Tháng Bảy, suy ngẫm về sự hi sinh

Đăng lúc: 23-07-2019 9:20 Sáng - Đã xem: 155 lượt xem In bài viết

Tháng Bảy lại về. Trong tôi cứ trào lên cảm xúc để quay ngược thời gian về những năm tháng kiêu hùng và đau thương của tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh. Con người ta, bình thường không ai lại đi chọn cho mình cách chết, cũng chắc chắn không ai muốn mình phải chết. Nhưng Tổ quốc đang trong cơn nguy biến, nhân dân còn nằm trong lầm than cần đến sự hi sinh thì tất cả sẵn sàng gác lại ước mơ, dự định của mình, sẵn lòng lên đường bảo vệ quê hương.

Tuổi thơ tôi lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, cuộc sống của người lớn không phút bình yên, giấc ngủ trẻ thơ luôn phải giật mình vì bom đạn nổ… Thế là lớp lớp tuổi xuân đành gác lại ước mơ hạnh phúc, bỏ lại giếng nước, gốc đa, bỏ lại người mẹ già “mòn chân bên cối gạo canh khuya”, bỏ lại người vợ trẻ “đêm đêm cháy lòng mong mỏi”, bỏ lại sau lưng “những người yêu thương ngày đêm chờ đợi…, những nam, thanh nữ tú khát khao cống hiến lên đường thực hiện nghĩa vụ với quê hương.

Chiến tranh, đất nước phải tổn thất, đau thương không có gì có thể đong đếm được. Giờ đây trên những tượng đài vinh danh đang tỏa hương nghi ngút, những nghĩa trang bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao “những chị, những cô không chồng”, biết bao thương binh và biết bao những đứa trẻ, hài nhi dị tật, sống không ra sống do ảnh hưởng của chất độc da cam… Giờ đây, máu đã hòa tan vào với nước hóa trong xanh, xương cốt đã hòa vào lòng đất mẹ vun đắp cho cuộc sống phồn vinh.

Tôi lớn lên giữa những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn ác liệt, rồi kết thúc. Ký ức trong tôi còn hiển hiện những ngôi nhà cháy, những hố bom, những giải “khăn tang cả làng chung quấn”. Lớp lớp thanh niên xung phong, bộ đội nối tiếp nhau hành quân qua làng ra tiền tuyến, rồi tin chiến thắng dội về từ chiếc đài bán dẫn, tiếng cô phát thanh viên nghe vang lanh lảnh đến lạnh sống lưng: “Mời đồng bào và đồng chí nghe tin chiến thắng…”. Vỡ òa, vỡ òa người người ôm nhau khóc vì quá hạnh phúc, trẻ con chúng tôi ngác ngơ cũng vui theo niềm vui của cả làng.

Niềm vui ngắn tày gang, chiến tranh biên giới nổ ra[i], lệnh “Tổng động viên” được ban hành ngày 5/3/1979. Lại lên đường lại chiến đấu hi sinh. “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng…”[ii], và rồi cuối cùng thì chúng ta đã chiến thắng, hòa bình độc lập đã về thật sự. Những con người hôm qua, hôm nay ra đi bảo vệ Tổ quốc họ thấm nhuần sâu sắc rằng: Ra đi là có thể hi sinh và trong khúc khải hoàn ca chiến thắng ngày trở về chắc gì có mình. Nhưng họ vẫn đi, họ đi vì lý tưởng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc ấm no cho dân tộc, cho nhân dân. Tuổi trẻ của họ gửi lại những năm tháng chiến tranh, bom đạn, những gian khó thời chiến. Họ ra đi, mang niềm tin và hoài bão, ước mơ của tuổi xuân gửi vào từng câu từ trong những trang nhật ký đượm mùi thuốc súng, mùi bom đạn. Họ đã sống và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì một tương lai cho cả dân tộc. Tuổi xuân ai mà không tiếc, nhưng ai cũng tiếc và không dám hi sinh thì còn đâu Tổ quốc.

Hôm nay, trong khúc nhạc khải hoàn ca, tháng bảy ru lên bài “Hồn tử sĩ”[iii], chúng ta những người may mắn được sống hãy đến với họ, đến với lớp người mãi tuổi thanh xuân vì đã ngã xuống, hiến dâng đời mình cho mùa xuân của dân tộc…

Tháng Bảy về ta đến nghĩa trang, tượng đài lòng ta sẽ thấy trào dâng nỗi niềm khắc khoải, lòng thành kính khôn nguôi. Khi đất trời chuyển dần sang tiết thu, từng cơn mưa ngâu nghe buồn buồn trải trong lòng như tiếng mưa róc rách. Giữa tiếng gió chiều nghe lao xao ta hoài cảm về những trận chiến oanh liệt ở Điện Biên, Quảng Trị, Trường Sơn, Vị Xuyên, Đồng Đăng, Gạc Ma hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia… lòng thành kính trong muôn vàn tiếc thương những con người đã ngà xuống để viết nên bản ca bất hủ.

Một nén nhang và lời cầu nguyện sẽ làm vơi đi nổi niềm đau thương trước anh linh những người mãi mãi tuổi thanh xuân đã về với đất. Nén nhang và lời cầu nguyện thể hiện sự biết ơn của hậu thế, nhịp tim ta sẽ được đánh thức lắng lại để hướng tâm về những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ta tin tưởng và hi vọng rằng: Họ, những con người đã ngã xuống vì sự nghiệp dân tộc sẽ thấy được sự hi sinh của mình quả là không uổng, đời đời con cháu vẫn mãi khắc ghi./.

Phú Yên, tháng 7 năm 2019
Nguyễn Bá Thuyết
Đại tá Quân đội nghỉ hưu
Tp Tuy Hòa, Phú Yên

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

 


[i] Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới.

[ii] Trích lời bài hát Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do của Phạm Tuyên sáng tác ngày 18/2/1979

[iii] “Hồn tử sĩ” là một bài hát của Lưu Hữu Phước,  được dùng trong nghi thức lễ tang chính thức của nhà nước Việt Nam hiện nay. Trước 1975, bài hát này đã được cả hai miền sử dụng, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong lễ tang cấp nhà nước và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong nghi thức lễ tang quân đội.