Tri ân các anh hùng liệt sĩ tại di tích lịch sử  bến phà Quán Hàu

Đăng lúc: 28-07-2023 2:02 Chiều - Đã xem: 237 lượt xem In bài viết

         Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023, tối 25 tháng 7 năm 2023, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng với các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân thị trấn Quán Hàu tổ chức Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm và thả “hoa đăng” tại Di tích lịch sử Bến phà Quán Hàu[1].  Tham dự tại buổi lễ có ông Hoàng Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy; ông Lê Bá Trưng, Chủ tịch UBND; cùng các ông, bà lãnh đạo, trưởng các ban, ngành của UBND thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Ông Lê Đức Thuận – cán bộ Văn phòng UBND thị trấn Quán Hàu – khai mạc buổi lễ

Có hơn 250 đại biểu thuộc Hội Cựu chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn, Hội Cựu TNXP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, đại diện giáo viên thị trấn Quán Hàu, một số thương binh và thân nhân liệt sĩ, và nhiều người dân trong vùng cùng tham gia.

        Thay mặt lãnh đạo UBND thị trấn Quán Hàu, bà Phó Chủ tịch Bùi Thị Thu Thắm (ảnh dưới) đã phát biểu ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh đã gan dạ chiến đấu và hy sinh anh dũng trong công cuộc chống Mỹ cứu nước tại Bến phà Quán Hàu, trong đó có những người con ưu tú của huyện nhà.

Được biết phà Quán Hàu do người Pháp xây dựng năm 1886. Đến năm 1960 được Nhà nước tu sửa, nâng cấp phục vụ công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và cầu nối đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 1A giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, với nước bạn Lào, và Campuchia. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bến phà Quán Hàu là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, là “túi bom”, “tọa độ lửa” của không quân và pháo hạm Mỹ. Bến phà Quán Hàu chìm trong biển lửa và máu. Các chiến sĩ luôn đứng trước thử thách “chân đạp thủy lôi, đầu đội bom”. Để bảo vệ phà, thông xe không biết bao chiến sĩ đã nằm lại mãi bến sông này. Chiến sĩ Dương Đình Trữa, đã hy sinh anh dũng khi lái ca nô rẽ sóng vượt thủy lôi, mở đường cho phà chở đoàn xe qua sông. Chiến sĩ Nguyễn Xảo đã tự nguyện làm lễ “truy điệu sống” và trở thành bất tử khi cùng đồng đội dùng xuồng cao tốc, kích nổ hàng trăm quả bom, thủy lôi thông tuyến phà. Và biết bao liệt sĩ như Lê Lô, Phạm Chạy, Hà Văn Cách, Nguyễn Thị Hường… đã trở thành tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vì miền Nam chưa giải phóng, các chiến sĩ đã vượt qua đau thương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ghi nhận đóng góp to lớn đó, cán bộ, Nhân dân xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh và Đồn Công an 84 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ngày 27/11/ 2003, Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 62/2003/QĐ- BVHTT công nhận bến phà Quán Hàu là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trong không khí trang nghiêm, nhạc “Hồn tử sĩ” cất lên như có bóng hình các liệt sĩ cùng về hội tụ. Các đại biểu đã dành phút mặc niệm bày tỏ lòng tri ân đến các anh hùng, liệt sĩ Bến phà Quán Hàu đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

 Tại buổi lễ, toàn thể những người có mặt đã thắp hương để tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú, những anh hùng liệt sĩ tại bến phà Quán Hàu đã ngã xuống, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ đi sau, nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh, trung thành với sự nghiệp cách mạng, vượt qua mọi gian lao thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua, lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ.

Đây là hoạt động được lãnh đạo Đảng và Chính quyền UBND thị trấn Quán Hàu cùng với các các tổ chức chính trị – xã hội và thế hệ trẻ thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh tổ chức thường xuyên vào dịp 27/7 hàng năm. Việc làm trên có ý nghĩa to lớn, giáo dục cho mọi người luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng đã xả thân vì nước, vì dân.

Sau lễ dâng hương là thả “hoa đăng” trên dòng sông Nhật Lệ. Mỗi ngọn “hoa đăng” lung linh như linh hồn các liệt sĩ đã về đây. Mỗi ngọn nến thắp lên thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam.

Chương trình tri ân liệt sĩ và thả “hoa đăng” tại Đài tưởng niệm Bến phà Quán Hàu, với các nội dung được chuẩn bị chu đáo, công phu thật sự đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đến dự; nhắn nhủ với những người chưa từng trải chiến tranh không được phép nguôi quên về một sự hy sinh của một thế hệ anh hùng.

Một số hình ảnh thả hoa đăng

Nguyễn Đại Duẫn
CTV Thông tin và Bản tin trang điện tử Trường Sơn – Việt Nam

 


[1] Theo Quyết định 02/2004/QĐ-BVHTT ngày ngày 9 tháng 1 năm 2004