Thanh niên xung phong và chính sách đối với cựu thanh niên xung phong trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – ý nghĩa cho hôm nay

Đăng lúc: 23-05-2019 2:54 Chiều - Đã xem: 139 lượt xem In bài viết

Ngày 22/5, tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tham luận của đồng chí Vũ Trọng Kim tại hội thảo này.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo. (Ảnh: HH)

   Thanh niên xung phong là mô hình tổ chức sáng tạo độc đáo                                              

   Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh niên xung phong là trường học lớn­[i]. Tư tưởng này của Người là sự sáng tạo độc đáo, tầm nhìn chiến lược xa rộng. Trong Di chúc, Bác Hồ còn nhấn mạnh vai trò của thanh niên, đánh giá cao lực lượng thanh niên và luôn tin tưởng, giao việc quan trọng cho thanh niên.

   Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức một lực lượng thanh niên xung phong. Ngày 15/7/1950, Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên được thành lập, tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Sau đó các đội thanh niên xung phong khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, khiêng thương, tải đạn, sát cánh với bộ đội, chiến đấu phục vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường, bảo vệ các cơ quan đầu não chiến khu Việt Bắc (ATK). Sự kiện này chứng tỏ rằng, Bác Hồ nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên, Bác đánh giá cao và tin tưởng họ có sức mạnh dời non lấp biển, nếu được tổ chức lại, được động viên, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, ý chí người Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thanh niên. Nhớ lại năm 1925, khi đề cập trong phần phụ lục tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp[ii] về tình trạng sớm “già cỗi” của nhiều thanh niên, Hồ Chí Minh cũng đồng thời xác định nhất quán mục tiêu giáo dục, rèn luyện thanh niên Việt Nam trở thành những người biết sống vì đất nước, dân tộc, tích cực tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước. Người đã khởi đầu sự nghiệp giáo dục, tổ chức lực lượng cách mạng bằng việc mở các lớp huấn luyện lí luận chính trị dành cho những thanh niên yêu nước tại Quảng Châu (Trung Quốc) để đào tạo những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam.

  “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Đây là bốn câu thơ Bác Hồ đã tặng cho Liên phân đội thanh niên xung phong 312, khi Bác đến thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, ngày 20/3/1951). Từ đó đã trở thành phương châm sống và hành động không chỉ của thanh niên xung phong mà cả thế hệ trẻ Việt Nam.

  Tư tưởng của Bác Hồ về Thanh niên xung phong là xuyên suốt và nhất quán. Bởi lẽ, Người đã khai sinh, dày công nuôi dưỡng và dõi theo sự trưởng thành, từ Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương đến những lực lượng thanh niên xung phong hùng hậu, đi suốt cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế nước bạn Lào, Campuchia; khắc phục hậu quả chiến tranh và tham gia xây dựng phát triển kính tế – xã hội, qua nhiều thời kỳ gian lao và ác liệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong kháng chiến, nhất là chiến dịch, nếu không có thanh niên xung phong thì bộ độ sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém công tác chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu hằng ngày, hằng giờ. Lực lượng thanh niên xung phong đã thực sự đem tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi luôn coi thanh niên xung như bộ đội, vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ[iii]. Trải qua gian lao, thử thách, bằng thực tiễn hành động cách mạng sôi động, Thanh niên xung phong đã được Đảng, Bác Hồ chăm lo, giáo dục, đào tạo và rèn luyện thông qua Trường học lớn thanh niên xung phong. Tư tưởng, tầm nhìn chiến lược đó của Bác tiếp tục được nhấn mạnh trong Di chúc lịch sử năm 1969 mà Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc ta.

Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: HH)

  Tư tưởng về Trường học lớn Thanh niên xung phong là những nội dung bao trùm nhất, có nội dung lý luận và thực tiễn sâu sắc, vừa là chủ trương, vừa là những chính sách lớn có giá trị cho hôm nay và mai sau. Chúng tôi xin khái quát lên 5 nội dung lớn đã được khẳng định:

  “Thứ nhất, gắn vận mệnh và lý tưởng phấn đấu của thanh niên xung phong với vận mệnh lý tưởng cao cả của đất nước, dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng:

 – Độc lập, tự do,

 – Hòa bình, thống nhất,

 – Dân chủ, giàu mạnh,

  Đó là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

  Thứ hai, lấy thực tiễn cách mạng hào hùng của dân tộc làm trường học rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh, khí phách, tài năng của thanh niên xung phong, làm môi trường để thanh niên xung phong cống hiến, trưởng thành.

  Thứ ba, lựa chọn mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động phù hợp để tập hợp, động viên, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh, trí tuệ của thanh niên xung trên các mặt trận, các lĩnh vực, các địa bàn, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng.

  Thứ tư, chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên xung phong toàn diện về chính trị, văn hóa, kỹ thuật, quân sự, sức khỏe; kết hợp và giải quyết hài hòa các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ trước mắt với chủ động chuẩn bị lực lượng cán bộ cốt cán cho mục đích phát triển đất nước lâu dài.

  Thứ năm, gắn bó lực lượng thanh niên xung phong với lục lượng vũ trang cách mạng; phát huy sức mạnh của thanh niên xung phong trong trong sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”[iv].

   Những chính sách lớn trong việc tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong

   Lý luận và thực tiễn đã khái quát trên đây, chỉ ra rằng: Đây chính là một hệ thống các chính sách lớn được Bác khai mở, xuyên suốt và nhất quán qua các thời kỳ của cách mạng nước ta. Điều đó còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam.

  Trong Di chúc Bác Hồ căn dặn: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên và đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đó là tư tưởng, là chính sách rất quan trọng được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước, đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác cho thành lập các Đội thanh niên xung phong phục vụ nhiệm vụ trước mắt, đồng thời Bác giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Khi nói về mục đích của thanh niên xung phong, Bác xác định: “Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ[v]. Bác viết trong Di chúc: “…Đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Đây chính là triết lý giáo dục, không cần đi tìm đâu cho xa. Bác viết chữ “hồng” ở đây, nghĩa là xây dựng con người thanh niên có nhân cách, có văn hóa, phát triển toàn diện; đồng thời xây dựng thế hệ thừa kế có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính. Bác viết chữ “chuyên” ở đây, nghĩa là phải có trình độ chuyên môn, trình độ khoa học- kỹ thuật, làm việc gì phải có chuyên sâu, phải có phương pháp thì việc ấy mới đem lại được hiệu quả cao. Đức và tài phải đi đôi, song đức là cái gốc. Chính sách giáo dục và đào tạo của Bác là rất rõ ràng về yêu cầu và mục đích để không lãng phí sức lực, tiền của và thời gian vàng ngọc của nhân dân. Di chúc Bác viết tháng 5 năm 1968 có đoạn căn dặn: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn ra một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[vi]

   Mục đích, yêu cầu về giáo dục, đào tạo thanh niên những thời kỳ trước đây đã đạt được những điều cơ bản đáng trân trọng. Các bậc tiền bối của chúng ta đã nêu cao tấm gương về lòng yêu nước, thương dân, quên mình vì lý tưởng cách mạng. Dân tộc ta anh hùng đã sinh ra những người con trung hiếu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong toàn lực lượng thanh niên xung phong, Nhà nước đã tuyên dương 43 tập thể, đơn vị và 43 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Nhiều đồng chí từng là thanh niên xung phong đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ văn hóa, khoa học – kỹ thuật tại các ngành, các cấp. Thế hệ những người kế thừa sự nghiệp cách mạng được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, họ có đủ bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, có trình độ, có tinh thần cống hiến, chí công vô tư, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm “đội hậu bị” và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trung thành và xuất sắc nhất.

   Chính sách giáo dục, đào tạo của Bác phản ảnh qua phương châm, phương pháp rất hiệu quả. Thực tiễn chỉ ra rằng, giáo dục, đào tạo không chỉ thông qua nhà trường mà còn phải thông qua hoạt động thực tiễn, thử thách qua công việc, nếu nhấn mạnh một mặt nào đó đều rơi vào phiến diện, siêu hình. Trong Di chúc Bác căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ…”. Như vậy, Bác dạy chúng ta cần phải phát huy tính tích cực của thanh niên, thường xuyên động viên, gần gũi giúp đỡ tận tình để họ luôn chú ý phát huy mặt tốt; công tác thanh niên là không thể qua loa hời hợt được, vì bản thân họ chưa có nhiều trải nghiệm trong học tập, lao động và cuộc sống. Bác hiểu thanh niên, rất tâm lý và tình cảm. Bác đã “dành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bằng chứng là, với thanh niên xung phong Bác đã đến thăm, viết thư thăm hỏi, động viên các cháu đến 21 lần trong vòng 19 năm, kể từ khi có Thanh niên xung phong đến khi Bác đi xa.

   Lịch sử đã đi qua, chúng ta đời đời ghi nhớ lời dạy trong Di chúc của Bác: “ Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân ta”; “ Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Nhân dân ta, trong đó có cựu thanh niên xung phong luôn đoàn kết, đoàn kết làm nên sức mạnh, đem lại thành công, đại thành công. Đảng và Nhà nước đánh giá cao sự hy sinh cao cả và cống hiến xuất sắc, đã tặng thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bút tích Di chúc của Bác Hồ còn chỉ rõ: “ Đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (Cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh.”[vii]

    Trong lực lượng thanh niên xung phong có một bộ phận do yêu cầu nhiệm vụ đã bổ sung vào quân đội. Sau khi hoàn thành tại các đơn vị thanh niên xung phong, có bộ phận tiếp tục học tập, rèn luyện thành cán bộ các cấp, các ngành từ địa phương sơ sở đến Trung ương, có một bộ phận về lại địa phương xây dựng quê hương, tham gia công tác xã hội… Hàng ngàn thanh niên xung phong đã hy sinh được Đảng, Nhà nước tôn vinh, công nhận liệt sĩ; hàng chục ngàn đồng chí bị thương được công nhận là thương binh, hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ ưu đãi khác như trợ cấp một lần, cấp bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng khi từ trần, chế độ hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho những cựu thanh niên xung phong già yếu, không nơi nương tựa, đặc biệt là nữ thanh niên xung phong về quê nhà nhưng không còn cơ hội lập gia đình. Nhà nước đã có chính sách cho người bị chất độc da cam/ đi-ô-xin và con đẻ của họ. Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và Hội Cựu thanh niên xung phong, Đoàn thanh niên và các ngành, các cấp đã có nhiều cuộc vận động quyên góp giúp đỡ xây nhà, sửa chữa nhà ở và lập quỹ hổ trợ sản xuất và kinh doanh; Hội Cựu thanh niên xung phong đã đẩy mạnh phong trào “ Vì nghĩa tình đồng đội”, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, Hội thường xuyên động viên, thăm hỏi kịp thời việc ốm đau, việc hiếu hỷ. Giá trị tinh thần của cựu thanh niên xung phong được tôn vinh qua các nghĩa cử “ Nhân chứng lịch sử” nhằm tìm kiếm hài cốt, phát hiện cắm mốc các “ địa chỉ đỏ”, phấn đấu thực hiện “ Cựu thanh niên xung phong nêu tấm gương sáng làm theo lời Bác Hồ dạy”. Đời sống tinh thần, vật chất của thanh niên xung phong cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên, không ít cựu thanh niên xung phong không còn hồ sơ gốc hoặc chưa có thể xác nhận đầy đủ, hiện tại chưa được hưởng chính sách, chế độ của Nhà nước; Hội Cựu thanh niên xung phong đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để giải quyết những việc còn tồn đọng, trong đó có việc tặng thưởng danh hiệu Nhà nước “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”[viii] cho từng cán bộ, đội viên đã hoàn thành nhiệm vụ.

   Nhiều năm qua,từ đường lối, chính sách đến chế độ ưu đãi được Đảng, Nhà nước ban hành, thực hiện đối với những thanh niên xung phong đã tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thực sự có nhiều ý nghĩa. Chiến tranh hay hòa bình, quá khứ hay hiện tại – những bài học về thanh niên xung phong được soi rọi trong Di chúc Bác Hồ khiến chúng ta càng thấm thía bởi ý nghĩa xã hội còn rất sống động.

   Ý nghĩa cho hiện nay là gì?

   1- Sự ra đời của lực lượng Thanh niên xung phong là sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo xuất sắc của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Trường học lớn của Thanh niên xung phong đã giáo dục và rèn luyện một cách toàn diện về chính trị tư tưởng, quân sự, văn hóa và niềm tin, lối sống, bằng những phương châm, phương pháp rất phù hợp đặc điểm, đậm tính sáng tạo thanh niên. Đây là bài học quý giá cho hôm nay về mô hình tổ chức, về nội dung, phương thức tập hợp, giáo dục thanh niên.

   2- Thời kỳ mới, thời kỳ của khoa học và công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật; bên cạnh cái hay cái tốt, còn biết bao thứ tác động xấu đến thanh niên, như thông tin mạng Google, Facebook, Youtube…có nhiều thứ khiến tuổi trẻ sống ảo, sống gấp. Thiết nghĩ, nội dung và biện pháp giáo dục thế hệ trẻ ngày nay cần phải tận tâm đổi mới, phải linh hoạt và thích nghi. Đặc biệt cần coi trọng việc giáo dục pháp luật và đạo đức, lối sống cho thanh niên. Pháp luật và đạo đức sẽ đem lại trật tự, thói quen nếp sống văn hóa, lối sống đẹp trong một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

    3- Trên phương diện quản lý nhà nước, cần quan tâm hơn về xây dựng và thực hiện Chiến lược bồi dưỡng và phát huy thanh niên”. Cần có chính sách tốt, đủ sức thuyết phục nhằm bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng chính sách xã hội hóa trong việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy năng lực tiềm tàng trong thanh niên. Cần đầu tư cho công tác giáo dục thanh niên toàn diện hơn, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể và hiệu quả đối với thanh niên các dân tộc, các tôn giáo, nhất là cần có biện pháp mạnh để giáo dục thanh niên chậm tiến, sống buông thả, sa vào tệ nạn. Hết sức tránh giáo điều, rập khuôn, nói hay làm dở; cảnh giác với cách “làm láo báo cáo hay” trong giáo dục, đào tạo thanh niên.

    4- Coi trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Đây là giải pháp căn cơ để phòng ngừa các tệ nạn đang diễn ra hiện nay. Bài học kinh nghiệm về rèn luyện, trưởng thành là nhờ phương pháp “vừa làm vừa học, vừa học vừa làm”, làm sao cho ai cũng có việc làm, có nhận thức, có thu nhập. Ngày hôm nay, đây là việc vừa cấp thiết vừa ổn định lâu dài cho cuộc sống của một bộ phận thanh niên – đang thiếu việc làm, bấp bênh, nhảy việc, việc làm không ổn định.

   5- Đề nghị Đảng, Nhà nước và xã hội phải hết sức chú trọng giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ mọi lúc, mọi nơi. Nước ta có dân số trẻ, thanh thiếu nhi chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, bởi vậy, chúng ta phải thấu hiểu về điều đó và hành động đúng, vì họ là chủ nhân hiện tại và tương lai của nước nhà. Trong Di chủ, Bác Hồ căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, và theo đó, phải đảm bảo cả hai yếu tố quan trọng là vừa “hồng” vừa “chuyên”.

    Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng cho Đảng, cho dân tộc ta và phong trào cách mạng thế giới, với tất cả tư tưởng, tình cảm, ý chí và niềm tin. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại bản Di chúc thiêng liêng. Đây là công trình của lòng Dân, cô đọng và rất sâu sắc, mang những tư tưởng đổi mới xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, cuộc đời Bác dành rất nhiều sự chăm lo, bồi dưỡng thế hệ tương lai. Người đã chỉ ra những vấn đề rất cơ bản về đánh giá thanh niên, định hướng chính sách giáo dục và đào tạo thanh niên, tin yêu và giao cho thanh niên những việc rất quan trọng để họ cống hiến và trưởng thành thông qua thực tiễn, trong môi trường “ Trường học lớn Thanh niên xung phong Việt Nam”./.

Vũ Trọng Kim

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên  Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam


[i] Hội thảo khoa học: Tư tưởng Hồ Chí Minh vê Trường học lớn Thanh niên xung phong – NXB Chính trị quốc gia Sự thật- 2017

[ii] Bản án chế độ thực dân Pháp (tiếng Pháp: Le Procès de la colonisation française) là một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp và được xuất bản năm 1925–1926 trên một tờ báo của Quốc tế Cộng sản có tên Imprékor. Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục (Gửi thanh niên Việt Nam). Nội dung tác phẩm tố cáo thực dân Pháp đã bắt dân bản xứ phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chiến trường châu Âu”; “đày đọa” phụ nữ, trẻ em thuộc địa; các thống sứ, quan lại thực dân “độc ác như một bầy thú dữ” v.v….

[iii] Tư trưởng Hồ Chí Minh về Thanh niên xung phong- NXB Chính trị Quốc gia Sự thật – 2017, sdd, tr 15.

[iv] Sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về Trường học lớn Thanh niên xung phong – NXB Chính trị quốc gia Sự thật – 2017, tr 44.

[v] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, tr 331-332.

[vi] NXB Chính trị Quốc gia – 2009, tr 30.

[vii] NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009, tr 29.

[viii] Kết luận của Bí thư Trung ương Đảng, tại Thông báo số 3257 –CV/VPTW ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng.