Tỉnh hội Lạng Sơn với chuyển đổi số

Đăng lúc: 09-11-2022 9:04 Sáng - Đã xem: 111 lượt xem In bài viết

Với những giải pháp tổng thể, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thành công trong công cuộc chuyển đổi số[1], phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số – DTI[2] 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 08/8/2022, Lạng Sơn xếp hạng 05 trong nhóm các tỉnh, thành phố, lần đầu tiên đặt chân vào top 10 tỉnh thành dẫn đầu về chuyển đổi số, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Tỉnh ủy. Giá trị DTI[3] của Lạng Sơn năm 2021 đạt 0,5242, tăng 0,1789 và tăng 11 bậc so với năm 2020. Trong đó: Chính quyền số xếp hạng 7 (tăng 11 bậc); Kinh tế số xếp hạng 7 (tăng 01 bậc); Xã hội số xếp hạng 7 (tăng 17 bậc). Trong các chỉ số thành phần, có 04 chỉ số Lạng Sơn nằm trong top 10, đặc biệt tỉnh xếp hạng 1 về nhân lực số… Trong đó, tỉnh đưa 100% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương được quản lý tập trung thống nhất tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu lên nền tảng điện toán đám mây Lạng Sơn Cloud, ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng[4]“, triển khai thành công Cửa khẩu số, Trợ lý ảo iSee Lạng Sơn giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, truy cập Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Nhờ triển khai công nghệ số, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- kinh tế- xã hội và người dân Lạng Sơn cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong thực hiện chuyển đổi số; làm chủ các phần mềm quản lý văn bản và xử lý công việc, xây dựng kho dữ liệu số hóa, các cổng thông tin điện tử, hỗ trợ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến[5] mức độ 3, mức độ 4, xây dựng nền tảng cửa khẩu số, trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, hướng dẫn tổ công nghệ cộng đồng tại khối phố, xã, phường, người dân trên địa bàn thiết lập cửa hàng số, đưa mặt hàng, nông sản của địa phương lên sàn Postmart[6]

Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Anh Nhưỡng (phải) trao đổi về dữ liệu cựu TNXP
nghèo, cận nghèo với Phó Chủ tịch Tỉnh hội Hà Thanh Bội

Về phần mình, Tỉnh hội Lạng Sơn đã sử dụng các phần mền quản lý văn bản, quản lý thanh toán tài chính trực tuyến không dùng tiền mặt; xây dựng các cơ sở dữ liệu: TNXP các thời kỳ cư trú ở Lạng Sơn từ ngày 15/7/1950 đến nay, Liệt sĩ – Thương binh TNXP, TNXP được chế độ trợ cấp theo các Quyết định 104/1999/QĐ-TTg, 40/2011/QĐ- TTg, Hộ cựu TNXP nghèo, cận nghèo, hộ sống cô đơn, mù lòa, bại liệt…; xây dựng nhóm cựu TNXP Lạng Sơn trên Zalo để các cấp hội và hội viên giao lưu, thông báo kết quả hoạt động. Nhiều sản phẩm của cựu TNXP làm kinh tế được quảng bá trên nền tảng công nghệ số như: na Chi Lăng, khẩu sli[7], thạch đen Tràng Định, cao khô[8] Chợ Bãi, Văn Quan, Bằng Mạc, Vạn Linh, Chi Lăng, hồng Bảo Lâm, Cao Lộc, hồng vành khuyên, Văn Lãng, hoa hồi, tinh dầu hồi và các sản phẩm OCOP…

Tuy vậy, cựu TNXP đa phần là người cao tuổi, trình độ học vấn thấp, thiếu kỹ năng, ngoại ngữ, sử dụng điện thoại thông minh, Internét, máy tính cá nhân chưa thành thạo nên việc chuyển đổi số chưa đồng đều. Đó là vấn đề đặt ra cho tổ chức Hội, cho Ban chấp hành, Ban Thường vụ,  nhất là người đứng đầu có phương án khắc phục phù hợp.

Nguyễn Anh Nhưỡng

Chủ tịch Tỉnh hội Lạng Sơn


[1] Với mỗi một doanh nghiệp, mỗi cách thức vận hành, mô hình tổ chức khác nhau thì định nghĩa về chuyển đổi số ((Digital Transformation) cũng khác. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu chuyển đổi số theo nghĩa rộng rãi là “định hình lại các ngành bằng cách tái cơ cấu các mô hình hoạt động và kinh doanh hiện có”

[2] Digital Transformation Index

[3] Chỉ số đánh giá chuyển đổi số

[4] Nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại tỉnh và tương tác với hệ thống trợ lý ảo iSee Lạng Sơn, thực hiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử… đây cũng là giải pháp nhanh chóng, thuận lợi, chính xác để người dân phản ánh, kiến nghị tương tác trực tuyến với chính quyền về các vi phạm, các sự cố của các lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an ninh trật tự… trên địa bàn và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả xử lý công việc của chính quyền

[5] Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.Mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.Mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

[6] Postmart.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được sáng lập và vận hành bởi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vào đầu năm 2019. Đây là mô hình thu mua nông sản sấy khô tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

[7] Khẩu Sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, Tết cổ truyền của người Tày, Nùng,  tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay còn gọi là bánh bỏng có chứa lạc.

[8] Mỳ khô, làm từ gạo bao thai, đoàn kết rất dẻo và thơm ngon