Từ “Không có việc gì khó” đến “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – chân lí thời đại mãi tỏa sáng

Đăng lúc: 03-04-2021 2:16 Chiều - Đã xem: 151 lượt xem In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Mỗi câu, mỗi chữ của Người đều mang tính chỉ đạo chiến lược cụ thể mà sâu sắc. “Không có việc gì khó” là câu đầu của bài thơ 4 câu Bác tặng Liên đội TNXP 312 đang làm nhiệm vụ ở cầu Nà Cù, thuộc bản Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn tối 28/3/1951: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Bài thơ này về sau còn gọi là “Khuyên thanh niên”.

Ảnh internet  

Bài thơ vừa là lời dạy bảo, lời nhắc nhở, lời động viên lực lượng TNXP khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ nói riêng và thế hệ trẻ phấn đấu đạt tới ước mơ cuộc đời nói chung. Điều này dễ nhận thấy. Nhưng ở đây, lời Bác còn thấm đượm tính chỉ đạo chiến lược kháng chiến của cách mạng Việt Nam sâu sắc.

Về bối cảnh, cách mạng Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đã kéo dài trên 4 năm, tính từ ngày Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Đảng và Bác đã phân tích lực lượng và quy trình phát triển tất yếu của cách mạng đã đề ra chiến lược kháng chiến đúng đắn và sáng tạo là: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, tự lực cánh sinh, trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi. Quân đội ta vừa mới kết thúc thắng lợi chiến dịch Biên Giới thu đông năm 1950. Thế và lực của quân đội ta đang chuyển sang thế tấn công. Trên thế giới, cách mạng Trung Quốc vừa chiến thắng lực lượng Quốc dân đảng, lập ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949). Cách mạng Việt Nam bắt đầu có sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô và thế giới, không còn cảnh “đơn thương độc mã” tác chiến. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn vô vàn, và chưa thể biết khi nào kháng chiến thắng lợi. Nhưng nhất định thắng lợi. Vì thế ngay câu đầu tiên bài thơ Bác đã khẳng định “Không có việc gì khó”. Cách dùng mệnh đề phủ định của phủ định để tăng thêm tính nhấn mạnh, tính khẳng định. Ở đây không chỉ là công việc cụ thể làm cầu, sửa đường mà Bác nói đến cả công việc kháng chiến. Vì làm cầu, sửa đường là phục vụ kháng chiến, là một bộ phận của kháng chiến. Kháng chiến là việc lớn đòi hỏi toàn dân tham gia, toàn diện tham gia nhưng không phải là việc khó, ta đã và đang làm và nhất định thắng lợi. Việc không khó thì càng nhanh thắng lợi, nhất là ở vào giai đoạn ta bắt đầu chuyển sang thế tấn công trên các chiến trường.

Trong chỉ đạo chiến lược, yếu tố “trường kì” luôn được nhấn mạnh, đối lập hoàn toàn với chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp. Bác còn phổ cập hóa bằng cách đặt tên kháng chiến cho các cán bộ giúp việc bên cạnh Bác là: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Trong bài thơ trên, tư tưởng chỉ đạo “trường kì kháng chiến” ở câu thứ hai “Chỉ sợ lòng không bền”. “Bền lòng” là lâu dài, không thay đổi. Bền lòng mới làm xong việc lớn, việc khó. Kể cả việc “không khó” đi chăng nữa vẫn cần phải bền lòng. Câu kết “Quyết chí ắt làm nên” bao hàm tư tưởng chỉ đạo kháng chiến “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, tự lực cánh sinh” và khẳng định mạnh mẽ “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam lại bước ngay vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Trước tình hình đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá rộng miền Bắc, ngày 17/7/1966 Bác Hồ đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”  trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm. Kháng chiến chống đế quốc Mĩ có thể dài hơn, nhưng lúc này chúng ta đã có độc lập, tự do nên Bác khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Lại một lần nữa Bác dùng mệnh đề phủ định của phủ định để nhấn mạnh và khẳng định. Bác kêu gọi: “Trước tình hình mới, chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, vư­ợt mọi gian khổ hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”.

Từ “Không có việc gì khó” đến “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cách nhau hơn 15 năm nhưng tư tưởng chiến lược chỉ đạo kháng chiến của Đảng và Bác Hồ luôn nhất quán, đúng đắn, sáng tạo và đã đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Tin tưởng ở chiến lược chỉ đạo kháng chiến, tin tưởng ở chiến thắng nên đang kháng chiến chống Pháp Bác viết “Quyết chí ắt làm nên”, còn đang kháng chiến chống Mĩ Bác viết câu chữ dài hơn, cụ thể hơn vào đối tượng kẻ thù, nhưng vẫn bao hàm ý nghĩa ‘Quyết chí ắt làm nên” năm xưa!

 

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh