Tiếp bước con đường cha anh đã chọn

Đăng lúc: 05-06-2024 1:29 Chiều - Đã xem: 104 lượt xem In bài viết

Tối 17/5/2024, tại Nghĩa trang TNXP Thọ Lộc , Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên (VTV8) phối hợp Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây” với chủ đề “Khoảng trời và hố bom”. Trong chương trình truyền hình trực tiếp này, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim đã có bài phát biểu cảm động. Ban biên tập xin trân trọng đăng toàn văn bài phái biểu này. Tiêu đề do Ban biên tập đặt.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu!

          Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta bị tạm thời chia cắt làm hai miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam – Bắc, đảm bảo cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới có tuyến đường liên lạc qua miền Tây Quảng Trị. Tuy nhiên con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.

          Từ đó,“Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam được giao nhiệm vụ đặc biệt; biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559. Trưởng thành trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu Đoàn 559 đã phát triển lớn mạnh thành Binh đoàn Trường Sơn – đơn vị cấp quân khu.

          Trường Sơn là chiến trường quan trọng và rộng lớn trải dài trên địa bàn 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, được chỉ huy thông suốt và thống nhất. Đến năm 1973 – 1975, Binh đoàn Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong…

           Hôm nay chúng ta về đây Nghĩa trang Thọ Lộc[1], nơi các đồng chí bộ đội, TNXP nằm xuống. Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đi vào lịch sử của dân tộc ta như một huyền thoại. Đây là con đường của ý chí độc lập tự do, thống nhất non sông;  là nơi thử thách ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam với tinh thần “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn[2]”,  “gan không núng, chí không mòn[3]”. Đó là tinh thần quả cảm của Bộ đội Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến và các lực lượng đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường này.  Mỗi cán bộ chiến sĩ  đều nhận rõ vinh dự tự hào, đồng thời cũng nhận rõ đây sẽ là trận tuyến mới thầm lặng nhiều thử thách khốc liệt. Ở đây người chiến sĩ không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn phải chống chọi với thời tiết nghiệt ngã, với thú dữ…của núi rừng Trường Sơn.

          Trải qua những tháng ngày gian khổ, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã tiến được những bước vững chắc, quan trọng trên con đường chiến lược Bắc – Nam. Từ những bước đi lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người chiến sĩ Trường Sơn đã mở con đường huyền thoại với 5 trục dọc, 21 trục ngang dài hơn 17.000.000km đường xe cơ giới; mở 3.000 km đường giao liên; xây dựng 1.250km đường thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại. Đặc biệt đã mở 1.400km đường ống xăng dầu. Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược; chuyển bằng cơ giới 40 vạn quân, tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật…Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.450 máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống hơn 17.700 quân địch.

          Lực lượng TNXP luôn bám sát tuyến đường, cùng bộ đội làm nhiệm vụ trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Đặc biệt là các “tọa độ lửa” như Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đèo Phu Lai Nhích, Cua Chữ A, Cổng Trời, Hàm Rồng, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, … Từ đó xuất hiện những tập thể TNXP anh hùng như 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc[4], 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn[5], Đội 25[6] trên đường 20 Quyết thắng, Đại đội 759 TNXP[7], Đại đội 551[8] TNXP Hà Tĩnh, Đại đội TNXP 253[9] làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào; Và những Anh hùng TNXP tiêu biểu như Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Tri Ân, Đinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ, Vũ Tiến Đề, Nguyễn Phong Lưu…

          Binh đoàn 12 – đơn vị kế thừa và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn – được giao trọng trách khảo sát, đánh giá hiện trạng để có biện pháp khôi phục di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh – Đông Trường Sơn.

Có thể khẳng định, trí tuệ Việt Nam, ý chí Việt Nam và bao trùm là sức mạnh Việt Nam cùng với sự giúp đỡ quý báu của quốc tế đã làm nên con đường ấy. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ người Việt Nam cần nâng niu, trân trọng, đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ.

          Chúng tôi nguyện:     

Tiếp bước con đường cha anh đã chọn

Bảo vệ Tổ quốc độc lập, tự do

Dựng xây đất nước đẹp giàu

Quê hương muôn dân hạnh phúc

Lòng thành mãi mãi khắc ghi

Hy sinh vì nước, công thì ngàn năm!

          Cầu nguyện cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng, an lành nơi thế giới linh thiêng! Kính cầu các anh linh luôn dõi theo phù hộ, độ trì cho Quốc thái Dân an, cho đất nước phồn vinh, mọi nhà hạnh phúc; phù hộ độ trì cho tất cả chúng tôi là cựu TNXP, là thế hệ trẻ và gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc!

 Vũ Trọng Kim 

 

 

         

 

 

 


[1] Nghĩa trang Thọ Lộc còn gọi là nghĩa trang Đông Dương, tọa lạc trên một đồi thông, ven quốc lộ 2B, tại thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình Đây là nơi an nghỉ của gần 700 liệt sĩ là bộ đội, TNXP, cán bộ công nhân viên ngành giao thông và dân công hỏa tuyến của 25 tỉnh, thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

[2] “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” – lời Bác Hồ năm 1945 qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

[3] Trích từ bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu.

[4] Tiểu đội 4 đại đội 552 Đội 55 Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định ngày 7/6/1972), Anh hùng Lao động.

[5] Tiểu đội 2, Đại đội 317, Đội 300, Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An (Quyết định số 1304/QĐ-CTN ngày 23/09/2008)

[6] Đội Thanh niên xung phong 25 Hà Nam, Ban Xây dựng 67, Bộ Giao thông Vận tải, Anh hùng Lao động, (Quyết định số 78/LCT ngày 07/06/1972).

[7] Đại đội Thanh niên xung phong 759, N75, Đoàn 559 (Quyết định năm 1967).

[8] Đại đội 551, N55 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định năm 1972).

[9] Đội Thanh niên xung phong 253 thuộc Tổng đội TNXP 572 Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) (Quyết định 211/QĐ-CTN ngày 22/02/2010)