TNXP sau ngày giải phóng và chuyện chưa kể hết (1)

Đăng lúc: 06-09-2020 2:41 Chiều - Đã xem: 130 lượt xem In bài viết

Bài 1: Rừng thiêng nước độc

Trong căn phòng tràn ngập nắng sớm, tâm trí ông Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum, cũng tràn ngập niềm trìu mến khi hồi tưởng về những ngày thanh niên cả nước bắt tay vào vực dậy từng mảnh đất đổ nát tơi bời sau chiến tranh. Tại Gia Lai- Kon Tum lúc ấy, nòng cốt của phong trào thanh niên chính là lực lượng thanh niên xung phong.

“Họ ở dưới đồng bằng lên đây  xây dựng Tây Nguyên được, sao thanh niên tại chỗ không hết lòng bắt tay vào làm?”. Cùng lúc, hàng ngàn thanh niên Gia Lai- Kon Tum lúc bấy giờ cũng được huy động vào các phong trào tình nguyện để giúp đưa dân về làng cũ, khai hoang, làm kênh mương, hỗ trợ người dân vùng biên giới chống FULRO… Với lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) từ các tỉnh đồng bằng lên, trọng trách của họ là nối thông những huyết mạch giao thông với bao khó khăn và hiểm nguy chực chờ.
 Đối mặt với cọp dữ
Rừng hoang sơ dọc đường đi, rừng bao quanh bốn bề ở nơi những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong mới mười tám, đôi mươi dừng chân dựng lán tại Tân Cảnh (huyện Đak Tô) và Đak Kôi (huyện Kon Plông, nay thuộc Kon Rẫy). Với họ- những người con đồng bằng- rừng bí hiểm và đầy đe dọa. “Lũ con gái chúng tôi lúc đi thì rất hăng hái, nhưng khi đến nơi thì sợ lắm. Đêm đến, gió lạnh thốc tứ phía, chúng tôi quấn chặt tấm chăn mỏng và ôm nhau khóc. Lúc đó chúng tôi còn nghĩ sẽ không gặp lại được gia đình”- bà Hồ Thị Mai, một cựu TNXP hiện đang sống tại TP. Đà Nẵng, bồi hồi nhớ lại. Sau đó khoảng 6 tháng, lực lượng này được biên chế về nhiều đơn vị khác nhau như thủy lợi, giao thông, lâm nghiệp…, nhưng đa số là về Xí nghiệp Xây dựng Cầu đường Gia Lai- Kon Tum. Ưu tiên cao nhất vào thời điểm này vẫn là giao thông, đón tiếp dân từ đồng bằng lên Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới….

Tây Nguyên thời điểm đó nhanh chóng trở thành minh chứng cho cụm từ truyền miệng “rừng thiêng nước độc”. Cho đến giờ, trong câu chuyện hàn huyên khi gặp lại, nhiều người vẫn còn nhớ chuyện cọp về bắt người khi Đội cầu 4 đang thi công cây cầu Kon Rẫy năm 1976. Dân quanh vùng kinh hoàng vì “ông Ba mươi” cứ xuất hiện bất thần gieo rắc nỗi chết chóc. Giữa núi rừng thâm u với nhiều giai thoại huyễn hoặc, câu chuyện cũng gây ra những rúng động không nhỏ trong tư tưởng của anh em đội cầu. Họ quyết định mỗi đêm cắt cử một tốp đốt lửa thức canh xung quanh lán. Một hôm, anh thợ săn cừ khôi là người dân tộc địa phương sau nhiều lần phục kích đã bắn hạ được con cọp dữ này tại khu vực tăng gia sản xuất cách lán của đội chừng 2 km. Phải 4 người lực lưỡng mới khiêng nổi “ông” cọp về đến cầu Kon Rẫy. Ông Huỳnh Như Thiệt- một cựu TNXP đang sống tại TP. Đà Nẵng, dí dỏm kể: “Hồi đó tôi còn bước lại gần sờ râu nó, thử xem cảm giác “vuốt râu hùm” ra sao!”.

Cũng trong một “cuộc chiến” với cọp, đồng đội của ông là ông Phạm Bá Tài, hiện trú tại thị xã Ayun Pa- Gia Lai, đã mất oan một cánh tay phải. Chuyện đã mấy mươi năm nhưng ông vẫn nhớ mồn một: “Đó là vào năm 1979, c5 (Đại đội 5) chúng tôi đang thi công đường ở đèo Măng Rơi, huyện Đak Tô. Cả đội có nuôi được một con heo để cải thiện bữa ăn, nó lại sắp đẻ. Không ngờ, một đêm cọp về rình bắt mất”. Nghe đồng đội báo lại việc này, ông Tài tức khí xách một cục thuốc nổ (dùng để phá đá làm đường), đốt dây cháy chậm rồi đuổi theo, dự định sẽ “sống mái” một phen. Chạy tới miệng vực, ông định ném cục thuốc nổ theo hướng cọp vừa lẩn vào thì chợt khựng lại thất thần. Cơn giận dữ nhất thời không át được nỗi sợ bản năng: Trước mắt ông là 2 hòn than sáng rực trong đêm. Vài giây khựng lại ngắn ngủi ấy đã khiến “vũ khí” trong tay ông phát nổ. “May mà tôi chỉ mất tay…”- ông Tài kể lại như một câu chuyện tếu, dù mấy mươi năm trước đó đã từng là nỗi mất mát khó nguôi. 

Chân ướt chân ráo từ đồng bằng lên Tây Nguyên, đó là những ngày tháng gian khó không thể nào quên với những TNXP còn quá non trẻ: Đối mặt với khó khăn thiếu thốn về điều kiện ăn ở, phải sống chung với “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương” (lại có câu “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen”) và lao động cực nhọc nên những cơn sốt rừng nghiệt ngã cứ thi nhau tấn công từng người. Ông Tô Đình Anh- hiện sống tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), lúc bấy giờ là y tá của Đội cầu 4- lắc đầu nhớ lại: “Đội cầu có 120 người nhưng có lúc 40 người bị sốt rét!”. Ở độ tuổi đẹp nhất đời người mà da ai cũng vàng như nghệ; trong khi đó, thuốc điều trị lúc nào cũng thiếu. Đến giờ, ông vẫn nhớ như in cái chết của chị Nguyễn Thị Hoa- chị nuôi của đội, đồng thời là vợ của Đội trưởng Trần Ngọc Anh. “Lần đó, chị Hoa bị sốt rét ác tính, anh Ngọc Anh sốt ruột quá bèn bồng chị chạy bộ ra thị xã Kon Tum cách đó gần 30 cây số. Anh em trong đội cũng chạy theo giúp. Khi chỉ còn cách thị xã khoảng 2 cây số thì chị mất…”. Suốt nhiều năm cống hiến cho mảnh đất này, đã có tổng cộng 18 người vĩnh viễn nằm lại với đất rừng Tây Nguyên.

Chỉ một năm sau đó- 1978, Đội trưởng Trần Ngọc Anh- người đội trưởng mà ai cũng thương cũng quý, con người xông xáo, mẫn cán, nhiệt tình vốn là kỹ sư cầu đường được điều động từ Hà Nội vào Tây Nguyên hướng dẫn TNXP làm cầu đường, cũng hy sinh trong một lần đối đầu với FULRO. Sự việc đau lòng xảy ra vào đêm 19-7-1978, khi đó kỹ sư Ngọc Anh cùng Đội cầu 4 đã chuyển về đóng ở chân cầu Ia Xia (huyện Sa Thầy). Đêm xuống chưa sâu, một toán FULRO đã chực chờ sẵn và bất ngờ xông vào tấn công phòng chỉ huy cùng súng cối cầm tay M79 với ý định bắt sống đội trưởng. “Cả đội chúng tôi lúc đó không có vũ khí gì ngoài 3 khẩu súng AK. Nóng ruột, tôi đang cầm 1 khẩu, định lên đạn nhưng anh em ngăn lại, bởi có bắn thì cũng không giải quyết được gì, có khi còn đổ máu thêm”- ông Nguyễn Lành (Gia Lai) kể trong sự bất lực đau xót. Khi toán FULRO rút đi, cả đội ùa vào phòng chỉ huy thì Đội trưởng Ngọc Anh- vì dũng cảm chống cự- nên đã hy sinh bởi 2 vết đạn chí tử của bọn chúng.

Phương Duyên (baogialai.com.vn)