Thắm tình đồng đội

Đăng lúc: 13-09-2018 9:19 Sáng - Đã xem: 126 lượt xem In bài viết

               Tôi được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới) trong cơn đau quằn quại, rên rỉ. Đôi chân như có hàng trăm, hàng ngàn mũi kim đâm chích trong các khớp cổ chân, khớp ngón. Da thịt như có hàng chục lưỡi dao cắt xé. Lúc đó là 4h30, sáng ngày 10 tháng 4 năm 2018, bầu trời đang chìm ngập trong sương mù, cảnh vật đang đắm chìm trong tĩnh mịch.

Chiếc băng ca đẩy tôi vào phòng cấp cứu, bác sĩ và điều dưỡng ca trực nhanh chóng thăm khám. Sau một thời gian xử lý thông tin và khám bệnh, bác sĩ kết luận, tôi bị gut cấp do điều trị không theo phác đồ nên bị biến chứng cộng với dư âm bệnh zô na chưa hết hẳn nên làm cho bệnh càng trầm trọng hơn. Sau khi chẩn đoán bệnh, làm xong các thủ tục, tôi được chuyển về khoa Nội C.

          Tôi được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nội C tiếp đón niềm nở, thăm hỏi ân cần. Trước sự nhiệt tình ấy, lòng tôi như trào dâng cảm xúc, cơn bệnh như cảm giác dịu đi.

          Rồi ai vào việc nấy, người thì đo nhiệt độ bắt mạch, người thì đo tim, lấy máu xét nghiệm, công việc diễn ra nhanh chóng, cẩn trọng.

          Tôi được tiêm và uống thuốc. Tôi nằm yên trên giường bệnh không cựa quậy và thiếp đi. Rồi ngày thứ nhất đã trôi qua, không biết thứ thuốc gì làm cơn đau giảm đi rõ rệt.

          Trời sáng tỏ. Tôi tỉnh giấc vào khoảng hơn sáu giờ, cơn đau có đỡ. Đến 8h, các bác sĩ, điều dưỡng đi từng phòng để thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Tôi được các bác sĩ, điều dưỡng tiêm, cho uống thuốc. Mọi sự trong ngày diễn ra suôn sẻ, với cái đà này chắc vài hôm là ra viện thôi – Tôi nghĩ vậy. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, vào khoảng ba giờ sáng hôm sau, cơn bệnh của tôi lại bùng lên đau dữ dội, nhói buốt tim gan. Chịu không nổi, tôi phải xin điều dưỡng trực cho một liều thuốc ngủ.

Nằm cạnh giường tôi là một anh người ở Minh Hóa, cũng bệnh như tôi. Anh cho biết, anh vào viện đã một tuần nay, bệnh thuyên giảm nhiều, các bác sĩ, điều dưỡng rất tận tâm chu đáo. Nghe anh nói vậy tôi yên tâm lắm, mong sao mau chóng lành bệnh, còn biết bao nhiêu việc đang chờ đợi, nhất là việc chuẩn bị mấy tiết mục văn nghệ cho Ngày Hội Truyền thống Trường Sơn (19/5).

Ngày thứ ba trôi qua, bệnh tình cũng không giảm đi mấy. Bác sĩ cho hay, do bệnh biến chứng vào khớp, rồi cái bệnh zô na chưa lành hẳn, sức khỏe giảm nhiều, khả năng miễn dịch yếu nên tiến triển chậm.

Thấy tôi nằm một chỗ, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải dùng xe đẩy ai thấy cũng ái ngại.

Bác Lê Đắc Thọ, năm nay đã 81 tuổi, cựu chiến binh Đồng Hới, thấy tôi đau nhăn nhó, rên rỉ nên hay đến động viên tôi. Bác cho biết, bác là bộ đội chống Pháp. Đầu năm 1954, bác tham gia vào quân đội khi vừa tròn 17 tuổi. Cuộc sống đời lính lúc đó thiếu thốn trăm bề. Vũ khí thô sơ, chủ yếu lựu đạn, súng kíp, tầm vông, mã tấu. Thế mà, với tinh thần gan dạ dũng cảm, quân dân ta liên tiếp giành những thắng lợi khắp hai miền Nam Bắc. Quê hương bác ở Bình Định, nổi tiếng nhiều dừa và ngon. Bác kể, lúc này ở miền Nam, giặc Pháp đã dồn dân, lập ấp, rồi bọn Mỹ từng bước can thiệp, lăm le vào thay chân Pháp nên đời sống của người dân thêm khổ cực. Bộ đội bị tách ra ngoài vòng ấp, bọn chúng có lực lượng phòng vệ hẳn hoi. Bộ đội ta vào được đồn địch để đánh đã khó, về gây dựng cơ sở lại càng khó. Rồi bác kể cho tôi nghe chuyện tiểu đội bác đã thuyết phục được mấy người lính trong hàng ngũ địch. Hễ nghe có bộ đội về làng là họ không đánh kẻng, nhưng khi bộ đội rút là mấy tay lính ngụy đánh kẽng, khua mõ ầm ĩ, khi đó bộ đội đã thoát ra ngoài an toàn. Nhờ những hoạt động như vậy mà ta có điều kiện móc nối xây dựng cơ sở trong lòng địch.

Trong một trận chống càn, đơn vị của bác bị địch bao vây, quân địch đông hơn quân ta gấp hai ba lần, vũ khí tối tân. Đã mấy ngày liền bộ đội không thoát ra ngoài để xin cứu viện được. Trung đội của bác được lệnh phá vòng vây. Trong một trận đánh quyết tử, bác bị một mảnh lựu đạn cắm vào cổ mất một mảng da thịt và gãy xương quai xanh, bác được các đồng đội đưa ra tuyến sau an toàn trong hiểm nguy sinh tử. Đơn vị bác cũng xin được tiếp viện. Trận đánh kết thúc, quân địch thua chạy tan tác. Rồi bác được tập kết ra Bắc sau hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1960, bác chuyển ngành sang bưu điện cho đến về hưu. Lời bác kể như đang thấm vào huyết mạch của tôi, giọng nói Bình Định ngọt ngào, dễ mến làm cho lòng tôi vợi đi những nỗi đau. Bác cho hay, khi bác bị thương, do điều kiện y tế thời đó thiếu thốn thuốc men, vết thương bị nhiễm trùng, không có cơm ăn, chỉ toàn cháo, rau rừng. Vết thương đau không tả nổi, sốt li bì. Nghe bác kể vậy mà tôi thẹn thuồng, so với vết thương của bác, bệnh tình của mình có thấm tháp vào đâu.

Được tin tôi nằm bệnh viện, anh Thắng, anh Bình, chị Lan, Chị Xuân trong Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn thị trấn Quán Hàu về thăm, người hộp sữa cân đường, vài cân cam. Nhìn tôi nằm thiêm thiếp trên giường, miệng nhăn nhó, lòng mọi người thấy nghẹn thương. Tôi nói nhỏ: “Không sao đâu! Em sẽ mau lành bệnh để về với các anh các chị, cùng đồng đội làm các công việc chuẩn bị ngày truyền thống của Hội chứ. Miễn sao các anh chị chừa cho một tiết mục văn nghệ là được.”

Rồi anh Tợi (Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh), anh Táo (Phó Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn huyện), chị Lan (phụ trách nữ Trường Sơn huyện) cũng đến thăm tôi. Tôi xúc động vô cùng, mình chỉ là một hội viên thôi mà được các anh chị Tỉnh hội, Huyện hội quan tâm, thăm hỏi, động viên. Các anh chị an ủi, cổ vũ tôi trong tình cảm đồng chí, đồng đội thắm thiết ân tình.

Ngày thứ năm, thứ sáu trôi qua. Bệnh tình thuyên giảm chậm. Các bác sĩ, điều dưỡng luôn an ủi động viên, họ còn cho biết căn bệnh gút này phải điều trị từ từ, miễn sao tinh thần thoải mái, tin tưởng thì bệnh chóng lành.

Trong phòng bệnh tôi nằm, cơ man nào là bệnh nhân. Một phòng điều trị tổng hợp, người đau thận, gan, người ho, suyễn, bệnh người già…Nhìn trên khuôn mặt ai cũng đăm chiêu lo lắng, mặc dù trên môi họ có lúc vẫn nở nụ cười bình thản. Nhiều đêm, nghe tiếng rên, tiếng nhăn nhó, tiếng thở dài… mà thấy xót xa. So với bệnh tình nan y của một số người thì bệnh của tôi cũng là bình thường. Nhưng vốn dĩ cái bệnh gut là vậy, nó đau không thể tả nỗi, như có hàng trăm, ngàn mũi kím, đâm vào xương, hàng chục lưỡi dau cắt xé thịt da…

   Nằm phía đối diện giường tôi là anh Trần Văn Thông, hội viên cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dương Thủy – Quảng Bình. Gần 70 mươi tuổi nhưng anh đang còn lanh lợi, do vết thương tái phát nên anh vào bệnh viện để chữa trị. Anh nói: “Một năm một lần vào bệnh viện là bình thường, vết thương cứ tái phát, trời trở nhức nhối cả xương thịt”. Rồi anh kể cho tôi nghe chuyện của anh. Nhập ngũ năm 1967, anh được biên chế vào mặt trận Thừa Thiên Huế. Anh tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Trị, Khe Sanh, đường 9 – Nam Lào. Năm 1968, anh tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968) ở Huế. Những ngày đánh trận, ta và địch giành nhau cầm cự từng tấc đất. Đơn vị của anh được phân công phá cầu Tràng Tiền để ngăn đường tiếp viện của địch. Cuộc giao tranh quyết liệt, xác đồng đội, xác giặc ngổn ngang, máu nhuốm đỏ cả dòng sông Hương. Năm 1971, anh tham gia đánh cứ điểm 104 và bị thương, rồi được ra Bắc điều trị. Năm 1973, anh ra quân hưởng chế độ thương binh ¼ và lập gia đình.

 Từ khi đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh nên đời sống cơ cực thiếu thốn trăm bề. Vợ thì mắt mờ dần do những năm là dân quân, trong một đợt bắn trả máy bay địch bị chúng ném bom mù nhiễm khói độc vào mắt. Bản thân là thương binh, con đông, lại ở vùng gò đồi quanh năm thiếu nguồn nước nên cuộc sống nghề nông quá bấp bênh. Với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, không nản chí, bằng sự cần cù sáng tạo anh đã chèo chống gia đình vượt qua khó khăn và trở thành hộ giàu trong thôn. Nghe anh kể chuyện, nỗi đau của cơn bệnh trong tôi như thuyên giảm. Tôi thấy càng khâm phục anh về những năm tháng hào hùng trên trận tuyến đánh giặc, về những quyết tâm “diệt đói” của người lính Trường Sơn. Anh còn khoe: “Mình được bầu chọn báo cáo điển hình NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi năm 2018 đấy”.

Tuy bệnh chưa lành hẵn, ngày 24 – 4 – 2018 tôi cũng ra viện. Mọi người trong phòng bệnh chia tay tôi trìu mến, ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt khát khao lành bệnh để không bao giờ đến lại nơi này.

Được tin tôi đã xuất viện, anh Sự (trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn huyện), anh Thuận ( trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn xã Vạn Ninh), anh Ba (trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn xã Lương Ninh), anh Ngon (trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn xã Tân Ninh) và các anh chị trong Ban Chấp hành – Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn huyện, các xã lân cận cùng đến thăm hỏi, chúc mừng. Thấy tôi đã ra viện các anh các chị vui lắm. Vui nhất là các “diễn viên” đội văn nghệ Truyền thống Trường Sơn của thị trấn, sau buổi luyện tập, các anh chị đã về thăm tôi, họ ôm tôi sung sướng như người lính chiến trận trở về, rồi họ hát cho tôi nghe, múa cho tôi xem và bắt tôi góp ý, sửa bài. Tôi vui quá chỉ biết cười trừ.

Tuy đang mệt, thĩnh thoảng những cơn đau vẫn đang còn hành hạ, nhưng tôi vẫn miệt mài giúp Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn thị trấn viết lời dẫn chương trình cho các tiết mục văn nghệ, in diễn văn khai mạc chào mừng 59 năm Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh nhân 19 – 5 sắp tới, in các văn bản, Điều lệ Hội có liên quan để các anh sử dụng trong Hội nghị sơ kết…Tuy là những công việc nhỏ nhặt nhưng trong lòng tôi thấy tự hào, thanh thản vì mình đã góp một phần nhỏ bé để không ngừng đưa hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn ngày một đi lên.

Tôi không đến dự Kỉ niệm 59 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn của Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn thị trấn Quán Hàu được, dù bệnh đã đỡ nhiều nhưng đi lại đang còn khó khắn. Các anh chị trong Ban Liên lạc đã điện thoại thăm hỏi, an ủi tôi. Nằm ở nhà mà lòng tôi luôn nghĩ đến cảnh vui tươi, phấn khởi của các anh chị em trong buổi gặp mặt này, thấy lòng mình có những niềm vui buồn lẫn lộn. Buồn vì bệnh tật đã ngăn cản không đến vui ngày hội ngộ thắm tình với đồng đội. Vui vì thấy rằng, các anh chị hội viên tuổi đã già yếu, vẫn vượt qua hoàn cảnh khó khăn đến với mái ấm tình đồng đội, đến với cội nguồn của tình cảm thiêng liêng đã một thời “vào sống, ra chết” để có được ngày hôm nay. Họ là tiêu biểu cho một thế hệ quên mình để cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Các anh chị nay tuổi đã cao vẫn một lòng một dạ đi theo Đảng, phát huy bản chất tốt đẹp anh bộ đội Cụ Hồ cho con cháu noi theo.

Anh Thắng, phó Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn Thị trấn Quán Hàu đến nhà chơi, chia sẻ thành công của buổi Kỉ niệm 59 năm Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh vừa qua. Anh cho biết hai đơn vị Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn của thị trấn Quán Hàu và xã Vạn Ninh cùng kết hợp tổ chức. Không khí thật vui vẻ, ấm áp lạ thường. Buổi chia tay giữa hai đơn vị quyến luyến như không thể dứt ra được.

Vậy mà thấm thoát đã mấy tháng trôi qua. Bệnh tật và những tháng ngày điều trị đã trở thành kỉ niệm. Với chế độ ăn kiêng, thuốc men theo y lệnh của bác sĩ, căn bệnh của tôi giờ đây cũng đã tạm thời ổn định. Tôi cảm ơn tất cả những người thân đã lo lắng chăm sóc; các bác sĩ, điều dưỡng thuốc men tận tình: những người động đội, các anh chị Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn đã động viên, an ủi, khích lệ tôi, làm cho tâm trí tôi luôn thanh thản, luôn tin tưởng đến cuộc sống tốt đẹp tình người. Trong những tình cảm đó, tình cảm người lính luôn là một thứ tình cảm thiêng liêng cao quí, thôi thúc tôi cố gắng hơn trong cuộc sống để chiến thắng tất cả. Tôi luôn giữ mãi trong lòng mình về những ký ức tốt đẹp của những ngày qua và tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ phụ lòng các anh chị trong Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn, cố gắng đem hết sức mình góp phần vào công cuộc xây dựng Hội Truyền thống Trường Sơn ngày càng vững mạnh, xây dựng cuộc sống tươi đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đổi mới của đất nước.

                                                                          Quán Hàu, tháng 8 – 2018 

Nguyên Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn