Một vinh hạnh lớn và cũng là cơ may đối với tôi là trong một thời gian khá dài (từ cuối năm 1965 đến cuối năm 1967) được sống gần Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng. Ngay ngày đầu tiên từ Trung ương Đoàn – Hà Nội đặt chân vào cơ quan Khu đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Khu 5, tôi đã được gặp một vị Đại đức rất trẻ, đương nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung, Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh – Sinh viên và TNXP giải phóng Khu 5.
Liệt sĩ Đại đức Thích Giác Lượng – Ảnh tư liệu
Đại đức Thích Giác Lượng, tên đời là Ngô Sáu, sinh năm 1932, ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nông dân nghèo. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ngô Sáu học trường trung học Lương Văn Chánh vừa thành lập trong tỉnh. Phú Yên là vựa lúa của miền Nam Trung bộ nhưng bị giặc Pháp ném bom đánh phá hệ thống thủy lợi Đồng Cam khiến đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Ngô Sáu phải bỏ dở việc học ở trường, về nhà giúp gia đình. Sau đó, anh được hòa thượng Thích Hưng Từ, trụ trì chùa Phổ Độ ở Tuy Hòa đem về nuôi ở chùa, cho học thêm văn hóa và giáo lý Phật giáo. Từ đó Ngô Sáu được đạo hữu gọi là Thầy Sáu.
Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố ác liệt những người kháng chiến, trong đó có gia đình Thầy Sáu. Được sự giúp đỡ cảu Hòa thượng Thích Hưng Từ ông vào học trường đại học Phật giáo Vạn Hạnh, Sài Gòn. Tại đây, ông được tiếp xúc với nhiều nhà sư bậc thầy, các nhân sĩ trí thức, sinh viên, phật tử, tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống áp bức của chính quyền tay sai Mỹ. Sau một thời gian tu luyện, được phong làm Đại đức Pháp sư với Pháp danh Thích Giác Lượng.
Chùa Hồ Sơn ngày nay, nơi có bàn thờ Đại đức Thích Giác Lượng
Trở về Phú Yên, ông tu hành và trụ trì ở chùa Hồ Sơn, xã Bình Kiến ( nay là thôn Ninh Tịnh – phường 9) TP Tuy Hòa. Nơi đây, nhân dân có truyền thống yêu nước, chống địch. Càng ngày ông càng thấy rõ bộ mặt phản nước, hại dân của chế độ gia đình trị họ Ngô. Do có mối quan hệ mật thiết với bà con Phật giáo ở Bình Định, ông ra xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), phát nguyện công đức lập chùa An Hòa.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, Đại đức Thích Giác Lượng tạm biệt tăng ni phật tử và ngôi chùa mình sáng lập, tự nguyện xung phong lên chiến khu tham gia kháng chiến. Đại đức tuổi còn trẻ nhưng rất ưu thời mẫn thế, luôn luôn có những băn khoăn trăn trở trước thời cuộc, trước tình hình đất nước và mong muốn được đóng góp. Là một nhà tu hành, đại đức đã để lại tiếng nói trong quyển sách “Thử đặt một hướng đi”. Là một thanh niên thời loạn, đại đức đã trực tiếp tham gia kháng chiến. Bất kỳ ở cương vị nào, đại đức cũng đem hết tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình để tận tâm phục vụ.
Đại đức lên đường đã cổ vũ phong trào “5 Xung phong” với hàng vạn nam nữ thanh niên, cả học sinh, sinh viên Phật tử trong các vùng địch kiểm soát, thoát ly gia nhập Bộ đội giải phóng và TNXP giải phóng. Uy tín của Đại đức lan tỏa nhiều tỉnh, thành phố và Đại đức được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung và Chủ tịch danh dự của Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh – Sinh viên và TNXP giải phóng Khu 5.
Để góp phần thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận, Đại đức đã đến nhiều thôn xã ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, vào tận những vùng “da báo” sát nách địch, giảng giải cho dân chúng hiểu biết, thực hiện chính sách, chủ trương của Mặt trận, kêu gọi con em ở “phía bên kia” làm điều lành, tránh điều ác tạo “nhân lành để hưởng được quả phúc”. Sự có mặt của Đại đức từ căn cứ, vùng giải phóng vang xa đến vùng địch kiểm soát vào tận các thị xã, thành phố. Một số đạo hữu, nhất là thanh niên Phật tử đã lặn lội vượt qua vòng kìm kẹp của địch, đến vùng giải phóng vấn an, thỉnh giáo Đại đức và tình nguyện lên căn cứ tham gia kháng chiến. Một số người lần đầu được mời đi nghe Đại đức thuyết pháp đã nói: “Làm gì ở trên núi rừng xa thẳm lại có nhà sư đi làm cách mạng. Chắc là mấy ông Mặt trận cử cán bộ lấy danh nhà sư thôi”. Không ngờ khi gặp và nghe nhà sư thuyết pháp, họ mới thấy nhà sư chân chính, uyên thâm. Nhiều người đã nhận rõ những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động đội lốt tôn giáo để đầu độc nhân dân. Đặc biệt đông đảo thanh niên Phật tử hiểu rõ và hướng về đường lối, chính sách đại đoàn kết của Mặt trận; nội dung cách mạng của phong trào “5 Xung phong” và lực lượng “TNXP giải phóng miền Nam”.
Trong cuộc sống hàng ngày ở căn cứ cũng như lúc trèo đèo, lội suối qua những vùng bom đạn ác liệt, Đại đức luôn lạc quan, tin tưởng, sống hòa nhập với tất cả cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc và thanh thiếu nhi. Ai đã từng gặp, làm việc, nghe Đại đức thuyết pháp đều cảm nhận một sự kính trọng và quý mến Đại đức. Và, trong hoàn cảnh sinh hoạt hàng ngày còn rất khó khăn, thiếu thốn, Mặt trận chủ trương dành cho các nhân sĩ, trí thức một số ưu đãi vật chất, dù ít ỏi để đảm bảo sức khỏe nhưng Đại đức một mực từ chối và nhường một phần suất ăn cho cán bộ, nhân viên yếu đau. Đại đức thường bộc bạch: “Tôi đi làm cách mạng là vì đời và cũng vì đạo. Tôi đã phát nguyện làm người tu hành, thì suốt đời phải giữ giới hạnh để cùng đạo hữu góp phần phụng sự cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước, mong sớm đến ngày nước nhà thống nhất để đồng bào miền Nam được đón Bác Hồ vào thăm“.
Với cương vị Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh – Sinh viên và TNXP giải phóng Khu 5, Đại đức Thích Giác Lượng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức, nhân cách của một nhà sư chân chính, yêu nước, thương dân, đã thu phục nhân tâm hàng vạn thanh niên phật tử và học sinh, sinh viên.
Tác giả bài viết (áo xanh) cùng Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Yên Nguyễn Công Đào dâng hương bàn thờ cớ di ảnh của Đại đức Thích Giác Lượng ngày 18/4/2016 . Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Mùa đông năm 1967, sau trận bom B52 của Mỹ ném vào căn cứ Khu 5, với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung, Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng nhiều lần đến ân cần chăm sóc các nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh xá Nước Oa, Trà My. Trong số nạn nhân có sĩ quan tù binh Mỹ: Bô By hết sức xúc động trước tấm lòng từ bi, đức độ của nhà sư, nên muốn mạnh dạn trải lòng, song bất đồng ngôn ngữ. Nhưng bất ngờ khi biết được Đại đức Giác Lượng là một chân tu uyên bác, lại từng là một sinh viên Phật tử, được các cố vấn Mỹ nhiều lần lôi kéo nhưng không thể nào lay chuyển lòng yêu nước, thương dân và nhà sư còn là thầy dạy tiếng Anh cho nhiều cán bộ cách mạng làm công tác tuyên truyền binh địch vận, thì trong đầu Bô By bừng sáng lên, xua tan những luận điệu đầu độc của chính phủ Mỹ và dần dần xóa đi hố ngăn cách giữa nhân dân Mỹ với Việt Nam. Từ đây, Bô By tự giác nhận là con Phật tử và coi sư Giác Lượng là ân nhân cứu vớt phần hồn cho những tên lính viễn chinh xâm lược.
Đối với tôi thì đây là một niềm vinh hạnh lớn lao, một cơ may chỉ có được từ sự phù hộ linh thiêng của Trời, Phật, các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ. Tôi cũng bị thương, cũng nằm điều trị tại Bệnh xá nên nung nấu ý tưởng bồi dưỡng Bô By thành một chiến sĩ làm công tác binh địch vận đang đòi hỏi vô cùng cấp thiết và cũng đã được Thường vụ Khu ủy chấp thuận, giao tôi trực tiếp tuyên truyền giác ngộ. Còn nhà sư Giác Lượng với chức vụ Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Thanh niên – Học sinh – Sinh viên và TNXP giải phóng Khu 5, là thủ trưởng trực tiếp của tôi nên phương án “biến địch thành ta” đang và đã trở thành hiện thực.
Tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng mỗi ngày mỗi ngấm thấm sâu vào tâm khảm Bô By, biến một sĩ quan trong đội quân xâm lược, tham gia vào các cuộc càn quét, bắn giết dân lành Việt Nam trở thành một chiến sĩ kiên cường trong hàng ngũ cách mạng Việt Nam. Với khẩu súng AK báng xếp cùng với chiếc loa pin, đêm đêm Bô By cùng Đội TNXP quết tử từ trên căn cứ xuống, tiến vào các khu vực có lính Mỹ và chư hầu để tuyên truyền giác ngộ, kêu gọi quay súng bắn vào đầu ác ôn, cùng nhau ra hàng quân giải phóng để được trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương. Có những hôm, bọn lính bị bọn ác ôn cưỡng bức nên đã dồn dập nã pháo, cối vào vị trí làm nhiệm vụ tuyên truyền của Bô My, nhưng nhân dân quanh vùng càng nghe tiếng loa máy vang to hơn, hùng hồn hơn. Nhiều lần Bô By còn kiên cường chịu đựng cơn sốt rét rừng ập tới mà không có thuốc men điều trị để tiếp tục hoàn thành trận chiến đấu, mới nhờ đồng đội dìu về phía sau.
Tác giả bài viết và Thường trực Tỉnh hội Phú Yên trao đổi với sư trụ trì chùa Hồ Sơn ngày 18/4/2-16
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Được sống, chiến đấu cùng các chiến sĩ TNXP Việt Nam, Bô By mỗi ngày mỗi phát hiện thêm những phẩm chất, mà theo Bô By nhận thức là phẩm chất Hồ Chí Minh. Và, cũng theo Bô By, từ phẩm chất Hồ Chí Minh đã lan tỏa đến các Đảng viên, Đoàn viên Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Do vậy, nên nguyện vọng cao đẹp nhất lúc này của Bô By đã thổ lộ là được trở thành “đồng chí” với những Đảng viên, Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Được Thường vụ Khu ủy cho phép, chúng tôi tổ chức trọng thể lễ kết nạp Bô By – tên Việt Nam là Nguyễn Chiến Đấu vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Trong đơn, Bô By trân trọng xin giữ vững lời thề: Suốt đời tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng với tên họ “Nguyễn” của Bác Hồ, và nguyện trung thành với lý tưởng “Chiến đấu” vì Cách mạng Việt Nam và vì Cách mạng thế giới, do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu soi đường.
Đại đức còn rất quan tâm và luôn dành tình cảm thắm thiết nhất đối với bộ đội, TNXP. Cuối năm 1967, khi chuẩn bị cho chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, sau chuyến đi công tác vào vùng sâu tỉnh Quảng Ngãi, trên đường về căn cứ, Đại đức còn tranh thủ thời gian đến thăm đơn vị TNXP tại vùng Tây Trà My, Quảng Nam. Đến trạm liên lạc của cơ quan Mặt trận tại thôn 4, miền tây huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, thì bị máy bay Mỹ ném bom sát hại. Đó là đêm 15/12/1967. Đại đức hy sinh ở tuổi 35 tràn đầy sức sống Tin Đại đức Thích Giác Lượng hy sinh đã làm cho tất cả cán bộ, nhân viên Mặt trận dân tộc Giải phóng Trung Trung bộ và nhân dân, phật tử vô cùng xúc động, tiếc thương.
Trong điều kiện rất hạn hẹp của căn cứ kháng chiến, lễ tang của Đại đức vẫn được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Dự lễ và tiễn đưa Đại đức có mặt hầu hết cán bộ, cơ quan đoàn thể khu căn cứ. Do hoàn cảnh chiến tranh, thi hài của Đại đức được chôn cất ở miền núi huyện Trà My.
Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, năm 1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di chuyển hài cốt của Đại đức Thích Giác Lượng về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại Đông Tác, TP Tuy Hòa. Đại đức được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Nguyễn Anh Liên
Nguyên Thường vụ Trung ương Đoàn TNNDCM Miền Nam