Trung ương Đoàn Thanh niên với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước

Đăng lúc: 16-12-2017 10:04 Sáng - Đã xem: 145 lượt xem In bài viết

Có thể nói lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, trong suốt quá trình hình thành và phát triển với những chiến công oanh liệt của mình, luôn gắn liền với sự chỉ đạo và tổ chức của Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam (Nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Căn cứ vào các văn bản: Chỉ thị 105 ngày 29-7-1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 71 ngày 21-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ 9 ngày 04-06-1965 và Nghị quyết số 55 ngày 26-08-1965, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo TNXP Trung ương và cử đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Trung ương Đoàn, đang làm Trưởng ban Công nghiệp Trung ương Đoàn sang làm Trưởng Ban Chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước Trung ương. Ban Bí thư Trung ương Đoàn còn mở hội nghị cán bộ quán triệt chủ trương thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước để các tỉnh, thành Đoàn khẩn trương thực hiện.

Trong hơn 10 năm hoạt động của TNXP, Trung ương Đoàn đã tập trung vào những nội dung công tác lớn sau đây:

Về công tác tuyển quân, tuyển cán bộ thành lập các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước (tập trung):  Ban Bí thưTrung ương Đoàn đã ra chỉ thị hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh, thành Đoàn tuyển cán bộ, đội viên theo chỉ tiêu, đảm bảo số lượng, chất lượng và thời gian quy định.

Ban Chỉ đạo TNXP Trung ương cử cán bộ kết hợp với cán bộ của ngành xuống từng địa phương truyền đạt chủ trương, kiểm tra hướng dẫn từng cơ sở trong công tác tuyên truyền giáo dục, động viên thanh niên ghi tên tình nguyện, kiểm tra sức khỏe, lập danh sách, định ngày xuất quân…

Do việc giáo dục, giác ngộ chính trị, tư tưởng của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ được nâng cao, kết hợp với khí thế sôi nổi của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” nên khi có chủ trương thành lập đội TNXP chống Mỹ, cứu nước, ở khắp nơi nam, nữ thanh niên đã nô nức, tình nguyện tham gia (Theo báo cáo còn lưu trữ thì khi tuyển TNXP đợt đầu (1964) số thanh niên đăng ký tình nguyện xin đi tăng hơn nhiều so với số lượng cần tuyển).

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (người đầu tiên bên phải)
và đ/c Nguyễn Văn Đệ – Bí thư Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn TN GTVT (người thứ hai từ trái sang)
trong dịp đến thăm Đội TNXP 53 (Hà Tĩnh) Ảnh: T.L

Đoàn Thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng” đã chuẩn bị tư tưởng, giáo dục thế hệ trẻ lòng căm thù giặc Mỹ, sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc và Đảng yêu cầu. Chính vì vậy các tổ chức Đoàn Thanh niên từ Trung ương xuống cơ sở không cần tăng thêm biên chế, phải san sẻ tăng cường cho việc thành lập lực lượng TNXP nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Đó là một thành tích xuất sắc của Đoàn trong giai đoạn lịch sử này.

Đi đôi với nhiệm vụ tuyển quân, công tác lựa chọn, sắp xếp cán bộ, bồi dưỡng đào tạo cán bộ cho lực lượng TNXP được coi là khâu trọng yếu có ý nghĩa quyết định.

 Trong nhiệm kỳ I tuyển trên 7 vạn quân, tính ra có gần 50 Đội TNXP và trên 400 Đại đội (có đội 500-600 quân nhưng cũng có đội 5.000 quân). Chủ trương tuyển chọn cán bộ Đoàn từ xã lên huyện, lên tỉnh để tăng cường cho TNXP hàng nghìn cán bộ là quyết định đúng. Đây là chủ trương giải quyết tình thế ban đầu, tiếp theo đó Trung ương Đoàn đã kịp thời mở trường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ TNXP.

Toàn bộ cán bộ, học sinh của trường được coi như một đại đội TNXP, ban chỉ huy lớp được coi như ban chỉ huy đại đội, dưới lớp tổ chức thành các tiểu đội. Sinh hoạt của nhà trường được áp dụng theo điều lệnh, nội vụ, sinh hoạt quân sự hóa của TNXP. Các bài học đều có kiểm tra, đánh giá kết quả, cuối khóa tổ chức thi phát bằng tốt nghiệp… Về giáo viên chính trị và nghiệp vụ TNXP do cán bộ Đoàn phụ trách, còn giáo viên nghiệp vụ quân sự, thể dục thể thao, Trung ương Đoàn yêu cầu Bộ Quốc phòng và ủy ban Thể dục thể thao cử cán bộ biệt phái phụ trách.

Sau một năm hoạt động, tổng kết công tác, Trung ương Đoàn chủ trương cho dân chủ bầu lại cán bộ đại đội, do đó cán bộ đại đội được trẻ hóa, ăn ở sinh hoạt như đội viên, hàng ngày có mặt tại hiện trường với đội viên.

Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho TNXP

Giáo dục chính trị tư tưởng luôn luôn là nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn thanh niên đối với các thế hệ thanh niên.

Căn cứ vào từng thời kỳ, từng đợt, từng sự kiện lớn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn liên tục có các Chỉ thị, Nghị quyết hướng dẫn các cấp bộ Đoàn, các cơ sở Đoàn, Đội tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng giúp đoàn viên, đội viên hiểu được tình hình nhiệm vụ cách mạng, hiểu biết được cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ cấp bách thiêng liêng nhằm bảo vệ đất nước.

Công tác giáo dục tư tưởng gắn liền với từng sự kiện được tiến hành liên tục như: Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19-5 hoặc nhân dịp một năm Bác gửi thư khen TNXP, một năm Quốc hội tặng thưởng danh hiệu Anh hùng cho Đại đội 759 và A trưởng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế, một năm nhận Cờ thi đua luân lưu của Trung ương Đảng và một năm Đại hội thi đua của TNXP chống Mỹ, cứu nước miền Bắc…

Khi cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn mới, đế quốc Mỹ chuẩn bị đưa thêm 20 vạn quân Mỹ vào miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam mở chiến dịch Đông Xuân quyết thắng. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt. Trước tình hình đó, ngày 28-11-1967 Ban Bí thư Trung ương Đoàn ra Chỉ thị số 10 mở một đợt giáo dục cơ bản nhằm nâng cao giác ngộ chính trị tư tưởng, phát huy vai trò xung kích cách mạng của TN XP dũng cảm, hy sinh, sáng tạo, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm bảo vệ mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt, liên tục, thực hiện khẩu hiệu:

Địch phá ta sửa ta đi

Địch lại phá ta lại sửa ta đi.

Lãnh đạo các đội TNXP thực hiện 3 nhiệm vụ lao động sản xuất, chiến đấu, học tập và rèn luyện

Về lao động sản xuất:

Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Thanh niên có 3 nhiệm vụ sảnxuất, chiến đấu, học tập. Trong 3 nhiệm vụ ấy sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, cũng có nghĩa là dù bất cứ lúc nào, đang làm gì, nếu yêu cầu sản xuất là khẩn trương cấp bách thì phải ưu tiên phục vụ sản xuất. Ban Bí thư TƯ ra văn bản liên tịch hướng dẫn cụ thể.

Các đội được sắp xếp tổ chức lại có quy mô, số lượng lao động thích hợp với yêu cầu sản xuất. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công việc của từng ngành, từng công trường, từng địa phương lực lượng TN XP được sắp xếp lại theo 2 hình thức:

          – Hình thức 1: Các đội TNXP đảm nhận toàn bộ công việc, coi đó là công trình thanh niên, Ban chỉ huy đội được giao chức danh như Ban chỉ huy công trường, phía cơ quan chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, cung cấp dụng cụ, cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn kế hoạch sản xuất, quản lý kỹ thuật…

          – Hình thức 2: Các đội TNXP chỉ đảm nhận một phần công việc cụ thể trên một công trường có nhiều lực lượng tham gia. Ban Chỉ huy Đội TNXP chỉ là một bộ phận trong công trường chung. Trưởng Ban chỉ huy đội TNXP được tham gia Ban chỉ huy công trường để phối hợp công tác, bàn bạc thống nhất các chủ trương của công trường đối với TNXP, nhất là việc quản lý kế hoạch và quản lý lao động.

Đại đội TNXP 759 – đơn vị Anh hùng đang tu sửa đường ở Quảng Bình Ảnh: T.L

Nói chung, sau khi sắp xếp lại theo 2 hình thức hoạt động và phân cấp quản lý TNXP cho Đoàn Thanh niên Giao thông vận tải Trung ương, công tác lãnh đạo của Đoàn và hoạt động của các đội TNXP được tăng cường: Tính chủ động, sáng tạo của đội, tinh thần hăng hái, phấn khởi của cán bộ đội viên được phát huy, những mắc mứu hàng ngày trong quan hệ giữa Đoàn, Đội với ngành quản lý được giải quyết tốt. Do đó mọi mặt hoạt động và phong trào thi đua trên các công trường, trong các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước sôi nổi, mạnh mẽ và đạt kết quả tốt hơn.

Về nhiệm vụ chiến đấu

Nội dung của nhiệm vụ bao gồm 3 mặt:

Tổ chức cơ sở của TNXP là đại đội, do đó Ban chỉ huy đại đội TNXP được coi là Ban chỉ huy của mọi hoạt động quân sự. Lực lượng TNXP được huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị theo chương trình thống nhất của dân quân tự vệ, quân nhân dự bị, trong đó 10% được huấn luyện và trang bị vũ khí như tự vệ chiến đấu. Ban Chỉ huy đại đội TNXP cũng được huấn luyện theo chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ chỉ huy đại đội. Cán bộ TNXP còn được hướng dẫn học các động tác vũ thuật để đối phó khi gặp biệt kích.

Việc giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, hiểu biết về quân sự giúp cho các cán bộ đội viên xác định rõ nhiệm vụ của mình:

  • Sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch.
  • Sẵn sàng bổ sung cho quân đội thường trực.
  • Tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ sản xuất đồng thời xây dựng nếp sống quân sự hóa trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất.

Về nhiệm vụ học tập bổ túc văn hóa

Học tập bổ túc văn hóa cho TNXP là một trong ba nhiệm vụ được xác định ngay từ đầu.

Để tạo điều kiện giúp việc học tập bổ túc văn hóa được thuận lợi, mỗi đại đội TNXP ngoài 2 giáo viên chuyên trách còn kết hợp tuyển chọn một đội ngũ giáo viên bán chuyên trách ngay trong cán bộ đội viên TNXP.

Công tác tổ chức lãnh đạo cán bộ đội viên TNXP học tập tốt do Đoàn Thanh niên lao động phụ trách.

Trong điều kiện chiến đấu gay go ác liệt, luôn phải ưu tiên cho việc cứu chữa cầu đường, san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông luôn thông suốt, việc đảm bảo giờ học, chương trình tưởng như không sao thực hiện được, trăm nghìn khó khăn xảy ra… Nhưng nhờ tinh thần say sưa ham học của quần chúng, nhờ tinh thần trách nhiệm của thầy cô giáo, của cán bộ Đội, cán bộ Đoàn nên việc học tập văn hóa của TNXP đã đạt được kết quả tốt.

Thành tích và kết quả TNXP chống Mỹ cứu nước đạt được trong nhiệm vụ học bổ túc văn hóa quả là một kỳ tích, một sự thông minh sáng tạo. Có lẽ trong lịch sử phong trào học tập bổ túc văn hóa của nhân dân ta, phong trào học tập bổ túc văn hóa của TNXP là một dấu ấn sáng chói, không thể nào quên.

Về xây dựng cuộc sống tinh thần, vật chất lành mạnh của TNXP

Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, cuộc sống vật chất của TNXP vô cùng hạn hẹp, khó khăn, thiếu thốn nhiều bề. Việc chăm lo đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho TNXP để anh chị em phấn đấu hoàn thành 3 nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, học tập đã được lãnh đạo các cấp quan tâm. Suốt 3 nhiệm kỳ TNXP dù ở nơi núi rừng âm u, chiến đấu ác liệt, hay ở hậu phương sống với dân, ít bị bom đạn… phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” cũng như phong trào tăng gia chăn nuôi, trồng trọt đều phát triển mạnh mẽ. Bất kỳ đơn vị nào trong bữa ăn hàng ngày cũng có thêm rau, thịt do tự tay anh chị em làm ra, chí ít anh chị em nuôi quân cũng vào rừng tìm thêm rau, thêm củ để cải thiện cuộc sống. Đời sống tinh thần, một nhu cầu thực sự của tuổi trẻ, ở đâu có TNXP ở đó có ca hát vui tươi. Có đơn vị TNXP đề ra khẩu hiệu: “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát”, 100% nam nữ TNXP tham gia phong trào ca hát, làm báo, làm thơ, biểu diễn văn nghệ, sáng tác kịch…

Xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn trong lực lượng TNXP

Nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn trong các đội TNXP được coi trọng ngay từ đầu, nên khi tuyển cán bộ đội viên TNXP, Ban Bí thư TƯ Đoàn đã chủ trương cho các cơ sở thống nhất thực hiện: tối thiểu mỗi đại đội TNXP (có trên dưới 200 cán bộ đội viên) phải có ít nhất 3-5 đảng viên để xây dựng chi bộ Đảng và tùy theo số lượng đoàn viên xây dựng một Chi đoàn thanh niên.

Do có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh nên công tác lãnh đạo của Đảng, vai trò xung phong gương mẫu, nòng cốt của Đoàn Thanh niên trong các đơn vị TNXP được phát huy ngay từ buổi đầu.

Hàng tháng qua sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt Đội, anh chị em đã bình bầu, lựa chọn những cán bộ đội viên xuất sắc giới thiệu để Đảng, Đoàn giúp đỡ.

Sau một nhiệm kỳ 3 năm số đảng viên trong Đội TNXP đã tăng từ 3% lên 14%.

(Theo “Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước” – NX B Giao thông Vận tải – 2002)

….