Tăng cường kiểm tra bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung

Đăng lúc: 21-02-2022 8:44 Sáng - Đã xem: 190 lượt xem In bài viết

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người không ngại khó, sợ khổ, dám thể hiện bản lĩnh vượt qua mọi thách thức kể cả dám chấp nhận khi “thất bại lại là mẹ thành công”; dám “mở đường thoát hiểm” ở những lĩnh vực mới; mạnh dạn tìm giải pháp “đặc cách” để tạo đột phá, nhưng phải trên nền tảng cái gốc là tất cả vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân.

Thực tế từ ngày Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới đến nay, tất cả những thành tựu rực rỡ đạt được để Tổ quốc ta có được cơ đồ và uy tín như ngày hôm nay, đều không thể không nhắc đến công lao to lớn của những cán bộ, đảng viên có tầm nhìn vượt lên trước, cho dù bị không ít “sóng gió” tấn công. Một trong những sự kiện hào hùng đã được ghi vào lịch sử, đó là khi đường dây 500KV Bắc Nam được Chính phủ quyết định chủ trương xây dựng năm 1992, thì đã gặp không ít rào cản, bởi quan điểm “sợ”, sợ trách nhiệm nếu đề án không thành công, sợ trách nhiệm trước một quyết sách còn nhiều người “vừa giơ tay biểu quyết vừa run”, thậm chí sợ mang tai tiếng “anh hùng cá nhân”… Đứng trước bối cảnh “trứng chọi đá” đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phất cao “lá cờ” trách nhiệm lôi cuốn một số cán bộ, đảng viên trung kiên dám đứng ra “bảo lãnh” chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân với câu nói đi vào lịch sử: “Nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức”. Cũng trong sự kiện lịch sử này, những cựu cán bộ kiểm tra chúng tôi – nhân chứng lịch sử – được nghe một câu nói “để đời” của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên “Đấu tranh chống tiêu cực để làm gì, nếu không đồng thời bảo vệ được người tích cực”.

Sự kiện “Thủ tướng vì Dân” dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ đó đến nay và có thể còn mãi đến mai sau, vẫn là bài học quý để cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cả đội ngũ cán bộ kiểm tra trong việc quyện chặt giữa đấu tranh chống tiêu cực với bảo vệ, phát huy người tích cực. “Nếu không bảo vệ và phát huy mặt tích cực thì không bao giờ đẩy lùi để đi đến triệt tiêu được mặt tiêu cực”, lời khẳng định đó của đồng chí Trần Kiên càng ngày càng thêm sáng.

Tuy nhiên, cho đến nay, tâm lý “an phận thủ thường” đùn đẩy trách nhiệm vẫn đang tồn tại trong không ít các cơ quan, tổ chức. Không ít nơi vẫn xuất hiện tình trạng công việc đình trệ mà người đứng đầu không dám quyết đáp. Cấp xã đùn đẩy công việc lên cấp huyện; cấp huyện đẩy lên cấp tỉnh; cấp tỉnh “kính chuyển” Trung ương. Chỉ điển hình như việc ở đâu cũng thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng tình trạng giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương lại rất chậm. Rồi một số bộ, ngành, địa phương trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cho Chính phủ. Ngoài lý do khách quan là hệ thống văn bản pháp lý còn có chỗ khúc mắc, chồng chéo thì không thể phủ nhận ở những nơi này một bộ phận cán bộ nhất là người đứng đầu năng lực và bản lĩnh còn bất cập, đặt “ngồi nhầm ghế và không thuộc bài”.

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trước hết cần thống nhất quan điểm với những cái mới, bao giờ cũng gặp lực cản từ lối tư duy bảo thủ trì trệ và có cả thành công hoặc thất bại ngoài mong muốn.

Vì vậy, trong công tác kiểm tra cần phát hiện, khuyến khích những nỗ lực sáng tạo, đổi mới của cán bộ và quyết liệt bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm với động cơ trong sáng, thực sự vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Trong những trường hợp cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân, đánh giá công tâm để có cách xử lý phù hợp; Nếu thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đặc biệt, đồng thời với đó là xử lý thật nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực. Phải kiên quyết đấu tranh, sàng lọc loại bỏ những cán bộ “an phận thủ thường”, “tư duy nhiệm kỳ”, “Té nước theo mưa”, “tranh công đổ lỗi”, mà không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đi liền với dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc là những phẩm chất đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, là người đứng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay và giai đoạn sắp tới.

Nguyễn Anh Liên

Nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam