của TN trong Hiến pháp thì cũng phải cụ thể chứ không thể hô khẩu hiệu, chung chung. “62 gạch đầu dòng nói Chính phủ phải thế này, thế kia chẳng lẽ là 62 chính sách. Sao thế được”, ông Kim nói và đề nghị quy định quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với TN vào 3 nhóm: giáo dục – đào tạo; lao động, việc làm, nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng; và quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Quản lý nhà nước về TN đang bất cập

Một vấn đề cũng được nhiều ĐB quan tâm là chức năng quản lý nhà nước về công tác TN được đề nghị giao cho Bộ Nội vụ tại dự thảo luật TN sửa đổi lần này. ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, về quản lý nhà nước về công tác TN không nên giao cho Bộ Nội vụ như dự thảo luật vì “không dính dáng gì”.
“Tốt nhất là nên giao cho ủy ban nằm bên cạnh T.Ư Đoàn (Ủy ban Quốc gia về TN – PV)”, ông Kim đề nghị. Theo ông Kim, từ năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về TN trong đó quy định những nhiệm vụ là “mầm mống” cho chức năng quản lý nhà nước về công tác TN. Hiện nay, ủy ban này cũng có sự tham gia của 15 thành viên là các bộ, ngành. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là chủ nhiệm ủy ban.
“T.Ư Đoàn ở trong nước rất quan trọng nhưng ra nước ngoài thì chỉ như các tổ chức phi chính phủ. Vì thế, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là chủ nhiệm ủy ban ra nước ngoài đối ngoại sẽ rất thuận”, ông Kim nói và đề nghị về quản lý nhà nước đối với công tác TN nên sửa đổi theo hướng giao Chính phủ thống nhất quản lý, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ, Ủy ban Quốc gia về TN các nhiệm vụ cụ thể.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) đề xuất thay vì giao cho một bộ quản lý nhà nước như hiện nay thì phải nâng tầm của công tác này, giao cho Chính phủ thống nhất quản lý. Ủy ban Quốc gia về TN giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo về công tác TN và giao cho một Phó thủ tướng Chính phủ làm chủ nhiệm. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn sẽ làm phó chủ nhiệm. Các Bộ Nội vụ, LĐ-TB-XH, GD-ĐT sẽ cùng tham gia. “Giao về một bộ thì không phát huy được hết vai trò của TN, còn giao cho Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là chủ nhiệm ủy ban quốc gia về chính trị nghe xuôi nhưng về nhà nước không xuôi lắm”, ĐB Toàn phân tích.
Trong khi đó, ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cũng cho rằng, việc giao quản lý nhà nước về công tác TN cho Bộ Nội vụ đang phát sinh nhiều bất cập, nhất là từ phía địa phương. “Hiện nay, ở các sở nội vụ phải thành lập Phòng Công tác TN, mất 2 biên chế nhưng không giải quyết vấn đề gì, cả năm không làm được cái gì cả”, ông Thăng nêu. Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim cho biết, hiện nay ở các địa phương đều có Phòng Công tác TN nhưng không để làm gì, cần báo cáo thì đều đi xin báo cáo tổng kết của Đoàn TN. “Vậy thì xây dựng hệ thống chân rết này làm gì?”, ông Kim nói.
Lê Hiệp
Theo thanhnien.vn