Chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Lê Văn Huấn hân hạnh trích tác phẩm Ký “RỪNG THIÊNG CHIẾN KHU”, do Nhà xuất bản Văn học, phát hành tháng 12/2024, của Thạc sĩ Bùi Công Định, hội viên Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Đà Nẵng, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường bộ V, Bộ Giao thông vận tải.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
![]() |
![]() |
“TRƯỜNG SƠN
Đường trục khu 5
Những ngày quyết chiến
Khắp miền Nam nổi sóng.
Trận này trận chính.
Thế hệ cha ông đánh giặc bằng gậy tầm vông, gươm giáo, súng kíp.
Đau thương qua rồi nay đến lượt ta,
Cho non sông liền một giải,
Hy sinh quên mình,
Để lại sau ta mọi nỗi niềm,
Xốc tới.
Đâu là người cuối cùng?
Lịch sử sẽ nhìn vào ta,
Đất nước nhìn vào ta,
Đi cho đến đích,
Nơi nơi đều tiến đánh.
Đồng bằng Khu 5 và rừng núi Tây nguyên ta đã dựng lên hai mạch chiến lược nằm trên đỉnh Trường Sơn.
Tuyệt đỉnh chiến trường!
Đường Trục Khu 5 là tinh hoa trí tuệ cao vọng chiến lược.
Sợi dây của lòng người, của ý chí sắt đá từ Khâm Đức ven theo các triền núi, nằm trên nguồn các con sông Thu Bồn, Trà Khúc, sông Ba, chạy trên đầu quân thù chờ cơ hội theo lệnh của các nhà cầm quân cao nhất tiến xuống đồng bằng, đánh vào Đà Nẵng, Chu Lai, Gò Hội, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang.
Nơi đây, các nhà quân sự lão luyện như Hai Mạnh, người của Điện Biên, như Năm Công bí thư, người của trường kỳ kháng chiến chín năm.
Mưu lược như thần.
Mấy vạn quân thiện chiến, ra, vào, tiến, lui trên dải Trường Sơn, luyện quân dưỡng sức dọc đường Trục Khu 5. Nào Sư Hai anh hùng đất Ba Gia, Vạn Tường. Nào Sư 3 vang danh Sao vàng diệt An Lão, chặn đèo Nhông. Nào Sư 304 sáng ngời Điện Biên, anh cả chiến lược.
Ra quân là thắng.
Năm trăm cây số, một dải hậu phương, hai vạn thanh niên xung phong, ba triệu trái tim nhân dân, một vùng tiền tuyến vào Nam, ra Bắc, xuống Đông, lên Tây giặc nhìn thấy đấy, biết đấy rõ rành rành mà đành chịu, chờ ngày diệt vong.
Từ trung tâm đầu não trong khu rừng già bên cầu Bà Huỳnh, cạnh làng Hồi, trên suối Thanh Niên thủ phủ của Khu 5 lệnh bay ra bốn hướng, mười phương.
Dàn trận đánh Đắk Pét, giáp biên giới nước bạn Lào, tận phía tây mà đoàn xe vận tải lớn chạy rầm trời nghi binh phía đông nam Bình Định. Xe pháo dồn lên Tây Nguyên, áp sát vùng điểm chiến lược bắc Kon Tum, đường 19, Gia Lai thì bất ngờ đại bác nổ, xe tăng xung trận diệt Nông Sơn, Trung Phước dưới miền trung du. Đến lượt Thượng Đức ngã ba sông, mưu chặn núi rừng phía bắc bảo vệ sườn tây Đà Nẵng bị san phẳng.
Căn cứ hải, lục không quân mười vạn lính nằm chực chờ ở Đà Nẵng, mấy vạn lính thủy đánh bộ hung hăng mang danh “Cọp đen”, “Báo rằn” với hàng chục trực thăng sẵn sàng ứng chiến ở cái sân bay Chu Lai, to nhất Đông Nam Á đành nằm im, không biết ta đánh nơi đâu để tiếp ứng.
Trục đường ô tô Khu 5 một kỳ công, kế hiểm chiến lược.
Mưu cao của ông Năm Công, ông Hai Mạnh, ông Chín Liêm, ông Chí Quyết và các chiến binh dày dạn được Bác Hồ dạy bảo rèn luyện với bốn mươi năm cách mạng, đánh hai đế quốc lớn nhất thế giới.
Ha ha! Ha ha!
Nhớ lại tám năm trước khi mới ra trường về nước, hai mươi bốn tuổi mặt búng sữa, việc đời còn chưa rõ đã được các vị lãnh đạo miền Đông Bắc nước nhà phân việc cho lập dự án đường chiến lược tương lai của vùng phên dậu phía Bắc, chạy ven theo dãy núi Yên Tử, từ Đông Triều, Uông Bí đi Vàng Danh qua Vũ Oai, Đá Trắng đến Mông Dương, Ba Chẽ tránh cửa Lục.
Ngày ấy, mùng 5/8/1964 máy bay Mỹ khởi sự đánh phá miền Bắc.
Nay, hơn ba mươi tuổi vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường Khu 5 được tham gia vạch lối cho con đường chiến lược dọc Đông Trường Sơn; Đường Trục Khu 5.
Một đời kỹ thuật mấy ai có duyên như thế?
Trục đường ô tô này, dùng đánh giặc không phải qua sông lớn, không phải vượt núi cao, giặc không thể lấy Thu Bồn làm phòng tuyến như sông Thạch Hãn, không thể dùng Trà Khúc, sông Ba để chặn quân hùng từ Trường Sơn.
Ta đánh vào ngang hông, ta đánh vào cạnh sườn, ta đánh vào đầu giặc, địch biết mà không sao đỡ nổi.
Chiến trường Khu 5,
Ôi! Chính nơi đây sẽ là khởi đầu cho ngày toàn thắng.
Ra trận
Đầu tháng Hai, ông Chí Quyết gọi ông Hai tổ chức làm việc. Giữa trưa, ông Hai mời Đình Bộ và Đỗ Hùng đến lán văn phòng. Đình Bộ nhận quyết định sang A15 nhập đoàn đi Tây Nguyên, Ngọc Thọ ở đội Khảo sát được gọi về nhập đoàn Khánh Hòa, Đỗ Hùng nhận quyết định tham gia đoàn của Mặt trận đi chiến trường Bình Định.
Đỗ Hùng râu quai nón cạo nhẵn về lán, chào tôi có ý trêu, nói: “Tớ đi đây, tổ trưởng A1 ở lại, chờ nghe tin chiến thắng nhé”.
Trận này không được dự, đứng ngắm, đã biết trước mà, đến lúc quyết chiến không được lên đường.
Các vị lãnh đạo còn tính toán phân vân việc gì nữa đây?
Tôi và Phạm Thương lòng như lửa đốt. Anh em ra trận, chúng ta những người có kinh nghiệm, thử thách bao năm từ các công trình khắp miền Bắc đến Trường Sơn. Trận này trận cuối phải ngồi xa nhìn.
Nhớ ngày nào đọc bài thơ con hổ bị nhốt trong lồng của nhà thơ nổi tiếng, ngẫm mình cũng cảnh ấy mà buồn cười. Anh em công binh ra trận mà thiếu ta thì chiến trường thiệt thòi lớn. Không có ta, họ vẫn làm được những điều kỳ diệu nhưng mọi người đang làm những điều kỳ diệu cho đất mẹ, bao năm trong lịch sử dân tộc mới có một lần mà không có ta ở đó, thật là không có gì não nề hơn.
Trận này, trận đánh lớn, trận cuối chờ bao nhiêu năm, cả thế hệ, đứng sát chiến địa, không được dự, ân hận biết bao.
Rừng bên sông Trường qua bao ngày mưa âm u sang xuân bừng sáng lên. Cây lá xôn xao như say với nắng, cảnh vật con người đều mong xông trận.
Chưa kịp bàn gì thêm thì liên lạc đến gọi: “Ông Hai mời kỹ sư và anh Thương”.
“Có thế chứ!”
Tôi và Phạm Thương liền sang lán văn phòng. Nguyễn Hai đứng lên, động tác khác ngày thường trịnh trọng nói: “Lệnh hai đồng chí xuống mặt trận Quảng Ngãi” và đưa hai tờ giấy đánh máy do ông Chí Quyết ký.
Vui quá, không muốn đi, ngồi lại nói chuyện, Nguyễn Hai bần thần:“Mình xin đi mặt trận Phú Yên mà thủ trưởng không đồng ý. Đã điện cho Hồ Hòa từ Bình Định vào ngay Hòn Lúp, nhập đoàn Phú Yên của Khu”. Rồi nói tiếp:“Mộng Phi xin đi chiến trường Quảng Ngãi cũng không được. Từ giờ chúng tôi phải trực thay hai anh”.
Phạm Thương nói:“Nghe nói múi Quảng Ngãi sẽ là múi quan trọng, sao không cho các kỹ sư trẻ cùng đi?”
Nguyễn Hai cười:“Các vị lãnh đạo đã tính cả rồi. Trận này bốn ủy viên ban đều nằm ở các hướng, các anh xông trận, cũng phải còn người dự bị. Trận đánh năm Bảy Mốt (1971) hy sinh sạch không còn một kỹ sư nào phải gọi gấp cán bộ ngoài Bắc vào chi viện, nhớ không?”.
Cách mạng. Thần diệu thay, nghĩ cho hôm nay và nghĩ cho ngày mai.
Ba lô trên vai, năm giờ chiều một ngày đầu tháng Hai 1975 lịch sử Đỗ Hùng, Phạm Thương và tôi chia tay các kỹ sư trẻ lực lượng dự bị: Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Phóng, Hồ Văn Chi, Đặng Biên và anh em khác, lên đường qua cầu Bà Huỳnh đến trạm xe con. Nhìn anh em kỹ sư trẻ đông đảo thông minh, vui, vững tin ở ngày mai, chạnh nhớ lại cách đây ba năm, văn phòng Ban Giao vận lực lượng kỹ thuật hy sinh trong chiến trận chỉ còn độc nhất một kỹ sư mà lòng ngậm ngùi.
Lội sông, dòng nước lạnh mát rượi dưới chân. Trăm dòng sông, con suối Trường Sơn ta đã qua, lại bao lần ra mặt trận mà lần này xao xuyến lạ. Uống nước nguồn nơi đây, ăn sắn, luyện quân chuẩn bị cho ngày quyết chiến.
Cây cỏ hai bên bờ sông dưới nắng chiều rung rinh, lưu luyến tiễn chiến sĩ ra trận, mong chiến công, gặp lại.
Ráng chiều ánh lên như lửa phía rừng Khâm Đức.
Đỗ Hùng nhận xe, tự lái đi đón các chiến sĩ của A15 đoàn đi Bình Định.
Tôi và Phạm Thương được phân công đón các chiến sĩ đi Quảng Ngãi. Không có lái xe, phải gọi Trần Vĩ dân máy ủi cầm lái chiếc com măng ca lên Đường Trục khu 5 nhằm phía Nam tiến.
Lệnh xe ô tô chỉ được chạy ban đêm, nên các chiến sĩ đi Quảng Ngãi ở các ban của Khu ủy sốt ruột, không đợi được đã lội bộ từ sáng, chỉ còn hai chúng tôi ngồi xe. Nhớ lời hứa hôm trước, trong đợt học tập nghị quyết Quyết thắng 1975 cùng nhau ra trận, hôm nay chả thấy nhà thơ Vương Luân, nhà văn Phạm Khâm ở đâu để đi ô tô. Rõ ràng, các văn nghệ sĩ bên Ban Tuyên huấn đã đi trước theo sát đoàn các vị to.
Trăng đầu tháng như mãnh lưỡi liềm treo cao lúc khuất, lúc hiện trong kẻ lá, chỉ thấy rõ trăng khi xe vượt ngầm sông Tranh. Nơi đây, nguồn Thu Bồn nước, trời lồng lộng. Rừng dọc suối Tà Vi tối đen, xe phải bật đèn pha, sáng lên hai vệt. Bỗng, lớp lớp mũ cối lô nhô trước ánh đèn, đó là đoàn chiến sĩ cùng ta ra trận.
Các chiến sĩ gõ vào thùng xe hỏi vui:“Đánh nơi nào đấy thủ trưởng?”.
Tôi cười lớn, bảo: “Sài Gòn! Đi nhanh lên kẻo anh em Nam Bộ họ vào trước”.
Đoàn quân cười, nói vang cả rừng.
Xe của Đỗ Hùng dừng lại ở ngã ba Xà Lò rồi đi tiếp Đường Trục Khu 5 vào nam. Chúng tôi chia tay.
Ngọc Thọ theo đoàn Khánh Hòa đã vượt trước đó. Đoàn Bình Định, Phú Yên tiếp sau, tất cả nhằm hướng chiến khu Công Hà Nừng, nam bắc đường 19.
Xe của tôi và Phạm Thương thẳng về đông vào đất Quảng Ngãi.
Thế là đoàn kỹ sư trẻ, bốn năm trước ba lô trên vai vượt sông Sê Ka Mán từ Lào vào đất Việt những ngày này có mặt trên khắp chiến trường Khu 5.
Đêm nay, Lê Khả, Đặng Lâm có lẽ dừng chân trên đỉnh dốc Kiền trong đoàn quân sẽ đánh vào Đà Nẵng.
Phạm Quát đã đi mặt trận Tiên Phước chờ tiến công Tam Kỳ.
Đỗ Hùng nay mai hợp quân với tỉnh Bình Định xuống mặt trận Phù Cát, Quy Nhơn…
Chả rõ, chàng kỹ sư Lê Ngọc Thọ chính gốc dân Hà thành những đêm tới có kịp vượt đường 19, đường 7 vào chiến khu Đá Bàn nhập cùng lực lượng Khánh Hòa đánh xuống Nha Trang hay không?
Chia tay những người bạn, người đồng chí đã cùng nhau luyện quân trong thung lũng xanh, hang đá Lương Sơn, vai kề vai một trăm lẻ ba ngày đi bộ, vượt Trường Sơn. Đã cùng nhau trải bao mùa mưa nắng, năm tháng nằm gai, nếm mật nơi núi rừng chiến khu, nơi miền tây đất Quảng. Lên xe lòng lâng lâng hướng về mặt trận quê nhà.
Xe chạy trên đường đất gồ ghề vừa được các chiến sĩ tiểu đoàn 215, thanh niên xung phong Trà Bồng, Sơn Hà vừa sửa xong, đất đá vàng tươi dưới ánh đèn pha.
Xe không đi thẳng Tà Ma mà rẽ trái về Di Lăng, dừng lại trước bãi cát bên bờ con sông lớn, nước chảy cuồn cuộn, dòng sông lấp lánh sáng trong bóng đêm.
Trăng đã lặn từ lúc nào, hừng đông đang sáng dần. Sông Rin trước mặt, bên kia phía đông, phía ấy là dãy đồi đồn, bốt chằng chịt như mạng nhện, thị trấn Sơn Hà và sau nó là thị xã tỉnh lỵ Quảng Ngãi, kế đó phía bắc căn cứ quân sự lớn nhất Đông Nam Á: Chu Lai.
Anh Nguyễn Đình phó ban Giao vận Quảng Ngãi người đen như cục than đứng cùng trung đoàn trưởng trung đoàn công binh cao lớn bắt tay tôi, nói: “Các kỹ sư nhắm ngầm qua đây có được không? Ngày X. xe pháo phải tiến”.
Một đời làm cầu, làm ngầm vượt sông, đây là cây cầu quan trọng nhất trên Đường Trục Khu 5 rẽ về đông phải xây để về quê hương.
Dòng sông Rin nhập vào sông Trà Khúc, phố thị Quảng Ngãi nằm bên phía nam sông, nơi nhà ông ngoại ta.
Sáng ấy, ngày 18/2/1975 những tảng đá đầu tiên lấp sông Rin.
Ngày 24/3/1975, sau ba mươi tư ngày đêm dầm mình trong nước, một nghìn người đội viên Thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc miền tây Quảng Ngãi xây cầu, quân ta cùng đoàn xe tăng qua sông Rin tiến đánh Sơn Hà, đuổi giặc chạy khỏi thị xã Quảng Ngãi, tiến ra quét sạch Chu Lai.
Công sức, máu xương bao lớp người đã ngã xuống trên mảnh đất này, nước mắt rưng rưng nghĩ đến những anh hùng ba mươi năm đằng đẵng đánh giặc, hy sinh cho ngày hôm nay.
Thế hệ chúng tôi sinh ra trong năm mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ trong nôi mãi nghe tiếng súng không bao giờ ngớt cho đến giờ này.
Và kia quê nhà,
Hai mươi năm ta trở về”.
HẾT TRÍCH
…………….
Là cựu chiến sĩ Trường Sơn, tôi rất vui khi trích tác phẩm “Rừng thiêng chiến khu” để giới thiệu cùng bạn đọc. Cảm ơn tác giả Bùi Công Định đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của các chiến sĩ giao thông, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Mong được đón đọc những tác phẩm tiếp theo của tác giả./.
Đà Nẵng, ngày 28/3/2025
Lê Văn Huấn
Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng