Từ thôi thúc của lịch sử đến sự ra đời của Hội Cựu TNXP Việt Nam

Đăng lúc: 15-10-2024 3:33 Chiều - Đã xem: 64 lượt xem In bài viết

Kháng chiến thắng lợi, nước nhà hoàn toàn thống nhất, nhân dân ta được sống trong một đất nước độc lập hoà bình, nhưng những hậu quả chiến tranh để lại về kinh tế, đời sống, xã hội muôn vàn khó khăn. Và một điều không ngờ là chỉ sau 3 ngày đất nước ta sạch bóng quân thù, ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thì ngày 03-5-1975 bọn phản động Pôn Pốt tiếm quyền lãnh đạo, phản bội cách mạng Campuchia, thực hiện chính sách cực kỳ phản động. Đối nội thì chúng thực hiện diệt chủng dân tộc mình; đôi ngoại thì coi Việt Nam là kẻ thù số 1. Chúng bất ngờ cho quân đổ bộ vào đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu và tiến hành đánh chiếm, tàn phá, giết hại hàng vạn dân lành thuộc các tỉnh biên giới phía Nam, mở đầu cho một cuộc chiến tranh ở mặt trận Tây Nam. Song song với mặt trận Tây Nam, ở phía Bắc, quân dân ta còn phải đối phó với các thế lực thù địch đang xâm phạm Tổ quốc ta. Trong hoàn cảnh đó, Đảng và Nhà nước cũng hiểu rõ việc giải quyết chế độ chính sách cho những người có công trong kháng chiến là hết sức quan trọng nhưng đành phải hoãn lại để tập trung sức giải quyết hậu quả chiến tranh vừa đổi phó với các cuộc chiến tranh mới. Mãi đến những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, tình hình kinh tế, xã hội nước ta mới dần dần được ổn định và phát triển vì vậy Đảng, Nhà nước mới có điều kiện ban hành những chế độ, chính sách đãi ngộ người có công với nước. Chủ trương đúng đắn ấy đã tạo niềm tin và phấn khởi to lớn trong nhân dân cả nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiều đối tượng hưởng chế độ chính sách đã được các tổ chức, các ngành, các cơ quan hữu quan tích cực chăm lo giải quyết.

Tuy nhiên, đối với lực lượng cựu thanh niên xung phong đã phục vụ hai cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ có những đặc thù, phức tạp nên việc thực hiện chế độ ưu đãi cựu thanh niên xung phong như những người có công trong kháng chiến gặp nhiều bất cập. Bởi hầu hết cựu thanh niên xung phong đều không có hoặc thiếu vì không còn giữ được những giấy tờ hồ sơ gốc. Cuộc sống vật chất vốn đã gặp nhiều khó khăn càng thêm khó khăn chồng chất dẫn đến nảy sinh nhiều tâm tư bức xúc. Nắm bắt được thực tế ấy, một số cựu cán bộ thanh niên xung phong nhiều tâm huyết đã cùng nhau bàn bạc thành lập các Ban liên lạc, Ban đại diện cựu thanh niên xung phong ở các đơn vị truyền thông, ở một số địa phương, một số ngành nhằm tiến hành các hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ hỗ trợ nhau vượt lên hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo, ốm đau bệnh tật vừa làm nhân chứng lịch sử giúp chính quyền thực hiện giải quyết chính sách cho thanh niên xung phong. Tỉnh Thanh Hoá là địa phương thành lập Ban đại diện cựu thanh niên xung phong đầu tiên vào năm 1992 do cựu cán bộ thanh niên xung phong Lê Ngọc Đồng, nguyên uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Tiếp đến ngày 10-3-1993, Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn và cựu thanh niên xung phong ngành Giao thông vận tải được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, phụ trách lực lượng, thanh niên xung phong Trung ương và nguyên Bí thư Đoàn ngành Giao thông vận tải làm Trưởng ban. Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Đội 34-40) do đồng chí Trần Dân, nguyên Đội trưởng Đội 40 phụ trách. Ban liên lạc Tổng đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam do đồng chí Trần Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng làm Trưởng ban. Rồi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng lần lượt thành lập Ban liên lạc tập hợp hàng vạn cựu thanh niên xung phong tham gia sinh hoạt. Sau mấy chục năm xa cách, nay có dịp được gặp mặt, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi sức khoẻ gia đình… và ai nấy đều quyết tâm hướng đến mục tiêu phát huy truyền thống anh hùng và phẩm chất cách mạng vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong vào thời kỳ mới, góp phần vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Ban liên lạc các đơn vị, địa phương ra đời bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của đông đảo cựu thanh niên xung phong trong việc báo cáo kiến nghị lên các cơ quan lãnh đạo các cấp về việc quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho anh chị em, nhưng còn rời rạc, riêng lẻ từng nơi từng địa phương mà chưa lên đến được các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Do đó, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Trung ương ra đời gồm 9 thành viên được thành lập ngày 23-7-1996 do đồng chí Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, trưởng ban chỉ đạo thanh niên xung phong Trung ương làm Trưởng ban và hai Phó ban là đồng chí Nguyễn Anh Liên, uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nguyên uỷ viên Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Văn Sang, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Sau một thời gian Ban liên lạc các địa phương và Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Trung ương thành lập đã tập hợp báo cáo lên Trung ương Đảng và Chính phủ nhiều đề xuất kiến nghị trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với nước nói chung, với lực lượng cựu thanh niên xung phong kháng chiến nói riêng được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Từ đó, một sự kiện đặc biệt đầu tiên là nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, ngày 20-2-1995 trong Thông báo số 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về’ các hoạt động kỷ niệm, có một nội dung quan trọng là Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc gặp toàn quốc đại diện tiêu biểu của các thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam. Cuộc họp mặt lịch sử đầu tiên được diễn ra ngày 20- 4-1995 tại Thủ đô Hà Nội không chỉ là một bất ngờ và vui mừng lớn của các cựu thanh niên xung phong mà còn đối với cả nhiều cán bộ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị và cả trong nhân dân. Vì đã 45 năm trôi qua đối với cựu thanh niên xung phong chống Pháp, 30 năm với cựu thanh niên xung phong chống Mỹ ở nhiều nơi, nhiều lúc không còn ai nhắc tới cựu thanh niên xung phong. Có thể nói, cuộc gặp mặt đã có tác dụng to lớn, đánh thức, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân nhớ lại công lao, thành tích xuất sắc và sự hy sinh cống hiến to lớn của thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị thay mặt Đảng, Nhà nước biểu dương: “Trong các phong trào yêu nước của thanh niên ta suốt gần nửa thế kỷ qua, thanh niên xung phong xứng đáng là một trong những biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Bác Hồ, vai trò và tính chất của thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi, đi đầu, sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải kể đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, đã giúp cho thanh niên xung phong lập nên những kỳ tích vẻ vang. Là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam“. Bài phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi, tin tưởng về sự đánh giá cao vai trò lịch sử, sự hy sinh cống hiến to lớn của thanh niên xung phong, giải tỏa được tâm trạng bức xúc kéo dài gần nửa thế kỷ và tin tưởng sớm muộn sẽ được Đảng, Chính phủ giải quyết.

Hơn hai tháng sau ngày 30-6-1995, Thủ tướng ký Quyết định số 382/TTg lấy ngày 15 tháng 7 hàng năm làm ngày Truyền thống của thanh niên xung phong Việt Nam.

Từ trái qua phải là các đồng chí: Phan Văn Khải; Lê Văn Sang; Nguyễn Anh Liên; Võ Văn Kiệt;
Nguyễn Văn Đệ; Trần Đình Hoan; Vũ Trọng Kim; Nguyễn Việt Phát 
sau phiên họp ngày 10/6/1997.

Tiếp đến, ngày 10-6-1997, từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 sáng, trước giờ đi họp Ban Chấp hành Trung ương , Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải đã nghe báo cáo và cho ý kiến về những đề xuất kiến nghị của Ban hên lạc cựu thanh niên xung phong. Tham dự cuộc họp có Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Trọng Kim và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan. Về phía Ban liên lạc có Trưởng ban Nguyễn Văn Đệ và các phó ban Nguyễn Anh Liên, Lê Văn Sang. Sau khi nghe các đồng chí dự họp phát biểu ý kiến, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận đồng ý cả 5 kiến nghị của Ban liên lạc là: Chính phủ ủng hộ việc báo cáo với Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, đồng thời tiếp tục xét khen thưởng các địa phương, đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, lãnh đạo thanh niên xung phong. Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục giải quyết chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người mất sức… là cựu thanh niên xung phong. Giao cho Bộ Văn hoá – Thông tin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn, xét duyệt, công nhận các địa danh lịch sử của thanh niên xung phong. Giao cho Bộ Tài chính cấp kinh phí cho Trung ương Đoàn làm Kỷ niệm chương thanh niên xung phong, và kinh phí hoạt động của Ban liên lạc giúp cho cán bộ, hội viên thất lạc hồ sơ, giấy tờ, làm hồ sơ mới có thẩm tra, giám định để làm chế độ. Thủ tướng ủng hộ việc thành lập Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong các địa phương, giao cho Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Trung ương Đoàn phối hợp ban hành quy chế hoạt động của Ban liên lạc. Thủ tướng hoan nghênh ý tưởng của Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Trung ương chuẩn bị tiến tới Đại hội thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam và nhấn mạnh đến vai trò tổ chức nhân chứng lịch sử của Hội làm chỗ dựa cho chính quyền giải quyết chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước cho cựu thanh niên xung phong.

Để thực hiện Thông báo số 64/VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong Trung ương đã nỗ lực làm việc với các cơ quan hữu quan và tham mưu làm báo cáo trình lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngày 11-11-1997, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Quyết định số 50/KT-CTN “Tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong Xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 14-4-1999, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký Quyết định số 104/CP về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Ngày 14-7-2002, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thân mật tiếp Ban đại diện Cựu thanh niên xung phong Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Liên làm Trưởng ban nhân kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ sáng lập lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15-7-1950 – 15-7 2002). Chủ tịch nước Trần Đức Lương thay mặt Đảng, Nhà nước nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ thanh niên xung phong vào sự nghiệp vẻ vang của Tổ quốc. Chủ tịch vui mừng nhận thấy ngày nay các cựu thanh niên xung phong vẫn luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ, tiếp tục nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước và tiếp tục tu dưỡng bản thân, nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cho các thế hệ con cháu noi theo. Nhân dịp này Chủ tịch nước cũng nhắc nhở các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các bộ ngành ở Trung ương và các địa phương luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, về đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, chế độ đối với người có công với nước, trong đó có cựu thanh niên xung phong. Chủ tịch nước ủng hộ việc Ban đại diện cựu thanh niên xung phong đang khẩn trương chuẩn bị thành lập Ban vận động Đại hội thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngày 2-5-2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cựu thanh niên xung phong phục vụ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1953-1954). Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Anh Liên, Trưởng ban và đồng chí Nguyễn Tiến Năng, Phó ban đại diện cựu thanh niên xung phong Trung ương báo cáo, Thủ tướng Phan Văn Khải hoan nghênh và chấp nhận cho phép Đại hội thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam- Một tổ chức quần chúng do Đảng nhà nước giao nhiệm vụ, đại diện nguyện vọng và quyền lợi của 35 vạn cựu thanh niên xung phong trong cả nước, đặc biệt làm nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết các chế độ đãi ngộ với Cựu TNXP. Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp, các địa phương sớm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong chính sách đối với cựu thanh niên xung phong đã để kéo dài quá lâu. Chính phủ sẽ chỉ đạo đôn đốc các bộ ngành phải nghiên cứu tiến hành đơn giản hoá các thủ tục công nhận liệt sĩ, thương binh, nhiễm chất độc da cam và đối với những nữ cựu thanh niên xung phong cô đơn để thực hiện tốt hơn chính sách đền ơn đáp nghĩa, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cũng là một phương thức giáo dục thích hợp, hiệu quả đối với thế hệ trẻ.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo và sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban đại diện cựu thanh niên xung phong xúc tiến việc thành lập Ban vận động Đại hội thành lập Hội, tuy nhiên do vướng mắc về thủ tục hành chính nên các cơ quan chức năng chưa chính thức công nhận. Do đó, Ban đại diện cựu thanh niên xung phong Trung ương báo cáo với Đoàn Chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị chỉ đạo, giúp đỡ. Ngày 15-7-2004 tại trụ sở uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã tiếp Đoàn đại biểu cựu thanh niên xung phong đến trình bày một khát vọng cháy bỏng của 35 vạn cựu thanh niên xung phong kháng chiến. Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt xúc động ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt khẳng định Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam ra đời sẽ đoàn kết, tập hợp 35 vạn cựu thanh niên xung phong vào tổ chức, tạo nên một sức mạnh tinh thần mới, tiến hành giáo dục, động viên hội viên phát huy truyền thống anh hùng và phẩm chất cách mạng vẻ vang của thanh niên xung phong, tiếp tục tu dưỡng bản thân, nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ, góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Chủ tịch cho biết đã bàn trong lãnh đạo, sẽ giúp sức cùng Ban vận động thành lập Hội giải quyết ngay những phần việc thuộc thẩm quyền của mình và sẽ đề xuất với Chính phủ và các ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại hội thành lập Hội thành công và sẽ chính thức công nhận Hội Cựu Thanh niên xung phong là tổ chức thành viên của Mặt trận trong thời gian sớm nhất.

Ngày 4-8-2004, lãnh đạo Trung ương Đoàn cùng uỷ ban quốc gia về Thanh niên đã họp với Ban vận động thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành Đại hội thành lập Hội.

Ngày 21-9-2004 Bộ trưởng Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ giao ký Quyết định cho tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

 Ngày 19-12-2004. Đại hội lần thứ nhất Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam được diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Theo sách Truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong và Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam (1950 – 2010). Nhà Xuất bản Thanh niên, tháng 10 năm 2010