Thăm “Làng 559” tại Đà Nẵng

Đăng lúc: 25-06-2023 4:10 Chiều - Đã xem: 260 lượt xem In bài viết

 Những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, tôi có dịp đến thăm các gia đình cựu cán bộ, công nhân, TNXP, dân công hỏa tuyến Ban xây dựng 67 (Ban XD 67) anh hùng, ở các Tổ dân phố 21, 22 (khu dân cư Thanh Tân) phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Khu vực này còn có tên gọi thân thương là: “Làng 559” hoặc Khu tập thể Công trình 3.

Kỹ sư cầu đường Võ Khắc Mai (ảnh dưới), sinh năm 1937 – nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban xây dựng 67, nguyên Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ V (nay là Cục Quản lý đường bộ III) – cho biết: Ban XD 67 được thành lập ngày 23 tháng 4 năm 1967 dưới sự lãnh đạo của Bộ Giao thông vận tải và Đoàn 559, làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông trên các tuyến vận tải chiến lược qua miền Tây Quảng Bình, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quân số lúc cao điểm (1971) lên đến 24.000 người. Cuộc chiến đấu, đảm bảo giao thông trên 1.200 km các tuyến đường 10, 12, 15, 16 và 20 Quyết thắng để phục vụ vận tải, chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt 8 năm (1967-1975) của hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ công binh, công nhân, TNXP, dân công hỏa tuyến Ban XD 67 trên giải Trường Sơn là cuộc chiến ác liệt dưới mưa bom, bão đạn và gian lao, khốc liệt của gió núi, mưa ngàn. Tính riêng từ 01/01/1968 đến 31/10/1968[1] địch đã đánh vào địa bàn Ban XD 67 đảm trách là 11.860 trận với gần nửa triệu quả bom, bình quân mỗi km đường phải chịu 311 quả bom, mỗi chiến sĩ giao thông, công binh phải chịu 43 quả bom, chưa kể hàng ngàn bom bi, bom cháy, tên lửa và pháo kích trút xuống tuyến đường[2]. Ác liệt là vậy, nhưng kẻ địch không thể nào khuất phục được lòng dũng cảm, gan dạ, ý chí “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” của cán bộ, chiến sĩ Ban XD 67. Đường luôn thông suốt, phục vụ kịp thời việc vận tải. Những cái tên: Đường 20 quyết thắng, Đường 10, Đường 12, Đường 16; các trọng điểm: Hang Tám cô, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, đèo Đá Đẻo, đèo Phu Lai Nhích, Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, Chà Ang, cua chữ A, cao điểm 468 vv…đã đi vào lịch sử.

Ban Xây dựng 67 được phong tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN; có 2 đơn vị Anh hùng là Đội cầu 10 và Đội TNXP 25; các Anh hùng Lao động Nguyễn Phong Lưu, Đinh Thị Thu Hiệp; Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nậy.

Sau ngày 30/4/1975, Ban xây dựng 67 được đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp Công trình 3 (LHCT 3) làm nhiệm vụ phục hồi và xây dựng tuyến đường sắt thống nhất; phục hồi và xây dựng mới hệ thống đường bộ, sân bay, bến cảng từ Quảng Bình – Khánh Hòa – Tây nguyên. Năm 1982, nhiệm sở đơn vị được dời từ Đồng Hới, Quảng Bình vào thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đóng tại phường Thanh Lộc Đán (nay là phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Khu tập thể công nhân lao động quen gọi là “Làng 559” hình thành từ đó.

Đầu năm 1983 Xí nghiệp LHCT 3 được hợp nhất với Khu đường bộ V, lấy tên là Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông Khu vực V. Khu dân cư Thanh Tân (Làng 559) gồm 2 Tổ dân phố 21 và 22 với 153 hộ dân, trên 80% là cựu cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, hàng năm đều tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống Ban XD 67 (25/4), truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5) ôn lại truyền thống hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đến “Làng 559”, chúng ta được gặp các cựu cán bộ, chiến sĩ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nhiều năm qua, ai nấy đều coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây và nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” do UBMTTQVN phát động, được nhân dân tích cực hưởng ứng, luôn đoàn kết chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng, con em trong “Làng 559” luôn chăm học. Quỹ khuyến học thường xuyên có số dư từ 70 đến 100 triệu đồng, hằng năm tổ chức phát thưởng cho các cháu học giỏi, đoạt giải cấp quận, thành phố và Quốc gia từ 15 đến 20 triệu đồng.

Cụ Võ Khắc Mai, khi đương chức là tác giả Công trình Đường cứu nạn ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Về hưu, ông tham gia một số công tác ở địa phương: Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Khuyến học, được thành phố Đà Nẵng cử đi dự Hội nghị toàn quốc biểu dương “Gia đình Văn hóa tiêu biểu”, ông cũng được Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10 năm liền.

Thương binh Trần Thị Thanh Hương (ảnh trên), là một trong bảy đại biểu của Đà Nẵng được xét chọn dự Hội nghị toàn quốc biểu dương “Người có công với cách mạng” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Thương binh Nguyễn Thị Thoi (ảnh trên), Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Thanh Khê Đông, 10 năm đạt danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen.

Cựu chiến binh Lê Văn Huấn (ảnh trên), Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn quận Thanh Khê, 14 năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, được tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi” của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Hằng năm gần 100% hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; Chi bộ Đảng đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; Ban công tác Mặt trận và các Chi hội đoàn thể đều đạt xuất sắc. Có thể nói, những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đang được lan tỏa ở “Làng 559”, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, góp phần cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp, văn minh, một thành phố đáng sống.

 Lê Đỗ Hồng Quân


[1] Ngày 1.11.1968, tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc.

[2] Theo sách 45 năm từ Ban Xây dựng 67 đến CIENCO5 (23/4/1967 – 23/4/2012), Nhà Xuất bản Thông tấn xã Việt Nam và Trung tâm Thông tin truyền thông vì môi trường phát triển, 2012