Tư vấn chính sách đối với Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 28-07-2022 3:28 Chiều - Đã xem: 239 lượt xem In bài viết

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, TNXP  là lực lượng đóng góp nhiều công sức và xương máu cũng giống như bộ đội và các lực lượng vũ trang khác; TNXP xông pha trên khắp các chiến trường, khắp các điểm nóng không nề hà bất cứ khó khăn gian khổ nào. Đảng và Nhà nước rất coi trọng những đóng góp của lực lượng này và đã ban hành nhiều chế độ chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Hiện nay, bên cạnh những đối tượng đã được hưởng chế độ, thì vẫn còn khá nhiều người chưa được hưởng, bởi còn những vướng mắc khi lập hồ sơ; thêm vào đó việc xét duyệt cũng có những khó khăn.

Đại đội TNXP 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

 Trong chương trình tư vấn chế độ, chính sách ngày 03/6/2022 của VOV, ông Ngô Văn Tuyến – Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra Hội Cựu TNXP Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này; Ban Biên tập lược ghi và trân trọng gửi đến bạn đọc nội dung cuộc trao đổi. Các bạn có thể nghe trong vov2.vov.vn/phap-luat/huong-che-do-thuong-binh-co-duoc-huong-them-che-do-doi-voi-tnxp-35377.vov2

Btv Hoa Thanh Huyền: Để đảm bảo chế độ đối với TNXP  đã hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến thì Đảng và Nhà nước đã ban hành những văn bản nào?

Ông Ngô Văn Tuyến: Để thực hiện chế độ chính sách cho TNXP đã  hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, Nhà nước đã ban hành các văn bản:

– Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

– Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

– Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí đối với TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp;

– Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với TNXP cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975, trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mai táng và chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh đối với TNXP  ở cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau;

–  Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc;

–  Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg  ngày 08/11/2005 về chế độ chính sách đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;

– Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 Hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (có điều khoản Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/06/2005; Pháp lệnh số  04/2012/UBTVQH13 ngày 16/07/2012; Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 ưu đãi người có công với cách mạng và theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Như vậy các Nghị  định của Chính phủ đã có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết chế độ chính sách cho TNXP tham gia hai cuộc kháng chiến và bảo vệ biên giới. Chỉ còn TNXP  tham gia giai đoạn sau năm 1975 thì hiện nay nhà nước đang xây dựng.

Anh Nguyễn Xuân Đề ở huyện Đông Hưng, Thái Bình: Bác tôi tham gia TNXP  từ tháng 5/1965 đến tháng 12/1970 thuộc đơn vị C205. Tháng 12/1972 thì bác tôi nhập ngũ vào quân đội; đến đầu năm 1974 thì bác hy sinh và được công nhận là liệt sĩ, bác gái tôi đã được hưởng chế độ tuất. Xin hỏi thời gian 5 năm tham gia TNXP, bác tôi có được hưởng trợ cấp 1 lần không?

Ông Ngô Văn Tuyến: Theo quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chế độ đối với TNXP phong tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Như vậy, bác của bạn đã chuyển ngành sang quân đội và hi sinh, gia đình đã được hưởng chế độ liệt sĩ thì không được hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần của TNXP nữa.

Bạn Mai Xuân Ánh ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam: Bố tôi là TNXP  đã được hưởng tiền trợ cấp một lần theo Quyết định số 40 ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; bố tôi vừa mất tháng trước. Vậy gia đình có được hưởng tiền mai táng phí đối với TNXP hay không?

 Ông Ngô Văn Tuyến: Bố bạn là TNXP đã được  hưởng trợ cấp 1 lần và đã có thẻ bảo hiểm y tế. Do vậy, khi mất thì được hưởng theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành mà không được hưởng tiền mai táng phí đối với TNXP. Văn bản quy định TNXP từ trần trước thời điểm ban hành Quyết định số 40/2011 thì đại diện thân nhân gia đình được hưởng trợ cấp 1 lần mức là 3.600.000₫.

Một thính giả ở tỉnh Cao Bằng: Tôi đi TNXP từ năm 1978, đến năm 1979 Tàu vào đánh, nhà cửa bị đốt, tôi về làm nhà cửa rồi tôi tham gia lực lượng dân quân xã. Đến năm 1988 tôi vào Nam, bây giờ thì không còn giấy tờ, tôi có được hưởng chính sách đối với TNXP không?

Ông Ngô Văn Tuyến: Trước hết cần làm rõ bạn đi TNXP từ năm 1978 đóng quân ở địa bàn nào, làm nhiệm vụ cụ thể gì, thời gian bao nhiêu lâu… Nếu đơn vị TNXP của bạn làm nhiệm vụ tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh phát triển kinh tế thì chưa có chế độ, chính sách (hiện nay chính sách cho TNXP giai đoạn sau năm 1975 đang xây dựng); còn nếu tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (tại biên giới phía Bắc) thì được hưởng chế độ theo QĐ 62/2011/QĐ- TTg ngày 09/11/2011 của CP. Để được hưởng chế độ theo QĐ 62, hồ sơ gồm: 01 bản khai của đối tượng; một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) chứng minh mình là Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.

Bà Nguyễn Thị Lục ở huyện Tĩnh Gia tỉnh, Thanh Hóa: Mức trợ cấp hàng tháng đối với TNXP  tại thời điểm hiện nay là bao nhiêu? Tôi có người bạn năm nay đã 72 tuổi đi TNXP  thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã được hưởng trợ cấp 1 lần. Bạn tôi hiện sống một mình sức khỏe yếu không có nguồn thu nhập nào thì có thể xin hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng được hay không?

Ông Ngô Văn Tuyến: Mức trợ cấp hàng tháng hiện nay đối với TNXP là 540.000đ/tháng. Mức này hiện đang rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Chúng tôi cũng đang đề  nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Nhà nước điều chỉnh lại. Bạn bà đã được hưởng trợ cấp 1 lần thì không được hưởng trợ cấp hàng tháng nữa.

Một thính giả ở xã Nga Trường, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa: Tôi đi TNXP 3 năm rồi chuyển sang bộ đội, sau đó tôi bị thương rồi trở về, tôi bị thương tật 22%, thương binh hạng 4/4, hiện đang hưởng chế độ đối với thương binh. Anh em đi TNXP cùng người ta đều được hưởng chế độ, sao tôi không được hưởng chế độ đối với TNXP?

Ông Ngô Văn Tuyến: Tại Quyết định  số 40/2011/QĐ- TTg ngày 27/7/2011 của Chính phủ, quy định: Chế độ đối với TNXP  tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Như vậy, bạn đã được hưởng chế độ thương binh thì không được hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP.

Bạn Huỳnh Văn Xuân ở huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai: Thời kỳ chống Mỹ cứu nước khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1973 mẹ tôi có đi TNXP  tại địa phương. Sau đó thì mẹ  tôi đi làm công nhân được mấy năm thì do sức khỏe yếu nên mẹ tôi đã được về hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Vậy mẹ tôi có thuộc đối tượng được hưởng chế độ đối với TNXP nữa hay không? Nếu được thì cần làm thủ tục như thế nào?

Ông Ngô Văn Tuyến: Theo Nghị định 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 quy định về chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mai táng và chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh đối với TNXP  ở cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ 26/3/1965 đến 30/4/1975 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau, thì một trong các trường hợp hiện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thì không được hưởng. Như vậy nếu mẹ bạn có sổ hưu trí, mất sức lao động thì không được hưởng chế độ đối với TNXP. Trường hợp mẹ bạn về thôi việc một lần thì vẫn được hưởng chế độ TNXP. Bạn cần đến cơ quan Sở Nội vụ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được làm rõ.

Chị Nguyễn Tuyết Minh ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: Bố tôi trước đây có thời gian tham gia TNXP  từ năm 1972 cho đến năm 1975. Do bị bệnh nên ông đã mất vào năm 2015. Trên giấy tờ của bố tôi ghi năm sinh 1958. Đến năm 2017 khi Nghị định 112 được ban hành thì gia đình đã làm hồ sơ hưởng chế độ TNXP cho bố tôi, nhưng hồ sơ bị trả lại với lý do là lúc bố tôi tham gia TNXP  thì mới có 14 tuổi, chưa đủ tuổi để tham gia TNXP. Thực tế, thì nhiều người ở địa phương đã làm chứng là bố tôi có tham gia thời kỳ đó. Xin hỏi việc trả lại hồ sơ của bố tôi với lý do như vậy đúng hay không?

 Ông Ngô Văn Tuyến:  Nghị định 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 nêu rõ: độ tuổi tham gia TNXP  cơ sở miền Nam là từ 16 đến 30 tuổi, trường hợp đặc biệt thì dưới 16 tuổi có sức khỏe tốt, tình nguyện tham gia TNXP  cơ sở miền Nam và được các đơn vị thanh niên phong cơ sở chấp thuận nhưng không dưới 14 tuổi. Nếu hồ sơ của bạn bị trả lại do chưa đảm bảo các yêu cầu thì bạn cần bổ sung hoàn chỉnh. Nếu vì độ tuổi thì bạn yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại.

Một số thính giả ở tỉnh Đắk Lắk: Khoảng năm 1977 – 1984 thì chúng tôi có tham gia Tiểu đoàn thanh niên xung kích trên địa bàn huyện Ea Súp cũ. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, làm cầu đường, làm kinh tế và bảo vệ vùng biên giới, xây dựng nếp sống mới. Đơn vị  chúng tôi có được xác nhận là đơn vị TNXP  để hưởng chế độ chính sách hay không?

Ông Ngô Văn Tuyến: Đây là chính sách  sau năm 75, hiện nay chế độ chính sách cho TNXP sau năm 75 đang được Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng soạn thảo để tham mưu trình Chính phủ. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ chính sách thì đơn vị của bạn phải được xác nhận phiên hiệu TNXP. Để được xác nhận phiên hiệu thì cần xác lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư 18/2014/TT- BNV ngày 25/11/2014 của Bộ Nội vụ. Nếu hồ sơ đầy đủ thì cơ quan chức năng sẽ có quyết định công nhận phiên hiệu cho đơn vị của bạn.

Btv Hoa Thanh Huyền: ông Phạm Hồng Thụ ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hỏi về xác định phiên hiệu TNXP.

Ông Phạm Hồng Thụ: Tôi và một số anh em khác ở địa phương trước đây có đi TNXP  ở biên giới phía Bắc, nay làm hồ sơ để xin hưởng chế độ nhưng mà giấy tờ gốc không còn. Người làm công tác chính sách yêu cầu phải xác định phiên hiệu đơn vị TNXP . Vậy  muốn xác định phiên hiệu đơn vị TNXP  thì phải thực hiện như thế nào?

Ông Ngô Văn Tuyến: Hiện nay chế độ chính sách của TNXP trong giai đoạn sau năm 1975 thì đang được Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng soạn thảo để tham mưu trình cho Chính phủ.  Trường hợp muốn xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP thì phải xác lập hồ sơ theo Thông tư 18/2014/TT- BNV ngày 25/11/2014 của Bộ Nội vụ. Thông tư quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục và các giấy tờ cần thiết liên quan… ông cần nghiên cứu kỹ Thông tư để xác lập hồ sơ theo các tiêu chí để đảm bảo yêu cầu.

Chị Nguyễn Thị An ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa: Xin hỏi là Tổng đội TNXP ở các địa phương có thẩm quyền xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP  không hay là từ Sở Nội vụ hoặc cơ quan nào mới có thẩm quyền về vấn đề này?

Ông Ngô Văn Tuyến: Thẩm quyền xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP ở địa phương được quy định tại Thông tư số 18/2014 của Bộ Nội vụ; theo đó đối với các đơn vị TNXP  do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, quản lý và sử dụng thì thẩm quyền thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh.

Btv Hoa Thanh Huyền: Chúng ta vừa được nghe khách mời của chương trình tư vấn về chế độ chính sách đối với TNXP  đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Còn điều gì vướng mắc khi thực hiện thì quý vị và các bạn có thể gửi yêu cầu về chương trình của chúng tôi hoặc gửi về Hội Cựu TNXP  Việt Nam. Một lần nữa  xin cảm ơn ông Ngô Văn Tuyến, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra Hội Cựu TNXP  Việt Nam đã tham gia chương trình.

Ban biên tập