TNXP sau ngày giải phóng và chuyện chưa kể hết (2)

Đăng lúc: 07-09-2020 9:18 Sáng - Đã xem: 144 lượt xem In bài viết

Bài 2: Trên “đại công trường” Tây Nguyên

“Lên đây thì ở lại đây/Bao giờ tốt rễ xanh cây thì về”-t ình nguyện xung phong đến với vùng đất Bắc Tây Nguyên, không ai không biết câu thơ này. Đã xác định tư tưởng là vậy nên những ngày trên “đại công trường” Tây Nguyên sau những đổ nát chiến tranh, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã vắt cạn sức mình dù mưa, dù nắng…

Khẽ nhấp ngụm trà và trò chuyện cùng chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở phường Thống Nhất (TP. Pleiku, Gia Lai), ông Hà Văn Thành- nguyên Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Cầu đường Gia Lai, lúc bấy giờ được phân công làm Tổng Chỉ huy công trường với nhiệm vụ quản lý chung và hướng dẫn kỹ thuật cho toàn bộ lực lượng TNXP- nhớ lại: “Ngày ấy toàn là các bạn trẻ 16, 17 tuổi, nhiều lắm cũng mới ngoài 20 tuổi. Trẻ trung, hăng hái vậy đấy, nhưng nhiều người cũng rất hoang mang khi lần đầu đến với rừng núi hoang vu, một số người đã trốn về. Tôi lúc đó chỉ là cán bộ kỹ thuật nhưng cũng phải lo tập trung làm công tác tư tưởng, động viên họ cố gắng khắc phục khó khăn…”.

“Rời cán bút, cầm cán cuốc”

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với TNXP nên ông Hà Văn Thành hiểu và thương họ hơn ai hết. Quả là không dễ chút nào đối với một lớp trẻ chưa kịp hưởng dư vị hòa bình bao lâu đã nhanh chóng rơi vào một thực tại khác: Vừa rời ghế nhà trường, xa những ấm êm gia đình đã phải bắt tay vào hàng tá công việc nặng nhọc. Không nguy nan như thế hệ TNXP thứ nhất (chống Pháp) và thứ hai (chống Mỹ), nhưng nhiệm vụ của họ cũng không kém phần gian khó.

Đại đội 7 thanh niên xung phong đang làm đường ở huyện Kon Plông, Kon Tum năm 1976. Ảnh: Tư liệu

Kể về những ký ức của thời kỳ đó, bà Ngọc Mai- một cựu TNXP đang sống tại tỉnh Đak Nông, từng là C trưởng C7 (Đại đội 7) không giấu được xúc động. Vừa đặt chân đến Gia Lai- Kon Tum, họ phải bắt đầu từ việc đầu tiên là chặt tre tự dựng lán trại, lo chỗ ăn ở. Những ngày sau đó là lao động và lao động. Tiếp nhận gần 4.000 TNXP, Tây Nguyên lúc đó gần như trở thành một “đại công trường”. Những đôi tay vừa rời cán bút bắt đầu tập làm quen với cuốc, xẻng; nhiều người đã đeo găng nhưng tay vẫn tứa máu. Thi thoảng, trên công trường lại ầm ầm tiếng bộc phá nổ rền phá đá. Cứ thế, những sườn núi vời vợi bị vạt xuống thành ta- luy đường, những cung đường được mở rộng 4-5 mét.

“Hồi đó, chúng tôi thường đóng cọc trên sườn núi, buộc dây vào mình rồi từ từ bươn người xuống, vạt núi làm ta-luy. Đã có không ít người tuột dây lăn thẳng xuống dưới”-bà Ngọc Mai rùng mình nhớ lại. Và khó mà tưởng tượng được rằng những chiếc dầm sắt nặng trên 2 tấn được công nhân các đội cầu bắc qua sông gọn ơ chỉ bằng phương pháp thủ công chứ không hề có phương tiện, máy móc cơ giới hỗ trợ. Song, nhờ tư tưởng ổn định và sức mạnh tập thể, lớp TNXP thế hệ thứ ba này đã lần lượt khai thông hàng trăm km đường từ thị xã Kon Tum đến Măng Bút, Măng Đen, Đak Glei, Sa Thầy, Quảng Ngãi, từ Pleiku đến Plei Me, Đức Cơ, Chư Sê, làm hàng chục chiếc cầu và ngầm qua sông… Đường và cầu bắc đến đâu, dân được nhờ đến đó.

Không chỉ vậy, từ xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), họ còn tiên phong mở đường sang Attapeu-Lào trong hơn 4 tháng ròng rã để tạo điều kiện cho đoàn xe của Xí nghiệp Vận tải Ô tô số 1 của Gia Lai-Kon Tum chở muối qua hỗ trợ các tỉnh lân cận của nước bạn. Năm 1978, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) trong một chuyến công tác đã từng đến thăm lực lượng TNXP đang làm đường tại đây. “Tôi còn nhớ lúc đó có 2 đại đội, một đại đội của đồng bằng (TNXP tháng 10-1975-P.V), một đại đội của địa phương cùng góp sức”. Làm ta- luy đường có chỗ cao đến 15 mét nhưng anh em chỉ có cuốc, xà beng. Gian khổ là thế nhưng tiêu chuẩn mỗi người chỉ có 1 lon gạo/ngày, chỗ ở phải dựng tạm và phủ bằng lá cây; thuốc sốt rét cũng thiếu. Tuy vậy, “tôi thấy ở đó một tình đoàn kết thật sự, không phân biệt Kinh-Thượng, tất cả đều phối hợp với nhau để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”-ông Nguyễn Văn Sỹ nhận xét.

Nghĩa tình trong gian khó

Trong cái khó khổ đến rạc người trên công trường ngày ấy, điều mà các cựu TNXP nhớ nhất là nghĩa tình dành cho nhau. “35 năm tuy dài, nhưng trong ký ức chúng tôi thì cứ như mới hôm qua. Những kỷ niệm vui buồn, sướng khổ, sự chăm sóc cho nhau mỗi khi bị những cơn sốt rét kinh niên hoành hành…, làm sao mà quên được…”-ông Đường Anh Triết, đang sống tại TP. Quy Nhơn, bồi hồi nhắc lại chuyện xưa. Những đêm cao nguyên giá buốt, họ nằm sát lại cùng sưởi ấm cho nhau bằng tình đồng đội để xua đi cái lạnh và nỗi nhớ nhà.

Ông Nguyễn Lành (hiện sống tại TP. Pleiku) lại hay nhớ về những bữa cơm trên công trường: Một cơn gió thoảng qua tấp cả lớp bụi vào nồi cơm, nhưng cả đội đành tặc lưỡi xem như ăn cơm với “muối mè”. Ăn xong một chén, ngước lên đã thấy hàng chục đứa trẻ là con của những hộ đi kinh tế mới đứng vây quanh. Chúng nhìn chòng chọc vào bữa cơm đạm bạc chỉ có cơm độn, rau rừng, cá khô. Cái đói giăng mắc khắp vùng trong những ngày sau giải phóng. Lại tặc lưỡi tiếp, mỗi người nhường cho chúng một chén cơm trong tiêu chuẩn ít ỏi của mình. Vậy mà ai cũng vui, ai cũng sẵn lòng chia sẻ. “Chỉ đến 3 ngày Tết thì các đơn vị mới được mổ heo, ăn “tươi” hơn mọi ngày. Còn niềm vui tinh thần thì chỉ có tự tổ chức văn nghệ, ca hát với nhau thôi, hồi đầu chưa có đàn, phải lấy xoong nồi làm… nhạc cụ”-đến giờ, ông Hà Văn Thành vẫn nhớ mãi những giây phút rất đẹp ấy.

Cuộc sống của họ cũng đẹp hơn nhờ nét lãng mạn trên công trường, biến những vất vả cay cực thành niềm yêu: “Trời Tây Nguyên rừng núi bạt ngàn/Giọt mồ hôi mặn môi em tươi tắn/Nhỏ xuống đời, đường hẹp hóa thênh thang…” (Hoàng Công Lộc-Kon Tum). Còn ông Ngô Văn Thu, hiện là một họa sĩ tại Hội An- Quảng Nam, cũng đã phác họa thật sinh động “bức tranh” Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây, nơi có hai tâm hồn luôn hướng về nhau dù bên nắng, bên mưa, dù khó, dù khổ: “Bên này mùa đông cay nghiệt quá/Có bao giờ em nhớ anh không?/Mơ tưởng công trường chang chói nắng/Thèm sao một chút nắng trên da/Môi em ửng đỏ như màu nắng/Cho anh thương màu nắng quê nhà… Trời bên Xê Bảy (C7) mưa hay nắng/Sao Măng Đen mưa mãi nơi này?”. Và, nhiều người đến giờ vẫn bâng khuâng nhớ lại cái giây phút run run cài bông hoa dại lên mái tóc người bạn gái hay những nụ hôn đầu. Chỉ vậy thôi, những tình yêu đầu đời đẹp đẽ, nhưng khoảnh khắc ấy lại theo suốt đời người… Cứ thế, “chúng tôi đã có mặt ở vùng đất Tây Nguyên này với những ước mơ cháy bỏng, dấn thân và cống hiến, không tính toán so đo, không mảy may nghi ngại…”-ông Lê Trung, hiện sống tại TP. Đà Nẵng, trải lòng.

Phương Duyên (Báo Gia Lai)