Thanh niên xung phong Long An xây dựng kinh tế

Đăng lúc: 03-11-2020 10:23 Sáng - Đã xem: 36 lượt xem In bài viết

          Hòa bình lập lại, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Đầu năm 1979, tỉnh Long An thành lập Tổng đội TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang Đồng Tháp Mười. Theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn hàng ngàn đoàn viên và thanh niên hăng hái tình nguyện vào lực lượng TNXP tỉnh nhà.

          Phát huy truyền thống cách mạng lớp người đi trước, tuổi trẻ Long An với bầu nhiệt huyết, mang balô lên đường tiến quân vào Đồng Tháp Mười, tham gia xây dựng kinh tế, khai phá vùng đất hoang hóa hàng ngàn năm, chịu cảnh chua phèn, mùa mưa thì ngập lụt, không lối thoát; mùa khô cỏ cháy khô cằn bao phủ mặt ruộng; giao thông đi lại khó khăn, vùng đất nổi tiếng: “muỗi kêu như sao thổi, đĩa lội như bánh canh”

          Với 1.700 đội viên TNXP, những năm đầu với sức người, lực lượng đã đào đắp hàng chục triệu mét khối đất, đào đắp hàng trăm kênh mương, đê bao ngăn lũ, đưa nước ngọt về cải tạo đồng ruộng; các kênh Bo Bo, 7 Thước , đào đắp tuyến đê bao Phước Xuyên dài hàng chục km; đào đắp tuyến đường biên giới: Bắc Đông, Ấp Bắc nay là Quốc lộ 62 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười; đắp tuyến đường biên giới dài 142 km; xây dựng nhiều tuyến đê bao chống lũ ở Bến Lức, Tân Hương, Tân An, Châu Thành phục vụ cho khai hoang trên 5 vạn hécta; tham gia xây dựng tuyến đường phòng thủ biên giới Tây Nam, các nông trường, lâm trường, công trình thủy lợi, giao thông sản xuất lúa với quy mô lớn cho tỉnh.

          Sau 10 năm vùng đất hoang vu đã trở thành những vùng lúa 2 vụ năng suất cao và cây công nghiệp như mía, khoai mở, khóm… những rừng tràm bạt ngàn phục vụ cho xây dựng và làm giấy. Giao thông thủy bộ vùng này đổi mới, thuận lợi cho việc đi lại; góp phần xây dựng vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, từ chưa đến 400.000 tấn lượng thực năm 1978 đã tăng lên 1 triệu tấn năm 1988, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, lương thực cho nhân dân cả nước.

Nhiều TNXP phấn đấu học tập, nâng cao trình độ trở thành kỹ sư, bác sỹ, cán bộ quản lý, tham gia công tác Đảng, chính quyền,  hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Sau này, nối tiếp tinh thần sáng tạo xung phong trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình TNXP vươn lên thoát nghèo vì nghĩa tình đồng đội. Điển hình như cựu TNXP Trương Công Cán. Với vai trò Chủ nhiệm Câu Lạc bộ SXKD giỏi của Huyện hội Đức Hòa, anh phát động phong trào vận động hội viên khá chung tay đóng góp từ 100 ngàn đến 200 ngàn/người thành lập quỹ nghĩa tình đồng đội có số dư dến 142 triệu đồng. Trong đó có 16 doanh nghiệp không phải là cựu TNXP cũng tình nguyện ủng hộ. Với số tiền trên, anh mua bò giống trao cho hội viên nghèo có nhu cầu chăn nuôi, nuôi sinh sản xoay vòng, khi bò đẻ ra bê con, thì để lại hộ chăn nuôi tiếp tục làm bò giống, còn bê con xét cho hộ khác. Từ đó, phong trào phát triển rộng mạnh, giúp cho nhiều hội viên cựu TNXP xóa đói giảm nghèo, nâng mức sống hội viên từng bước phát triển.

Bên cạnh một số làm kinh tế giỏi, vẫn còn không ít cựu TNXP có nhiều khó khăn về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình. Trước thực tế đó, tỉnh Long An đã có những chính sách ưu đãi kịp thời, giúp cho cựu TNXP vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên đạt mức sống trung bình của xã hội. Các cấp hội là chỗ dựa vững chắc cho hội viên, được chính quyền tin cậy.       

Một số hình ảnh cựu TNXP Long An làm kinh tế

Làm than 

 

Đào kênh

 

Nuôi trăn

Lê Bá Phước
(Chủ tịch Tỉnh hội Long An)