Về thăm “miền đất lửa”

Đăng lúc: 23-05-2022 2:13 Chiều - Đã xem: 106 lượt xem In bài viết

Đã bao lần chúng tôi ấp ủ một chuyến đi về miền đất lửa khu 4 để thăm lại những di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của TNXP thời hoa lửa, thăm lại các Tổng đội TNXP, các Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) dọc đường Hồ Chí Minh và gặp lại các bạn bè một thời bạc màu áo TNXP đã xa nhau hàng chục năm… Biết được nguyện vọng cháy bỏng đó, Trung ương Đoàn và Ban TNXP đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện chuyến đi lịch sử này.

Tác giả dâng hương tại Khu di tíc Ngã 3 Đồng Lộc

Nhằm ngày đẹp trời giữa tháng 5, năm anh em chúng tôi gồm Nguyễn Việt Phát, nguyên Tổng chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Trung ương, Phan Văn Trung, nguyên Phó Chỉ huy trưởng LL TNXP, Nguyễn Đức Hồng, nguyên Phó Trưởng ban TNXP, Nguyễn Văn Phiên và Chu Thúc Đức, nguyên chuyên viên kỳ cựu Ban TNXP. Người ít tuổi nhất là 65, người nhiều nhất là 75. Một số đồng chí trên 80 không thể tham gia chuyến đi này.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi thăm lại là làng TNLN Sông Rộ, huyện Thanh Chương do Tổng đội TNXP 5 Nghệ An phụ trách. Khi thành lập làng đầu năm 2001 chỉ có 50 lao động trẻ đơn thân, nay đã có 150 hộ gia đình. Mỗi hộ có 1 ha chè và cây ăn quả, 2 ha rừng. Qua 20 năm xây dựng, với tổng đầu tư hơn 30 tỷ đồng, tổng thu nhập cả làng đạt 600 tỷ đồng, 100% gia đình có nhà xây kiên cố đầy đủ tiện nghi, nhiều nhà có ô tô, máy cày, máy hái chè. Nhiều hộ thu nhập gần 10 triệu đồng /tháng. Điều đặc biệt tuy là vùng sâu vùng xa, sát biên giới nhưng không có hộ nào bỏ về quê cũ, không có hộ nghèo và đã có gần hai chục cháu sinh ra từ đây nay đã vào đại học…

Làng TNLN Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện có 160 hộ với gần 600 nhân khẩu, quản lý trên 5.000 ha đất nông lâm nghiệp, trong đó có 64 ha cao su đang cho mủ, 55 ha cam bưởi với thương hiệu Phúc Trạch nổi tiếng. Đặc biệt đây là nơi duy nhất trong tổng số 32 làng TNLN trồng thành công gần 4 vạn cây gió trầm với tuổi đời từ 15-20 năm cho thu hoạch 1 tỷ đồng/hộ. Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi độ giàu có của nhiều hộ gia đình tại đây, điển hình là hộ anh Dũng, là đội viên TNXP thành lập được doanh nghiệp chuyên sản xuất cung cấp cây giống nông lâm nghiệp cho toàn tỉnh với doanh thu 15 tỷ đồng/năm…

Là người lính của thời đánh Mỹ, 50 năm trước tôi đã từng hành quân qua Khu 4, xuống “tàu há mồm”[i] từ Bến Thủy xuôi ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh cập cảng sông Gianh lên ngủ đêm cuối cùng trên đất Bắc tại làng Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình… rồi vượt đường 20 sang Lào vào Tây Nguyên đánh giặc; là người được trực tiếp chỉ đạo lực lượng TNXP tham gia xây dựng đường HCM từ đầu những năm 2000, vì thế tôi vô cùng xúc cảm và ngỡ ngàng trước sự đổi thay của đường Hồ Chí Minh hôm nay khi thấy nhà cửa dân cư ven đường ngày thêm đông đúc. Đặc biệt là các những nơi như Truông Bồn, Đồng Lộc, Tân Ấp, Đá Đẽo, Xuân Sơn, Đường 20, hang “Tám Cô”…vốn xưa chỉ là những bãi bom chi chít, xóm làng tan hoang, những nấm mộ đắp tạm, tấm bia dựng vội hiu quạnh ven đường…nay đã được xây dựng, tôn tạo thành những di tích nổi tiếng, thành “địa chỉ đỏ” thu hút hàng triệu lượt người thăm viếng.

Trong cuộc hành trình trở lại “miền đất lửa” Khu 4 anh hùng lần này, chúng tôi nhận được sự đón tiếp ân tình, nồng nhiệt của các Tỉnh đoàn, các Tổng đội TNXP Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các cựu cán bộ TNXP đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác như: Hồ Ngọc Sĩ, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội 1 Anh Sơn, Nghệ An; Trần Đắc Hòa, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Truông Bát, Tổng đội đầu tiên của Hà Tĩnh; Mai Hùng, Đinh Văn Huấn nguyên Giám đốc xí nghiệp nuôi trông thủy hải sản TNXP Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Thắng, nguyên trưởng Ban quản lý di tích Ngã ba Đồng Lộc; Nguyễn Sơn, nguyên Giám đốc đầu tiên từ năm 2001 của Làng TNLN An Mã, Quảng Bình…

Dù đã ở cái tuổi cha chú, nhưng khi giao lưu với các tỉnh Đoàn, chúng tôi đều được gọi bằng từ anh thân thiết. Những chiếc áo xanh thanh niên có lá cờ đỏ chéo trước ngực và áo xanh TNXP cứ quyện vào nhau qua những vòng ôm thân tình, trong nhịp hát, câu thơ ắp đầy sức sống của tuổi trẻ cả xưa và nay.

Mỗi vùng miền đều có những cách biểu đạt tình cảm dạt dào khác nhau, nhưng vùng đất Khu 4 kiên cường, bất khuất, anh hùng và còn nhiều gian khó này, vẫn luôn để lại trong chúng tôi, những người từng làm công tác thanh niên và TNXP thứ tình cảm đặc biệt, cháy hồng như ngọn lửa không bao giờ tắt trong tim.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là, hãy vững tin vào tuổi trẻ, bởi chính họ chứ không phải ai khác đã, đang và sẽ kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế chuyến đi này của chúng tôi đã chứng minh điều đó.

Xin đa tạ và tri ân tới miền Trung, Khu 4 anh hùng!

Một số hình ảnh khác 

Tại Ngã 3 Đồng Lộc

 

Tại Khu di tích Truông Bồn ở Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An

Dưới tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước tại Xuân Sơn, Bố Trạch, Quảng Bình

Bên đồi chè tại Làng TNLN Sông Rộ, Thanh Chương, Nghệ An

Thăm gia đình TNXP tại Làng TNLN Phúc Trạch, Hà Tĩnh

 

Việt Phát

Nguyên Trưởng ban TNXP, Tổng chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương Đoàn


[i] Các tàu đổ bộ thường thiết kế với hai cánh cửa ở mũi tàu để mở ra cho phép các phương tiện cơ giới, binh lính di chuyển ra vào “bụng tàu”. Chính vì đặc điểm thiết kế này mà các loại tàu đổ bộ thường được gọi là “tàu há mồm”.