Thanh niên xung phong trong Mậu Thân 1968

Đăng lúc: 10-01-2018 11:08 Sáng - Đã xem: 132 lượt xem In bài viết

 

Trước và sau chiến dịch Mậu Thân 1968, không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt trên toàn tuyến chi viện của ta cho chiến trường miền Nam, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung của miền Bắc đã dũng cảm, ngoan cường, đội mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo đảm giao thông thông suốt. Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng những chiến công vang dội và sự hy sinh anh dũng của nhiều tập thể, cá nhân trong lực lượng TNXP sẽ mãi còn in đậm trong các trang sử truyền thống cách mạng, trên các văn bia, tượng đài tại các khu di tích lịch sử. Các địa danh Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô… đã trở thành những “địa chỉ đỏ” nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau không quên về “Một thời hoa lửa” của lực lượng TNXP Việt nam anh hùng.

Ngã ba Đồng Lộc

Đầu năm 1968, khi tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch đánh phá và chia cắt hoàn toàn. Lúc bấy giờ mọi thông thương chính từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc phải chuyển hướng sang tuyến đường 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc, mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam bắt buộc phải đi qua tuyến đường này. Ngã ba Đồng Lộc trở thành “yết hầu” của tuyến giao thông vận tải Bắc – Nam. Vì vậy, địch tập trung đánh phá hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Vì vậy, từ năm 1964 đến năm 1972 không quân Mỹ đã liên tục đánh phá Ngã ba Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông này. Ác liệt nhất là năm 1968, trong 240 ngày đêm từ tháng 4 đến tháng 10, không quân Mỹ đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 trên 3 quả bom. Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết”.

Các lực lượng làm việc và chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc có lúc lên đến 16.000 người. Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ, phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới, huy động 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy, làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc – Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ.

Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo. Tiêu biểu có các tập thể, cá nhân Anh hùng LLVTND như: Trung đoàn pháo cao xạ 210 thuộc Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không – Không quân; La Thị Tám – tự vệ giao thông huyện Can Lộc; Vương Đình Nhỏ – Đội trưởng phá bom; Nguyễn Tiến Tuẩn – Tiểu đội trưởng Cảnh sát giao thông; Nguyễn Trí Ân – Đại đội trưởng TNXP. Đặc biệt là sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 TNXP do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng vào trưa ngày 24/7/1968, sau trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng vào đội hình, các chị đã anh dũng hy sinh.

Truông Bồn

Phối cảnh Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Truông Bồn, một địa danh tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là một khu vực đồi núi đèo dốc, có nhiều thung lũng dài chừng 5km, có tuyến đường chiến lược 15A xuyên qua. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi có các kho chu chuyển hàng hóa quân sự và là “yết hầu” nối các huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, Truông Bồn đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ từ cuối năm 1965 đến năm 1968. Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, địch đã sử dụng hàng trăm lượt máy bay, ném xuống Truông Bồn hơn 2.692 quả bom, bắn hàng trăm quả tên lửa làm cho hàng trăm ô tô trở hàng, hàng chục khẩu pháo cao xạ bốc cháy…

Trong cuộc “đọ sức” với bom đạn của giặc Mỹ tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn, hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội TNXP thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã cùng với các lực lượng khác chiến đấu ngoan cường với tinh thần và quyết tâm sắt đá:“Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”,“sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, ngày đêm bám trụ san lấp hố bom, sửa chữa đường, bốc dỡ cứu hàng, dẫn đường cho xe qua … Trong cuộc chiến sinh tử này, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Trong đó có “Tiểu đội thép” (thuộc Đại đội 317, Đội TNXP 300) gồm 13 nữ và 2 nam, do chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng.

Trước khi vào “tiểu đội thép”, mọi người đều lấy máu mình ký vào đơn tình nguyện. Những đêm tối trời, họ lấy bẹ chuối rải lên mặt đường làm dấu cho xe qua. Bẹ chuối lấm bùn, họ mặc áo trắng làm cọc tiêu sống dẫn đường cho hàng trăm xe qua trọng điểm dài 5 km. Đã có 8/15 người của “tiểu đội thép” được kết nạp đảng, 15/15 người được công nhận là Chiến sĩ thi đua. Tiểu đội được Bác Hồ tặng lẵng hoa, được Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn văn Trỗi. Ngày 31/10/1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, 8/15 đội viên hoàn thành nhiệm kỳ 3 năm công tác tại TNXP, đã nhận được giấy báo đi học…cả tiểu đội nhận nhiệm vụ ra thông đường lần cuối. Tuy nhiên, hồi 6 giờ 30 phút tối hôm đó, máy bay Mỹ bất ngờ ập đến ném bom chôn vùi cả tiểu đội, 13 đội viên “tiểu đội thép” đã hy sinh anh dũng.

Đường Hai mươi Quyết thắng

 Để đảm bảo thế chủ động quyết thắng trên mặt trận vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, 17h30 ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966 (21-1-1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, bắt đầu từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)  xuyên qua dãy Trường Sơn đến ngã ba Lùm Bùm đường 128 thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào và ra chỉ lệnh thời gian mở đường không quá 105 ngày, một ngày phải mở xong 1km đường. Lực lượng chính mở đường là hơn 8.000 bộ đội Đoàn 559 và các Đội TNXP của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh tham gia, hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Với lực lượng, vị trí ý nghĩa trọng yếu đó, tuyến đường đã được đặt tên là Đường 20 Quyết Thắng.

Cung đường 20 – Quyết thắng huyền thoại hồi mới mở (Ảnh tư liệu)

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, từ năm 1965-1972, đế quốc Mỹ điên cuồng ngày đêm dội bom đánh phá hủy diệt con đường, mỗi cung đường, địa danh như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-la-nhích, Trạ Ang, Cà Roòng, Km 12, Km 16,5, dốc Ba Thang… trở thành những tọa độ lửa, mỗi ngày chúng ném từ 30 đến 40 trận, có tuần lễ ném 50.000 quả bom xuống những nơi trọng điểm như khúc cua chữ A. Năm từ tháng 9 đến tháng 11/1968, máy bay Mỹ ném bom suốt 87 ngày đêm làm hàng trăm người bị thương và hy sinh. Ngày 25/11/1968, chúng đánh 52 trận, 51 lần chiếc B52, 9 lần chiếc C130, 28 lần chiếc F4, ném 13 nghìn tấn bom đạn các loại xuống cua chữ A, ngầm Ta Lê…”.

Nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến thắp hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, TNXP tại hang Tám Cô

Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các đơn vị TNXP và bộ đội công binh, phòng không, vận tải…đã kiên cường bám trụ, vừa đánh trả máy bay Mỹ, vừa mở đường, vận chuyển hàng hóa. Có những thời điểm không thể chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm mà phải vần từng thùng xăng xuống suối theo dòng Trà Ang đến Km 14, Km 13 rồi lại kéo ngược và đưa từng phuy xăng lên. Chỉ tính riêng trong 6 ngày (từ 25/9 đến ngày 1/10/1968), bộ đội và lực lượng TNXP của ta kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết thì đã có 29 người hy sinh vì bom đạn của giặc Mỹ.

Nhiều gương chiến đấu hy sinh dũng cảm đã xuất hiện như Đại đội 5, Đội N25 Nam Hà anh hùng đã có 68 người hy sinh, 72 người bị thương, trong đó có các Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ. Riêng tại Km 16 + 200, ngày 14/11/1972, trong loạt tên lửa Mỹ bắn xuống làm sập cửa một hang đá làm 8 TNXP hy sinh. Ngoài ra, còn biết bao sự hy sinh oanh liệt của hàng ngàn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, TNXP trên các tọa độ lửa dọc tuyến đường 20, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá Đường 20 quyết thắng “Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên”.

Nguyễn Việt Phát

                                                                     Hội Cựu TNXP Việt Nam