Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để đảm bảo bộ máy tinh gọn, đồng bộ, liên thông, cần sắp xếp theo hướng một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
ĐBQH Vũ Trọng Kim.
Trung ương cần gương mẫu đi đầu
Phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là một cuộc cách mạng. Nhìn lại 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về những kết quả đã đạt được?
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, quyết tâm trong thực hiện là chưa cao. Sắp xếp bộ máy chưa có tính tổng thể, đồng bộ. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu bộ, ngành.
Do vậy, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối. Việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng bao biện.
Chính vì thế, tinh thần chỉ đạo cũng như những gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp vừa qua là rất quan trọng.
Theo đó, quá trình tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát với tình hình thực tiễn; xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân.
Từ đó có các đề xuất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Theo ông, việc xây dựng bộ máy “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn này và nên được triển khai ra sao?
Ở đây nhận thức phải đi trước, khi hiểu rõ thực trạng tổ chức bộ máy, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện cải cách.
Thời điểm này phải quyết liệt và khẩn trương bởi chúng ta cũng đã nhận thức rõ là bộ máy đang cồng kềnh, tạo ra trì trệ, trở thành lực cản của sự phát triển.
Trên thế giới đa số các nước chỉ chi 40-50% tổng ngân sách cho lương và chi thường xuyên thì chúng ta hiện nay chi đến gần 70%.
Con số này cao không phải chúng ta trả lương cao mà là do số lượng biên chế quá nhiều. Khi tinh gọn được bộ máy, đồng nghĩa với việc tinh giản được số người hưởng lương ngân sách, từ đó sẽ giảm được việc chi thường xuyên.
Tinh gọn bộ máy phải thực hiện theo phương châm Trung ương gương mẫu đi đầu, từ đó địa phương tất sẽ gọn theo. Chẳng hạn sáp nhập một bộ, thì nhiều sở, ngành tương ứng ở địa phương cũng phải sáp nhập theo.
Lợi ích kép
Sắp xếp lại bộ máy là vấn đề có nhiều nội dung khó, phức tạp, phạm vi rộng và liên quan nhiều đối tượng. Theo ông, việc tinh gọn bộ máy lần này cần lưu ý những gì khi thực hiện?
Về hình thức, như đã nói ở trên, cần thực hiện nguyên tắc từ trên xuống, Trung ương phải thực hiện tốt, từ đó địa phương sẽ có mô hình tối ưu.
Việc cắt giảm các đầu mối trung gian giúp việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí (ảnh minh họa).
Để có mô hình bộ máy hiệu quả, phải đánh giá và phân tích chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức để xác định rõ những đơn vị nào hoạt động hiệu quả và những đơn vị nào có thể sáp nhập hoặc cắt giảm.
Bên cạnh xem xét hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm thiểu sự chồng chéo, việc cải cách quy trình làm việc, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, hướng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nâng cao hiệu suất làm việc cũng rất quan trọng.
Khi các đầu mối trung gian trong quản lý giảm bớt, thực thi công việc sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Một điều quan trọng nữa là phải cải cách chế độ làm việc, tăng cường tuyển dụng và đào tạo nhân sự chất lượng, khuyến khích sáng tạo, nêu cao trách nhiệm.
Bản chất của việc tinh gọn là giảm bớt người nhưng công việc có thể tăng lên, đòi hỏi cán bộ, công chức phải rất giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên nghị trường Quốc hội, ông từng nói “xin phản ánh chính xác 100% là có bộ trưởng nói với tôi rằng: Nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế chẳng hề hấn gì”. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Con số mà vị bộ trưởng đưa ra có thể có 2 cách hiểu. Thứ nhất là có một bộ phận biên chế năng lực yếu, không làm được việc, những người này có hay không trong cơ quan cũng không ảnh hưởng gì.
Nếu giảm biên chế sẽ có 2 tác dụng là giảm được người sách nhiễu, đồng thời tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.
Chính những cán bộ không làm được việc, năng lực yếu kém sẽ gây ra tình trạng phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí còn vẽ ra những thủ tục không đáng có để nhũng nhiễu.
Cách hiểu thứ hai là về bộ máy tổ chức, có những đơn vị trực thuộc bộ đó chồng chéo nhiệm vụ với đơn vị khác, việc có đơn vị này cũng được mà không có thì đơn vị khác cũng có thể làm thay.
Chúng ta đã nhìn nhận được thực trạng này, chính vì thế đang xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong.
Bớt sự trùng lặp nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm trong bộ máy không chỉ giúp chúng ta bớt được biên chế mà còn bớt được thủ tục hành chính.
Nếu sắp xếp tinh gọn, không còn vụ này, cục kia, chắc chắn người dân, doanh nghiệp cũng bớt phải đến các cơ quan đó để làm thủ tục. Đó là lợi ích kép của việc tinh gọn bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực.
Phân cấp, phân quyền để rõ trách nhiệm
Theo ông, việc áp dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa thế nào trong việc tinh gọn bộ máy hiện nay?
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý hành chính công ngày càng thể hiện sự ưu việt.
Bộ máy tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông là một trong những động lực quan trọng cho của sự phát triển (ảnh minh họa).
Ví dụ, trước đây những thủ tục như đổi giấy phép lái xe, đăng ký thường trú… người dân phải đến tận cơ quan công quyền thì nay có thể thực hiện ngay tại nhà bằng thiết bị kết nối internet.
Công nghệ thông tin giúp kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, tạo ra hệ thống liên thông, dễ dàng chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng phải đi nhiều cửa cho người dân và doanh nghiệp.
Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy công nghệ có thể giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, cải thiện khả năng phản hồi và tính minh bạch của các cơ quan công quyền.
Phân cấp, phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cũng là một trong những giải pháp để tinh gọn bộ máy, vậy cần làm gì để thực hiện hiệu quả việc này?
Thực tế phân cấp, phân quyền đã mang lại những lợi ích rất lớn cho địa phương. Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng chủ động và kịp thời có những quyết sách và hành động quyết liệt tạo nên những chuyển biến trong thực tế.
Vì thế, việc phân cấp, phân quyền cần theo hướng rõ ràng, hợp lý giữa Trung ương và địa phương sẽ giúp tránh tình trạng lạm quyền và né trách nhiệm.
Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phân cấp và cơ quan Nhà nước được phân cấp. Những chủ thể này phải được quy định rõ ràng.
Cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện, cần bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao quyền.
Cảm ơn ông!
Theo baogiaothong.vn