Sáng ngày 18/4/2025, Thành hội Tam Kỳ phối hợp với Ban Liên lạc các đơn vị TNXP chống Mỹ thuộc Ban Giao vận Quảng Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/04/2025) với sự có mặt của hơn 200 đại biểu là cựu TNXP chống Mỹ thuộc Ban Giao vận Quảng Nam.
Toàn cảnh buổi gặp mặt.
Đến dự có các đồng chí: Chủ tịch Tỉnh hội, nguyên Chủ tịch Tỉnh hội Quảng Nam Bùi Phan Toản, Nguyễn Ngọc Bảo ; nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam Trương Văn Cận; nguyên Trưởng phòng tổ chức Giao thông vận tải Quảng Nam – Đà Nẵng Nguyễn Hoài Linh; nguyên Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Đà Nẵng Bùi Ngọc Sơn; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Én;, Ủy viên Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố Tam Kỳ Nguyễn Thị Hồng Phượng,…
Các đại biểu.
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thành hội Tam Kỳ Nguyễn Thị Nghiêu đã ôn lại truyền thống vẻ vang của TNXP tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đặc biệt là thành tích của Ban Giao vận Quảng Nam, không ngại hy sinh, gian khổ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đoàn viên Huỳnh Thị Hồng Như (ảnh trên) thay mặt cho thế hệ trẻ Tam Kỳ xúc động phát biểu: “… trước những chứng nhân sống động của một thời hoa lửa, đã làm nên một phần huyền thoại Trường Sơn, cháu cảm thấy vô cùng vinh dự, bồi hồi và xúc động. Trong khoảnh khắc khi những câu chuyện năm xưa được kể lại – về một thời mưa bom bão đạn, về những đôi vai gùi lương thực, vũ khí vượt Trường Sơn – lòng cháu và tất cả các bạn trẻ như chùng xuống. Giữa không gian này, có lẽ ai trong chúng ta cũng đang lắng nghe không chỉ bằng tai, mà bằng cả trái tim. Kính thưa quý vị, Lực lượng TNXP Quảng Nam – những người con ưu tú của đất mẹ kiên trung – đã làm nên những điều tưởng như không tưởng. Ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người, các cô chú đã sống một cuộc đời phi thường “Vai trăm cân – chân ngàn dặm.” Không cầm súng, nhưng ra trận. Không đánh giặc, mà mỗi bước chân là một lần đối mặt sinh tử.
Từ Đồng Phước Huyến[1] cho đến những đỉnh núi A Lưới, Trà My, Sơn Tịnh… dấu chân các cô chú in hằn trên từng lối mòn, bậc đá. Trong gùi hàng nặng trĩu ấy không chỉ là lương thực, đạn dược – mà là hy sinh, là nước mắt, là tuổi trẻ gửi lại nơi rừng sâu, suối dữ.
Có những người ra đi không trở lại.
Có những người trở về, mang trong mình vết thương không bao giờ lành.
Có những người sống trọn đời không con, không chồng, không vợ – lặng lẽ mà kiêu hãnh….
Lực lượng TNXP tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các đơn vị thuộc Ban Giao vận, đã để lại dấu ấn sâu đậm trên những cung đường lịch sử.
Chúng cháu không khỏi xúc động khi nghe những câu chuyện như:
Cô Nguyễn Thị Bưởi, người con gái Thuỷ Ngọc, bị nước cuốn trôi trong lần vượt sông thứ 22 khi đưa đồng đội qua dòng lũ xiết, mãi mãi nằm lại đâu đó giữa dòng nước lũ – nơi chúng ta không tìm được xác, nhưng mãi khắc sâu hình ảnh. Những đồng đội “vai trăm cân – chân ngàn dặm”, kiệt sức vì đói, bệnh, gùi hàng đi hàng tháng trời từ biên giới Lào về Quảng Nam. Hay những TNXP lặng lẽ hy sinh trong vùng địch chiếm đóng, không có cả cơ hội để đơn vị đưa xác về mai táng.
“Chân đồng vai sắt” – không chỉ là một danh hiệu, mà là biểu tượng của ý chí kiên cường, của sự dũng cảm, quật cường vượt mọi gian khổ vì lý tưởng độc lập, tự do. Có những người trở về không chồng, không con, sống cô đơn với di chứng chiến tranh, nhưng chưa từng hối tiếc vì đã dành trọn tuổi xuân cho Tổ quốc.
Chúng cháu– thế hệ trẻ hôm nay – không được sống trong thời khói lửa, nhưng được lớn lên trong hoà bình mà các cô chú đã đổi bằng máu và nước mắt. Chúng cháu – thế hệ đi sau – xin được cúi đầu bằng tất cả lòng biết ơn sâu sắc nhất trước những hy sinh lặng thầm và phi thường ấy. Chính các bác đã làm nên huyền thoại của một thời “Vai tăng cân, chân tăng bước – Người đi trước rước người đi sau”, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc…Hôm nay, nhờ công lao to lớn của các cô chú, chúng cháu được sống trong hòa bình, được học tập, trưởng thành và góp sức xây dựng quê hương.
Chúng cháu hiểu rằng, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là giữ gìn và phát huy giá trị cao đẹp của truyền thống TNXP Quảng Nam anh hùng. Phải sống có lý tưởng, có khát vọng, học tập và lao động bằng tất cả tâm huyết, bởi đó chính là cách thiết thực nhất để tri ân những người đã hy sinh….”.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, các cựu TNXP vượt lên gian khó để xây dựng quê hương, đất nước và gia đình hạnh phúc. Nhiều người ra sức cống hiến trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong các phong trào tại địa phương.
Tại buổi gặp Thành hội Tam Kỳ và Ban Liên lạc đã vận động, trao tặng 25 phần quà (500.00đ/phần) cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Buổi gặp hôm nay là cơ hội để anh chị em, đồng đội, nhìn nhau, thăm hỏi, động viên nhau nắm tay nhau mừng rỡ trong những ngày còn lại …
Các tiết mục văn nghệ
Nguyễn Thị Như Quyên
Văn phòng Tỉnh hội Quảng Nam
[1] Đồng Phước Huyến (1946 – 1966), quê ở làng Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ngày 17 tháng 9 năm 1967.