Thanh niên xung phong, những chặng đường lịch sử

Đăng lúc: 16-12-2017 8:53 Sáng - Đã xem: 169 lượt xem In bài viết

1. Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương

Năm 1950, cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương có những thay đổi cơ bản. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ đầu năm 1950, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Liên khu ủy Việt – Bắc “chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4, đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc”.

Tháng 5-1950, Trung ương lại chỉ thị cho Liên khu ủy Việt Bắc “về việc sửa đường và vận tải” và nhắc “các cấp Đảng bộ phải cử một số cán bộ có năng lực phụ trách các công trường, chọn những đoàn viên hăng hái, khỏe mạnh, tổ chức thành “những đội xung phong công tác làm động cơ thúc đẩy nhân dân”.

Ngày 15-7-1950, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng Đoàn thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên để phục vụ Chiến dịch Biên Giới. Ban Chỉ huy lâm thời của Đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm Đội trưởng và Bí thư chi bộ.

Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên gồm 225 đội viên, được tổ chức thành ba liên phân đội, dưới liên phân đội có các phân đội. Toàn đội có 73 đảng viên trẻ và hầu hết là đoàn viên thanh niên Cứu quốc, tuổi từ 18 đến 25. Thời gian phục vụ của đội viên là 6 tháng và được hưởng chế độ cung cấp như bộ đội địa phương.

Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên hoạt động cho tới tháng 01/1952 thì giải thể sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hết thời gian phục vụ. Phần lớn đội viên trở về địa phương công tác và sản xuất. Một số cán bộ, đội viên tình nguyện về nhận nhiệm vụ ở Đội TN XP công tác thứ hai.

Đội TNXP công tác thứ hai được thành lập tháng 10/1950 để đáp ứng yêu cầu mở các chiến dịch. Đội gồm 1.737 đội viên, tổ chức thành 8 liên phân đội. Ngày 22-12-1950 Đội được lệnh đi phục vụ chiến dịch Trung du. Các liên phân đội đã bám sát từng bước tiến của bộ đội để tiếp tế đạn dược, kịp thời phục vụ chiến đấu và đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Trên các mặt trận Vĩnh Yên, Núi Danh, Tam Nông (Vĩnh Phú), Bình Liêu, Bến Tam (Quảng Ninh), các đội viên TN XP đã nêu những tấm gương dũng cảm và tận tụy chăm sóc thương binh. Với những thành tích phục vụ chiến dịch, Liên phân đội I được tặng Huân chương Chiến sỹ hạng Ba.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Đội TNXP công tác phát triển lên 3.000 đội viên và bắt đầu nhận nữ thanh niên.

Tháng 3-1951, Đội TNXP công tác Trung ương được bổ sung thêm 9 liên phân đội mới. Đó là các liên phân đội: Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Tô Hiệu, Hà Huy Tập, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong…

2. Đội Thanh niên xung phong

Đầu năm 1953, sau khi nhận xét về một số nhược điểm của các Đội TNXP công tác Trung ương, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Vũ Kỳ tổ chức thí nghiệm một Đội TNXP khác để làm kiểu mẫu. Phương châm tổ chức Đội TNXP mới này là:

  • Tổ chức 1 đội 1.000 thanh niên chỉ có 5% là cán bộ để gọn, nhẹ, ít người chỉ huy.
  • Điều kiện gia nhập: Lấy tự nguyện, đi đến kháng chiến thành công, xung phong bất cứ công tác gì… Thành phần là bần, cố nông, không có phụ nữ.
  • Phải học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn và luyện tập quân sự.
  • Sinh hoạt: Ưu đãi như bộ đội chủ lực, do Tổng cục cung cấp cấp phát và trang bị dụng cụ, vũ khí.

Ngày 26-3-1953, Đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội thanh niên xung phong được thành lập. Đến tháng 7-1953, Đội có 850 đội viên do đồng chí Vũ Kỳ làm Đội trưởng. Đội chia làm 4 trung đội, mỗi trung đội có 5 tiểu đội. Đội làm công tác phục vụ giao thông và xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và một trung đội phục vụ an toàn khu (ATK).

3. Đoàn TNXP Trung ương

Ngày 19 và 20-9-1953 đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Bác về việc mở rộng đội ngũ TNXP, Bác chỉ thị phải tuyển thêm 9.000 đội viên để phát triển Đoàn TNXP lên đủ 1 vạn người.

Theo Bác, cần xuống thẳng xã để tuyển. Tổ chức cho thanh niên học tập điều kiện đi TN XP. Xã bình nghị những người được đi làm nhằm cho thanh niên thấy vinh dự khi được đi TNXP. Mặt khác thông qua đoàn ủy, phái đoàn phát động quần chúng báo cáo rõ mục đích, xin chỉ thị, để được sự giúp đỡ.

Đoàn TNXP Trung ương cần có cán bộ, thầy thuốc, quân sự, chính trị, văn hóa, cung cấp, kỹ thuật (chưa cần kỹ sư, nhưng cần có những người am hiểu công việc), đảm bảo đủ cho 1 vạn TNXP hoạt động có hiệu quả.

  • Về nội quy, không cần nêu rõ làm công việc gì. Hướng là làm bất kỳ mọi việc khó dễ.

Đ/c Vũ Kỳ báo cáo với Bác về công tác của đoàn TNXP (1953) Ảnh: T.L

  • Nghiên cứu việc cho chi bộ Đảng ra công khai.
  • Về công việc chuyên môn, kê khai số dụng cụ cần thiết, Bác sẽ chỉ thị cung cấp.
  • Cho một số đi học y tá.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn TNXP là: Xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó việc dễ, phục vụ kháng chiến cho đến ngày kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên chúng ta.

Điều lệ của Đoàn TNXP có 6 phần. Điều lệ quy định rõ tên gọi và nhiệm vụ của Đoàn, nhiệm vụ của mỗi đội viên, quy định về công tác tổ chức, công tác lãnh đạo và giáo dục của Đoàn.

4. Đội TNXP xây dựng CNXH

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Nhưng hậu quả hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và 9 năm kháng chiến trường kỳ thật nặng nề.

Trước tình hình đó Đoàn TNXP được giao làm các nhiệm vụ:

  • Tham gia tiếp quản các thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
  • Thu dọn chiến trường ở Điện Biên Phủ.
  • Tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

Đoàn TNXP tiếp tục chuyển một số cán bộ, đội viên sang làm nhiệm vụ trong ngành giao thông công chính, bưu điện, công an, thương nghiệp… đồng thời Đoàn TNXP được bổ sung:

  • Một số đội TNXP ở Liên khu V tập kết ra Bắc và những thanh niên ở Nam Bộ vượt tuyến ra tham gia xây dựng đất nước.
  • 1.000 sinh viên đại học ở các thành phố tình nguyện gia nhập TNXP.
  • Các tỉnh tiến hành tuyển bổ sung, chủ yếu để tham gia xây dựng đường sắt theo chủ trương của Trung ương Đoàn.

Đến tháng 1-1954 quân số Đoàn TNXP lên tới 10.970 người. Bước sang năm 1958, miền Bắc nước ta đi vào thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư lớn, tăng gấp 2,2 lần so với thời kỳ 1955-1957.

Nhiều công trình trọng điểm được khởi công xây dựng. Đất nước cần nhiều lực lượng lao động trẻ, khỏe, có tinh thần năng động, sáng tạo, dám đương đầu với mọi gian khổ, thử thách.

Tháng 2-1959, Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức Đội TNXP xây dựng XHCN. “Đội có nhiệm vụ động viên, tổ chức, giáo dục đoàn viên và thanh niên trong đội phát huy truyền thống của Đoàn TNXP trong kháng chiến, khắc phục vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Trung ương giao cho về số lượng, chất lượng và thời gian. Qua thực tế đấu tranh và tôi luyện trong lao động, đội có nhiệm vụ tổ chức giáo dục, nâng cao trình độ tư tưởng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho mỗi đoàn viên, thanh niên, chuẩn bị cho những nhiệm vụ về sau.

Đội lại có nhiệm vụ tổ chức, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh chị em”.

5. Đội TNXP chống Mỹ cứu nước

Ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ đưa không quân ra đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc XHCN với qui mô ngày càng lớn.

Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trong hội nghị lần thứ 11 (họp tháng 3- 1965) và lần thứ 12 (họp tháng 12-1965) thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đã nêu cao quyết tâm động viên mọi lực lượng kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

TNXP hành quân vào Trường Sơn Ảnh: T.L

Đ/c Tố Hữu – Bí thư Trung ương Đảng (người thứ nhất, bên phải)
và đ/c Nguyễn Văn Đệ – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên (người thứ hai, từ trái sang)
đến thăm một đơn vị TNXP chống Mỹ cứu nước ở Hà Tĩnh (1968) Ảnh: T.L

Để đáp ứng kịp thời những yêu cầu lớn phục vụ tiền tuyến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 21-6-1965 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung).

Theo đó, “Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước là một lực lượng lao động đặc biệt quân sự hóa của thanh niên, có vũ trang, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt: Sản xuất, chiến đấu, học tập”.

Đối tượng tuyển TNXP chống Mỹ, cứu nước là các nam, nữ thanh niên thành thị và nông thôn tuổi từ 17 đến 30 có tinh thần yêu nước, có sức khỏe và tự nguyện gia nhập Đội.

Thành phần của Đội phải có từ 5-10 người là đảng viên, từ 30%-35% là đoàn viên thanh niên lao động, từ 30%-40% là nữ.

Đội có huy hiệu và phù hiệu riêng.

Thời gian phục vụ của đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước là ba năm.

Đội TN XP chống Mỹ, cứu nước đầu tiên được thành lập ngày 25-5-1965 gồm l.200 đội viên của tỉnh Thanh Hóa, về sau được mang phiên hiệu Đội 21.

Trong 3 nhiệm kỳ từ 1965-1975 đã có 133.157 đoàn viên thanh niên gia nhập lực lượng TN XP chống Mỹ, cứu nước, trong đó 51,8% là nữ.

TN XP đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau, nhưng chủ yếu ở 3 ngành: Giao thông vận tải, Lâm nghiệp và Quốc phòng.

Cũng trong 3 nhiệm kỳ, TN XP đã làm 2.195 km đường mới trên 53 tuyến đường.

Đảm bảo giao thông ngày đêm trên 3.000 km đường, trong đó có 2.526 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. TN XP cùng quân đội tham gia xây dựng 6 sân bay quân sự dã chiến; Rà phá trên một vạn quả bom, mìn; Bắn rơi 15 máy bay, bắt sống 13 giặc lái, 6 biệt kích, thám báo.

Đã có 1710 đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ 3 năm được vào học các trường đại học; 833 người được đi học ở nước ngoài; 12.345 người được vào học các trường trung học chuyên nghiệp; 8.042 người đi học ở các trường đào tạo công nhân kỹ thuật; 15.072 người chuyển sang công tác ở các cơ quan, xí nghiệp…; 15.722 người chuyển vào quân đội.

* Các nhiệm kỳ TN XP chống Mỹ, cứu nước:

  • – Nhiệm kỳ I: 5/1965 – giữa năm 1968: Đã huy động 54.122 người (nữ chiếm tỷ lệ 44%) ở 18 tỉnh, thành phố miền Bắc. Lúc cao điểm lên tới 7 vạn người.
  • – Nhiệm kỳ II: Từ giữa 1968 đến đầu năm 1972: Huy động 17.377 người (nữ chiếm 64%) ở 15 tỉnh, thành miền Bắc.
  • – Nhiệm kỳ III: Từ 1972 – 1975: Huy động 34.058 người (nữ chiếm tỷ lệ 52,9%) ở 18 tỉnh, thành miền Bắc.

6. Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam

Năm 1965, sau khi bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, chính quyền Mỹ liều lĩnh tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam. Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (khóa III ) tháng 3-1965 đã quyết định chuẩn bị mọi mặt để đối phó với tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức mới và mức độ cao hơn.

Hội nghị lần thứ ba của TƯ cục miền Nam đề ra nhiệm vụ lợi dụng tình thế thất bại, lúng túng và suy yếu nhanh chóng của địch để tập trung lực lượng, tranh thủ thời gian, kiên quyết đánh địch, gấp rút xây dựng lực lượng cách mạng để nhanh chóng thay đổi tương quan lực lượng có lợi hẳn cho ta, làm cơ sở để xốc tới giành thắng lợi to lớn hơn. Tháng ba năm 1965, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, đội tiên phong chiến đấu của tuổi trẻ miền Nam trong những năm đánh Mỹ họp Đại hội lần thứ nhất nêu quyết tâm động viên rộng rãi tuổi trẻ miền Nam đoàn kết một lòng “đánh giặc, sản xuất, xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng. Đoàn kết và tổ chức lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng”. Để đẩy tới cao trào hành động cách mạng rộng khắp, Đại hội quyết định phát động phong trào “Năm xung phong” trong toàn thể đoàn viên, thanh niên miền Nam.

  1. Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
  2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
  3. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
  4. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong, phục vụ tiền tuyến.
  5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông thôn.

Và Đại hội quyết định thành lập lực lượng TNXP ở miền Nam. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “… để đảm bảo phục vụ đắc lực các đợt hoạt động quân sự, các trận đánh lớn: Để giáo dục đoàn viên và thanh niên trong thực tế chiến đấu với giặc, Đoàn trực tiếp tổ chức các đội TNXP công tác phục vụ chiến trường trước hết là ở xã và tổ chức các Đội TNXP thoát ly có thời hạn và không có thời hạn từ quận trở lên khi có yêu cầu của Hội đồng cung cấp tiền tuyến cấp đó…”.

Giặc phá ta lại sửa ta đi” – TNXP chống Mỹ cứu nước đang làm nhiệm vụ thông đường Ảnh: T.L

– Các hình thức tổ chức

Lực lượng TN XP giải phóng có 3 hình thức tổ chức:

  • Lực lượng TN XP giải phóng tập trung của miền không qui định thời gian nghĩa vụ.
  • Lực lượng TN XP giải phóng của địa phương chỉ tập trung theo thời hạn 3 tháng, 6 tháng… khi cần thiết.
  • Lực lượng TN XP ở cơ sở.

Đối với lực lượng TNXP giải phóng của miền, đơn vị bộ đội nào sử dụng, đơn vị đó trang cấp và lo hậu cần cho TNXP như quân giải phóng.

Đoàn TNNDCM thành lập một cơ quan Tổng đội, để lo chung công tác tuyển chọn cán bộ, đội viên, kiểm tra, theo dõi, tổng kết đánh giá.

– Nhiệm vụ của TN XP giải phóng miền Nam:

  • Vận chuyển vũ khí lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu
  • Cáng tải và chăm sóc thương binh.
  • Đào hầm, làm nhà, làm kho, làm đường sá.
  • Trực tiếp tham gia chiến đấu.

Theo Huyền thoại Thanh niên xung phong Việt Nam,
Nhà Xuất bản Thông tấn xã Việt Nam, 2009