Thanh niên xung phong Việt Nam, 70 năm phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đăng lúc: 17-08-2020 2:26 Chiều - Đã xem: 121 lượt xem In bài viết

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu đã trực tiếp chỉ đạo Đảng đoàn thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt nam thành lập Đội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương vào ngày 15/7/1950, đó là tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Ban đầu mới chỉ có 225 cán bộ, đội viên; ngay sau đó đã có trên 30 ngàn người làm nhiệm vụ ở các chiến dịch, các địa bàn trọng điểm trên cả nước để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chỉ 8 tháng sau, ngày 20/3/1951, Bác Hồ đã đến thăm Liên phân đội 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, Người đã tặng bốn câu thơ:

          “Không có việc gì khó

          Chỉ sợ lòng không bền

          Đào núi và lấp biển

          Quyết chí ắt làm nên”

Thơ Bác tặng đã trở thành phương châm sống và hành động của TNXP và các thế hệ trẻ của đất nước.

Theo lời Bác, TNXP Việt Nam đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xây dựng CNXH, chống Mỹ cứu nước, khắc phục hậu quả chiến tranh- xây dựng kinh tế sau năm 1975, tham gia bảo vệ biên giới (phía Bắc, phía Nam), làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào và Cam Pu Chia.

– Kháng chiến chống Pháp: Có 50.000 TNXP làm nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ, 16.000 TNXP Đội 34 và Đội 40 làm các nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hậu cần, cáng tải thương binh, tử sỹ, tháo gỡ bom mìn; khi chiến sự ác liệt 8.000 TNXP đã chuyển sang quân đội; TNXP Điện Biên Phủ và 04 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ở An toàn khu (ATK) Việt Bắc, trên 2.500 TNXP Đội 36 do đồng chí Tạ Quang Chiến (bảo vệ Bác) làm Đội trưởng với nhiệm vụ đào hầm hào, bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, làm nhà ở, tham gia bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, sau đó về tiếp quản Thủ đô (1954); đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ở các chiến dịch Đông Bắc, Việt Bắc trên 4.000 TNXP Đội 38 làm nhiệm vụ mở các tuyến đường chiến lược phục vụ các chiến dịch lớn. Tại chiến dịch Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai) TNXP cùng với trung đoàn 96 bộ đội Liên khu 5 chiến đấu dũng cảm, chiến thắng vẻ vang các trận đánh địch có ý nghĩa quyết định ở Tây Nguyên (1954), TNXP đã có 50 chiến sỹ hy sinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu nữ TNXP tại Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (Việt Bắc, tháng 5/1952). Ảnh: Tư liệu TTXVN

– Kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, hưởng ứng các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, 250.000 TNXP ở miền Bắc và miền Nam đã hăng hái làm nhiệm vụ mở các tuyến đường chiến lược, đảm bảo giao thông, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, cáng tải thương binh, tử sỹ, tháo gỡ bom mìn, phục vụ và tham gia chiến đấu cùng với các đơn vị quân đội trên các chiến trường, với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử có trên 46.000 TNXP tham gia mở đường (bằng 1/3 các lực lượng) đã để lại các “địa chỉ đỏ”, đó là Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám cô, Đường 10, Đường 20 Quyết thắng, … Ở miền Nam TNXP cũng lập nên những chiến công lớn như Quảng Đà, Đường 1C, Phước Long- Sông Bé, Núi Thành, điển hình là “Tiểu đoàn nữ TNXP Bà Thao” (khu 5). Trong 10 năm (1965- 1975), TNXP đã mở 2.165km đường; chốt giữ bảo đảm giao thông 2.526 trọng điểm; tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn, với 641 trận đánh cấp trung đoàn trở lên; vận chuyển 20.153 tấn vũ khí, lương thực; cáng tải chăm sóc 9.062 thương binh; diệt và bắt sống 1.119 tên địch; bắn cháy, phá hủy 10 xe tăng; phá gỡ trên 100.000 quả bom các loại.

– Sau giải phóng miền Nam (1975): Tiếp tục có 200.000 TNXP làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh ở các tỉnh phía Nam, 51.000 TNXP tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Nam, giúp bạn Lào và Cam Pu Chia.

Qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đã có trên 666.000 TNXP làm nhiệm vụ, trong đó có 6.733 người hy sinh (6.458 liệt sỹ), 40.409 người bị thương (36.111 thương binh), trên 17.000 người và con đẻ nhiễm chất độc Da cam, sau chiến tranh 5.600 nữ TNXP cô đơn không nơi nương tựa. Lực lượng TNXP Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc”, Huân chương Sao vàng; 42 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 28.000 cán bộ, chiến sỹ được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Để phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của Lực lượng TNXP Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam và giao nhiệm vụ tập hợp cựu TNXP cả nước tiếp tục phát huy tinh thần TNXP tham gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi thành lập (2004), Hội Cựu TNXP Việt Nam đã luôn phấn đấu xây dựng tổ chức Hội phát triển vững mạnh toàn diện. Đến nay, cả nước đã có 60/63 hội cấp tỉnh, thành phố (92%); 623 hội cấp quận, huyện (87%); 7.446 hội cấp xã, phường (70%) với trên 420.000 hội viên (74% cựu TNXP). Hội đã làm tốt các nhiệm vụ, tham gia các hoạt động xã hội:

  1. Phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” đề xuất với Đảng, Nhà nước, phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách đối với TNXP, nên đã có 220.000 người hưởng các chế độ trợ cấp, 200.000 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 42.000 trường hợp hưởng mai táng phí, 1.800 liệt sỹ, 24.000 thương binh, 5.560 người hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam, 8.700 TNXP cô đơn hưởng trợ cấp hàng tháng…
  2. Các cấp Hội và Cựu TNXP cả nước tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng, học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Trung ương Hội đã biên soạn và sưu tập được nhiều tài liệu về lời dạy, phong cách làm việc của Bác Hồ với đồng bào, chiến sỹ, trong đó có những tư liệu, hình ảnh quý về Bác Hồ với TNXP để hướng dẫn các cấp hội và cựu TNXP cả nước học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Việc làm này đã góp phần thấm nhuần sâu sắc về lời dạy, hình ảnh của Bác với các tầng lớp trong xã hội, với cựu TNXP trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước.
  3. Tổ chức các hoạt động trong cựu TNXP với tinh thần “Tuổi trẻ xông pha, tuổi già gương mẫu” để tích cực tham gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cựu TNXP trong cả nước tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nêu cao ý thức trách nhiệm giáo dục con cháu và làm nòng cốt tham gia các phong trào xã hội: “Xây dựng nông thôn mới”; “Người Việt Nam tự hào, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Tích cực tham gia công tác chính trị- xã hội ở địa phương”, nên đã có trên 3.000 cựu TNXP tham gia các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể ở địa phương; “Cựu TNXP và gia đình tích cực tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo”, các cựu TNXP ở các tỉnh biên giới và vùng biển luôn luôn làm nòng cốt trong hoạt động này; “Phong trào bảo vệ môi trường sống” góp phần làm trong sạch đường phố, xóm làng; “Phong trào an ninh trật tự- an toàn giao thông”, hàng trăm tổ chức hội cựu TNXP xã, phường với hàng ngàn cựu TNXP đã tích cực cùng con cháu tham gia làm trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông các đoạn đường “TNXP tự quản”,…

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng quà cho đại diện cựu TNXP 6 tỉnh Chiến khu Việt Bắc tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) ngày 7/7/2020

  1. Do lịch sử để lại, trong cựu TNXP có tới 55.000 hộ nghèo, trên 17.000 người nhiễm chất độc Da cam, trên 8.700 người cô đơn không nơi nương tựa, gần 50.000 gia đình liệt sỹ, thương binh, do đó Hội đã có “Phong trào vì nghĩa tình đồng đội” để có các hoạt động giúp đỡ đồng đội. Đó là các phong trào, các cuộc vận động xã hội như: “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi- vì nghĩa tình đồng đội” đã và đang hoạt động thường xuyên tại các cấp hội, đến nay có 13.092 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu TNXP làm kinh tế với số vốn trên 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40.000 lao động con em, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1.200 tỷ đồng, giúp đỡ cho cựu TNXP nghèo trên 800 triệu đồng. “Cựu TNXP nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình nghĩa”, “Bát cháo từ tâm”, “Xuân ấm tình yêu thương”, “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, hưởng ứng “Quỹ vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc…Vận động các nhà tài trợ để giúp đỡ cựu TNXP nghèo có hoàn cảnh khó khăn, kết quả đã đạt được 711 tỷ đồng, trong đó tặng 4.227 nhà tình nghĩa trị giá trên 215 tỷ đồng, 7.949 sổ tiết kiệm trị giá trên 27 tỷ đồng, 328.738 phần quà trị giá 180 tỷ đồng, 2.043 con bò, dê giống trị giá 41 tỷ đồng, nuôi dưỡng thường xuyên 308 cựu TNXP với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Việc làm này của Hội và cựu TNXP cả nước đã có ý nghĩa thiết thực trong cựu TNXP và đỡ được một phần cho ngân sách Nhà nước về người có công.
  2. Tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ để nêu cao ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hội Cựu TNXP Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học và phát hành sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong”; Trung ương Hội đã xuất bản các tập sách: “Thanh niên xung phong Việt Nam 60 năm làm theo lời thơ Bác Hồ dạy”, “Huyền thoại Thanh niên xung phong Việt Nam”, 3 tập sách “ Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng”, “Gương điển hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi- vì nghĩa tình đồng đội; làm phim “Bản hùng ca Thanh niên xung phong”. Hội Cựu TNXP ở một số địa phương đã in được các sách về những tấm gương đơn vị, cá nhân thanh niên xung phong trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc,… Các sản phẩm về tinh thần trên có ý nghĩa rất thiết thực về tuyên truyền trong xã hội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tác giả bài viết (hàng trước, thứ 2 từ phải sang) trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ sáng lập Lực lượng TNXP Việt Nam ngày 7/7/2020 tại Núi Hồng (Đại Từ, Thái Nguyên)

Nhìn lại 70 năm qua, từ ngày thành lập, các thế hệ TNXP Việt nam và cựu TNXP ngày nay đã luôn luôn thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của TNXP trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài đăng trên báo Nhân Dân số 23.644 Thứ Tư ngày 15/7/2020

 TS: Nguyễn Cao Vãng
 Ủy viên Đoàn Chủ tịch- Hội Cựu TNXP Việt Nam