Thanh niên xung phong Long An góp phần xây dựng đất nước  

Đăng lúc: 17-09-2020 1:18 Chiều - Đã xem: 257 lượt xem In bài viết

TNXP được thành lập với mục đích được Bác Hồ chỉ rõ: “Để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến, cứu nước đến toàn thắng và làm trường học lớn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng CNXH tương lai”.

Thật vậy, qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thanh niên xung phong giải phóng miền Nam ở Long An phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang, theo tinh thần  “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc[i] góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam.

Lễ đón Thanh niên xung phong TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam trở về. Ảnh: TƯ LIỆU (minh họa), 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thấy được tầm quan trọng của lực lượng TNXP, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An quyết định thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong Long An với 3 đại đội, 430 cán bộ đội viên là đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng, khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, phục vụ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam (chống Pôn pốt).

Đến tháng 11 năm 1978, Lực lượng TNXP Long An phát triển thành 3 Liên đội với quân số 1.700 đội viên phục vụ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Lực lượng TNXP ngày đêm sát cánh cùng bộ đội phục vụ chiến đấu, có mặt ở các trọng điểm trên tuyến biên giới rực lửa như Tà Nu, Sông Trăng, Bến Phố, Long Khốt, Ô Mê, Tho Mo (của Long An) và Gò Dầu, Mộc Bài (của Tây Ninh). Lực lượng TNXP Long An đã tham gia vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí ra mặt trận, chuyển thương binh, liệt sĩ về tuyến sau.

Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, lực lượng TNXP bắt tay tiếp tục xây dựng quê hương, tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, xây dựng những tuyến đường huyết mạch, các công trình thủy lợi, làm đê bao ngăn lũ, khai hoang hàng trăm ha để sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt TNXP còn tham gia đào đắp tuyến đường 49, nay là Quốc lộ 62 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế vùng phía Bắc của tỉnh, là vùng giàu tiềm năng nhưng rất khắc nghiệt này; khai hoang vùng Bo Bo, Thủ Thừa, đắp tuyến đê Phước Xuyên dài hàng chục km, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Tây Nam, đắp đê chống lũ ở Tân An, Thủ Thừa, Châu Thành, Bến Lức.

Bên cạnh đó, lực lượng TNXP còn là nguồn bổ sung cán bộ vào các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện, trong đó có một số cán bộ trở thành cán bộ quản lý giỏi, phấn đấu học tập nâng cao trình độ trở thành bác sĩ, kỹ sư phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Ở Trung ương, sau khi Hội Cựu TNXP Việt nam chính thức được thành lập ngày 19/12/2004, ngày 15/10/2005 Hội Cựu TNXP Long An cũng được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tỉnh nhà. Cho đến tháng 8/2011, toàn tỉnh đã thành lập tổ chức hội ở 14 huyện thị, 170 xã phường thị trấn, với gần 5.000 hội viên.

Hiện nay, phát huy truyền thống TNXP Việt Nam anh hùng, lực lượng cựu TNXP luôn là niềm tự hào của nhân dân, đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An, giữ vững ngọn lửa cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập noi theo

Lê Bá Phước

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Long An


[i] Ngày 17-9-1967, tại Ðại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền nam lần thứ hai, Ủy ban T.Ư Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam quyết định phong tặng Ðảng bộ, dân, quân Long An danh hiệu và lá cờ ghi tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ðây là một trong những điểm son lịch sử tô thắm cho truyền thống cách mạng vẻ vang của dân và quân Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc