Trong một buổi sáng mùa xuân năm 1976, hàng vạn thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh trong màu áo xanh cỏ úa đã làm lễ ra quân tại sân vận động Thống Nhất, tiến ra ngoại thành và các vùng đất hoang hóa các tỉnh miền Đông Nam Bộ với quyết tâm xây dựng đất nước, xây dựng thành phố tươi đẹp hơn sau những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Anhr tư liệu
Chú Sáu Dân (tên gọi trìu mến của ngời dân Thành phố dành cho đồng chí Võ Văn Kiệt[i]) đã trao cho anh Phạm Chánh Trực (Bí thư Thành đoàn lúc đó) lá cờ Đoàn có dòng chữ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, lá cờ được phất lên như lời kêu gọi, thể hiện lòng quyết tâm của thanh niên Thành phố quyết xây dựng đất nước giàu đẹp hơn (ảnh trên)..
Ngày 28/03/1976 luôn ghi đậm trong trái tim của người dân và thanh niên Thành phố. Bốn mươi ba năm đã trôi qua, TNXP Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là lực lượng lao động tin yêu của Thành phố. Trong chuỗi dài thời gian gắn bó và chịu đựng với những gian khổ, thăng trầm của một thành phố năng động, quyết tâm không lùi bước trước những sự thiếu thốn, gian khổ, có lúc tưởng chừng như không thể trụ vững, TNXP Thành phố luôn được sự lãnh đạo và động viên của Đảng bộ Thành phố, được sự tin yêu và giúp đỡ của nhân dân Thành phố, những công việc mà TNXP thực hiện đã góp một phần nhỏ nhưng rất đáng kể trong quá trình vươn lên của Thành phố. Những công việc khó khăn như khai hoang, phục hóa những vùng đất khô cằn, hoang hóa ở ngoại thành. Đào kinh đưa nước về tưới cho những cánh đồng khô cằn ở Củ Chi, Hốc Môn. Khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới để tiếp nhận dân thành phố về lập nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên và miền Tây Nam bộ. Tham gia giúp đỡ các em thanh thiếu niên nghiện ma túy, dạy nghề, giúp các em tái hòa nhập cộng đồng. Tham gia phục vụ chiến đấu cùng quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ biên giới Tây nam của Tổ quốc. Tất cả những công việc khó khăn đó, TNXP đã đảm nhận với lòng quyết tâm, với ý chí kiên cường và sự tự hào nhiệt quyết của tuổi trẻ.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và lao động với TNXP tại Kiên Giang, năm 1977
Những nơi TNXP đến khai hoang phục hóa đều là những vùng đất phèn chua nước đọng, là những nơi bom cày đạn xới, không ít những chàng trai cô gái TNXP đã ngã xuống vì bom mìn còn sót lại và những cơn sốt rét ác tính không từ bỏ một ai khi đến với vùng núi rừng hoang dã. Nơi nào khó khăn nhất là có mặt TNXP. Những bữa cơm độn khoai mì ăn vội hay những chén bo bo thay cơm vẫn không làm nản lòng nhục chí lớp trẻ Thành phố quyết tâm cống hiến đời mình cho đất nước giàu đẹp hơn. Nơi nào có mặt TNXP đều rộn vang tiếng cười sau những giờ lao động, giá trị cái đẹp ẩn chứa trong những chiếc áo bạc trắng mồ hôi, dưới những làn da sạm nắng, với trình độ lao động phổ thông, trang thiết bị thô sơ, những công trình của TNXP trong giai đoạn đầu tuy giá trị kinh tế không lớn nhưng nó đã mở ra những tiền đề cho giai đoạn phát triển khoa học kỹ thuật về sau và cái được lớn nhất của phong trào TNXP là con người, một tập thể lớn, một ngôi trường lớn đã đào tạo một thế hệ thanh niên mới, những con người mới với tinh thần biết dấn thân, biết hy sinh vì đại cuộc.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (đứng giữa) đến thăm và làm việc với cán bộ, đội viên TNXP Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới
Từ những ngày đầu chập chững với tay len, tay cuốc. Những chàng trai cô gái thành phố lên rừng chưa phân biệt được cây lồ ồ và cây le. Từng bước, TNXP từ những đơn vị sự nghiệp, bao cấp đã chuyển dần qua các đơn vị hạch toán độc lập từ những năm 1989. Các công ty, xí nghiệp, nông trường tham gia vào hoạt động kinh tế của Thành phố. Từ năm 2001, TNXP tham gia phát triển kinh tế Thành phố, chỉnh trang đô thị, tham gia các dự án lớn của Thành phố. Các đơn vị công ích TNXP tham gia giữ gìn trật tự giao thông và các hoạt động phục vụ đời sống cho người dân Thành phố. Một trong những nhiệm vụ xã hội thường xuyên và quan trọng mà TNXP đảm nhiệm xuyên suốt từ ngày thành lập cho đến nay là giúp đỡ các em thanh thiếu niên cai nghiện, dạy nghề, tạo công ăn việc làm và định cư tại chổ cho các em. Từ các trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới, chuyển thành Trường giáo dục lao động Công nông nghiệp, Trường giáo dục đào tạo giải quyết việc làm đến Cơ sở bảo trợ xã hội, TNXP Thành phố đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ xã hội giúp các em cơ nhỡ hòa nhập cộng đồng.
Năm nay TNXP Thành phố tròn 43 tuổi, TNXP Việt Nam cũng tròn 69 tuổi, các thế hệ TNXP Việt Nam từ năm 1950 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến nay đã cống hiến đời mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ và giải phóng dân tộc, không thể nói hết những sự hy sinh, cống hiến của những thế hệ đi trước. Hôm nay, TNXP Thành phố vẫn tiếp tục con đường phục vụ cho đất nước, cho dân tộc, với năng lực của mình, dù khó khăn, dù thiếu thốn, những chàng trai cô gái của thành phố mang tên Bác Hồ luôn sẳn sàng khi tổ quốc gọi tên mình.
Tôi chợt nhớ bài thơ: “Đầu xuân ra sông giặt áo” của nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh được các anh chị TNXP yêu thích:
Đầu xuân ra sông giặt áo
Vai sờn đâu dám mạnh tay
Mùi gió mùi sương mùi nắng
Theo nhau xuống bến sông này
Mồ hôi cứ như muối trắng
Làm sao áo chẳng mặn nồng
Mùi đất mùi thơm hương lúa
Bốn mùa thấm cả vào trong
Ra sông giặt áo đầu xuân
Thấy lòng tự dưng xúc động
Nhìn sông thấy nước vẫn đầy
Ngó áo biết tình còn nặng
Suốt ngày ăn thua với đất
Cách chi áo chẳng bạc màu
Chiếc áo bữa nay đứt cúc
Ngày mai lại toạc trên lưng
Có điều thanh niên bất sá
Hào khí vốn ở trong lòng
Đất trời cũng còn chạy mặt
Kể gì miếng rách sau lưng
Kể gì mảnh vá sau lưng
Ra sông giặt áo đầu xuân
Hát thầm vài câu nho nhỏ
Đất nước còn nhiều gian khổ
Mai ta lại mặc áo này.
Dương Kim Kết
[i] Võ Văn Kiệt (23 tháng 11 năm 1922 – 11 tháng 6 năm 2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng; là một nhà chính trị Việt Nam. Khi đó ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Thủ tướng thứ tư của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 cho đến ngày 25 tháng 9 năm 1997 (có lúc gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Ông được nhiều báo chí đánh giá là người đã đẩy mạnh công cuộc Đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986[1][2], là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới