Vẹn nguyên ký ức của các cựu thanh niên xung phong góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đăng lúc: 04-05-2022 2:00 Chiều - Đã xem: 153 lượt xem In bài viết

 Ở tuổi mười tám, đôi mươi, dấu chân của lực lượng TNXP Thanh Hóa đã in đậm trên các chiến trường, công nông trường, biên giới và hải đảo. Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30-4), ký ức thời oanh liệt của các cô, các chú mấy chục năm trước lại hiện về.

Cựu TNXP Lê Xuân Hân chia sẻ kỷ niệm với cháu nội.

        Cựu TNXP Lê Xuân Hân ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) nhớ da diết những tháng ngày làm thầy giáo dạy cho đồng đội, nhớ những bữa cơm vội, vá đường xuyên đêm để vận chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Nỗi nhớ ấy ông thường kể cho con, cho cháu như để được trút bầu tâm sự, để con, cháu hiểu và trân trọng hơn những cống hiến hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.            

Tốt nghiệp phổ thông không bao lâu, tháng 9 năm 1972, ông Hân nhận được giấy gọi nhập ngũ tại đơn vị N293 – 2932 – P 31 (Quảng Bình). Với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, những con đường lửa 22B (Quảng Trạch); ngã Ba Mũi Vích, Quốc lộ 1A, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)… đến những vùng sâu, vùng xa ngày ấy đều có dấu chân của ông và đồng đội.

        Ông Hân xúc động kể: những tháng ngày vất vả nhưng vui và ý chí quyết tâm ngút ngàn. Những trận mưa bom của giặc Mỹ cũng không làm gián đoạn việc thi công hàn gắn những con đường. Những bữa ăn vội vã, thiếu lương thực… vất vả, gian khổ là thế, nhưng tối nào tôi cũng tham gia dạy học cho đội viên. Vừa là chiến sĩ, vừa là thầy giáo nơi mưa bom bão đạn, công việc vất vả gấp đôi nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là cảm tình Đảng”.

        Theo lời ông Hân, sau 2 năm công tác, cuối năm 1974 ông được ra quân và thi đậu vào Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy (Hải Phòng). Trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau và làm Giám đốc Công ty đóng tàu Thanh Hóa (nay là Công ty công nghiệp tàu thủy Hoàng Long) ông vẫn luôn đau đáu nhớ về đồng đội. Thương xót nhất là chứng kiến cảnh đồng đội tuổi mới 18, đôi mươi hy sinh ngay trước mắt mình.  

Trở về thời bình, ông Hân đang cùng với một số đồng đội thành lập Ban liên lạc đại đội quê Triệu Sơn để mỗi năm được gặp gỡ ít nhất một lần cùng chia sẻ khó khăn, ôn lại kỷ niệm hào hùng của một thời tuổi trẻ xả thân vì đất nước.

Cựu TNXP Nguyên Thị Ban ôn lại kỷ niệm bên người bạn đời

        Với bà Nguyễn Thị Ban, Ban liên lạc đơn vị TNXP C3227 – P39 (Nông Cống) không lúc nào thôi nhớ về đồng đội, nhất là đến ngày 30-4 nghe những bài hát, giai điệu hào hùng khiến ký ức xưa lại ùa về. Bà cho biết, được phân công ở đơn vị C3227-P39 gồm có 173 cán bộ, chiến sĩ là con em của huyện Nông Cống làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, san lấp đường ở cầu Hàm Rồng, cầu Tào, ga Nghĩa Trang… trên trận tuyến của đơn vị, nhiều đồng chí bị thương, bị sức ép của bom Mỹ, trong đó có 4 đồng chí hy sinh tuổi mười tám, đôi mươi. Thương xót đồng đội bao nhiêu, lòng căm phẫn tội ác của giặc Mỹ lại càng lớn bấy nhiêu.

        Một tháng sau, đơn vị nhận lệnh chi viện cho chiến trường tỉnh Quảng Trị. 43 ngày đêm hành quân vượt qua mưa bom bão đạn, đơn vị đã vào đến vĩ tuyến 17 tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vá đường, đào núi thông tuyến cho xe qua… Những bữa ăn không thành, đêm ngủ rừng không yên, những bước đi vội vã trong đêm không ánh sáng thay nhau cáng đồng đội của mình bị thương nằm võng… nhưng tất cả vẫn hừng hực quyết tâm mở đường Trường Sơn huyền thoại.

        Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ của TNXP, bà Ban nhớ nhất là Tết dương lịch mùng 1-1-1973, một Trung đội nữ được cơ động lên Tân Định (Quảng Trị) để cứu hàng hóa bị trúng bom dữ dội của Mỹ oanh tạc làm cháy kho, cháy hàng vận chuyển, sập hầm, khói lửa mịt mù. 20 đồng chí bị mắc kẹt trong hầm, đến 22h đêm kiểm quân lần 2 vẫn còn thiếu quân số, trong đó có bà. Do Mỹ ném bom nổ chậm nên việc tìm kiếm đồng đội rất khó khăn và nguy hiểm.

        Nói đến đây giọng bà như nghẹn lại. Lấy lại tinh thần, bà kể tiếp: “Mãi đến 20h ngày hôm sau đơn vị mới tìm thấy chúng tôi trong hầm bị đất đá vùi lấp, một số đồng chí bị thương nặng đã chuyển về xã Vĩnh Chấp để sơ cứu, hồi sức rồi chuyển về bệnh viện khu vực điều trị. Đó là lần may mắn nhất, nếu không tôi và đồng đội của mình đã nằm lại chiến trường trong trận mưa bom năm ấy”.

        Cuộc trò chuyện của cô với chúng tôi mỗi lúc một sâu lắng, cảm động, nhất là nghe bà Ban kể thời khắc nhận được tin hoàn toàn giải phóng miền Nam 30-4-1975, cả đơn vị vỡ òa hạnh phúc, mọi người ôm nhau mừng mừng, tủi tủi vì chờ ngày toàn thắng đã lâu, trong đó có những giọt nước mắt thương nhớ đồng đội đã hy sinh không được chứng kiến giây phút thiêng liêng của Tổ quốc.

        Hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, bà Ban tham gia các hoạt động tại địa phương, năm 2006 bà theo chồng về sinh sống tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa và được giới thiệu tham gia cấp ủy chi bộ, làm chủ tịch Hội Cựu TNXP của phường cho đến nay.

Cựu TNXP Ban xây dựng 67 Thanh Hóa và con cháu tưởng niệm, tri ân đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh

        Dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ban Xây dựng 67 Thanh Hóa làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, cựu TNXP Nguyễn Anh Quang đơn vị N25 Ban xây dựng 67 Thanh Hóa xúc động chia sẻ những tháng ngày gian khổ mà hào hùng nơi tuyến lửa khiến nhiều đồng chí, đồng đội và đại biểu xúc động.

        Không thể kể hết những gian khổ nơi tuyến lửa nhưng hừng hực ý chí quyết tâm của cựu TNXP ngày ấy, ông Quang khẳng định: những cựu TNXP Ban xây dựng 67 Thanh Hóa đã luôn đoàn kết khắc phục mọi khó khăn trong thời chiến cũng như thời bình. Ở hoàn cảnh nào, thời điểm nào, cựu TNXP Ban xây dựng 67 Thanh Hóa vẫn luôn giữ vững, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

        Trên các tuyến đường trục ngang, đường sông, đường giao liên, đường bưu điện và đường ống xăng dầu nối từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn ngày đêm bị các loại máy bay của đế quốc Mỹ dội bom bắn phá ác liệt xuống hòng chia cắt chi viện từ miền Bắc vào niềm Nam, nhiều đồng chí, đồng đội của Ban đã hy sinh, bị thương khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Ban Xây dựng 67 vẫn một lòng quyết tâm, giữ vững ý chí, giữ huyết mạch các tuyến giao thông, các tuyến đường Trường Sơn cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc chiến tranh, Ban xây dựng 67 Thanh Hóa có 415 cán bộ, chiến sỹ/1.400 đồng chí thuộc Ban xây dựng 67 toàn quốc đã hy sinh….

Cán bộ Cựu TNXP tỉnh, các huyện, thị, thành phố bên Tượng đài TNXP chiến thắng Hàm Rồng

        Tuổi xuân gắn trọn với những cung đường đầy hiểm nguy, gian khổ, được trở về với gia đình là điều may mắn đối với ông Hân, ông Quang, bà Ban và nhiều đồng đội khác. Đối với họ, niềm tự hào, niềm vui lớn nhất là được tham gia lực lượng TNXP, để những năm tháng hòa bình lập lại các cựu TNXP càng có thêm bản lĩnh, động lực tích cực tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, làm gương và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Theo vhds.baothanhhoa.vn