Tháng 7, về nguồn!

Đăng lúc: 19-07-2018 1:42 Chiều - Đã xem: 154 lượt xem In bài viết

Tháng 7, tháng tri ân những anh hùng liệt sĩ, tri ân những người có công với Cách Mạng, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do, hạnh phúc chúng ta có được ngày hôm nay. Tháng 7 về nguồn với bao ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”…

*Lung linh ánh nến trong đêm:

Đã gần 6 giờ chiều nhưng trời vẫn còn sáng, Đoàn chúng tôi đến Đồi 82, Tân Biên, nơi Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập ngày 20/4/1965 tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Trong suốt 10 năm phục vụ và chiến đấu trên chiến trường “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt của chiến tranh, luôn đối mặt với đói khát, bệnh tật và kẻ thù… là đội quân “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” cơ động, dã chiến hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, đội quân đi trước về sau, vừa phục vụ chiến đấu vừa trực tiếp chiến đấu, với ý chí thép gang đã lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc. Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà Vũ Thị Ngọc Liên (thứ 2 từ phải sang) với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Để ghi nhận những cống hiến lớn lao, tưởng nhớ sự hy sinh danh dũng của các liệt sĩ TNXP Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 2002 tại Đồi 82 – huyện Tân biên, tỉnh Tây Ninh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Hai hàng cây cao rợp bóng mát dẫn chúng tôi vào Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên. Chị Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bình Thuận bảo: “Phía trên kia có bia ghi danh trong đó có tên liệt sĩ Phạm Thị Yến, Phạm Văn Giáp ở Hàm Thuận Nam đó em. Có nhiều liệt sĩ quê Bình Thuận nữa cũng nằm tại đây.” Tôi hiểu tình cảm của chị, bởi chính chị cùng các đồng đội đã trực tiếp đi tìm mộ của chị Yến, anh Giáp đưa về quê hương Bình Thuận. Quan sát thấy các mộ phần được đặt tạo thành hình tròn, quay vào nhau, tượng trưng cho tình đồng chí, đồng đội luôn kề vai, sát cánh. Trước mộ đều được cắm 1 đóa hoa, các ngôi mộ đều được quét dọn thường xuyên nên nhìn sạch sẽ. Được biết, ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên có một mộ tập thể của hơn 100 liệt sĩ do Đội K70, Cục Chính trị Quân khu 7 tìm thấy tại xã Veal Mlu, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tboung Khmum (Campuchia) từ ngày 22-2 đến 12-4-2017; mộ tập thể hơn 90 liệt sĩ của Trung đoàn 95, Sư đoàn 1, hy sinh trong trận chiến đêm mùng 7, rạng sáng 8-3-1969 tại suối Đá, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh)… Nghĩa trang có hơn 13 ngàn mộ liệt sĩ, đặc biệt có gần 5.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên.

Gần 1.200 người từ các lực lượng: Công an, Quân đội, Đoàn thanh niên, các cựu TNXP… đã tề tựu về đây do Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức lễ Tri ân. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng tham dự. Ôn lại lịch sử hào hùng các thế hệ đi trước bằng những lời ca, tiếng hát, những bài phát biểu ngắn ngọn biểu hiện lòng biết ơn. Sau đó mọi người tỏa đi thắp nến và thắp hương cho các liệt sĩ. Cả một nghĩa trang như rực rỡ, lung linh hơn…Nhìn những cựu TNXP huân huy chương đầy ngực chắp tay khấn trang nghiêm trước ngôi mộ liệt sĩ trong đêm tối lập lòe ánh nến chúng tôi không khỏi trào dâng niềm xúc động…

*Thăm chiến trường xưa:

Tác giả bên đoạn giao thông hào trong khu di tích

 Ngay đêm đó, sau lễ tri ân mọi người đi thẳng đến Căn cứ Ban An Ninh TW Cục Miền Nam tọa lạc tại ấp Tân Động 1 xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cách thị xã Tây Ninh hơn 50 km, theo quốc lộ 22B đến Cửa khẩu Xa Mát rẽ về phía tay phải chúng tôi nghỉ lại 1 đêm để sáng hôm sau đi Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm giữa một khu rừng già có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho sự trú ẩn và hoạt động cách mạng an toàn. Từ năm 1962 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là R) là cơ quan cao nhất chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não Cách mạng miền Nam. Tại đây đã ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam, nơi trực tiếp chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ở đây còn là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phan Văn Đáng, Trần Văn Xô, Trần Nam Trung, Phạm Thái Bường…

Càng đi sâu vào trong rừng chỉ thấy một màu xanh mát rượi, may buổi sáng không mưa, nghe lá rừng xào xạc. Không gian tĩnh lặng lạ thường. Rừng ở đây còn nhiều loại cây rất quý như căm xe, gõ, trắc, đinh hương,  k’nia cao vút tỏa bóng, có cây Tung to phải 3 người ôm mới hết… nhưng nhiều nhất là họ Dầu. Men theo những con đường mòn thấp thoáng dưới tán cây là những căn nhà đơn sơ lợp bằng lá trung quân là nơi làm việc, trạm của các đơn vị ngày xưa. Nghe kể lá trung quân này hay lắm, lá được hái lúc còn xanh, gập đôi đan thành tấm lợp, vừa nhẹ vừa mát. Ðặc biệt lá trung quân gặp lửa là tự ngún chứ không cháy lan. Nhìn những ngôi hầm ngay trong nhà, những đoạn giao thông hào chỉ 1 người chui lọt mới thấy ngày đó kháng chiến trường kỳ và gian khổ như thế nào. Anh Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam thoăn thoắt cùng đoàn đi từng địa điểm và luôn chăm chú lắng nghe các thuyết minh viên kể chuyện. Vẫn vẻ hoạt bát như từng là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn anh vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ với mọi người để quên đi cả chặng dường dài đi bộ vào sâu trong rừng. Các anh chị cựu TNXP ở các tỉnh phía Bắc ai cũng bày tỏ sự xúc động khi trực tiếp đi vào vùng căn cứ phía Nam để hiểu thêm về các đồng đội của mình ngày xưa sống và chiến đấu như thế nào. Còn các anh chị phía Nam thì vừa xem vừa ôn lại kỷ niệm “ngày xưa anh ấy, cô ấy…vác gạo, vác mấy thùng đạn, vác súng cứ đi băng băng. Không dễ để lọt vào vùng căn cứ vì xung quanh là rừng bao phủ, phải qua bao nhiêu trạm gác, có mật khẩu mới qua được…”

Chia tay Khu căn cứ cách mạng dọc đường trong đoàn Bình Thuận ai cũng đều thấy xúc động. Chuyện ngày xưa trong kháng chiến thế nào ai cũng đều thấu hiểu và giờ đây thăm lại chiến trường xưa vẫn là một trong những chuyến đi có ý nghĩa nhất cuộc đời. Rừng vẫn xanh thẳm, “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” ngày xưa, giờ rừng vẫn xanh ngát một màu. Nắng lên đến đỉnh đầu, chói chang, chúng tôi ra khỏi khu căn cứ, ngoảnh lại ai cũng cảm thấy bồi hồi…

Ghi chép: Hà Thu Thủy

Một số hình ảnh khác (ĐST)