Tiểu đoàn TNXP 303 trong Trung đoàn 98 anh hùng giữa Trường Sơn

Đăng lúc: 03-06-2024 8:28 Sáng - Đã xem: 213 lượt xem In bài viết

Cuối những năm 1972, tình hình chiến trường miền Nam có những chuyển biến lớn, yêu cầu vận tải cho chiến trường miền Nam tăng lên. Một mặt đảm bảo cho yêu cầu của mặt trận, mặt khác có lượng dự trữ đủ lớn khi ta tổng tấn công.

Phó Thủ tướng Đỗ Mười, thay mặt Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam, giao cho UBND tỉnh và Tỉnh đoàn Hà Tây tổ chức một Đội TNXP tập trung 500 quân, lấy phiên hiệu là N.P 303, nhanh chóng bổ sung cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559, để làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, mở đường chiến lược phục vụ cho chi viện tiền tuyến miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây đã giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn Hà Tây tổ chức thực hiện. Hà Tây là quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn”, nơi có truyền thống chi viện cho chiến trường “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Cuối năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng dùng máy bay B52 đánh phá hủy diệt vào Hà Nội, Hải phòng và nhiều cơ sở ở miền Bắc, chúng muốn “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Căm thù giặc Mỹ, khí thế 3 sẵn sàng của thanh niên Hà Tây lên cao. Sau khi phát lệnh tuyển quân, chỉ trong vòng 20 ngày, tỉnh đoàn Hà Tây đã nhận được hàng vạn đơn tình nguyện của đoàn viên, thanh niên xin gia nhập bộ đội, TNXP, sẵn sàng lên đường ra tiền tuyến. Nhiều anh chị em chưa đến tuổi đã khai tăng tuổi, một số anh chị em thuộc diện chính sách cũng trốn gia đình, làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau khi sàng lọc tại các huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Hà Đông, hội đồng đã tuyển chọn được 505 cán bộ, chiến sỹ gồm 331 nam, 174 nữ; trong đó có 25 đảng viên, 50 đoàn viên, biên chế thành 4 đại đội. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã quyết định thành lập bộ khung, Ban chỉ huy Đội gồm 4 đồng chí: Dương Sỹ Hoạt làm Đội trưởng Vương Tửu làm Chính trị viên trưởng, Bùi Ngọc Dần Chính trị viên phó kiêm Đội phó, Nguyễn Bá Lục Đội phó phụ trách hậu cần. Các bộ phận chính trị, tham mưu, quân lực, hậu cần, quân y cùng được hình thành.

Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, đơn vị được Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Kỳ Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Trịnh Tiến Hòa, gặp gỡ, nói chuyện và trao cho đơn vị lá cờ truyền thống của Tỉnh ủy Hà Tây tặng “Thanh niên Hà Tây đã ra đi là chiến thắng”. Sau hơn một ngày đêm hành quân, đơn vị đã đến Quảng Bình. Ổn định chỗ đóng quân, Đại đội 1 và 2 đã phối hợp với Trung đoàn 99 đảm bảo giao thông phà Long Đại, tiếp đó là mở đường 15C tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ngày 14/12/1973, toàn Đội được lệnh của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 cấp tốc hành quân vào miền Tây Thừa Thiên Huế, đoạn từ ASầu, A Lưới đến Trao để chuẩn bị mở đường đoạn Trao – Bến Giàng. Các anh Trần Văn Phúc, Tô Đa Mạn đã trực tiếp xuống gặp gỡ Đảng ủy, Ban chỉ huy Đội, thăm hỏi động viên và giao nhiệm vụ. Ổn định chỗ ăn ở, Trung đoàn còn quyết định tăng cường cho mỗi đại đội TNXP một cán bộ giàu kinh nghiệm của công binh xuống giúp đỡ thường xuyên cho từng đại đội để giải quyết khó khăn trong thi công.

Ảnh: theo sách Nhớ một thời Trường Sơn đánh Mỹ, 12/2005, Ban liên lạc Đội Thanh niên xung phong 303 Hà Tây

Trung đoàn 98 được lệnh thi công, nối thông hành lang chiến lược phía Đông Trường Sơn. E98 ra quân trên một tuyến dài gần 150Km, từ A Sầu – A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, qua Bù Lạch Xưởng Gíây, biên giới Việt Lào đến Trao – Bung – Bến Giàng thuộc tỉnh Quảng Đà. Bao nhiêu điều mới lạ, khó khăn chồng chất đơn vị phải trải qua. Núi rừng Trường Sơn âm u, chắn lối. Nơi đây từng diễn ra cuộc chiến liên tục của bộ đội Trường Sơn hàng chục năm trời. Hàng ngàn lần máy bay đánh phá hủy diệt, ở đây cũng diễn ra cuộc chiến giữa bộ đội Trị Thiên, bộ đội Trường Sơn, mà điển hình là chiến thắng Cô Ca Va, diệt hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ giữa vùng tuyến Trường Sơn, Mỹ phải bỏ chạy. Một tuyến đường không còn ra đường, bom đạn quân thù quần tan nát, lầy lội, ẩm ướt. Nơi đây Đội TNXP 303 đã cùng E98 nhanh chóng rải quân, họ chỉ có trang bị thô sơ, cây cuốc, cây xẻng, chiếc bừa gỗ, ngày ngày trầm mình trong vùng trống trải, thời tiết khô hanh, vùng biên giới khắc nghiệt. Không biết nơi đây đế quốc Mỹ đã rải hàng chục ngàn lít chất độc da cam/dioxin. Đội vẫn san lấp hố bom, rải đá mặt đường, chống lầy cho các đoàn xe oằn mình ra phía trước. Có phân đội đã phải cùng sống với núi cao hiểm trở, biên giới Việt Lào. Bù Lạch – A Dớt ngày đêm âm u, chỉ thấy sương mù bao phủ, ít thấy ánh sáng mặt trời, nhưng anh chị em TNXP vẫn không quản ngại thích nghi dần. Có chị em mặt còn búng ra sữa nhưng đã dám một mình với cái xà beng khá nặng, leo taluy cao hàng chục mét, vẫn miệt mài đánh mìn, xả đá. Phối hợp với máy thi công bằng sự sáng tạo, sức mạnh của tuổi trẻ. Đỉnh A Dớt- A Tép dần được chinh phục. Đường hẹp, cua gấp đã được mở rộng, mặt đường được rải đá tại chỗ để đón các đoàn xe vươn ra phía trước.

Đoạn Trao – Bến Giàng (50Km) qua nhiều sông suối, có 2 sông lớn: sông Bung và sông Cái, một đèo cao, khối lượng đất đá lớn. Nhưng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Cả đơn vị đã không kể ngày đêm, dốc sức hoàn thành, thông xe đúng dịp kỷ niệm 83 năm ngày sinh của Bác, khánh thành đoạn Trao – Bến Giàng chỉ trong 126 ngày đêm. Được sự giúp đỡ của Ban chỉ huy Trung đoàn E98, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 303 thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tình hình nhiệm vụ, giáo dục về truyền thống quê hương Hà Tây, truyền thống mở đường “Thần tốc” của Trung đoàn E98. Nhận thức của toàn Đội ngày một nâng cao, trong lao động, trong mở đường, phá đá. Những ngày đầu lao động chỉ đạt 50-60%, sau tăng dần đạt đến 100 -150%. Kết hợp với máy ủi C100, toàn Đội đã hoàn thành khối lượng. Đóng góp 405.000 ngày công, cùng Trung đoàn E98 đào đắp, bốc xếp, vận chuyển hàng triệu m3 đất đá, thông xe 60Km đường, mở rộng, làm mới 23,4Km, rải đá 10,5Km, cấp phối 12,9Km, lát 54 kè, 6 ngầm vượt sông, 94 cống và làm 8 ga tránh. Ngày khánh thành hàng đoàn xe được tổ chức tại Trao, có sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Đà. Hàng trăm xe tải đã lần đầu tiên chuyển bánh an toàn, mang hàng kịp cho giải phóng Nông Sơn – Thượng Đức[1] của Quảng Đà. Mặc dù lao động vất vả nhưng TNXP Tiểu đoàn 303 còn nhiều hoạt động khác như đêm về học văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc cho quên đi nỗi nhọc nhằn và nỗi nhớ quê hương, nhất là những ngày Tết đến, xuân về.

          Vui mừng nhất là ngày Tiểu đoàn TNXP 303 cùng Trung đoàn E98, đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Trung đoàn, tại thị trấn Trao (Đông Giang), ngày 3/9/1973. Đến cuối năm 1974, cung đường Trường Sơn dài hơn 80Km do E98 và Đội TNXP 303 phụ trách đã hoàn thành. Toàn tuyến phía Đông Trường Sơn đã vận hành thông suốt. Các đoàn xe mang ký hiệu TS (Trường Sơn) xuôi ngược, các quân binh chủng lũ lượt kéo vào miền Nam, những nòng pháo vút qua ngạo nghễ, những chiếc xe tăng dồn dập đầy lá ngụy trang. Từng đoàn quân trẻ khỏe, với ánh mắt, niềm tin ngồi trên xe ra trận. Dưới mặt đường, công binh và TNXP đều có một cảm nhận: Tiền tuyến đang vẫy gọi, tuổi thanh xuân không quản ngại khó khăn. Tháng 3/1975, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã. Tiếp đến là chiến dịch Huế – Đà Nẵng, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đội TNXP 303 hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, giữ vững truyền thống anh hùng của Trung đoàn 98 và giữ đúng lời hứa trước lúc ra đi “Thanh niên Hà Tây đã ra đi là chiến thắng”.

Bài viết kỷ niệm 65 năm ngày mở Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh

          NGÔ TUYẾN

Theo “Trung đoàn mở đường thần tốc”, Nhà Xuất bản QĐND, năm 2004


[1] Chiến dịch Nông Sơn – Thượng Đức (17/7 – 25/8/1974) loại khỏi chiến đấu 10.000 địch (bắt 2.338), thu 2.106 súng (có 4 pháo 105mm), 24 xe quân sự; giải phóng khu vực Nông Sơn-Trung Phước, Thượng Đức và vùng Tây Nam Quế Sơn, Tây Bắc Tam Kỳ với 117.000 dân. tạo thế uy hiếp thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây Nam, tạo thuận lợi để xây dựng và chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở địa bàn Quân khu 5