Về làng Đông – nơi có “Bến không chồng”
Những bạn văn từ miền Nam ra Bắc có một lời đề nghị “Biết Bích Hồng quen gia đình nhà văn Dương Hướng từ khi ở Quảng Ninh. Chúng tôi ra Bắc lần này có một nguyện vọng được gặp nhà văn Dương Hướng và nhất là được về mảnh đất gợi cảm xúc cho nhà văn viết tiểu thuyết “Bến không chồng”. Những bạn văn “Hành phương Bắc” trong những ngày cuối Thu đội mưa gió, bão lũ ra Bắc với niềm mong tha thiết thế, nên tôi đã liên lạc với nhà văn Dương Hướng ngay, dẫu biết anh bị co kéo, bận rộn với quá nhiều công việc. Quả thực, thời điểm này anh như con thoi lúc Hạ Long, khi về bến Đình Đoài, khi thì có mặt giao lưu với thầy trò Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lúc lại thấy ngược miền Tây Bắc…Nghe xong cuộc điện thoại của tôi, nhà văn Dương Hướng vui vẻ nhận lời ngay.
Cậu em trai tôi tặng các nhà văn một chuyến xe về thăm công trình Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trên xe, các nhà văn khai thác triệt để, phỏng vấn nhà văn Dương Hướng: Có “Bến không chồng” thiệt không? Nhân vật trong tác phẩm có nguyên mẫu người quê anh chứ? Anh viết về làng Đông xưa khi đang ở Quảng Ninh? Có một Nguyễn Vạn sống khép mình, cô đơn và chết đau đớn như thế có nguyên mẫu người làng Đông chứ? Hai mẹ con Nhân – Hạnh và bao phụ nữ thôn Đông có số phận trớ trêu quá nhà văn nhỉ? Nhân vật Hạnh là nguyên mẫu người bạn gái của anh phải không?… Nhà văn Dương Hướng trả lời rành rẽ từng câu hỏi…
Bến sông Đình Đoài từng diễn ra cuộc tiễn đưa trên 1.500 trai làng ra mặt trận, 230 người ra đi mãi mãi không về. Ảnh: Đoàn Đức Chính
Cùng với câu hỏi và trả lời, hành trình đã nhắc nhớ nhà văn Dương Hướng trở về miền ký ức xa xăm. Miền quê trong ca khúc “Nắng ấm quê hương” của Vĩnh An hiện lên trước mắt chúng tôi “Ai đặt tên cho đất, Thái Bình tự bao giờ… Thái Binh ơi, sao mà yêu đến thế/ Anh yêu em Diêm Điền rừng phi lao gió hát…”. Đây là làng An Lệnh xưa có tên là làng Đông. Đây con đường anh lính 16 tuổi rời xa quê nhập ngũ (năm 1965) với bao hoài bão, ước mơ và cũng chính là con đường này người lính may mắn trở về sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất và lại “xê dịch” về đất mỏ trở thành cán bộ ngành Hải quan Quảng Ninh. Kia là con đê đã in dấu chân chàng trai học giỏi văn vẫn thường đi bộ. Bên kia là Cống Linh chính là Cống Trà Linh con đê ngăn mặn dọc bờ sông Diêm Hộ. Chỗ này trước đây là là Đình Đông, phía bờ sông có cây quéo cổ thụ, con chó đá, bến Đá Bạc, mả Rốt…trong tác phẩm đấy. “À”, nhà văn chợt nhớ ra “Nhà ông Đột ở bên kia bến sông đấy. Trước đây khi có lần về quê, tôi đã bị rầy rà vì vợ nhân vật “truy bức”, “gán tội” nói xấu Chủ tịch xã đơm ràng không biết chữ”… Nhà văn lặng đi trong miền cảm xúc suy tư. Đôi mắt anh nhìn vào khoảng không xa xăm như cuộc đối thoại gần lắm với những nhân vật bằng xương, bằng thịt năm xưa đang tập hợp đội hình trước mắt. Nhà văn trở về làng quê mình tìm về bến nước cầu Đá Bạc, đình Đông Đoài xưa, mải mốt bước chân trên triền đê tìm lại những dấu hương xưa. Thôn Đông của anh tưởng yên lành sau lũy tre xanh mà sao nhiều giông gió, bão táp, xung đột, dằn vặt, đau đớn…đến thế? Làng quê Bắc bộ nổi tiếng với cây đa, bến nước, sân đình mà tồn tại nhiều lề thói cổ hủ , hủ tục lạc hậu, nghiệt ngã, cấm kỵ, trói buộc, giết chết những mưu cầu hạnh phúc của con người nhiều đến vậy? Bước vào hòa bình mà người lính lại “nhận thêm một cuộc chiến tranh” nữa ở nơi mình trở về. Bao số phận, cảnh đời trớ trêu cứ đan cài, dăng dện. Những chàng trai làng Đông ra trận không về khiến bao người phụ nữ khắc khoải, tìm nhau, tụ lại ở “Bến không chồng”. Hình ảnh cầu Đá Bạc là một phát hiện, một tín hiệu thẩm mỹ đầy ám ảnh. Ở nơi này, những người đàn bà làng Đông tìm cho mình niềm vui gặp gỡ, chuyện trò… Dẫu mỗi thực thể lặng lẽ, cô đơn, chiếc bóng, nhưng ít ra bến nước này tụ hội những người cùng cảnh ngộ, nơi để họ có thể dìu nhau, vịn yêu tin để sống, để trông chờ phép màu mong một ngày người đàn ông của họ sẽ trở về. Chưa bao giờ làng Đông và nhiều làng quê thời chiến lại vắng đàn ông đến thế. Chưa bao giờ họ mòn mỏi trông chờ đàn ông đến thế. Đàn ông và những nỗi khao khát đàn bà “Buổi trăng lên em tự vuốt bóng mình” (Hoàng Trần Cương), “Em oằn mình cắn nát vai giường/ Người đàn ông của em ở đâu” (Y Phương)…
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Dương Hướng (thứ ba từ trái sang) và lãnh đạo xã Thuỵ Liên bên công trình “Bến không chồng. Ảnh: Đoàn Đức Chính
Và niềm mong của họ đã thành hiện thực. Những người đàn ông may mắn trở về làng Đông với từng cảnh ngộ khác nhau. Có người lính trở về với vẻ ngoài “lành lặn”, oai phong thế mà sao vẫn khía đau trái tim đàn bà khiến họ xa xót, dang dở, bẽ bàng đến vậy. Lại có người lính trở về với một hình hài khác lạ đến chính mình cũng “không nhận ra mình trong ảnh”, khiến người con gái của họ phải chạy trốn khỏi làng. Người thì tự “gồng mình” sống khác đi, sống kiềm chế, quên những nhu cầu bản năng thiết thân của con người cho đến lúc sống thật với mình là chạm đến bi kịch…
Chiến tranh không mang gương mặt đàn bà. Tính dự báo thể hiện ngay trong tác phẩm. Đó là một phẩm tính đặc thù của nhà văn. Dương Hướng đã nhìn ra, nhìn thấu tất cả những điều đó từ quê hương, người thân, người lính trở về sau năm 1975. Nỗi ám ảnh đó găm sâu trong tiềm thức để 15 năm sau, ở tuổi 41, nhìn vào từng số phận, anh mới đủ trải nghiệm, vốn liếng, sự dũng cảm đối diện với sự thật để viết, dẫu biết “Sự thật viết rất khó. Mà khó hơn tất cả là viết lên chân lý” (M. Sô lô khốp).
Những năm tháng cả đất nước cùng “Ra trận”, “Cả nước lên đường xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục/ Xóm dưới làng trên con trai, con gái/ Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau” (Chính Hữu), như bao người con của Thụy Liên sinh ra thời chiến tranh, mới 16 tuổi, chàng trai học giỏi văn đành tạm gác mộng văn chương, lỗi hẹn với bao dự định, mơ ước cùng cả nước lên đường “Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ” (Tố Hữu). Kể từ ngày rời làng quê ra đi cứu nước, may mắn trở về, trong anh lúc nào cũng vẫn một niềm thao thiết với quê hương – nơi vùng lập điền lấn biển, ruộng đồng chua mặn, dân thưa; nơi “chôn nhau cắt rốn” đã nuôi dưỡng anh bằng dòng sông quê mộc mạc; nơi mà hạt thóc, củ khoai một nắng hai sương cũng mặn mòi màu biển…
Ân tình với quê hương Thái Thụy trung dũng, kiên cường – nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Bí, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh; nơi chỉ riêng Thụy Liên quê anh đã có 31 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có 230 người thân hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại… nhà văn Dương Hướng đã trả nghĩa quê hương bằng tiểu thuyết “Bến không chồng” viết về mảnh đất và con người quê hương khắc chạm một tượng đài chiến tranh mang gương mặt đàn bà.
Từ tiểu thuyết Bến không chồng…
Tôi có may mắn đọc tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng từ khi là bản thảo. Ngày ấy, tôi cùng tổ Văn Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với chị Nguyễn Thị Quy – người bạn đời của nhà văn. Thấy tôi yêu văn chương, thi thoảng có sáng tác, lại là chị em thân thiết cùng tổ, nên chị Quy thường chia sẻ với tôi những tác phẩm mới của anh. Thời đó chưa có máy vi tính, mỗi trang viết của chồng, chị Quy lại lặm lụi chép lại cho sạch sẽ, rồi chỉnh sửa câu chữ cho hoàn chỉnh. Anh nói về người vợ với lòng biết ơn “Chị Quy là người đầu tiên đọc bản thảo, đồng thời là người thẩm định, góp ý tác phẩm của anh. Có chỗ nào câu cú còn lem nhem, lỗ mỗ, diễn đạt chưa chuẩn chỉ, thì chính chị lại chỉnh trang lại bản thảo cho anh”.
Sau khi chạm mắt “Bến không chồng”, nỗi ám ảnh từ tác phẩm đối với tôi thật dai dẳng, dường như không có thời gian chững lại để nguôi ngoai. Quá nhạy cảm chăng để đứa con người lính đã từng chịu di chứng chiến tranh như tôi cứ vật vã cứ như bị thôi miên từ các thân phận trong “Bến không chồng”. Tôi có lý do dễ đồng cảm hơn với tác phẩm của anh. Bạn đọc thấy bóng dáng của mẹ, gia đình, người thân, những người phụ nữ ở các miền quê trong đó. Bạn đọc trân quý “Bến không chồng” bởi tính điển hình, khái quát và tính dự báo rất cao. “Bến không chồng” đã vượt khỏi phạm vi làng Đông đến với mọi vùng miền khác. Bởi họ thấy anh đã nói hộ một thông điệp ở đất nước này với nhiều bến đợi, nhiều “Vọng phu sống”, nhiều nỗi đau hóa đá như thế… Anh đã thuyết phục được người đọc (dẫu khó tính đến mấy) bởi chính sự chân thật, dung dị của sự kiện và độ chân thành, mộc mạc của cách viết. Anh rút ruột để viết để thổi bao cảm xúc yêu thương với thái độ trân trọng, tri ân với từng số phận con người ở làng quê trong và sau chiến tranh. Kể từ đó, anh đã trở thành nhà văn viết về thân phận đàn bà nông thôn thời hậu chiến ám ảnh nhất. Kể từ đó, tôi đã trở thành một “fan ruột” thủy chung với tác phẩm của anh.
Như những người cầm bút khác, nhà văn Dương Hướng tự định vị, xác lập vị trí là nhà văn chống Mỹ thời hậu chiến thủy chung với đề tài người lính, chiến tranh. “Bến không chồng” đã khắc chạm lên từng số phận, khía vào nỗi đau con người, trong đó đặc biệt người phụ nữ và người lính qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ngoài một “Bến không chồng” tiểu thuyết “gối đầu giường” gần 30 năm là bộ phim truyện nhựa cùng tên (do Lưu Trọng Văn chuyển thể kịch bản, Lưu Trọng Ninh đạo diễn) cũng ngót 20 năm bên tôi và mới đây là 34 tập phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” cũng do Lưu Trọng Ninh đạo diễn đã khép lại với bao nỗi xót xa, ám ảnh sâu xoáy trong tâm khảm. Tôi đã có mặt tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2017 và chứng kiến bộ phim “Thương nhớ ở ai” đã ẵm trọn 4 giải thưởng quan trọng ở thể loại phim truyền hình…
Tiểu thuyết “Bến không chồng” đã làm nên tên tuổi và định vị một nhà văn thế hệ chống Mỹ. Khai thác đề tài chiến tranh và nỗi đau hậu chiến, nhà văn Dương Hướng chân thành không giấu giữ rằng mình được “hưởng lộc” từ “Bến không chồng”. Trách nhiệm với ngòi bút, để có thể tập trung cao độ, nhà văn đã xin nghỉ không lương ở Hải quan Quảng Ninh nửa năm trời để viết “Bến không chồng”. Anh viết theo yêu cầu đặt hàng. Viết bởi trái tim hối thúc. Viết cho thỏa lòng đam mê văn chương. Viết tại “nhà sáng tác” tại gia suốt 6 tháng ròng. Viết trên chiếc giường ọp ẹp ở góc nhà tối tăm, ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Viết trong lúc cả nhà chỉ trông vào suất lương giáo viên của vợ. Viết trong tiếng ầm ào phố thợ. Viết trong không gian đùa nghịch của bọn trẻ đứa trèo lên đầu, lên cổ, đứa túm tai, giứt tóc…
Đến công trình tri ân
Không bõ công người “phu chữ” miệt mài “cày trên cánh đồng chữ”, sau giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 (cùng Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”, Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”), “Bến không chồng” đã đưa tên tuổi người con trai làng Đông đến với bạn đọc cả nước và vượt biên giới đến với bạn bè năm châu. Tính đến thời điểm này, tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp, Ý và sắp tới là tiếng Đức. Tôi tin, tác phẩm dịch “Bến không chồng” không dừng ở đó.
Là cán bộ công tác trong ngành hải quan, nhưng nhà văn “tự thú” được hưởng “lộc” lại từ văn chương. Tôi tin là anh đã nói rất thật. Những văn nghệ sĩ lao động sáng tạo thành danh đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Biệt thự đẹp như mơ dưới chân cầu Bãi Cháy, nhìn lên Vòng quay mặt trời, cáp treo Nữ Hoàng cũng “nhờ lộc” từ tiểu thuyết “Bến không chồng”. Rồi Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 mang đến niềm tự hào cho người trai làng Đông cũng từ “Bến không chồng”. Và hôm nay quê hương lưu danh bến sông huyền thoại, vinh danh nhà văn Dương Hướng xây dựng Khu bia lưu niệm cũng vẫn là “Bến không chồng”.
Lời hẹn về “Bến không chồng” sau gần 30 năm tiểu thuyết ra đời, tôi mới thực hiện được. Khi hỏi ý tưởng xây dựng dựng bia đá lưu danh, nhà văn Dương Hướng xúc động nói “Ý tưởng này xuất phát từ những cán bộ lãnh đạo xã còn trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đặc biệt rất quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa cho quê hương. Chưa khi nào tôi dám nghĩ đến việc lưu danh Bến không chồng tại nơi nó sinh ra như thế. Tôi lại càng không dám nghĩ xã xây dựng Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” hoành tráng đến thế. Khi triển khai công trình, tôi cũng chỉ dám nghĩ dựng cái bia như cột mốc cây số thôi. Tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của quê hương dành cho mình”. Đón chúng tôi ở Khu lưu niệm là hai lãnh đạo xã Thụy Liên: Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hải Năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Vũ Thành Quang mà nhà văn Dương Hướng vừa kể. Vừa rót nước mời khách, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải Năng vừa cho biết việc triển khai công trình Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” từ ý tưởng của tập thể lãnh đạo xã: “Để xây dựng Khu bia lưu niệm “Bến không chồng”, Đảng ủy, Ủy ban dân dân, Hội đồng nhân dân xã Thụy Liên chúng tôi đã họp bàn nhiều lần. Rất may mắn, ý tưởng này đã tìm được tiếng nói chung, đồng thuận cao và nhất là nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong xã. Sở dĩ công trình này nhận được sự đồng thuận là vì chúng tôi căn cứ sự kiện lịch sử ở bến sông Đình Đoài năm xưa đã diễn ra nhiều cuộc tiễn đưa người con Thụy Liên ra trận với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Vào thập kỷ 60, xã có hơn một ngàn ngôi nhà, dân cư thưa thớt, hơn 1.500 người con Thụy Liên nhập ngũ, trong đó có 230 chiến sĩ đã hy sinh ở mặt trận, mãi mãi không bao giờ được trở về bến sông đưa tiễn năm xưa. Hiện phần lớn hài cốt liệt sĩ đã được đưa về quy tập tại nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà. Cả Thụy Liên có 31 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nay chỉ còn một bà mẹ sống.
Sự hy sinh lớn lao, không có gì có thể bù đắp nổi. Việc tri ân với sự hy sinh đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và mỗi địa phương thể hiện bằng nhiều cách làm khác nhau. Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định cách làm nào thiết thực, hiệu quả để người dân địa phương tự hào về truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ chưa hề biết đến chiến tranh bằng hình tượng nghệ thuật chứ không phải sự rao giảng chung chung. Nát óc nghĩ suy, cuối cùng tập thể lãnh đạo chúng tôi đã tìm ra đáp án. Thật may mắn xã chúng tôi có nhà văn Dương Hướng. Anh đã đắp nổi chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng “Bến không chồng” mà chất liệu hiện thực lại từ chính con người quê hương…”.
Chủ tịch xã Vũ Thành Quang cho biết thêm “Đảng bộ, chính quyền địa phương chúng tôi nhận thức sâu sắc vấn đề này. Thêm nữa, xã nhận được sự ủng hộ của huyện Thái Thụy. Mảnh đất, bến sông này rất cần được lưu danh, là một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ lòng tự hào truyền thống yêu nước, vẻ đẹp nhân văn về lẽ sống đẹp vì Tổ quốc, vì nhân dân. Sản phẩm sáng tạo là do lao động cá nhân của nhà văn Dương Hướng. Nhưng tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa bởi cái đẹp từ tác phẩm đã vượt ra ngoài cá nhân để đến với cộng đồng. “Bến không chồng” đã trở thành tài sản văn hóa tinh thần không riêng xã Thụy Liên. Khi nhận được sự đồng thuận cao, xã mới triển khai xây dựng trên cơ sở kinh phí Nhà nước và vận động nguồn lực xã hội hóa”.
Công trình Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” gồm nhiều hạng mục: Bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kè đá hai bên bờ sông Đình Đoài… Cho đến thời điểm này, xã đã hoàn thành phần bia biểu tượng, bậc đá lên xuống bến sông, lát gạch, lan can và tiếp tục mở rộng dòng sông phía bờ bên kia. Tượng đài và bia lưu niệm mang tính khái quát cao, được chế tác từ đá nguyên khối có dáng dấp một thiếu phụ bồng con đứng trông chồng. Nổi bật dòng chữ lớn “Bến không chồng” phía trên là dòng chữ khắc ghi: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim truyện, được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016″.
Công trình Tượng đài và bia lưu niệm có ý nghĩa xã hội sâu sắc với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng, trong đó Công ty Thủy lợi Bắc Thái Bình đầu tư 2.2 tỷ đồng, còn lại là huy động các nguồn lực xã hội hóa. Nhà văn Dương Hướng cho biết có nhà hảo tâm ở Quảng Ninh khởi tâm đóng góp vào công trình tri ân hơn 350 triệu đồng, nhưng xin được giấu tên nhà tài trợ.
Nhà văn Dương Hướng (thứ 6 từ trái sang) cùng lãnh đạo xã Thuỵ Liên và một số bạn văn chụp ảnh lưu niệm bên công trình “Bến không chồng”. Ảnh: Đoàn Đức Chính
Là nhà văn, là con một người lính, tôi thấu hiểu sự hy sinh gian khổ của người lính và còn có một sự hy sinh khác lớn hơn từ phía hậu phương của những người mẹ, người vợ, người con mà tác phẩm “Bến không chồng” đã viết về họ với cảm xúc thiêng liêng. Tác phẩm từ cuộc đời bước vào trang sách và từ trang sách lại bước ra cuộc sống để lan tỏa cái đẹp. Chỉ có sự thiện tâm của lòng người, sự thông tuệ đi tìm ngọn nguồn, bản chất cái đẹp của hình tượng nghệ thuật mới thấy được và làm được điều nhân văn đó. Về Thái Bình lần này, tôi hiểu thêm nghĩa cử cao đẹp của Thụy Liên và nhiều địa phương khác với các nhà văn. Việc thường thấy là đặt tên nhà văn trên đường phố ở nhiều tỉnh/ thành (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…). Bắc Ninh xây dựng cụm đường phố mang tên các văn nghệ sĩ, như: Kim Lân, Xuân Diệu, Văn Cao, Tản Đà, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nam Cao… Bắc Ninh còn tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất xây dựng Nhà lưu niệm Kim Lân, Nhà lưu niệm Văn học Nga tại quê hương nhà văn (làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Khu lưu niệm “Á Nam Lưu niệm đường” tôn vinh Á Nam Trần Tuấn Khải ở TP Hồ Chí Minh… Quảng Ninh có chính sách tri ân văn nghệ sĩ bằng hành động thiết thực. Nếu không có những người khởi tâm ý tưởng xây dựng khu lưu niệm tôn vinh “Bến không chồng” như hai đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã Thụy Liên thì khó có được công trình tưởng niệm ý nghĩa như hôm nay.
Có một “Bến không chồng” của làng Đông vẫn hiện hữu trong đời sống hôm nay như những “Vọng phu sống” hóa đá bất tử. Khu bia lưu niệm “Bến không chồng” sẽ phát huy tốt tác dụng, trở thành một địa chỉ văn hóa – giáo dục đáng tin cậy; tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến thăm; là nguồn tư liệu tốt giúp học tập môn văn học địa phương… Từ kinh nghiệm của Thái Thụy cũng là gợi ý cho nhiều địa phương khác vừa tôn vinh lao động sáng tạo của nhà văn, vừa giáo dục truyền thống yêu nước với những trang sử hào hùng của dân tộc và khắc chạm một tượng đài bát tử “Chiến tranh mang gương mặt đàn bà”.
Theo http://toquoc.vn