Triển khai Luật thanh niên

Đăng lúc: 13-09-2020 5:51 Chiều - Đã xem: 157 lượt xem In bài viết

Quốc hội Khoá XIV, kỳ họp thứ 9, ngày 16/6/2020 đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố ban hành Luật Thanh niên, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Ngày 10/9/2020, tại hội trường Bộ Nội vụ (Hà Nội), Bộ Nội vụ đã phối hợp với Quỹ dân số của Liên Hợp quốc tổ chức hội nghị triển khai Luật Thanh niên. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị.

Tới dự hội nghị có bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tham dự còn có đại diện các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Vụ chuyên môn của các Ủy ban; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Hội Sinh viên Việt Nam; Hội Cựu Thanh niên xung phong; Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA); Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KF); các Vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Ảnh internet  

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn (ảnh trên) cho biết: Thanh niên Việt Nam hiện chiếm 24,6% dân số, là lực lượng trẻ, rường cột của nước nhà. Đảng và Nhà nước tiếp tục chăm lo để thanh niên phát triển về mọi mặt. Đó cũng là nguyên nhân để xây dựng và ban hành Luật Thanh niên năm 2020.

Ảnh internet  

Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Văn Tuyết (ảnh trên) báo cáo quá trình xây dựng Luât Thanh niên năm 2020 thay cho Luật Thanh niên năm 2005, những vấn đề cơ bản trong quá trình xây dựng luật. Luật Thanh niên năm 2020 đã thể chế hoá công tác lãnh đạo của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh niên, yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan và các tổ chức xã hội triển khai có hiệu quả. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ Nội vụ đã báo cáo điểm mới trong Luật Thanh niên năm 2020 so với Luật năm 2005: Luật gồm 7 Chương, 41 Điều, có Điều duy nhất không thay đổi là tuổi của thanh niên vẫn giữ nguyên từ 16 đến 30. Có 8 vấn đề mới đó là: Vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong giai đoạn cách mạng mới; nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, sự bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ của thanh niên; thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên, nguồn lực thực hiện chính sách cho thanh niên; quy định về đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (11 chính sách lớn); trách nhiệm của các tổ chức thanh niên; trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục và gia đình đối với thanh niên; trách nhiệm của các cấp chính quyền, công tác quản lý Nhà nước đối với thanh niên.

Đáng chú ý là Điều 22. Chính sách đối với thanh niên xung phong

  1. Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo, rèn luyện thanh niên và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  2. Nhà nước ban hành chính sách để thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Tham gia dự án phát triển kinh tế – xã hội được Nhà nước giao;

b) Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

c) Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên;

d) Các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ theo quy định của pháp luật.

     3. Nhà nước bảo đảm điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho tổ chức thanh niên xung phong khi thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao.

      4. Thanh niên xung phong được hưởng chế độ, chính sách trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

      5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Ảnh internet  

Thay mặt Quỹ dân số của Liên Hợp quốc, bà Naomi Kitahara (ảnh trên) đã phát biểu nêu rõ quá trình phối hợp giữa Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và Nhà nước Việt Nam với nhóm tư vấn thanh niên của Quỹ dân số Liên Hợp quốc; nhấn mạnh yêu cầu chính sách của Chính phủ Việt Nam đảm bảo cho các nhóm thanh niên khác nhau đều được tôn trọng, cần nỗ lực hơn nữa và tạo môi trường thực hiện cho thanh niên, hoan nghênh việc đối thoại với thanh niên và việc không để ai bị bỏ lại phía sau; mong rằng thu hẹp giữa chính sách và thực tế, có nguồn lực phân bổ ngân sách từ Trung ương đến địa phương thực hiện Luật Thanh niên. Bà đánh giá cao quá trình soạn thảo và cập nhật kinh nghiệm về luật pháp công tác thanh niên của các nước áp dụng vào Việt Nam.

Đại diện Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nêu rõ các bước đi, nội dung triển khai Luật Thanh niên của Trung ương Đoàn trong thời gian sắp tới, nhấn mạnh trách nhiệm của Đoàn thanh niên, Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với thế hệ trẻ trong việc triển khai Luật Thanh niên. Bộ Nội vụ triển khai các bước tiếp theo của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các địa phương và các đoàn thể xã hội trong năm 2020, 2021, đảm bảo các yêu cầu khi Luật Thanh niên có hiệu lực./.

                                                                                                                   Ngô Văn Tuyến