Từ Ban Liên lạc đến Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam

Đăng lúc: 07-12-2019 10:40 Sáng - Đã xem: 161 lượt xem In bài viết

Trong năm 1964 và đầu năm 1965, trước sự tiến công mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam, sự suy sụp của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam, chuyển từ “chiến tranh đặc biệt[i]” sang “chiến tranh cục bộ[ii]”. Chúng mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thực hiện Chỉ thị số 71/TTg-CN, ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các đội Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước tập trung để làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Ngay sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đã có 14 vạn nam, nữ, cán bộ, đội viên TNXP gia nhập 170 đội và 50 đại đội thực hiện nhiệm vụ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ năm 1965-1975 Trung ương (TW) Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và các địa phương đã huy động 271.000 cán bộ, chiến sĩ TNXP tham gia chiến đấu ở các chiến trường: vận chuyển vũ khí, hậu cần, đạn dược, tháo dỡ bom mìn, cáng tải thương binh, đảm bảo thông tin liên lạc, vận chuyển xăng dầu. Đặc biệt là mở đường chiến lược, đảm bảo giao thông, phục vụ cho vận tải và hậu cần của Đoàn 559 cho chiến trường miền Nam, đánh thắng chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn 30/4/1975.

Ở miền Nam, ngày 20/4/1965 đơn vị TNXP giải phóng đầu tiên được thành lập, dần dần đã mạnh lên đến 4,5 vạn TNXP cơ sở tham gia phục vụ chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến tranh kết thúc, các lực lượng TNXP đã được ra quân cho về địa phương. Một số cho đi học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, sau này bổ sung vào các cơ quan Nhà nước. Các tổ chức TNXP cũng được giải thể, không còn hoạt động, kết thúc vai trò lịch sử vẻ vang của lớp TNXP chống Mỹ. Công tác quản lý hồ sơ, tài liệu, tổ chức hoạt động của TNXP, do không có hướng dẫn, phân công trách nhiệm quản lý, lưu trữ rõ ràng nên không có cơ quan, tổ chức nào làm đầu mối quản lý thống nhất. Do đó hồ sơ bị phân tán, thất lạc; hay do nhiều cơ quan, đầu mối, cá nhân lưu trữ khó tìm kiếm.

Đặc điểm tổ chức của TNXP là ngoài TW Đoàn còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương, quân đội quản lý, thành lập phục vụ nhất thời cho công tác chiến đấu theo Chỉ thị của Chính phủ. Việc giải quyết chế độ cho TNXP cũng chỉ tức thời trong giai đoạn còn trong quân ngũ. Sau khi giải thể về địa phương coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết tồn đọng về chính sách.

Chiến tranh kết thúc, nước nhà đã được thống nhất, độc lập, nhân dân ta được sống trong hòa bình. Nhưng những hậu quả của chiến tranh để lại về kinh tế, đời sống, tệ nạn xã hội và tồn đọng về chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến là rất nặng nề, trong đó có lực lượng TNXP. Trong khi đó lại xẩy ra 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hậu quả rất nặng nề. Mặt khác đất nước lại bị cấm vận một thời gian khá dài nên rất khó khăn; hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ, không còn chỗ dựa, chúng ta phải tự mình tìm lấy đường đi.

Trong tình cảnh ấy, Đảng và Chính phủ cũng hiểu rõ việc giải quyết chế độ chính sách sau chiến tranh là hết sức quan trọng và cấp bách nhưng phải hoãn lại, để tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh mới. Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế, xã hội tạm thời ổn định và dần phát triển. Đảng và Chính phủ ta chủ trương hướng dẫn các cấp, các ngành tổng kết khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích to lớn trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đồng thời ban hành những chính sách cụ thể đãi ngộ người có công với cách mạng như: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ bị địch bắt tù đầy.v.v.. và giải quyết chính sách còn tồn đọng về liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học… Chủ trương đúng đắn đó đã tạo được niềm tin to lớn cho nhân dân cả nước. TNXP là một lực lượng lớn tham gia trong chiến tranh, khi giải thể về địa phương cuộc sống rất khó khăn, bươn chải. Nhiều người bị thương nặng, sức khỏe yếu không có chế độ gì; nhiều phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, có chị phải vào chùa đi tu để xa lánh cõi trần. Khi chủ trương của Đảng ra đời, nhiều đối tượng chế độ, chính sách đã được các tổ chức, các ngành, cơ quan hữu quan chăm lo giải quyết. Riêng đối với lực lượng TNXP tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chủ trương đúng đã có tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của anh chị em. Họ cùng chung tâm trạng vừa mong chờ, vừa băn khoăn lo lắng, thắc mắc là tổ chức TNXP đã giải thể, ai là người đứng ra đại diện giải quyết cho mình?

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) tại Thành Cổ Quảng Trị
trong chuyến về nguồn thăm chiến trường xưa ngày 19/4/2019.

Trước tình hình đó, một số cán bộ Đoàn và TNXP ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã gặp nhau trao đổi và thống nhất đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Đệ đứng ra thành lập Ban liên lạc (BLL) để lo cho anh em. Ngày 10/3/1993 cuộc họp trù bị đầu tiên thành lập BLL đã được diễn ra tại số nhà 31 Trương Hán Siêu (Hà Nội), do đồng chí Nguyễn Văn Đệ chủ trì và 9 thành viên là các đồng chí Tô Khánh Thọ, Nguyễn Giỏi, Trần Quang Mãi, Bùi Quang Tiếu, Phạm Duy Thịnh, Nguyễn Hữu Rỹ, Nguyễn Đình Lữu, Nguyễn Chí Lợi, Trần Văn Thà. Cuộc họp đã tỏ rõ quyết tâm và ý chí của tất cả các đồng chí, thống nhất thành lập BLL cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT; Cử đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm Trưởng ban lâm thời, đồng chí Tô Khánh Thọ làm Phó ban. Toàn Ban và các đồng chí có trách nhiệm chuẩn bị cho buổi gặp mặt đầu tiên của cựu cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT. Ngày 20/3/1993 cuộc gặp măt đầu tiên được tổ chức tại 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), sau 20 năm Đoàn ngành giải thể. Tham gia cuộc gưpj mặt có trên 200 người, gồm cựu cán bộ Đoàn, cựu cán bộ TNXP là các Đội trưởng, Đội phó và Bí thư Đoàn TNXP trong các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước thuộc Đoàn ngành GTVT TW quản lý, trên địa bàn Hà Nội. Mọi người vô cùng phấn khởi gặp lại nhau sau 20 năm xa cách. Bộ trưởng Bùi Danh Lưu phát biểu nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập BLL, hứa hẹn sẽ ủng hộ hết lòng và tạo điều kiện cho BLL hoạt động. Danh sách BLL được Hội nghị thông qua gồm 9 đồng chí, sau này bổ sung thêm 3 đồng chí thành 12. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư TW Đoàn, Trưởng ban Chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước TW, nguyên Uỷ viên BCH Đảng bộ ngành GTVT, Bí thư Đoàn ngành GTVT TW làm Trưởng ban. Đồng chí Tô Khánh Thọ, nguyên Phó Bí thư Đoàn ngành GTVT làm Phó ban và các ủy viên khác. BLL thống nhất phân công các đồng chí ủy viên khẩn trương thành lập BLL ở các ngành, các tỉnh và các đơn vị của mình.

Sau cuộc họp, chỉ sau một thời gian ngắn các đơn vị sau đây đã thành lập được BLL và tổ chức cuộc gặp mặt đơn vị của mình:

– (1) BLL cơ quan Bộ GTVT do đồng chí Trần Văn Thà, UVBCH ngành làm Trưởng ban;

– (2) BLL Đường sắt do đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển, sau này là đồng chí Phan Sỹ Liên, nguyên Trưởng ban TNXP Đường sắt, Phó Tổng giám đốc Đường sắt khu vực I làm Trưởng ban;

– (3) BLL Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 do đồng chí Nguyễn Duy Chung, sau là đồng chí Hoàng Văn Mô làm Trưởng ban;

– (4) BLL Tổng công ty Xây dựng Thăng Long do đồng chí Lê Kế Vinh làm Trưởng ban;

– (5) BLL cơ quan Đoàn Thanh niên GTVT TW do đồng chí Lưu Trùng Khánh làm Trưởng ban;

– (6) BLL Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông I, do đồng chí Chu Đình Sử làm Trưởng ban;

– (7) BLL Cục Đường sông do đồng chí Nguyễn Ngọc Kiểm làm Trưởng ban.

Ở các tỉnh, thành từ Quảng Bình trở ra cũng lần lượt thành lập BLL ở địa phương mình. Tỉnh Thanh Hóa đã đi tiên phong thành lập từ năm 1992, do đồng chí Lê Ngọc Đồng làm Trưởng ban (sau là đồng chí Trần Đình Lăng). Các đồng chí làm Trưởng ban ở các tỉnh: Đào Văn Tinh (Hà Tĩnh); Ngô Văn Thái (Phú Thọ); Cao Bá Sanh (Nghệ An); Nghiêm Xuân Đạo (Thái Nguyên); Nguyễn Công Thiêm (Bắc Giang); Phan Chương (Nam Định); Nguyễn Đình Phiên (Hải Dương); Nguyễn Anh Nhưỡng (Lạng Sơn); Trần Thị Lan (Thái Bình); Nguyễn Anh Thưởng (Hà Nội).

Tiếp đó ở miền Nam, BLL Tổng đội TNXP cũng được thành lập, do đồng chí Trần Văn Mãnh (tức Hai Văn) làm Trưởng ban.

Sau khi một số tỉnh thành khác như TP. Hồ Chí Minh, các cựu TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã thành lập BLL; các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, các cựu TNXP Thái Bình tại Hà Nội, Hà Tây cũng đã thành lập BLL. Các BLL đã tổ chức sinh hoạt truyền thống, triển khai hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, …Không có kinh phí, các BLL đã vận động thành lập quỹ “Tình nghĩa”, vận động chính quyền và nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ; Tổ chức xây Nhà bia ghi danh các địa danh lịch sử TNXP như Ga Gôi (Nam Định), Lưu Xá (Thái Nguyên), Truông Bồn (Nghệ An) và thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Để có số liệu báo cáo Đảng và Nhà nước, đồng thời làm rõ vai trò lịch sử, hy sinh cống hiến to lớn, xuất sắc của thế hệ TNXP Việt Nam cho cách mạng và các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, BLL đã tiến hành các việc tìm tòi số liệu tại các kho lưu trữ, đi khảo sát ở một số cơ sở, địa phương và tiếp cận với những nhân chứng lịch sử qua truyền thông hoặc các phương tiện khác để thu thập các ý kiến hiểu biết về TNXP. Trên cơ sở đó đề đạt nguyện vọng, tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng các chế độ, chính sách cho TNXP. BLL đã thực hiện 2 cuộc hội thảo để đánh giá về tình hình TNXP, có thêm tư liệu và thu thập ý kiến, phản ánh yêu cầu và nguyện vọng của TNXP cũng như những vấn đề tồn đọng cần giải quyết. BLL đã tổ chức hội thảo lần thứ nhất. Tham gia Hội thảo có các đồng chí: Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất TW Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Trịnh Tố Tâm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư TW Đoàn, Trưởng Ban TNXP TW, Trưởng BLL cán bộ Đoàn và TNXP; Tạ Quang Chiến, nguyên Bí thư TW Đoàn, đại diện TNXP chống Pháp; Lê Thị Sửu, nguyên UVBCH TW Đoàn, Trưởng ban TNXP TW Đoàn; Nguyễn Việt Phát, UVBCH TW Đoàn, Trưởng Ban TNXP lao động trẻ TW Đoàn; Nguyễn Đình Hiến, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ theo dõi hoạt động TNXP thời kỳ chống Mỹ.

Qua hội thảo các thành viên đều nhất trí phải báo cáo Ban Bí thư và Chính phủ về yêu cầu đánh giá vai trò của TNXP trong 2 cuộc kháng chiến, và đề nghị Đảng và Chính phủ khen thưởng công lao của TNXP, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về chế độ chính sách cho TNXP, như chế độ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam còn đề nghị có Đề án tổng kết 10 năm TNXP chống Mỹ để làm tư liệu lịch sử.

BLL đã tổ chức khảo sát ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, là 3 địa phương có đông TNXP, là những chiến trường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều TNXP và nhiều di tích lịch sử về TNXP, là nơi thành lập BLL đầu tiên, đã báo cáo cho thấy rõ tình hình thực tế tồn đọng ở địa phương mình về chế độ chính sách cho TNXP, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đội viên TNXP khi đã về địa phương và thực tế cuộc sống của cựu TNXP sau thời kỳ chống Mỹ, đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc. Nghệ An và Hà Tĩnh cũng là những nơi chiến trường ác liệt, đã để lại hậu quả lâu dài cho TNXP và các Di tích lịch sử đã đi vào quên lãng. Các địa phương đều đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết ngay chế độ chính sách còn tồn đọng cho TNXP. Đây là những tư liệu, nhân chứng lịch sử cần đề nghị Đảng và Chính phủ xem xét. Tất cả những vấn đề trên đã được tóm tắt báo cáo lên Đảng và Chính phủ xin ý kiến giải quyết.

Nhân dịp 20 năm giải phóng miền Nam, ngày 20/4/1995 Ban Bí thư TW Đảng đã giao cho TW Đoàn và Bộ LĐTB&XH tổ chức cuộc gặp mặt đại diện TNXP các thời kỳ. Đây là cuộc gặp lịch sử sau 45 năm TNXP chống Pháp và 30 năm TNXP chống Mỹ. Nhân dịp này, BLL và TW Đoàn đã báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tình hình tồn đọng các chế độ khen thưởng và chế độ chính sách liệt sĩ, thương binh, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của TNXP cũng như đề nghị Đảng và Nhà nước đánh giá đúng vai trò lịch sử của TNXP; sớm có quyết định lấy ngày 15/7/1950 là ngày thành lập Lực lượng TNXP đầu tiên và công nhận là ngày lịch sử Truyền thống TNXP.

Ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 82/QĐ-TTg lấy ngày 15/7 hàng năm là ngày truyền thống của Lực lượng TNXP.

Để thu thập tài liệu và các ý kiến trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước về TNXP 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, BLL đã đề nghị đồng chí Hà Quang Dự tổ chức hội thảo lần thứ 2. Ngày 19/5/1995 hội thảo lần II đã được tổ chức. Tham gia hội thảo có các đồng chí: Đồng Sỹ Nguyên, nguyên UVBCT, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn; Hà Quang Dự, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Nguyễn Văn Đệ, Trưởng BLL cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT; Phan Minh Tánh, nguyên UVTW Đảng, UVTVQH, nguyên Bí thư TW Đoàn TNND cách mạng miền Nam, đại diện TNXP B2; Nguyễn Anh Liên, nguyên UVTV TW Đoàn, UVTV Đoàn TNNDCM Liên khu 5, đại diện TNXP khu 5; Lê Văn Sang, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đại diện TNXP chống Pháp; Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Đội trưởng Đội TNXP, Trưởng Ban XD 64; Nguyễn Việt Phát, UVBCH TW Đoàn, Trưởng ban TNXP – Lao động trẻ TW Đoàn; đồng chí Đẩu đại diện Cục Chính trị Bộ Quốc phòng; đồng chí Sắc đại diện Cục Chính sách Bộ LĐTB&XH. Đồng chí Hồng Kỳ, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, Bộ Quốc phòng vắng mặt nhưng đã góp ý kiến hội thảo bằng văn bản.

Hội thảo đã thống nhất ý kiến đề nghị Đảng và Chính phủ giải quyết những vấn đề tồn đọng về TNXP và coi đây là ý kiến đại diện cho TNXP trong 2 cuộc kháng chiến và đại diện TNXP cả 3 miền đất nước. Sau cuộc hội thảo, để có một BLL TNXP cả nước, có tiếng nói trọng lượng hơn, BLL cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT đã đề nghị thành lập BLL Cựu TNXP Trung ương.

Ngày 13/7/1996 Ban Liên lạc Cựu TNXP TW chính thức được thành lập gồm 9 đồng chí: Nguyễn Văn Đệ – nguyên Bí thư TW Đoàn, nguyên Trưởng Ban TNXP TW, nguyên UVBCH ĐU ngành GTVT, Bí thư Đoàn GTVT TW làm Trưởng ban; hai Phó Trưởng ban là: Lê Văn Sang, nguyên Thứ trưởng Bộ XD, cựu TNXP chống Pháp; Nguyễn Anh Liên, nguyên UVTV TW Đoàn, UVTV Khu đoàn Liên khu 5; 6 đồng chí là ủy viên: Huỳnh Xuân Lũy, nguyên cán bộ TNXP Giải phóng miền Nam; Tạ Quang Chiến – nguyên Bí thư TW Đoàn, cựu TNXP chống Pháp; Lê Thị Sửu, nguyên UVBCH TW Đoàn, nguyên Trưởng ban TNXP TW; Nguyễn Quang Ngọc, nguyên cán bộ Đội TNXP công tác TW đầu tiên; Trần Dân, nguyên cán bộ Đội TNXP Đường 12B Hòa Bình; Nguyễn Hữu Chất, nguyên cán bộ TNXP TW Đoàn.

BLL tự xác định chức năng, nhiệm vụ của mình là một tổ chức xã hội, tự thành lập, tự chịu trách nhiệm, vừa hoạt động xã hội, tình cảm, truyền thống, đồng thời có trách nhiệm là đại diện cho lực lượng TNXP kháng chiến, vừa là nhân chứng lịch sử có nhiệm vụ phản ánh tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cựu TNXP, quan hệ với TW Đoàn và các cơ quan chức năng, báo cáo, kiến nghị Đảng và Chính phủ giải quyết những tồn đọng và khen thưởng về chế độ, chính sách liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cho TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến.

Ngày 10/6/1997, BLL đã được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày những vấn đề về TNXP. Dự cuộc gặp với Thủ tướng có các đồng chí: Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Vũ Trọng Kim, Bí thư thứ nhất TW Đoàn; Nguyễn Văn Đệ – Trưởng BLL; Nguyễn Anh Liên, Phó BLL; Lê Văn Sang, Phó BLL. Các cán bộ theo dõi có các đồng chí: Thái Hiền Lương, cán bộ Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Việt Phát, Trưởng ban TNXP – Lao động trẻ TW Đoàn.

Sau khi nghe BLL Cựu TNXP trình bày những vấn đề tồn đọng về chính sách cho TNXP, tâm tư, nguyện vọng và đề nghị của BLL đối với Đảng và Chính phủ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận:

1/Ủng hộ phong danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các thế hệ TNXP Việt Nam và tiếp tục khen thưởng các địa phương có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, lãnh đạo TNXP;

2/Tiếp tục giải quyết tồn đọng về chế độ chính sách liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người mất sức … đối với TNXP;

3/Giao cho Bộ Văn hóa và TW Đoàn hướng dẫn, xét duyệt, công nhận các địa danh lịch sử của TNXP;

4/Giải quyết kinh phí làm Kỷ niệm chương tặng TNXP và kinh phí hoạt động cho BLL, giúp cho cán bộ, đội viên mất hồ sơ, giấy tờ làm hồ sơ mới, thẩm tra, giám định làm chế độ, chính sách;

5/Ủng hộ việc thành lập BLL Cựu TNXP ở các địa phương, giao cho Ban tổ chức cán bộ Chính phủ và TW Đoàn phối hợp ban hành quy chế hoạt động của BLL.

Thủ tướng còn căn dặn đối với cán bộ, đội viên mà tổ chức TNXP đã giải thể không còn hồ sơ, chứng từ, BLL giúp đỡ đi tìm người xác nhận, giúp anh chị em giải quyết nhanh chóng, đừng đày ải anh chị em nữa.

Từ trái qua phải là các đồng chí: Phan Văn Khải; Lê Văn Sang, Nguyễn Anh Liên; Võ Văn Kiệt;
Nguyễn Văn Đệ; Trần Đình Hoan; Vũ Trọng Kim; Nguyễn Việt Phát 
sau phiên họp ngày 10/6/1997.

Ngày 29/10/1997, BLL đã họp với BLL của các tỉnh thành hoặc đại diện TNXP các tỉnh chưa có BLL để triển khai Kết luận 64 của Chính phủ. Sau đó một thời gian các BLL Cựu TNXP các tỉnh thành đã lần lượt ra đời và gánh trách nhiệm sứ mệnh cùng BLL Cựu TNXP TW thực hiện các nguyện vọng của cựu TNXP cả nước. Ban LL đã làm việc với Bộ LĐTB&XH và Ban Bí thư TW Đoàn, tham mưu cho Thủ tướng tiếp tục ban hành các quyết định cụ thể về chế độ, chính sách liệt sĩ, thương binh, bệnh binh còn tồn đọng sau chiến tranh đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời BLL phối hợp với đại diện các Bộ Quốc phòng, Viện Thi đua- Khen thưởng Nhà nước và Vụ Thi đua – Khen thưởng của Chủ tịch nước xem xét, xúc tiến đề nghị Chủ tịch nước sớm có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các thế hệ TNXP Việt Nam, theo tờ trình của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ngày 11/11/1997, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 50/KT-CTN tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Lực lượng TNXP Việt Nam vì đã có “thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.

Đầu năm 1999, đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Trưởng ban do có một số công việc bận nên đã xin rút khỏi chức vụ Trưởng ban. BLL thống nhất cử đồng chí Nguyễn Anh Liên làm Trưởng ban, bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Tiến Năng làm Phó ban và đồng chí Nguyễn Văn Quỳ vào BLL. Từ 1999-2004, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng BLL đã tích cực hoạt động mạnh mẽ và hướng dẫn các BLL địa phương, BLL các đơn vị hoạt động.

Sau khi Ban Bí thư TW Đoàn có chủ trương ban hành Kỷ niệm chương tặng cho cựu TNXP (1995), và nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 104/QĐ-TTg năm 1999 về khen thưởng và giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, các BLL ngành GTVT, BLL Cựu TNXP miền Nam, BLL Cựu TNXP các tỉnh đã tự nguyện làm nhân chứng lịch sử duy nhất đứng ra đảm nhiệm giúp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổng hợp tư liệu, số liệu và tổ chức TNXP, hướng dẫn TNXP lập hồ sơ, chứng cứ, thẩm định, xác minh về con người, phiên hiệu TNXP của đơn vị, địa phương mình, giúp Đoàn TN cũng như các Bộ GTVT, LĐTB&XH có căn cứ tặng Kỷ niệm chương TNXP và quyết định các chế độ, chính sách liệt sỹ, thương binh, bệnh binh cho cựu TNXP, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng và giải tỏa được những bức xúc của cựu TNXP trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Ngày 2/5/2004, Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp mặt các cựu TNXP tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi nghe ý kiến và nguyện vọng của các cựu TNXP, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam. Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ, Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, TW Đoàn và BLL nghiên cứu thực hiện.

Ngày 25/8/2004, theo đề nghị của BLL Cựu TNXP TW, Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã ra Quyết định thành lập “Ban vận động thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam”. Ban vận động có11 thành viên, gồm 9 thành viên trong BLL và bổ sung thêm 2 đồng chí: Nguyễn Dy Niên, cựu TNXP chống Pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Ngọc Hoàn, nguyên cán bộ TNXP chống Mỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT. Ban vận động đã tích cực chuẩn bị xây dựng Điều lệ Hội, chuẩn bị nhân sự cơ quan TW Hội, xây dựng các văn kiện, chuẩn bị đại biểu ở các địa phương, cơ sở vật chất …để báo cáo Bộ Nội vụ cho thành lập Hội. Ngày 21/9/2004, sau khi kiểm tra cụ thể, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 64/2004/QĐ-BNV, thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, kèm theo phê duyệt Điều lệ Hội.

Ngày 19/12/2004, Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam đã được tổ chức tại hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Đại hội đã thông qua Điều lệ và đồng thuận thông qua danh sách 75 Uỷ viên BCH TW Hội và 16 thành viên Đoàn Chủ tịch gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 12 đồng chí Uỷ viên Đoàn Chủ tịch (Chủ tịch: Nguyễn Anh Liên; các Phó Chủ tịch: Tạ Quang Chiến, Nguyễn Tiến Năng, Nguyễn Hữu Chất. Các Ủy viên Đoàn Chủ tịch: Tô Huy Rứa, Nguyễn Dy Niên, Lê Ngọc Hoàn, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Hữu Quang, Lê Văn Sang, Lê Thị Sửu, Trần Khắc Lộng, Trần Đình Lăng, Vũ Minh Tâm, Lê Phương Thảo, Đoàn Thị Thanh Xuân).

Đại hội được tổ chức long trọng, trang nghiêm, phấn khởi. Thành công của Đại hội đã làm nức lòng các thế hệ TNXP Việt Nam. Sự ra đời của Hội đã kết thúc một thời kỳ hơn 10 năm của các BLL, cũng là thời kỳ khó khăn nhất, nhưng hoàn thành nhiệm vụ cao nhất của giai đoạn trước khi có Hội Cựu TNXP Việt Nam./.

NGÔ VĂN TUYẾN

Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra và Tuyên truyền,
nguyên Phó Trưởng ban Liên lạc TNXP Thái Bình tại Hà Nội

 

 


[i] Staley-Taylor là tên một kế hoạch thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Kế hoạch này được công bố tháng 5 năm 1961, mang tên hai người soạn thảo là nhà kinh tế học Eugene Staley của Viện nghiên cứu Standford – đại học Stanford và Đại tướng Maxwell D. Taylor, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam. Theo tiến độ, kế hoạch được triển khai trong 4 năm (1961-1965). Nội dung của nó là “bình định Miền Nam Việt Nam” trong vòng 18 tháng, từ đó đảm bảo cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thế chủ động trên chiến trường Miền Nam.

[ii] Chiến tranh cục bộ là một chiến lược chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành trong giai đoạn 1965–1967 trong Chiến tranh Việt Nam. Nội dung cơ bản của chiến lược là dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt nhất trong cả cuộc chiến tranh.