Tấm gương lắng nghe ý kiến cấp dưới  khác với ý mình của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Đăng lúc: 22-10-2020 11:12 Sáng - Đã xem: 39 lượt xem In bài viết

Trong hai mươi năm công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, tôi rất vinh hạnh có được một kỷ niệm đặc biệt, không bao giờ quên về tấm gương lắng nghe ý kiến cán bộ cấp dưới dù khác với ý mình của Cố vấn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Câu chuyện diễn ra đã rất lâu nhưng bài học sâu sắc để lại cho lớp cán bộ hậu thế ngày nay vẫn hoàn toàn vẹn nguyên giá trị. Ngay bản thân Cụ Đỗ Mười, cho mãi đến năm vào tuổi 95 và đang lúc không được khỏe mà cụ vẫn còn nhớ, còn trực tiếp gọi điện thoại động viên tôi. Tôi bàng hoàng vì đang lúc tai bị ù, nghe không rõ nên đành nhờ bà vợ cầm máy nghe giúp, thì bên kia đường dây máy dừng. Suốt mấy tuần đầu óc tôi phân vân, nóng lòng chờ cái tai đỡ buốt để đến thăm cảm ơn, xin lỗi và để biết có việc gì quan trọng mà Cụ quan tâm đến thế.

Ảnh internet  

Chưa đến thăm Cụ được, nhưng may sao nhân cuộc họp Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam[i], đồng chí Nguyễn Dy Niên – nguyên Bộ trưởng Ngoại giao – cho biết vừa đến thăm Cụ Mười, Cụ có hỏi thăm tôi và nhắc đến câu chuyện vui “Bản lĩnh cán bộ kiểm tra dám chống lại Thái thượng hoàng”. Tôi hết sức xúc động và thầm biết ơn tấm lòng nhân hậu, sáng trong của nguyên Tổng Bí thư; còn các đồng chí Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội thì rất ngạc nhiên, không biết sao đã hơn 20 năm tôi nghỉ công tác, không còn được trực tiếp báo cáo tình hình kiểm tra với Cụ, vậy mà Cụ vẫn còn nhớ, còn gọi điện hỏi thăm tôi. Nhân đấy, đồng chí Phan Diễn – nguyên Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư – cùng các đồng chí Ủy viên TW Nguyễn Dy Niên, Vũ Trọng Kim đều biết câu chuyện diễn ra tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa VII, nên càng quý trọng tấm gương ngời sáng của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tại kỳ họp thứ 11, Ban Chấp hành TW Đảng khóa VII có một nội dung rất được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đó là phương án thành lập Ban Giám sát Trung ương do đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí cố vấn nhiều năm tâm huyết đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí đề nghị đưa ra Hội nghị Trung ương bàn để trình Đại hội VIII của Đảng. Ý tưởng thành lập Ban Giám sát Trung ương vào thời điểm lúc bấy giờ rất được nhiều người tâm đắc và kỳ vọng sẽ có hiệu lực, hiệu quả rất cao trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nhất là bảo đảm cho Ban Chấp hành Trung ương phát huy cao độ tính sáng tạo, năng động nhưng không đi chệch hướng; bảo đảm đường lối chính trị của Đảng đổi mới toàn diện nhưng không “đổi màu”.

Tại Hội nghị nhiều đồng chí Trung ương tuy còn một số phân vân nhưng sức thuyết phục của bản Đề án rất cao, bởi ý tưởng tâm huyết của các đồng chí cố vấn, đặc biệt là của cố vấn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Riêng tôi, lúc này trong đầu có hai luồn suy nghĩ giằng co giữa tán thành với không tán thành; giữa nên phát biểu với không phát biểu, nhất là phát biểu như thế nào cho đúng đạo. Rồi không biết sao, tôi lại mạnh dạn đứng lên: Kính thưa các đồng chí cố vấn, kính thưa toàn thể Ban Chấp hành Trung ương…

… Trong nhiều năm nay, đại bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân ta vô cùng cảm phục, quý trọng các đồng chí lãnh đạo lão thành, đã suốt đời hết lòng hết sức vì nước vì dân, đến giai đoạn cuối đời vẫn dồn tâm huyết chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là quan tâm dìu dắt, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Đặc biệt, hôm nay các đồng chí còn tâm huyết đề xuất thành lập Ban Giám sát Trung ương để góp phần cho Trung ương lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đối với bản thân tôi, cũng hoàn toàn tin tưởng và vô cùng quý mến các đồng chí cố vấn, nhưng xin phép cho tôi không tán thành phương án thành lập Ban Giám sát Trung ương, bởi lẽ: Đảng ta lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ; cao nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; giữa hai kỳ Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội bầu ra. Hơn nữa, nếu thành lập Ban Giám sát Trung ương thì nhân sự nhất thiết phải chọn những đồng chí có quá trình cống hiến, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và có phẩm chất cách mạng cao nhất, được nhân dân tuyệt đối tin yêu. Trong thực tế hiện nay, nhiều đồng chí lãnh đạo lão thành được cán bộ, đảng viên và nhân dân dành tình cảm quý trọng, biết ơn và trong thâm tâm còn tự suy tôn như “Thái thượng hoàng” thời nay. Do vậy, nếu Trung ương có “Thái thượng hoàng” thì làm sao Đảng ta thực hiện được đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, làm sao quy tụ được cao nhất trí tuệ, sáng kiến của tập thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng…

Tôi phát biểu đến đây thì mọi con mắt của Trung ương đều hướng về các đồng chí cố vấn và trông chờ ý kiến của các đồng chí. Còn tôi thì thật bất ngờ và xúc động nhận được ánh mắt rất thiện cảm, bao dung và lời phát biểu ấm tình đồng chí từ bậc lãnh đạo lão thành đối với ý kiến cấp dưới trái với ý mình của Cố vấn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Ý kiến đồng chí Nguyễn Anh Liên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất đúng, tôi rất hoan nghênh những ý kiến nói thẳng như thế, và tôi đề nghị Trung ương cho dừng vấn đề này, không bàn thêm nữa“. Tiếp theo là các đồng chí cố vấn Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt cũng tỏ ra rất vui và đồng tình. Còn Ban Chấp hành Trung ương thì xúc động, cảm phục tấm lòng nhân hậu sáng trong như ngọc của Cố vấn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười./.

Nguyễn Anh Liên

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam


[i] Các đồng chí Phan Diễn, Tô Huy Rứa, Nguyễn Di Niên, Vũ Trọng Kim đều là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam trong nhiều khóa.