Thanh niên xung phong Việt Nam chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công vẻ vang

Đăng lúc: 13-08-2017 3:28 Chiều - Đã xem: 296 lượt xem In bài viết

Với tầm nhìn chiến lược đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ, Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 cán bộ đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 9-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ chiến dịch Biên giới đã lập công xuất sắc được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương vì “đã nêu cao tính tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”.

Từ kết quả xây dựng tổ chức và hoạt động của các đội TNXP công tác Trung ương, Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng cục Cung cấp phát triển các đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Việc vận động thanh niên gia nhập lực lượng TNXP được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Đoàn thanh niên hết sức coi trọng. “Gia nhập TNXP phục vụ kháng chiến là nhiệm vụ của thanh niên”; “Vào Đội TNXP là một vinh dự của tuổi trẻ”. Chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương từ khu V trở ra đã tổ chức các đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương, riêng các tỉnh Nam Bộ còn tổ chức Đội TNXP ở cấp xã làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và công tác đột xuất ở địa phương theo yêu cầu và có thời hạn.

Tượng đài tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia Nà Tu

Ảnh: FLC

Ngày 20/3/1951 Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP thuộc Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn và đọc tặng 4 câu thơ:

          Không có việc gì khó

          Chỉ sợ lòng không bền

          Đào núi và lấp biển

          Quyết chí ắt làm nên.

Bốn câu thơ là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng nhất là công tác phục vụ chiến đấu làm đường giao thông, xây dựng kho tàng, v.v… ngày một nặng nề cấp bách, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26/3/1953 Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập với số lượng đông hơn, được chuẩn bị chu đáo về tổ chức, tư tưởng và nhiệm vụ và sau khi hoàn tất nhiệm vụ chấn chỉnh, củng cố, cuối tháng 12-1953 hai lực lượng Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất mang tên mới là Đoàn TNXP Trung ương mang mật danh là “Đoàn XP” do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác làm Đoàn trưởng.

Giấy chứng nhận TNXP do đồng chí Vũ Kỳ ký ngày 20/11/1955

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

Ở liên khu V hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập gồm hơn 4.000 cán bộ đội viên đã tham gia phục vụ chiến dịch Bắc Tây nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.

Ngày 6/12/1953 Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Đoàn TNXP Trung ương vượt qua nhiều gian lao, thử thách, góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP của hai Đội 34 và 40 thuộc Đoàn TNXP Trung ương, là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa như đèo Pha Đin[i], ngã ba Cò Nòi[ii], đã rà phá trên 2.000 quả bom, mìn. Hơn 300 TNXP đã hy sinh. Khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, đã có 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội. Cùng với bộ đội, dân công hoả tuyến, đồng bào Tây bắc, lực lượng TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ: “Dũng cảm, lập công xuất sắc”. Lực lượng TNXP Mặt trận Điện Biên Phủ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP được giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường, làm đường chiến lược Lai Châu – biên giới, tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, khôi phục đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, Đảng, Bác Hồ, Chính phủ chủ trương giao cho Đoàn thanh niên tiếp tục thành lập các đội TNXP tập trung gắn với việc nhận các công trình thanh niên, xây dựng nhà máy cơ khí Trung quy mô, lò cao khu gang thép Thái Nguyên, các Đội TNXP xây dựng chủ nghĩa xã hội khôi phục đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thanh Hoá – Vinh, làm đường 12B Hoà Bình và con đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc nằm trên cao nguyên đá hùng vĩ cao nhất Việt Nam.

Đầu năm 1956, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Kỳ tổ chức Đội TNXP mà đội viên là những sinh viên của trường Đại học nhân dân tự nguyện tham gia. Đội lấy tên là Đội 56 làm nhiệm vụ xây dựng đất nước mà trước mắt là tham gia xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ và một số nhà máy khác. Đội TNXP 56 là một Đội TNXP “đặc thù” nhằm đưa sinh viên vào hoạt động thực tiễn để rèn luyện, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành” mở ra một mô hình giáo dục đào tạo nhân tài mới chưa từng có ở Việt Nam. Sau gần 6 năm hoạt động, lực lượng TNXP xây dựng CNXH ở miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của thế hệ TNXP thứ nhất – thế hệ TNXP kháng chiến chống thực dân Pháp. Tổng đội TNXP công trường đại thủy nông Nậm Rốm tỉnh Điện Biên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ảnh tư liệu

Năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Đoàn hàng chục vạn thanh niên từ phong trào “Ba sẵn sàng” đã hăng hái tham gia các đội TNXP chống Mỹ cứu nước, là lực lượng lao động đặc biệt, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt sản xuất, chiến đấu, học tập. Mỗi Đội TNXP là một đơn vị sản xuất có năng suất lao động cao, một đơn vị sẵn sàng chiến đấu lúc cần thiết và đồng thời là một trường học văn hoá, kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện thanh niên về mọi mặt. Nhiệm vụ chủ yếu của các Đội TNXP là mở đường, đảm bảo giao thông vận tải những tuyến đường huyết mạch, địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Với ý chí “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”; “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm“, những trọng điểm như Lưu Xá (Thái Nguyên), cầu Tà Vài[iii], cầu Hàm Rồng, núi Nhồi (Thanh Hóa), Truông Bồn (Nghệ An), Đồng Lộc (Hà Tĩnh), TNXP đã dũng cảm hy sinh, bám trụ để làm nhiệm vụ. .

Với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên tuyến đường Trường Sơn có 120.000 bộ đội thì TNXP có trên 40.000. TNXP làm nhiệm vụ mở đường, tháo gỡ bom mìn, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, đã mở được 2.000 km đường mới, đảm bảo giao thông 3.000km, chốt giữ 2.500 trọng điểm mà địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt, vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực. Những tuyến đường huyết mạch, những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của đường Trường Sơn như: Cua chữ A[iv], ngầm Ta Lê, đèo Phu-Lai-Nhích, Cổng trời[v], đường 20 Quyết thắng, đường 20 tháng 7 (đường 10) đều có lực lượng TNXP.

Tiểu đội 1 Đội 751 TNXP Quảng Bình trên đường 20 Quyết Thắng

Ảnh tư liệu

Ở miền Nam, với tinh thần “Năm xung phong”, TNXP giải phóng miền Nam hoạt động suốt từ bên kia vĩ tuyến 17, Khu V, Nam Bộ với tinh thần chiến đấu rất cao, bám sát bộ đội trên các chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dấu, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn. Trong đó có các Đội TNXP làm nhiệm vụ xây dựng làng xã, chiến đấu chống càn và làm nòng cốt tập hợp thanh niên, tham gia kháng chiến, xung kích vào những việc khó, nguy hiểm ở địa phương. TNXP cơ sở là nguồn bổ sung cho các đơn vị TNXP tập trung và các đơn vị quân giải phóng. TNXP giải phóng miền Nam đã phục vụ 641 trận đánh, đào 1.135 km hầm hào để vận chuyển, nuôi dưỡng thương binh, chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng. Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Cấu người” của TNXP để vận chuyển thương binh ở Chiến khu D

Ảnh: Phạm Văn Thịnh

Trong 10 năm, TNXP chống Mỹ cứu nước đã mở 102 con đường mới với 4.130km, chốt giữ gần 3.000 trọng điểm chiến lược giao thông quan trọng mà địch đánh phá ác liệt, phá gỡ trên 10.000 quả bom các loại của địch, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công Mỹ và gần 1.000 tên địch, phục vụ gần 1.000 trận đánh, phá hỏng 20 xe tăng, xe bọc thép… bổ sung sang quân đội 16.000 người, 15.000 người được kết nạp vào Đảng khi làm nhiệm vụ, có 52 dũng sĩ diệt Mỹ, 1.432 dũng sĩ quyết thắng trên các chiến trường.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới có hơn 500.000 nam nữ TNXP làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có hơn 6.071 người đã hy sinh (hơn 5.603 liệt sĩ), trên 43.600 người bị thương (hơn 36.822 thương binh), trên 16.277 người bị nhiễm chất độc hóa học[vi] (Điôxin), 35.000 người tham gia làm nhiệm vụ quốc tế (B, K, C)… Sự hy sinh, đóng góp của lực lượng TNXP vào sự nghiệp giải phóng đất nước là không nhỏ.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ TNXP thứ tư lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Một số địa phương đã thành lập các đội TNXP tập trung xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, làm thuỷ lợi, khai hoang, trồng rừng, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng phục vụ chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh huy động hơn 30.000 cán bộ hội viên và đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, phục vụ chiến đấu, tập hợp và giáo dục thanh niên hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Hiện nay cả nước có 60 đơn vị TNXP ở 28 tỉnh thành phố và một số ngành kinh tế đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ khó khăn gian khổ vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường để thanh niên rèn luyện và trưởng thành với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu như tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, đảo Thanh niên Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, xây dựng làng thanh niên, khu kinh tế thanh niên…

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào và đánh giá cao vai trò và sự cống hiến xuất sắc của lực lượng TNXP Việt Nam, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhất; Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tặng lực lượng TNXP bức trướng mang dòng chữ:

Chiến đấu dũng cảm,

Lao động sáng tạo,

Lập công xuất sắc.

44 tập thể TNXP của các địa phương, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động, 40 cán bộ đội viên TNXP đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động và trao tặng các phần thưởng cao quý khác.

Tượng đài Thanh niên xung phong Việt Nam ở Quảng Bình

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

Hàng vạn TNXP được cử đi đào tạo tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Công nhân kỹ thuật ở trong và ngoài nước. Số còn lại nhận nhiệm vụ trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công trường, hoặc trở về địa phương làm ăn sinh sống xây dựng quê hương. Nhiều cựu TNXP đã thành đạt trên các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đã giữ vững và phát huy truyền thống phẩm chất TNXP, tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ, kinh nghiệm vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được Bác Hồ và Đảng ta sáng lập, giáo dục và rèn luyện, lực lượng TNXP Việt Nam đã liên tục phát triển, cống hiến và trưởng thành, đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang.

Đó là truyền thống yêu nước xung phong vượt khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cách mạng giao phó, trong bất cứ tình huống nào.

Đó là truyền thống đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí, đồng bào, sống lạc quan yêu đời, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Đó là truyền thống cần cù học tập, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu để trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng XHCN.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày 9/11/1997 Chủ tịch nước đã ký quyết định số 50/KT-CTN tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Lực lượng TNXP Việt Nam.

Theo “Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam”, Nhà xuất bản Thanh niên 2015

Ảnh, chú thich do Ban biên tập website bổ sung

 

[i] Đèo Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

[ii] Điểm giao nhau của quốc lộ 6 và quốc lộ 37 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

[iii] Cầu Tà Vài ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, chịu đựng 46 trận đánh phá ác liệt, hứng chịu 1.272 quả bom của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt huyết mạch quốc lộ 6.

[iv] Hệ thống trọng điểm liên hoàn gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP) nằm sát biên giới giữa tây nam tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) với đông nam tỉnh Khăm Muộn (Lào), dài khoảng 7 km trên đường 20, tuyến vận tải cơ giới vượt Trường Sơn từ hậu phương vào chiến trường gần nhất. Cua chữ A là đoạn đường leo quanh sườn núi gấp khúc, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm, chiều dài khoảng 3 km. Tiếp giáp đoạn cua chữ A là ngầm qua sông Ta Lê có khẩu độ rộng gần 100m, nước sâu và chảy xiết. Phía nam sông là đèo Phu La Nhích chạy men bình độ đi lên dài khoảng 2 km có độ dốc 15%, lại chạy gấp khúc trở lại để trèo lên đỉnh, vượt sang tây Trường Sơn, chạy về phía Ka Tốc – Lùm Bùm giáp đường 128

[v]Thuộc địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh, địa danh Cha Lo – Cổng Trời là trọng điểm của tuyến đường 12A.

[vi] Số liệu thống kê đến 31/3/2017 của Hội Cựu TNXP Việt Nam