Thanh niên xung phong Quảng Nam xung kích phục vụ chiến trường

Đăng lúc: 16-06-2020 9:48 Sáng - Đã xem: 180 lượt xem In bài viết

1.TNXP Quảng Nam tham gia chống Pháp

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quan tâm chăm sóc giáo dục của Bác Hồ kính yêu, sau khi thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên năm 1950, thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên Quảng Nam đã giáo dục, tuyên truyền vận động hàng nghìn thanh niên sôi nổi lên đường gia nhập các đợn vị TNXP. Từ cái nôi trường học lớn, TNXP Quảng Nam đã cống hiến cả tuổi xuân cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nhiều thanh niên đã tiến bộ và trưởng thành trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, quân đội, công an … và đã có mặt phục vụ trên mọi miền Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng nghìn TNXP Quảng Nam thực sự trở thành lực lượng xung kích, hậu cần luôn sát cánh cùng quân đội để cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm, chuyển thương mở đường trên khắp các chiến trường và cho nước bạn Lào.

Đầu năm 1952 Tổng đội TNXP 204 được thành lập để phục vụ bộ đội chiến đấu, cùng nhân dân đẩy mạnh công tác bố phòng, hầm chông, thò, mìn chặn đánh địch càng quét lấn chiếm bảo vệ hành lang vận chuyển của ta.

 Cuối năm 1952, thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ III, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông qua phương hướng hoạt động quân sự, mở các đợt tiến công địch trong đông xuân 1952-1953 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng, bổ sung lực lượng ta, đẩy mạnh cuộc vận động thanh niên lên đường gia nhập TNXP phục vụ quân đội đánh địch ở khắp các chiến trường…

Lực lượng TNXP Quảng Nam ra quân rầm rộ, tới tấp mở đường, nườm nượp gồng gánh lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận để quân đội đồng loạt tấn công địch. Quân và dân Quảng Nam giành thắng lợi lớn, có ý nghĩa quyết định, là cơ sở để đưa cuộc kháng chiến lên một bước mới, chuẩn bị cho thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Ngày 26/1/1954 Trung ương chủ trương phải “Kiên quyết tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch đánh bại cuộc hành quân Át- lăng[i] của địch”. Thực hiện mệnh lệnh đó, Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo các huyện huy động hành ngàn TNXP để vận chuyển hàng nghìn tấn lượng thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, vũ khí phục vụ quân đội đánh bại cuộc hành quân của địch, một bộ phận quan trọng của kế hoạch Na-Va. Và sự phối hợp đánh địch nhịp nhàng trên các chiến trường đã góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi quyết định bằng trận Điện Biên Phủ oai hùng kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.

Trong phục vụ chiến đấu, đối mặt với một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt, TNXP Quảng Nam trải qua một chặng đường vô cùng khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh… nhưng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” cán bộ, đội viên luôn vững vàng trong lúc ốm đau cũng như lúc khó khăn thiếu thốn vẫn không nản chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ.

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt lằm nên”

Đó là sự chỉ đạo giáo dục tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đó là vì trong những năm dài phục vụ chiến đấu lực lượng TNXP Quảng Nam luôn ở trong dân, gắn bó với dân, được dân yêu thương giúp đỡ và đùm bọc che chở, hiểu rõ mọi tâm tư nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân, vận động nhân dân cùng phục vụ quân đội chiến đấu và chiến thắng. Đó là, TNXP Quảng Nam luôn kiên định lập trường, quyết thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng và Bác Hồ vạch ra, nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu để nhận những nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm nhất.

Lực lượng TNXP Quảng Nam luôn phối hợp chặt chẽ với quân đội, gắn bó mật thiết với nhân dân, đoàn kết xung quanh sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sức mạnh vô địch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của chiến tranh nhân dân. Cán bộ, đội viên TNXP luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản giúp nước bạn Lào và tinh thần tự lực tự cường là phẩm chất tốt đẹp được Bác Hồ dày công giáo dục rèn luyện.

Kháng chiến thắng lợi, nhưng chưa được trọn vẹn, một nữa đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, một nữa đất nước thân yêu chưa được giải phóng, dãi đất thân thương Quảng Nam còn phải sống dưới nanh vuốt quân thù mà ngày đêm Bác Hồ luôn trăn trở nghỉ về đồng bào miền Nam ruột thịt.

Giương cao ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Đảng và Bác Hồ kính yêu. TNXP Quảng Nam còn phải có trách nhiệm cùng quân và dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi “Giải phóng miền Nam – Thống nhất Tổ quốc, tiến lên Chủ nghĩa xã hội” mà Bác Hồ mong ước.

Sau khi hòa bình lặp lại năm 1954, theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, TNXP Quảng Nam lại tiếp tục lên đường đi tập kết ra miền Bắc, lúc đó có anh chị được cử đi học tập đào tạo, có anh chị xung phong đi xây dựng các tuyết đường sắt, các nông lâm trường, các nhà máy, xí nghiệp …Khi đế quốc Mỹ lộ rõ bộ mặt dã tâm xâm lược. Đảng và Bác Hồ kêu gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập và thống nhất Tổ quốc…” hàng trăm TNXP Quảng Nam lại lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” vượt núi băng rừng về lại quê hương cùng quân và dân miền Nam đánh Mỹ cứu nước.

2.TNXP Quảng Nam tham gia chống Mỹ

Trên chiến trường Quảng Nam đế quốc Mỹ đưa nhiều đơn vị: Lính thủy đánh bộ, kỵ binh bay, quân chư hầu Nam Triều Tiên, Niu Di-lân, Úc, Thái Lan, Philiphin … với nhiều loại vũ khí tối tân hiện đại: Máy bay phản lực thần sấm (F105), con ma (F-4 Phantom), B52, B57, F111; trực thăng các loại;xe tăng, thiết giáp, pháo vua chiến trường[ii]… để tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, uy hiếp đàn áp nhân dân hòng dập tắt phong trào cách mạng. Chúng ra sức ngăn chặn biên giới, kiểm soát đường biển, tìm cách cắt đứt mọi chi viện cho chiến trường Quảng Nam.

Trong thời điểm cuộc kháng chiến ngày càng khó khăn, gian khổ, ác liệt, quân và dân Quảng Nam vẫn giữ thế chủ động liên tục tấn công tiêu diệt sinh lực địch. Chúng ta không thể nào quên trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành lịch sử, tiêu diệt một Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ gồm 139 tên, tưng bừng khí thế chiến thắng “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà duyệt

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đề ra nhiệm vụ cho cả nước và riêng cho từng miền nhằm giữ thế chủ động của ta, sẵn sàng đánh và thắng địch khi chúng chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 17/7/1966, Bác Hồ ra lời kêu gọi: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng cương quyết chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn[iii]”. Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị bàn kế hoạch vận động thanh niên lên đường gia nhập TNXP, đi bộ đội, xây dựng lực lượng dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu, xây dựng “vành đai diệt Mỹ”. Thực hiện Nghị quyết hội nghị, các huyện phát động phong trào vận động thanh niên lên đường tòng quân giết giặc.

Nữ thanh niên xung phong Quảng Nam gùi cõng trên đường Trường Sơn. Nguồn ảnh: “Quảng Nam – 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc 1930 – 1975”.

Hưởng ứng phong trào, khắp các địa phương vang lên một lời thề:

“Chúng tao chỉ có lời này

Thề cùng giặc Mỹ có mày không tao

Lời thề sắc tựa như dao

Thề cùng giặc Mỹ có tao không mày”

Hàng ngàn nam, nữ thanh niên ở vùng giải phóng và vùng bị địch tạm chiếm hăng hái lên đường gia nhập TNXP với khẩu hiệu “Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần thanh niên có mặt, đâu có giặc thanh niên xuất quân” Các đơn vị TNXP được thành lập đi vào hoạt động. Được một thời gian do yêu cầu chiến trường, khu ủy quyết định chuyển nam TNXP bổ sung cho lực lượng vũ trang. Các đơn vị TNXP phải tăng cường lực lượng để tiếp tục nhiệm vụ lặn lội dưới mưa bom bão đạn trước sức tấn công ngăn chặn ác liệt của quân thù, không ngại gian khổ hy sinh, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm mở đường, bảo vệ cầu phà, bám sát các trọng điểm, vừa vận chuyển vũ khí, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tải thương, đảm bảo mạch máu giao thông từ hậu phương ra tiền tuyến, tổ chức hành lang đường bộ, đường thủy ngược xuôi từ Trường Sơn xuống mặt trận … nối liền đồng bằng, ven biển với miền núi xa xôi, lực lượng TNXP khu V đã khôn khéo tổ chức dưới nhiều hình thức: hợp pháp, bất hợp pháp, công khai, bí mật bằng cả trí tuệ, mồ hôi, công sức, xương máu và bằng cả tâm huyết, nghị lực đạp lên muôn vàn gian khổ, ác liệt, hy sinh.

Thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo tỉnh, TNXP Quảng Nam đã vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng phục vụ cho chiến trường và tiếp tế cho các cơ quan lãnh đạo Khu Ủy và Quân khu V.

Chiến dịch “Mậu Thân năm 1968” như thường lệ, nhân dân cả nước chờ đón thơ chúc tết của Bác Hồ, tết này Bác viết:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” chưa có lần nào lòng cán bộ, đội viên TNXP lại giục giã thôi thúc như lần này, các đơn vị TNXP náo nức mở đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để kịp phục vụ cho các đơn vị quân đội xuất kích tiến công tiêu diệt quân thù. Hòa nhịp trong cuộc tiến công và nổi dậy, điểm son chói lọi của dân tộc, quân và dân Quảng Nam đã thực hiện được kế hoạch tiến công đồng loạt và nổi dậy đều khắp ở cả đô thị đồng bằng, miền núi.

Sau đợt tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt tết Mậu Thân (1968) Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi điện khen “Quân và dân ta ở miền Nam đánh rất giỏi, rất đều, phối hợp rất nhịp nhàng, đánh khắp nơi và nơi nào cũng thắng to”. Đồng thời Bác căn dặn “càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan, quân địch như con thú dữ đã đến đường cùng, càng dẫy dụa điên cuồng, quân và dân ta phải tăng cường đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, phục vụ chiến đấu và kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục để giành những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Chấp hành nghiêm chỉnh lời dạy của Bác, chỉ thị mệnh lệnh của Trung ương Đảng. Lực lượng TNXP Quảng Nam thần tốc mở những con đường ngang dọc từ Trường Sơn xuống đồng bằng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ cho các trận đánh lớn ở các chiến trường để cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ”.

Chấp hành Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương cục Miền Nam: “Tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa …” chỉ trong một thời gian ngắn lực lượng TNXP Quảng Nam đã vận chuyển khối lượng lớn vũ khí, đạn dược phục vụ cho lực lượng vũ trang đánh địch ở khắp các địa phương. Chiến trường ngày một ác liệt, lực lượng vũ trang có nhu cầu lớn về trang thiết bị phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP thì có hạn. Lãnh đạo các đơn vị TNXP kịp thời phát động phong trào thi đua “Vai tăng cân, chân tăng bước, người đi trước rước người đi sau” và đã đáp ứng kịp thời phục vụ cho các chiến dịch đánh thắng Mỹ, VNCH.

Lực lượng TNXP Quảng Nam đã góp phần to lớn sát cánh cùng lực lượng vũ trang như anh em ruột thịt cùng chiến đấu và chiến thắng. Đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ”.

Làm ngầm cho xe cơ giới vượt Trường Sơn. Nguồn ảnh: “Quảng Nam – 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc 1930 – 1975”.

II. HÀNH TRANG TINH THẦN CỦA TUỔI TRẺ QUẢNG NAM

Những năm tháng ở núi rừng Trường Sơn Lực lượng TNXP Quảng Nam lội suối băng rừng dưới mưa bom bão đạn, gánh chịu chất độc da cam/dioxin của địch, ngày ngày cơm vắt rau rừng, có lúc chiến trường ác liệt rau không đủ bữa, muối không còn một hạt, phải dùng rau rừng như dương xỉ, móng ngựa, củ mài, môn dóc, môn thục thay cơm, lấy tro cỏ tranh thay muối để sống qua ngày. Lực lượng TNXP Quảng Nam năm này sang năm khác vẫn “vai trăm cân, chân ngàn dặm” đi khắp các chiến trường đồng bằng, rừng núi, sang nước bạn Lào, để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu và trực tiếp chiến đấu bảo vệ đường dây huyết mạch từ Bắc và Nam, từ Trường Sơn xuống mặt trận và có biết bao người đã ngã xuống, có người ngã xuống trên đường vận chuyển vì biệt kích Mỹ, có người chết đi vì bị sốt rét rừng, có người bị nước lũ cuốn trôi… Trong các trận bị địch tập kích bất ngờ, chống càng anh chị em đã kiên cường chiến đấu như Đại đội Trưởng Hồ Bốn, khi nhận nhiệm vụ anh hứa “chúng tôi còn thì cao điểm còn, chúng tôi hy sinh cao điểm mới rơi vào tay giặc”. Anh Chính trước khi bị địch bắt đã bảo toàn tài liệu bí mật và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; chị Huệ một mình đánh trả với hai đại đội địch để đơn vị rút lui an toàn, chị Nguyễn Thị Bưởi phụ trách bến đò Sông Tranh, nước lũ xuống bất ngờ không thể dùng thuyền đi được, chị đã bơi qua lại 42 lần đưa được 21 bộ đội sang sông để kịp đi chiến đấu, đến lần thứ 43 do nước lũ chảy xiết, sức không còn nữa chị đã vĩnh viễn trôi theo dòng nước; chị Nguyễn Thị Hiệu trên đầu còn chít khăn tang cho cha và anh vừa mới hy sinh nhưng vẫn tình nguyện gùi hàng ra tiền tuyến, trên đường hành quân bị đứt dây gùi, chị lấy khăn tang làm dây gùi để mang tình hiếu thảo với cha, anh trên đường ra trận. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Lăng Bhuốc mù cả hai mắt nhưng ngày đêm vẫn chống gậy gùi hàng ra tiền tuyến. Và còn biết bao anh chị em TNXP Quảng Nam đã dũng cảm trong chống càn, luồn lách trong lòng địch đưa hàng ra tiền tuyến bị B52, B57, pháo cực nhanh, tàu gáo, tàu rọ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. TNXP Nguyễn Thị Huấn[iv] và nhiều anh chị em khác đã phấn đấu gùi từ 60-120kg, thật xứng đáng với danh hiệu “kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”. Làm sao kể hết chiến công mà TNXP Quảng Nam thời ấy lập nên những kỳ tích vẻ vang làm rạng rỡ tuổi trẻ Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh.

Với tấm lòng thương nhớ tri ân Bác Hồ kính yêu, TNXP Quảng Nam đã luồn sâu trong lòng địch gùi 79 phiến đá vân Non Nước, những thỏi vàng Bồng Miêu, khai thác hàng trăm khối gỗ quý từ Trường Sơn chuyển ra Hà Nội để góp phần xây lăng Bác.

Công lao của lực lượng TNXP Quảng Nam đã được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã góp phần cùng truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược viết nên trang sử hào hùng, đã, đang và mãi mãi là niềm tự hào và hành trang tinh thần của thế hệ trẻ trên con đường đi tới tương lai dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ kính yêu.

III. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG HỌC LỚN TNXP.

TNXP  có được thành quả là nhờ công lao to lớn của Bác Hồ Kính yêu, người sáng lập tổ chức lực lượng TNXP  Việt Nam. Sự có mặt của các đơn vị TNXP trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc là một sáng tạo độc đáo mà Bác Hồ đã đưa đường chỉ lối.

Nhiệm vụ của TNXP Bác chỉ rõ: “TNXP là trường học lớn và học tốt”. Bác giải thích: “Những trường học ấy có hàng triệu quần chúng làm giáo viên, cán bộ, đội viên TNXP phải rèn luyện những đức tính tốt như: Quyết tâm, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, được bồi dưỡng tính tự giác trong tổ chức kỷ luật, thẳng thắng trong đấu tranh phê bình để tẩy rửa những thói hư, tật xấu, bảo thủ, trì trệ, quan liêu, hách dịch, lãng phí, tham ô …Ở những trường học TNXP miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho tư tưởng TNXP thêm thông, lập trường thêm vững, làm việc trong không khí dân chủ. Trên dưới đoàn kết một lòng …”

Những lời dạy của Bác thật sâu sắc, chân tình, thẳng thắng và cụ thể giúp cho các thế hệ TNXP trưởng thành và hiện nay là tấm gương sáng để tuổi trẻ học tập.

Xuất phát từ tư tưởng nhân văn, Bác luôn tỏ rõ tình thương yêu con người và lòng tin sức mạnh của tuổi trẻ, tính chủ động sáng tạo của thanh niên. Khi thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước có trên 50% là nữ, Bác thường xuyên theo dõi, nghe phản ánh tình hình về tổ chức hoạt động, Bác đặc biệt quan tâm đến chế độ nữ TNXP. Bác chỉ đạo các đơn vị khi sử dụng nữ phải tránh công việc nặng nhọc như ngâm mình dưới nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm hại cho tương lai các cháu và cho cả dân tộc mai sau…Bài học sâu sát chăm lo đến con người của Bác đã làm cho mỗi cán bộ, đội viên TNXP xúc động và ghi nhớ suốt đời.

Trước lúc Bác đi xa, trong di chúc Bác căn dặn: “Đảng, nhà nước, phải có chủ trương, chính sách chăm lo đời sống cho những người đã dũng cảm, hy sinh một phần xương máu cho kháng chiến”. Bác nhấn mạnh: “Phải đào tạo TNXP thành cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi, có chí hướng tốt, lập trường cách mạng vững vàng, vừa hồng vừa chuyên. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Từ khi thành lập lực lượng TNXP đến ngày Bác đi xa, đã có 25 lần Bác viết thư, viết báo hoặc trực tiếp đến dự các Hội nghị của TNXP, thể hiện một cách đầy đủ toàn diện về tư tưởng, về chiến lược của Bác Hồ đối với TNXP. Dù bận trăm công nghìn việc của Đảng, của đất nước. Nhưng lúc nào Bác cũng dành thời gian quý báu của mình cho TNXP với cả tình yêu bao la, tình cảm thắm thiết, sâu nặng của Bác như người cha chăm con, người ông chăm sóc cháu.

Tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ kính yêu được Đảng ta phát động: Toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Vì vậy, trong mọi lĩnh vực công tác cần phải đánh giá đúng vai trò khả năng của thanh niên, đến việc tập hợp lực lượng, phương pháp giáo dục, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp việc làm cần phải được quan tâm đúng mức. Đối với lớp người có công với nước cần phải chăm lo chu đáo, thực hiện chính sách chế độ nghiêm minh. Tạo điều kiện để cựu TNXP thực hiện nghĩa tình đồng đội với phương thức “ốm thăm, khó giúp, thọ mừng, chết viếng”. Chúng ta phải có trách nhiệm để thanh niên có điều kiện học tập, có thời cơ cống hiến sức lao động, kiến thức, trí tuệ của mình góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước xứng đáng với lời Bác Hồ dạy trước lúc đi xa./.

   Hội Cựu TNXP Quảng Nam

 


[i] Chiến dịch được chia làm 3 bước: Bước 1: Có tên là “A-Rê-Tuy” tiến hành vào cuối tháng 1/1954, sử dụng 22 tiểu đoàn bộ binh từ Đắk Lắk đánh xuống, từ Khánh Hòa đánh ra và từ biển đổ bộ vào đánh chiếm TX Tuy Hòa, rồi tràn ra chiếm toàn tỉnh Phú Yên. Bước 2: Có tên “A-Xen” tiến hành vào đầu tháng 3/1954, sẽ tăng thêm lực lượng để phát triển đánh chiếm TX Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định bằng 3 cánh quân: từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê đánh xuống và từ biển đánh vào. Bước 3: Bước quyết định, có tên là “At-Ti-La” bắt đầu vào tháng 5/1954. Sử dụng 45 tiểu đoàn bộ binh, 8 đơn vị pháo binh, bao vây từ 4 phía để đánh chiếm TX Quảng Ngãi và toàn tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5.

[ii] Đại bác tự hành M107 (từng được Quân lực Việt Nam Cộng hòa mệnh danh là Vua chiến trường) là loại pháo tự hành nòng dài được trang bị cho lục quân Mỹ từ năm 1962. Cỡ nòng 175 mm. Khối lượng chiến đấu 28,2 tấn. Dài 11,3 m; rộng 3,14 m, cao 3,47 m. Nòng dài 9,15 m. Sơ tốc đạn 914 m/s, tầm bắn 32,7k m có máy nâng và nạp đạn bằng thiết bị thuỷ lực, có thể bắn đạn hạt nhân. Công suất động cơ 298 kw (405 cv). Tốc độ chạy lớn nhất 55 km/h. Hành trình dự trữ 730 km. Phần động cơ có thể tháo rời. Biên chế 13 người. Pháo tự hành M107 chỉ được sản xuất hai loại đạn: Đạn nổ mạnh M437 nặng 66,6 kg với bán kính sát thương hơn 50 mét và đạn hạt nhân 15 kiloton.

[iii] Ngày 17-7-1966, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên báo Nhân Dân số 4484 ngày 17-7-1966.

[iv] Nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn nữ Thanh niên xung phong 232, Cục Hậu cần, Quân khu V, (Quyết định số 738/QĐ-CTN ngày 28/5/2010