Thanh niên xung phong với con đường Trường Sơn huyền thoại

Đăng lúc: 26-04-2019 10:07 Sáng - Đã xem: 178 lượt xem In bài viết

           Kính thưa các vị khách quý, thưa toàn thể các đồng chí!

           Trong những ngày này của tháng 4 lịch sử, cả nước ta kỷ niệm 44 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước – một sự kiện vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm về sự kiện 60 năm mở đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường mà cả dân tộc ta, bằng ý chí “…Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…[i]. Con đường mà hàng triệu đồng bào, đồng chí của chúng ta đã anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông, chi viện sức người sức của của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Con đường mà nhiều đồng chí trong chúng ta đang có mặt ở đây đã dâng trọn tuổi thanh xuân với khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Thưa các đồng chí!

 Sau thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhưng đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp trợ giúp chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ[ii], chống phá cách mạng, tàn sát người yêu nước.

 Tháng 1/1959 Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 15 (Khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì tại Hà Nội nhận định: không chỉ đấu tranh chính trị mà phải tiến kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Nhiệm vụ miền Bắc phải chi viện hậu cần, quân lực cho miền Nam thành lập chính quyền cách mạng để đánh địch.

Thực hiện chủ trương và quyết tâm chiến lược đó của Đảng, ngày 05/5/1959, đoàn công tác đặc biệt, làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, gọi là Đoàn 559 được thành lập để mở tuyến giao liên bằng gùi thồ “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Từ đó tuyến chiến lược này đã được khơi thông Nam Bắc.

Như chúng ta đã biết, năm 1964, khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”[iii], đưa hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam, thực hiện gom dân kìm kẹp, mở các cuộc hành quân “Tìm và diệt” lực lượng cách mạng của ta. Ở miền Bắc, sau khi tạo ra sự kiện “Vịnh Bắc bộ”[iv], ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, dùng máy bay ném bon bắn phá một số nơi rồi lan rộng ra toàn miền Bắc nước ta … nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Trước khí thế cách mạng sục sôi của tuổi trẻ với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ra lời kêu gọi và phát động phong trào “Ba sẵn sàng”[v], được tuổi trẻ cả nước hưởng ứng nhanh chóng. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN giao cho Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam tổ chức các “Đội thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước tập trung” phục vụ công tác giao thông vận tải. Từ đây, các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc được thành lập theo yêu cầu của cuộc kháng chiến và đã có trên 14 vạn cán bộ, đội viên TNXP tình nguyện tham gia vào 170 Đội TNXP và 50 đại đội TNXP trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ở miền Bắc, trong 10 năm (1965-1975), Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung với 220.000 người, đã mở 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4.130km; vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ gần 3.000 trọng điểm giao thông địch thường xuyên đánh phá ác liệt, san lấp hàng vạn hố bom, phá gỡ trên 10.000 bom các loại. Trong đó tiêu biểu là:

Các đơn vị TNXP N21, N23, N33, N241… làm nhiệm vụ ở miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị, bằng vai trần, chân đất, xe đạp thồ đã ngày đêm vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, vượt đèo núi, thác ghềnh hiểm trở của dãy Trường Sơn, cùng bộ đội lập nên những binh trạm luân chuyển hàng ra phía trước và khiêng cáng thương binh về phía sau. Đơn vị N89 Thái Bình đã dũng cảm cứu đoàn tàu quân sự của ta bị máy bay Mỹ oanh tạc tại Ga Gôi, khiến 23 TNXP hy sinh, 256 người bị thương và nhiễm chất độc hóa học; 60 cán bộ, chiến sĩ TNXP Đại đội 915 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá, Thái Nguyên; 13 nữ TNXP Đại đội 973 hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại núi Nấp, Thanh Hóa…

Các đơn vị N25, N23, N43, N41, N45, N39, N37, N35… làm nhiệm vụ ở Đường 12, 15A, 15B, Đường 20 – Quyết thắng, Đường 10 Đông Trường Sơn, … đã đội mưa bom của địch, lao động sáng tạo, hy sinh quên mình, cùng lực lượng của Ngành giao thông và Bộ đội Công binh làm nên những con đường chiến lược.

 Các đơn vị N25, N55, N81, N75, N73, N300… với ý chí “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, đã bất chấp hy sinh gian khổ, đứng vững trước sự đánh phá ác liệt, liên tục ngày đêm của địch trên các tuyến đường, đặc biệt là tại các “tọa độ lửa” như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đèo Phu Lai Nhích, Cua chữ A, Cổng Trời, Đồi 37, Hàm Rồng, Phà Xuân Sơn, Phà Long Đại…, bảo đảm giao thông thông suốt ra chiến trường. Tiêu biểu như Đội TNXP 25 trên đường 20 Quyết Thắng, 10 nữ chiến sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, 13 chiến sĩ TNXP Truông Bồn, Nguyễn Thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Tri Ân, Hoàng Lộc… là những những tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của TNXP, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở miền Nam, hưởng ứng phong trào “5 xung phong”[vi], Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã anh dũng kiên cường bám sát các đơn vị bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến dấu, tải đạn, cáng thương… Đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng; làm và sửa chữa 29km đường ô tô, 185km đường xe thồ, 125m cầu, đào 1135 km hầm hào, xây dựng 08 bệnh viện và 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng, 9.538 thương binh và đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; chăm sóc nuôi dưỡng 2.077 thương binh, cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ chiến sĩ và các cơ quan Trung ương cục 160 người, điển hình là:

Liên đội I trên tuyến đường 1C, đã vận chuyển 10.000 tấn quân trang, tiếp nhận đưa về mũi Cà Mau trên 10.000 quân, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và tàu sắt, diệt hàng ngàn tên địch, giữ vững thông suốt tuyến đường huyết mạch từ Khu 9 về Trung ương cục.

Đội 2311, Đội 1265, Đội 112, Đội 1263, Đội 32… thường xuyên theo sát quân giải phóng trong các trận đánh, vận chuyển quân trang, cứu thương, chiến đấu dũng cảm bảo vệ thương binh. Nhiều cán bộ chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Liên đã hy sinh trong tư thế lấy thân mình che đạn cho thương binh với câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”.

Những chiến công của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu đã góp phần làm nên thành tích vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam trong 69 năm xây dựng và phát triển, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 41 cá nhân và 43 tập thể đơn vị TNXP đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động.

Các đồng chí thân mến !

Trong thành tích và chiến công của cán bộ, chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn, có những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ, TNXP Ban Xây dựng 67 anh hùng. Đó là chiến công mở Đường 20 Quyết thắng, với 77 ngày đêm “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”, trên 50 nghìn cán bộ, chiến sĩ, TNXP đã bất chấp hiểm nguy, đội mưa bom bão đạn của quân thù, lao động sáng tạo và quả cảm, đã mở được con đường dài 125 km từ Phong Nha qua A Ki- Ta Lê – Đèo Phu La Nhích nối Đồng Trường Sơn với Tây Trường Sơn, vượt kế hoạch trên giao là 100 ngày. Bởi thế con đường nổi tiếng này đã xứng đáng với lời biểu dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đường 20- Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”.

Đó là các địa danh như Km12, Trạ Ang, Cà Ròong, tập đoàn trọng điểm ATP, Bãi Dinh, Cha lo, Mụ Giạ, Đá Đẽo, Xuân Sơn, Long Đại…Ở đó đã thấm máu bao cán bộ, chiến sĩ, TNXP của Ban Xây dựng 67. Trong 8 năm chiến đấu gian khổ (1967-1975), đã có 1.400 cán bộ, chiến sĩ Ban 67 hy sinh và được mai táng tại 3 nghĩa trang Vạn Ninh, Thọ lộc và Tân Ấp tỉnh Quảng Bình. Trong đó có những sự kiện trở thành bi tráng như “Hang 8 Cô” với 15 chiến sĩ hy sinh ở đầu đường 20; sự kiện 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh… Có 3.200 đồng chí bị thương, hàng ngàn nữ TNXP và dân công hỏa tuyến đã hiến trọn tuổi xuân cho những con đường ra trận. Nhiều tập thể, cá nhân đã được phong tặng, truy tăng danh hiệu AHLLVTND như Đội 25, Đội cầu 10, Nguyễn Phong Lưu, Đinh Thị Thu Hiệp. Năm 1999, Ban Xây dựng 67 (nay là Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 5) đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kính thưa các đại biểu và các đồng chí !

Như vậy tính đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, TNXP, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe – máy bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy…

Về phía Mỹ, hàng trăm máy bay các loại bị bắn rơi, hàng ngàn lính biệt kích, thám báo được tung vào đây bị thương vong hoặc bị bắt. Quân đội Mỹ đã tiêu tốn nhiều tỷ USD nhằm cắt đứt tuyến đường, song chúng đều bị thất bại.

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Những con số mang tính tổng kết trên đã lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, chúng ta tự hào về con đường huyền thoại mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:

…Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang.

Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.

…Trường Sơn, đông nắng, tây mưa

Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.[vii]

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Cựu TNXP Việt Nam luôn đồng hành chung tay, góp sức cùng các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có Tổng công ty Cienco 5, Ban liên lạc Ban Xây dựng 67, Hội chiến sĩ Trường Sơn… thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh là TNXP và những người có công với nước, phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc./.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí !

 


[i] Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Đêm đó, trong lán Nà Lừa, lá tre xào xạc… Đôi mắt và má Bác thêm hõm sâu. Tôi rất lo. Bỗng Bác mở mắt nhìn tôi hỏi: “Chú chưa đi ngủ à?”. Tôi đáp: “Thưa Bác còn sớm”. Bác thấy trong người thế nào?”. Người không trả lời câu hỏi mà nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Khi đó là tháng 4/1945

[ii] Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954) là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương

[iii] Chiến tranh cục bộ là một chiến lược chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành trong giai đoạn 1965–1967 trong Chiến tranh Việt Nam. Nội dung cơ bản của chiến lược là dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam.

[iv] Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự kiện được cho là hai cuộc tấn công của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công được cho là đã xảy ra vào các ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8 năm 1964 ở vịnh Bắc Bộ. Cuộc tấn công đầu được cả hai bên xác nhận, nhưng cuộc tấn công sau đã được khẳng định là không có thật mà chỉ là sự nhầm lẫn của sĩ quan hoa tiêu Hoa Kỳ, nhưng nó lại trở thành cái cớ để Hoa Kỳ mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Thực chất, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ được Hoa Kỳ dựng lên để có một cái cớ để ném bom miền Bắc Việt Nam.[6] Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cố tình dịch sai các tài liệu tình báo, đồng thời che giấu việc tàu chiến Mỹ đã xâm phạm lãnh hải để tổng thống Mỹ có cớ vận động quốc hội Mỹ ra nghị quyết ném bom miền Bắc Việt Nam

[v] Ba Sẵn sàng là phong trào thi đua do ban chấp hành thành đoàn Hà Nội phát động trong những năm 60 của thế kỉ 20 nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của học sinh sinh viên Hà Nội.[1] Phong trào nhanh chóng lan rộng ra khắp miền bắc Việt Nam và trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời bấy giờ. Nội dung phong trào: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ Quốc cần.

[vi] Tháng 3/1965, hoà nhịp với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc, tại Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I đã phát động phong trào “Năm xung phong” và phát triển tổ chức Đoàn vững mạnh về chất lượng và số lượng, với những nội dung: 1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; 2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; 3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến;  4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; 5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

[vii] Trích trong  bài thơ “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu