Hoàng hôn đang xuống – tôi đi dọc triền sông Đáy quê mình, thả hồn theo những con sóng nhỏ sau trận mưa dài ngày cuối thu. Dòng sông như trải rộng, vồng lên. “Đẹp sao Phụ nữ Việt Nam – Giỏi giang việc nước đảm đang việc nhà – Vượt gian khó, kết vinh hoa – Gieo mầm hạnh phúc khúc ca khải hoàn”. Những ca từ mượt mà, trữ tình của bài hát “Ngợi ca người phụ nữ Việt Nam” theo làn điệu chèo đào liễu của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam làm xao xuyến lòng tôi.
Tôi bồi hồi nhớ lại cuộc hội tụ kỳ ngộ cách đây chưa đầy 2 tháng – nhớ các đồng đội của mình ở Sài gòn xa xôi. Chuyện là thế này: thông qua Văn phòng TW Hội Cựu TNXP Việt Nam tôi được Giám đốc Công ty CréaTV làm nhân chứng cho một bộ phim tài liệu lịch sử có tựa đề “Đi tìm chị Hải”. Qua một người bạn tại TP Phủ Lý, tôi nhờ chị Nguyễn Thị Đoàn – Trưởng ban liên lạc nữ cựu TNXP của Phủ Lý tại Thành phố Hồ Chí Minh – tìm thêm mấy đồng đội C5 – Đội N25 anh hùng. Ngay tối 9/8 các chị Nguyễn Thị Mỵ (Phường 15), chị Đỗ Thị Tuyết (Phường 16), Nguyễn Thị Nội (Phường 9) quận Gò Vấp, chị Lương Thị Trâm (quận Tân Phú) đã tập trung ở nhà chị Đoàn (Quận 12 thành phố Thủ Đức). Sáng ngày 10/8/2023 chúng tôi gặp nhau ở công viên Văn Thánh trong màu xanh áo lính. Tại trường quay chúng tôi đã nói được tinh thần phẩm chất TNXP, chiến sỹ Trường Sơn (CSTS), động cơ gia nhập TNXP chống Mỹ cứu nước của thanh niên ngày ấy (1965). Chúng tôi phải rời xa quê hương vào Trường Sơn xa xôi, hiểm trở, đầy bom đạn, nơi giữa sự sống và cái chết đặt trong gang tấc song vẫn kiên cường với khẩu hiệu ” Sống bám đường – chết kiên cường dũng cảm – quyết tử cho đường quyết thông “…
Hình ảnh anh dũng và sáng kiến phá bom nổ chậm của Nguyễn Thị Vân Liệu[1] đã được tôi và các chị nói rất rõ. Chúng tôi đều là cán bộ, đội viên của C5 anh hùng ở trọng điểm Cua chữ A Ánh mắt và niềm vui thể hiện trên khuôn mặt từng người. Chúng tôi đã nói được tiếng nói của đồng đội, những người đã trở thành bất tử vì sự bình yên của đất nước và những người còn đang sống. Được hát những bài ca đi cùng năm tháng: Cô gái mở đường, Trường sơn Đông, Trường sơn Tây…. Tiếng hát của chúng tôi không hay nhưng vang vọng ở khoảng không của đất Sài Sòn giữa tháng Tám nắng và gió. Trưa hôm đó chị em chúng tôi được ở với nhau vài tiếng đồng hồ. Chiều chị Đoàn dẫn chúng tôi sang nhà con gái Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn chụp ảnh và đi ăn với nhau bát hủ tiếu. Lại nhớ tới cơm nắm ăn muối vừng khế chua ở Ba khe và dốc Đồng Tiền Đường 20 Quyết Thắng thời gian đầu mở đường. Nỗi nhớ lại ùa về với tình đồng đội cháy lòng.
Gần 17h chia tay nhau, tôi băn khoăn rơi lệ khi 5 chị đã dành 50% tiền được bồi dưỡng của công ty để gửi về làm quà thăm 10 đồng đội nữ TNXP C458 có hoàn cảnh đơn thân, ốm đau tại Phủ Lý. Vẫn là tình đồng đội không bút nào tả hết của những nữ cựu TNXP, nữ CSTS một thời và mãi mãi như 4 câu thơ: “Thời con gái là thời cầm súng/ Thời phá bom, xẻ núi, bắc cầu/ Trở về tình nghĩa bên nhau/ Vẫn nguyên chất lính – xanh màu Trường sơn” của Phạm Sinh – Phó Tổng biên tập bản tin Hội Trường Sơn Việt Nam.
Thân yêu xin chúc các nữ cựu TNXP, nữ cựu CSTS nhân năm ngày Phụ nữ Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc và tỏa sáng./.
Một số hình ảnh khác
Ngày 15/10/2023
Tạ Thị Hoán
[1] Tên thật là Nguyễn Thị Liệu, sinh năm 1945 tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hy sinh ngày 27/05/1968; được được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 288/KT/CTN ngày 10/4/2001.